Phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
TCCS - Tâm điểm của thế giới hiện nay là nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra, với hơn 5,43 tỷ liều vắc-xin được sử dụng trên 183 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến, với tốc độ tiêm chủng khoảng 39 triệu liều vắc-xin mỗi ngày thì hết quý I-2022, thế giới có thể đạt được tỷ lệ miễn dịch ở mức cao là 75% dân số thế giới được tiêm chủng. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế sẽ phục hồi như thế nào sau tác động của đại dịch COVID-19?
Xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19
Tình hình dịch bệnh và tiêm chủng vắc-xin trên thế giới
Hiện nay, bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn cung vắc-xin cùng với sự khác biệt về năng lực tài chính giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đến một thực tế là nhiều quốc gia trên thế giới khó có thể đạt được mức độ bao phủ vắc-xin bình quân của thế giới trước quý I-2022. Bên cạnh đó, những biến chủng mới của vi-rút đã và đang thách thức tiến trình tiêm chủng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, một số loại thuốc điều trị và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) tăng cao. Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang loại bỏ nhiều rào cản vốn có, bao gồm cả các bất đồng chính trị để có thể mua sắm thuận lợi. Hiện tại, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò nhà cung cấp chính thiết bị y tế này cho toàn thế giới và năng lực cung ứng đó chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày một tăng(1).
Vắc-xin là biện pháp tăng cường tự chủ trong việc phòng dịch và kiểm soát dịch bệnh. Nỗ lực tự chủ nguồn cung vắc-xin không chỉ giúp mỗi quốc gia nâng cao năng lực phòng dịch mà còn bảo đảm tính độc lập của mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế. Điều này quan trọng trong bối cảnh các cường quốc đang thực thi chiến lược ngoại giao vắc-xin kết hợp với các biện pháp nhằm nâng cao mức độ ảnh hưởng trong cạnh tranh với các cường quốc khác.
Tình hình phục hồi kinh tế của một số đối tác thương mại với Việt Nam
Trong các đối tác thương mại chính của Việt Nam, gồm Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế Đông Á, nền kinh tế Mỹ có sự phục hồi kinh tế khả quan nhất. Gói kích thích tài chính có quy mô 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden được thông qua ngày 11-3-2021 góp phần tăng thu nhập khả dụng và thúc đẩy tiêu dùng của khu vực hộ gia đình. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn khi chính quyền J. Biden tăng cường đầu tư công và Cục Dự trữ liên bang (FED) thể hiện lập trường duy trì chính sách tiền tệ thích ứng cho đến năm 2023.
Kinh tế của các quốc gia Đông Á dự kiến hồi phục trong năm 2021 với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân khoảng 7,1% năm 2021 và khoảng 5,2% vào năm 2022. Trong đó, dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 8,2% năm 2021 và 5,8% năm 2022. Động lực của sự phục hồi vững chắc dựa vào đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của chính phủ cho phát triển kết cấu hạ tầng và xuất khẩu ròng. Trong khi đó, tiêu dùng của hộ gia đình có vai trò tương đối khiêm tốn.
Do vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính phủ các nước EU buộc phải duy trì các biện pháp ngăn chặn trên diện rộng. Hệ quả tất yếu là tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ bán lẻ, dịch vụ tiếp xúc và khách sạn. Động lực cho sự phục hồi kinh tế của các nước EU là đầu tư của doanh nghiệp (trong lĩnh vực sản xuất), xuất khẩu ròng. Một số chính sách quan trọng, như chương trình làm việc ngắn hạn, hỗ trợ các doanh nghiệp đã được thực thi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ với năng lực tài chính hạn hẹp đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn khi không đủ điều kiện hoặc không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào. Chính sách tiền tệ thích ứng mạnh mẽ và các điều kiện tài chính thuận lợi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng.
Nền kinh tế Nhật Bản cũng sẽ hồi phục với tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến là 3,3%, tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ diễn ra chậm và phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu ròng. Một số biện pháp kích thích tài khóa đặc biệt có thể sẽ dần bị loại bỏ.
Kinh nghiệm xây dựng chính sách phục hồi nền kinh tế của một số quốc gia
Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy có hai cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhóm 1, đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trước khi khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhóm 2, tiếp cận theo hướng vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội vừa kiểm soát dịch bệnh.
Kinh nghiệm của nhóm các quốc gia theo đuổi kiểm soát dịch bệnh trước
Nhóm các quốc gia tiếp cận theo hướng mở cửa lại cho các hoạt động kinh tế sau khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác.
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ người dân.
Đầu năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai gói cứu trợ 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 4,7% GDP) với các biện pháp tài khóa cụ thể nhằm tăng cường chi tiêu chống dịch và kiểm soát sự lây lan của virus; sản xuất các thiết bị y tế; đẩy nhanh giải ngân bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp mở rộng cho lao động nhập cư; miễn, giảm thuế và nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội; tăng cường chi tiêu công.
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các gói kích thích và phục hồi kinh tế để đối phó với các tác động về kinh tế và xã hội của đại dịch. Ngày 7-4-2020, Chính phủ Nhật Bản phê duyệt gói giải cứu kinh tế khẩn cấp trị giá 117,1 nghìn tỷ yên (tương đương 20,9% GDP năm 2019) bên cạnh gói kích cầu kinh tế (hiệu lực từ tháng 1-2020) và hai gói ứng phó dịch bệnh (công bố vào tháng 2 và tháng 3-2020) đã triển khai trước đó.
Các gói kích thích kinh tế khổng lồ này được xây dựng dựa trên 5 mục tiêu, gồm: Xây dựng các phương án phòng, chống và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị bệnh cho hệ thống y tế; bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.
Các giải pháp chủ yếu là trợ cấp tiền mặt cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, miễn, giảm thuế và nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, mở rộng các cơ chế vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính công và tư nhân. Sau đó, chính phủ tiếp tục mở rộng các khoản trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ cho vay thông qua các tổ chức tài chính công, trợ cấp các khoản chi phí thuê cơ sở vật chất của doanh nghiệp.
Đến tháng 12-2020, Chính phủ Nhật Bản thông qua gói cứu trợ kinh tế tổng thể để bảo đảm cuộc sống và sinh kế của người dân trị giá 73,6 nghìn tỷ yên (tương đương 13,1% GDP năm 2019) với những giải pháp cải tổ về mặt cấu trúc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trung Quốc đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để gia tăng thanh khoản thông qua cơ chế thị trường mở; mở rộng các cơ chế cho vay lại hoặc tái chiết khấu khoản vay, cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế và đồ dùng thiết yếu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp; mở rộng nguồn cung tín dụng của ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ban hành các công cụ mới để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, bao gồm cả chương trình lãi suất 0 đồng (chính phủ cấp tiền cho ngân hàng để ngân hàng cho doanh nghiệp vay lại)…
Trung Quốc còn nới lỏng những quy định về điều kiện tài chính cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình và khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch và gặp khó khăn trong việc trả nợ; nới lỏng các điều kiện cho vay ràng buộc với hình thức vay trực tuyến và mở rộng hỗ trợ tín dụng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ gia đình đủ điều kiện; tạm hoãn các khoản nợ xấu và cắt giảm các điều kiện quy định nợ xấu; hỗ trợ các tổ chức tài chính phát hành trái phiếu doanh nghiệp để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn trong dân thông qua việc nới lỏng các điều kiện bảo đảm đầu tư của bên phát hành, “bơm” thêm tiền vào các chương trình bảo lãnh tín dụng, cải cách quy định về quản lý tài sản theo hướng linh hoạt hơn, nới lỏng các chính sách về nhà ở ở địa phương…
Chính phủ Nhật Bản đưa ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động số hóa và ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp tục cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp cận các gói vay ưu đãi. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ Nhật Bản cũng áp dụng các giải pháp nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường tài chính và tạo thêm cơ chế khuyến khích để các tổ chức tài chính mở rộng hoạt động cung ứng tín dụng cho những đối tượng có nhu cầu. Các giải pháp chính, bao gồm bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua việc mở rộng quy mô và thời hạn trái phiếu chính phủ, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cho vay của các tổ chức này, tạm thời tăng việc mua lại các hợp đồng thương mại và trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ Nhật Bản cũng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa với các khoản vay không lãi suất và không cần tài sản bảo đảm, giảm bớt các điều kiện ràng buộc và yêu cầu ngân hàng cho phép doanh nghiệp giãn nợ trong một số trường hợp.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ ngành dịch vụ du lịch.
Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp, như đặt lịch hẹn, chuyển tải cao điểm, hạn chế luồng đi lại và tổ chức có trật tự hơn, ban hành các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và các tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng chi tiết dành cho lĩnh vực du lịch và lữ hành. Các văn bản này không chỉ tập trung vào khách du lịch mà còn yêu cầu các cơ sở văn hóa du lịch, như điểm du lịch, khách sạn, công ty lữ hành, bảo tàng, rạp chiếu phim phải tuân thủ. Các hướng dẫn và tiêu chuẩn này được cập nhật liên tục theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Ở cấp độ quốc gia, các biện pháp chủ yếu là cắt giảm thuế và hỗ trợ tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch trên khắp đất nước vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, chính phủ cũng thực hiện ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 (hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, ăn uống, lưu trú, du lịch). Theo đó, những doanh nghiệp này được phép chuyển khoản lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm 2020 sang 8 năm tiếp theo, thay vì mức chuẩn trước đó là 5 năm(2). Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng theo đuổi chiến lược thúc đẩy du lịch nội địa.
Ở cấp độ vi mô, các giải pháp bao gồm: 1- Bảo đảm khoảng cách và tăng cường giữ gìn vệ sinh phòng, chống dịch. Các địa điểm du lịch giảm bớt sự đông đúc bằng cách giới hạn số lượng người vào cửa, ví dụ chỉ bằng 30% đến 50% so với mức trước đó; 2- Tích cực khuyến mại về giá vận tải hành khách; 3- Sử dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hướng vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi.
Chính phủ Nhật Bản phản ứng khá nhanh với các diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới với một loạt các gói chính sách nhằm bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội nói chung và thúc đẩy du lịch trong nước nói riêng. Để kích thích du lịch trong nước sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, chính phủ và các địa phương đã thực hiện một số trợ cấp du lịch. Tháng 7-2020, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch “Go To Travel” với ngân sách lên tới 1,7 nghìn tỷ Yên (khoảng 15,5 tỷ USD).
Kinh nghiệm của nhóm quốc gia tiếp cận kết hợp khôi phục nền kinh tế với kiểm soát dịch bệnh
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ người dân.
Ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Thái Lan đã thông qua gói cứu trợ kinh tế giai đoạn 1, 2 và 3 quy mô tương đương 9,6% GDP (khoảng 1,5 nghìn tỷ bath). Mục đích chi cho các vấn đề liên quan đến y tế công cộng và sức khỏe người dân; hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp thông qua các khoản vay ưu đãi và miễn, giảm thuế; giảm hóa đơn điện nước và phí bảo hiểm xã hội phải đóng; triển khai các biện pháp hỗ trợ du lịch địa phương với 22 tỷ bath trợ cấp cho khách du lịch và 100 tỷ bath trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dưới dạng các khoản vay ưu đãi. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đợt bùng dịch thứ 2 và thứ 3 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã thông qua các gói hỗ trợ bằng tiền mặt (mỗi người được nhận 3.500 bath/tháng trong thời gian 2 tháng với đợt dịch thứ 2 và 3.000 bath/tháng trong thời gian 6 tháng với đợt dịch thứ 3).
Chính phủ Thái Lan cũng phê duyệt gói cứu trợ kinh tế trị giá 500 tỷ bath để giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch và gói kích cầu kinh tế mới trị giá 140 tỷ bath với các hình thức trợ cấp tiền mặt, tiêu dùng chung (co-payment) và phiếu ưu đãi (e-voucher). Hộ gia đình cũng có thể tiếp cận các khoản vay tiêu dùng mà không bị đánh giá xấu về tín dụng hoặc bị áp mức lãi suất cao.
Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, tháng 8-2020, Quốc hội Israel đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 80 tỷ NIS (tương ứng 6,1% GDP của năm 2020), trong đó có 11 tỷ NIS được chi cho các vấn đề về y tế và sức khỏe cộng đồng; 20 tỷ chi cho việc duy trì lưới an sinh xã hội, hỗ trợ việc nới lỏng các quy định về trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp cho người lao động tự do. Các giải pháp này được gia hạn và tiếp tục áp dụng cho tới hiện tại.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính phủ Thái Lan hiện đang tập trung hỗ trợ cho ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch khách sạn để duy trì chuỗi cung ứng trong nước - vốn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nước này. Triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời các chính sách cũng bám sát các giai đoạn và diễn biến của dịch bệnh trong năm 2020, bao gồm: Các gói kích thích ngắn hạn, bao gồm hỗ trợ tài chính gián tiếp và hỗ trợ trực tiếp; các biện pháp hỗ trợ trung hạn, bao gồm các khoản vay ưu đãi, các khoản khấu trừ thuế, tiền thuê nhà và các khoản thanh toán khác…; các biện pháp dài hạn như các chương trình nâng cao năng lực, các biện pháp thị trường.
Chính phủ Israel thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 80 tỷ NIS (tương ứng 6,1% GDP của năm 2020), trong đó có 41 tỷ NIS chi cho việc hỗ trợ nới lỏng định lượng trong thị trường tài chính; 8 tỷ NIS chi cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ ngành dịch vụ du lịch.
Để ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, như Cục Du lịch Thái Lan trực thuộc Bộ Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và Bộ Tài chính để đề ra các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Thái Lan, cụ thể:
Một là, ban hành chỉ thị y tế, trong đó đặc biệt ưu tiên đến vấn đề bảo đảm sức khỏe và an toàn của khách du lịch và người dân địa phương. Các doanh nghiệp du lịch tư nhân được yêu cầu thực hiện chỉ thị y tế, bao gồm ngưng hoạt động lữ hành để thực hiện giãn cách xã hội và các chính sách giới nghiêm kể từ tháng 4- 2020.
Hai là, ưu đãi thuế và thực hiện các chương trình cho vay. Đối với các doanh nghiệp hàng không, Bộ Tài chính Thái Lan áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhiên liệu máy bay. Đối với các doanh nghiệp du lịch và lữ hành, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ thông qua ưu đãi thuế và chương trình cho vay trị giá 4,8 tỷ USD. Ngân hàng Thái Lan cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khoản vay trị giá 15,9 tỷ USD, trong đó có 317,5 triệu USD cho các doanh nghiệp liên quan đến du lịch. Chính phủ Thái Lan cũng dành khoảng 12,7 tỷ USD cho các dự án phục hồi kinh tế và xã hội, bao gồm các dự án có liên quan đến ngành công nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng và phục hồi các điểm đến du lịch, tăng cường an ninh và y tế cho các khách du lịch, dịch vụ công nghệ cao, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.
Ba là, áp dụng các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ lao động thất nghiệp, bao gồm lao động trong ngành hàng không, du lịch.
Chính phủ Mỹ áp dụng gói hỗ trợ khẩn cấp để phát triển du lịch nội địa, dựa trên thực tế một số bang, như New York, Washington có một lượng du khách “nội địa” hùng hậu. Do tự chủ về nguồn vắc-xin, Mỹ có ưu thế so với các nước khác trong việc hồi phục nền kinh tế nhờ tiêm chủng đại trà. Hộ chiếu vắc-xin hiện vẫn là biện pháp “khả thi” nhất đối với các cơ quan chức năng ở New York khi đón hàng triệu lượt du khách đến từ phía bên kia hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhờ vào chiến dịch tiêm chủng đại trà, thành phố New York đã nhanh chóng phục hồi được lòng tin của khách du lịch, doanh nhân.
Bài học cho xây dựng chính sách phục hồi kinh tế cho Việt Nam
Thứ nhất, tiêm chủng vắc-xin là biện pháp quan trọng.
Dù tiếp cận theo cách nào - “đóng cửa” nền kinh tế kiểm soát dịch bệnh trước, hay song song thúc đẩy các hoạt động kinh tế kết hợp với kiểm soát dịch bệnh, thì tăng tỷ lệ người dân được tiêm chủng vắc-xin cũng vẫn là điều kiện cần của quá trình phục hồi nền kinh tế. Gia tăng nguồn cung vắc-xin giúp các quốc gia có cơ hội lớn hơn trong việc tiêm chủng cho người dân.
Tùy theo quy mô dân số của nền kinh tế, ngưỡng 75% đến 85% dân số được tiêm phòng vắc-xin (2 mũi) là điều kiện để kiểm soát dịch bệnh và/hoặc chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn phát triển kinh tế trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh. Thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị bệnh trong nước là điều kiện (đủ) để bảo đảm cho việc kiểm soát hay thích ứng trước sự phát triển của dịch bệnh.
Thứ hai, gia tăng các đối tác thương mại kết hợp với đơn giản hóa các thủ tục là điều kiện thúc đẩy thương mại.
Đại dịch COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhiều biện pháp phi thuế, cản trợ sự thuận lợi của thương mại. Trong đại dịch, thương mại của một quốc gia sẽ chịu tác động tiêu cực lớn khi nền kinh tế đó phụ thuộc/có mối quan hệ thương mại chỉ với số ít đối tác chính.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, như mạng thông tin, hệ thống cảm biến, sinh trắc học… giúp các quốc gia cắt giảm các chi phí, thủ tục liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như thúc đẩy đi lại qua biên giới. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ, truy xuất nguồn gốc của hàng hóa là cơ sở hạn chế việc áp dụng các biện pháp phi thuế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh dịch bệnh là yêu cầu cấp thiết để góp phần tạo thuận lợi thương mại.
Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, nền kinh tế không chạm.
Để phát triển kinh tế số, cần kết hợp thực thi các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số và triển khai các chính sách thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/cá nhân tham gia xây dựng nội dung số, đặc biệt trong bối cảnh việc xây dựng nội dung số cũng chịu tác động tiêu cực từ quy định giãn cách vì phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng.
Thứ tư, triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc dịch bệnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại là nhóm tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới thường thiết kế chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp này, tập trung vào:
- Kết hợp giữa giảm bớt tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trên diện rộng và thúc đẩy cấu trúc lại các doanh nghiệp, với các biện pháp cụ thể, gồm: Hỗ trợ nguồn lực nhằm khôi phục vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp gặp khó khăn, khuyến khích các giải pháp cấu trúc lại nợ, nâng cao hiệu quả của các thủ tục thanh lý, phá sản (nhằm phân bổ lại nguồn lực hiệu quả từ các doanh nghiệp kém hiệu quả sang các doanh nghiệp hiệu quả hơn).
- Đối tượng thụ hưởng chính sách phải được xác định cụ thể, thường là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
- Thông tin chính sách cần minh bạch và kịp thời để doanh nghiệp sớm tiếp cận.
- Nội dung chính sách hướng đến là thúc đẩy sự phổ biến công nghệ và kiến thức, bảo đảm rằng lợi ích của chuyển đổi kỹ thuật số được chia sẻ giữa các doanh nghiệp và người lao động. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tạo một môi trường kinh doanh năng động. Hỗ trợ người lao động, nhất là nhóm yếu thế, chuyển đổi sang công việc, việc làm mới./.
-----------------
Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ: “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Phục hồi và chuyển đổi”, chủ nhiệm đề tài: PGS, TS. Bùi Quang Tuấn.
1 Mezzadri A., Ruqanpura K: How Asia's clothing factories switched to making PPE-but sweatshop problems live on. https://theconversation.com/how-asias-clothing-factories-switched-to-making-ppe-but-sweatshop-problems-live-on-141396. Truy cập ngày 29-6-2020
2 PWC: Striking back against the outbreak of Covid-19: a series of fiscal and taxation policies to preven and control the epidemic were released, truy cập tại: https://www.pwccn.com/en/china-tax-news/2020q1/chinatax-news-feb2020-6.pdf. Truy cập ngày 29-6-2020
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính: Tổ chức giao thông, vận tải thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ theo từng địa phương  (09/10/2021)
Báo chí Thủ đô trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19  (09/10/2021)
Nỗ lực vượt khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội  (08/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam  (08/10/2021)
Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người lái xe taxi  (05/10/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam