Bắc Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, tuy nằm sát Thủ đô Hà Nội, nhưng Bắc Giang vẫn là một tỉnh thuần nông, nên tăng trưởng kinh tế nhiều năm nay rất chậm. Trước thực tế đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (năm 2001) và lần thứ XVI (năm 2006) đã đề ra các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở chủ động và tích cực tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Hiện nay, kinh tế Bắc Giang đã bắt đầu có nhiều khởi sắc.
Tỉnh Bắc Giang được tái lập từ ngày 1-1-1997 với 10 đơn vị hành chính gồm 9 huyện và 1 thành phố (trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao Sơn Động). Tỉnh lỵ Bắc Giang cách Thủ đô khoảng 50 km theo quốc lộ 1A về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông; gồm tiểu vùng miền núi, trung du xen kẽ đồng bằng; khí hậu phân biệt 4 mùa rõ rệt. Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng.
Nhưng đã nhiều năm nay, Bắc Giang vẫn ở tình trạng thuần nông nên thu nhập của người dân tăng chậm, gặp lúc thời tiết không thuận lợi hàng ngàn hộ có nguy cơ tái nghèo. GDP bình quân đầu người của tỉnh mới chỉ đạt trên 300 USD so với mức 640 USD của cả nước trong năm 2005; năm 2006 con số này cũng chỉ trên 50% mức bình quân chung của cả nước. Về cơ bản tỉnh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thuần nông (dự kiến tỷ trọng nông nghiệp năm 2006 chiếm 40%). Số hộ nghèo giảm còn khoảng 9,4 vạn hộ nhưng số hộ cận nghèo vẫn còn khá cao. Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang hiện chưa cao và không bền vững. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp thấp. Năm 2005, tỉnh mới có 800 doanh nghiệp (bình quân 2.000 người dân mới có 1 doanh nghiệp). Công nghiệp chưa phát triển nhanh, mạnh và chưa gắn giữa sản xuất công nghiệp với nông nghiệp. Các làng nghề còn ít và hoạt động manh mún, thu hút đầu tư nước ngoài vào chưa nhiều. Giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người nhỏ bé (khoảng 39 USD/người so với mức cả nước là hơn 300 USD/người).
Đứng trước thực tế đó, các cấp các ngành trong tỉnh đã tập trung trí tuệ phân tích kỹ những yếu kém, thời cơ và thách thức, nhất là những yếu tố thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh khác, tập trung sức lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn đầu tư bên ngoài vào phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ 15 (năm 2001) và lần thứ 16 (năm 2006) đã xác định, muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bắc Giang cần chủ động và tích cực tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời đề ra các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm.
Thực hiện đường lối của Đảng, trên tinh thần quyết tâm, nỗ lực và có sự nhất trí cao của các ngành, các cấp, Bắc Giang đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đến năm 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt được 9,4% (cao nhất trong 5 năm từ 2001-2005). Cơ cấu kinh tế liên tục chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 49,9% năm 2000 xuống còn 43,5% năm 2005; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 14,7% lên 22%; dịch vụ chiếm 34,5% trong thời kỳ tương ứng.
Trong công nghiệp, với quan điểm nội lực là yếu tố rất quan trọng, song trong điều kiện thu ngân sách của tỉnh không nhiều (khoảng 600 tỉ đồng/năm), đầu tư từ trung ương còn hạn chế, bởi vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 10% phải huy động được các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển, nhất là công nghiệp và các ngành có giá trị gia tăng cao, mới tạo ra bước đột phá kinh tế. Vì vậy, tập trung cao độ cho việc cải thiện môi trường đầu tư là một hướng đi đúng đắn. Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lập quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và chỉ đạo tập trung công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các khu công nghiệp (như Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu, Đình Trám, nhà máy nhiệt điện Sơn Động...). Ngoài ra, để khuyến khích nhân dân phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp vừa nhằm mục đích tăng thêm các nguồn thu cải thiện đời sống, vừa kết hợp đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động dồi dào trong các xã, bản, tỉnh còn có các chính sách khuyến công, xây dựng quỹ khuyến công (với số tiền 3 tỉ đồng/năm), có chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ dạy nghề cho những người đang độ tuổi lao động ở địa bàn có đất bị thu hồi để xây dựng khu, cụm công nghiệp, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn đầu tư phát triển...
Nhờ đó giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng liên tục và đạt tốc độ phát triển bình quân 33%/năm (theo giá thực tế) trong thời kỳ 2001-2005. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang ước đạt 1.723 tỉ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2005. Hiện nay, Bắc Giang có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: sản phẩm may mặc, bia, giấy bìa các loại, xi măng, điện thương phẩm... Bắc Giang hiện cũng có 83 dự án đã được cấp phép đầu tư trong giai đoạn 2001-2005, đang tiếp tục đi vào hoạt động trong giai đoạn 2006-2010, với tổng số vốn đăng ký 7.228,5 tỉ đồng. Dự kiến thời gian tới tỉnh sẽ phát triển một số cụm công nghiệp mới ở các huyện với tổng diện tích 100 ha, đặc biệt chú ý thu hút các nhà đầu tư tới các khu, cụm công nghiệp dọc tuyến quốc lộ 1A. Cũng nhờ có chính sách đúng đắn trong việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nên hàng ngàn lao động đã được thu hút vào làm việc tại doanh nghiệp thuộc các khu, cụm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong tỉnh phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đây chính là quan điểm đã được tỉnh xác định rất rõ: phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải gắn với việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và phục vụ nông nghiệp phát triển. Có như vậy mới bảo đảm sự ổn định xã hội. Một khi phát triển công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, thì người lao động tại địa phương sẽ được hưởng lợi tốt nhất, đồng thời hậu thuẫn cho công nghiệp phát triển.
Trong nông nghiệp, xác định là một tỉnh đông dân, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn chiếm tới 76,58% tổng số lao động toàn tỉnh, đất đai lại hạn chế, vốn đầu tư ít nên các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định Bắc Giang phải đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp để giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm sự ổn định, vững chắc, an ninh nông thôn, từ đó mới có điều kiện phát triển. Do vậy, trong nông nghiệp, tỉnh chủ trương phải phát huy nội lực là chính, đồng thời định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn để bảo đảm sản phẩm làm ra của bà con nông dân không bị mau hỏng khi chưa có điều kiện tiêu thụ ngay, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của nông sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ trong và ngoài nước. Tỉnh đã đề ra chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác mọi lợi thế sẵn có, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Để làm được điều này lãnh đạo tỉnh đã nhất trí và có nhiều chính sách giúp đỡ bà con nông dân cả về vốn lẫn tổ chức. Trong 2, 3 năm gần đây, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ về sản xuất hàng hóa, tỉnh đã quyết định để lại cho các huyện phần vượt chỉ tiêu thu ngân sách để đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp. Nhờ có các mô hình làm thí điểm thành công mà khắc phục dần tư tưởng ngần ngại, sợ rủi ro của người nông dân trong việc tiếp thu giống mới và công nghệ mới và phát triển sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh cũng vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách để bố trí hệ thống khuyến nông đến tận cơ sở. Đến nay, mỗi xã của Bắc Giang đều có 2 cán bộ khuyến nông (hầu hết có trình độ đại học) hưởng lương theo ngân sách của tỉnh; có hệ thống thú y hoàn chỉnh để giúp bà con đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, sử dụng các loại giống mới, áp dụng các biện pháp sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tỉnh còn đầu tư xây dựng 4 hồ đập lớn, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có để nâng cao năng lực tưới cho nông nghiệp và đời sống dân sinh, hỗ trợ cho các dự án sản xuất (như trồng nấm, bông, chuyển giao kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản...).
Trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh xác định và có chính sách cụ thể hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân tập trung phát triển chủ yếu vào 4 loại cây, 3 loại con như sau:
- Lúa vẫn được coi là cây quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, đã có sự chuyển dịch cơ cấu mùa vụ trong trồng lúa theo hướng tăng trà xuân muộn trong sản xuất vụ chiêm xuân và tăng trà mùa sớm trong sản xuất vụ mùa vừa nhằm tránh được các đợt rét đậm, rét hại, vừa tạo ra năng suất cao, đồng thời mở rộng diện tích trồng vụ đông, tăng hệ số sử dụng đất. Cơ cấu giống có sự thay đổi theo hướng tăng cường đưa giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Vì vậy, năng suất lúa mấy năm qua đã tăng bình quân 4,6%/năm, sản lượng tăng 9,1%/năm, sản lượng lương thực bình quân đầu người của Bắc Giang đạt 381,6 kg/người/năm, tăng 19% so với năm 2000, góp phần nâng cao mức sống nông dân, xóa đói giảm nghèo và ổn định lương thực trên địa bàn. Khi an ninh lương thực đã được bảo đảm, Đảng bộ ở một số huyện còn hướng dẫn bà con trồng lúa hàng hóa, chuyển đổi sang trồng các giống lúa thơm (hiện nay đã có khoảng 40.000 ha) để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
- Lạc, đậu tương là những loại cây công nghiệp ngắn ngày được phát triển với tốc độ nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng nhờ việc chọn giống phù hợp với đất đai, cho năng suất cao hoặc kéo dài mùa vụ. Nếu năng suất lạc trước đây là 13-14 tạ/ha, thì nay đạt 17,1 tạ/ha, đậu tương đạt 13,9 tạ/ha. Năm 2006, diện tích trồng lạc của Bắc Giang ước đạt 9.763 ha, đậu tương ước đạt 3.255 ha. Lạc và đậu tương của Bắc Giang được bán đi nhiều tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Nông dân đã sáng tạo trong việc cơ cấu vụ lạc đông để sản xuất lạc giống cung cấp cho các địa phương khác, nhờ đó giá trị kinh tế của mỗi kg lạc cũng tăng lên đáng kể.
- Bắc Giang có nhiều vùng có thể trồng được cây ăn quả rất đa dạng, phong phú như vải thiều, cam, chanh, na, hồng, dứa, bưởi. Đây lại là loại cây đem lại giá trị kinh tế cao, do đó được khuyến khích phát triển. Năm 2006, tổng diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh ước đạt 50.778 ha (trong đó vải thiều 40.010 ha). Các huyện điển hình phát triển trồng cây ăn quả là Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế... Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang đã trở nên nổi tiếng trong nước và ngoài nước.
- Cây rau màu thực phẩm rất được chú ý phát triển bởi sản phẩm có thể cung cấp được cho các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên và chế biến xuất khẩu. Nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung sản xuất bao gồm ngô bao tử, ớt ngọt, cà chua bi, dưa chuột bao tử, khoai tây, su hào, bắp cải... Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng rau các loại ước đạt 18.866 ha, đậu các loại ước đạt 2.410 ha.
Cùng với những chuyển dịch trong cơ cấu trồng trọt, Bắc Giang rất chú trọng đến phát triển, chuyển dịch trong chăn nuôi để tận dụng được "đầu ra" khá thuận lợi, phát huy những lợi thế sẵn có, đồng thời gắn kết lẫn nhau giữa chăn nuôi và trồng trọt, tạo nên thế đứng vững vàng về kinh tế cho các hộ gia đình. Chăn nuôi của Bắc Giang hiện đang chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh cao. Số hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ giảm mạnh, trong khi số hộ chăn nuôi lớn, theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp ngày càng mở rộng. Cơ cấu đàn gia súc thay đổi với việc tăng tỷ trọng gia súc nuôi lấy thịt, giảm gia súc phục vụ cày kéo. Đàn lợn cũng tăng tỷ trọng lợn siêu nạc, lợn lai F1. Hiện đàn bò của tỉnh có 140.988 con (tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2005), trong đó bò lai sind chiếm gần 30%; đàn lợn có 1.034.732 con (tăng 11,5% so với cùng kỳ); đàn gia cầm đạt trên 10.000.000 con. Đặc biệt những năm gần đây Bắc Giang phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Diện tích nuôi thả cá của tỉnh ước đạt 10.198 ha, sản lượng cá thịt ước đạt 15.700 tấn. Bắc Giang đã thực hiện chuyển đổi được trên 3.000 ha diện tích đồng trũng, một vụ, cấy lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản và có những mô hình nuôi các loại thủy - đặc sản như ba ba, ếch Thái Lan, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính, cá chép lai... đem lại giá trị kinh tế cao.
Nhờ đẩy mạnh phát triển hàng hóa mà nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới đã ra đời, nhất là kinh tế trang trại hộ gia đình. Bắc Giang hiện đã có 1.769 trang trại được cấp giấy phép, 20.808 mô hình kinh tế trang trại vườn đồi có diện tích từ 0,5 ha trở lên, khoảng 5.000 ha diện tích đất có giá trị thu hoạch trên 50 triệu đồng, 7.800 hộ gia đình đạt tiêu chí thu nhập 50 - 100 triệu đồng/năm, trong khi vẫn thực hiện khoảng 130.000 ha đất đã có rừng, chuyển đổi rừng theo hướng tăng diện tích rừng kinh tế, làm tốt các hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
Thương mại, du lịch đã có nhiều đổi thay. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều đã được cổ phần hóa. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Nhờ vậy, trong số gần 40 mặt hàng của Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Ba Lan, Hà Lan, Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Mỹ... có một số mặt hàng đạt kết quả khá như sản phẩm dệt may, gạo, rau quả. Ngoài các mặt hàng truyền thống, Bắc Giang còn xuất khẩu được thêm những mặt hàng mới như vải thiều đông lạnh, dứa đông lạnh sang Hà Lan, giấy bao gói sang Mỹ... Xuất khẩu năm 2006 của tỉnh đạt khoảng 80 triệu USD, bằng 114% so với kế hoạch đề ra, tăng 26,6% so với năm trước.
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là vấn đề được các cấp chính quyền rất quan tâm. Chủ trương chung là phát triển công nghiệp và thu hút lực lượng lao động địa phương vào làm việc trong các doanh nghiệp của khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh đã có chính sách khuyến khích để các khu công nghiệp phải sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ trong đào tạo nghề. Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng là một hướng đi đang được tỉnh khuyến khích. Bắc Giang hiện có trên 16.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài và phấn đấu mỗi năm đưa thêm được 3.000 người đi lao động. Sau một thời gian lao động ở nước ngoài, số người này sẽ vừa có tay nghề, vừa có vốn để chuyển sang các nghề mới, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Có thể khẳng định những điều đạt được trong những năm qua là kết quả từ sự đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành xung quanh Đảng bộ tỉnh, quyết tâm tìm tòi những hướng đi thích hợp trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể nhân dân Bắc Giang.
Đại hội Đảng bộ lần thứ 16 cũng đề ra những mục tiêu trong giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2020 là "phấn đấu vượt các chỉ tiêu được xác định trong Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đối với những vùng trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2010, đến năm 2020 đạt xấp xỉ mức thu nhập đầu người bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Đạt được mục tiêu đó là một quá trình phấn đấu không ngừng của Bắc Giang, với những nỗ lực trên nhiều mặt; đồng thời cũng không thể thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương đối với những công trình kết cấu hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn (như việc xây dựng làn đường 2 cho quốc lộ 1A mới....); có chính sách ưu đãi riêng cho các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh mong Nhà nước sớm nâng mức hỗ trợ đầu tư hằng năm cho tỉnh theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh thuộc diện miền núi như Bắc Giang.
* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang
Kiên Giang: thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng gắn với mục tiêu phát triển của địa phương  (10/04/2007)
Mấy đặc điểm mới của cuộc chạy đua vũ trang  (10/04/2007)
Những thách thức đối với tăng trưởng kinh châu Á  (10/04/2007)
Liên minh châu Âu - chặng đường 50 năm phát triển  (09/04/2007)
Dân chủ hóa - một trong những thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới  (09/04/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển