Tỉnh Lai Châu đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới
TCCS - Những năm qua, việc đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu đạt được nhiều thành tựu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của quốc gia, có diện tích tự nhiên 9.068,8 km2, dân số trên 460 nghìn người, với 8 đơn vị hành chính (7 huyện, 1 thành phố). Tỉnh có đường biên giới dài 265,165 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, với 101 mốc giới (từ mốc 16 đến mốc 85), 1 cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Khu vực biên giới của tỉnh trải rộng trên địa bàn 4 huyện (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Nậm Nhùn), với 23 xã, 232 bản và 10 dân tộc thiểu số cùng sinh sống (16.010 hộ/81,164 khẩu). Đây là khu vực vùng sâu, vùng xa, giao thông, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như trình độ dân trí còn thấp; là địa bàn mà các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách đẩy mạnh hoạt động lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia chống phá Đảng và Nhà nước ta; hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật và các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Từ những chủ trương, chính sách và chỉ đạo đúng đắn...
Trước thực trạng nêu trên, nhận thức rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về biên giới quốc gia, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng biên giới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành các chủ trương, chính sách để xây dựng, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, như Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 16-7-2007, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các xã biên giới đến năm 2015”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-9-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình hành động số 25-CTr/TU, ngày 29-1-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND, ngày 14-10-2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng các quyết định để tổ chức triển khai thực hiện. Trong nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh các giai đoạn, các đề án, chính sách và kế hoạch hằng năm của tỉnh đều xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới là nội dung quan trọng, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Thực hiện các nhiệm vụ đã xác định trong từng giai đoạn, tỉnh đã chỉ đạo huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, như các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp; các chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với nguồn vốn tái định cư Thủy điện Lai Châu; quy hoạch, sắp xếp, bố trí các điểm dân cư trên khu vực biên giới; các dự án, đề án di dân, tái định cư ra biên giới, tạo điều kiện để nhân dân định cư ổn định trên địa bàn; Đề án sắp xếp dân cư các xã Tà Tổng và Mù Cả (tổng số hộ được bố trí, sắp xếp là 2.169 hộ, trong đó tập trung 897 hộ, xen ghép 132 hộ, ổn định tại chỗ 1.040 hộ; tổng kinh phí hỗ trợ là 683.909 triệu đồng); đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội (điện, đường, trường, trạm và khu kinh tế cửa khẩu, các tuyến đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới, kè sông suối, mốc giới,...). Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng bộ đội biên phòng trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thôn, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan,...
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu một số đảng viên của các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt ở chi bộ các thôn, bản(1). Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự và bộ đội biên phòng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, của Chính phủ, “Về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”, theo đó, chỉ đạo xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp trao đổi thông tin, tăng cường công tác nắm tình hình, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách và thống nhất phương án xử lý các tình huống trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên trái phép, vi phạm quy chế về khu vực biên giới,...
Tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân; quản lý, bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; trong đó đặc biệt chú trọng chỉ đạo xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương, không ngừng củng cố lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh.
Tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới, nhất là về phòng, chống các hoạt động phạm tội xuyên quốc gia tại các xã, bản giáp đường biên giới bằng nhiều hình thức, như xuất bản ấn phẩm tuyên truyền, tổ chức hội nghị tuyên truyền(2); qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về đường biên giới, mốc giới. Chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm các hiệp định về quy chế quản lý biên giới, về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên địa bàn(3). Đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các thôn, bản, giao 63 tập thể, 460 cá nhân tham gia tự quản 161,812 km đường biên, 66 mốc quốc giới, 2 công trình. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm tình hình nội, ngoại biên, chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”, di dịch cư tự do, buôn lậu, mua bán người,...
Các hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được tỉnh chỉ đạo duy trì, mở rộng. Theo đó, thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, mở rộng các nội dung hợp tác; đưa các cơ chế hợp tác đã có đi vào chiều sâu; thiết lập cơ chế hợp tác thông qua nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, xã biên giới của hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam, giữa các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu với lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Vân Nam. Đặc biệt, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trên thực địa vào năm 2009. Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các huyện biên giới của hai bên được duy trì thông qua cơ chế giao ban thường niên giữa 4 huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với các huyện Kim Bình, Lục Xuân, Giang Thành của tỉnh Vân Nam. Qua đó, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
... đến những thành quả đạt được
Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với sự đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu đã từng bước được cải thiện, đồng bào yên tâm định canh, định cư, lao động sản xuất, có ý thức vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên trì bám trụ trên biên giới, tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Kinh tế ở khu vực biên giới từng bước phát triển, sản xuất nông nghiệp có chuyển biến, các mô hình sản xuất mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 39.684 tấn, tăng hơn 2.300 tấn so với năm 2016; sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 474 kg/người/năm; một số cây trồng chính phù hợp với đặc điểm từng vùng được mở rộng và phát triển, như cây chuối có diện tích 2.894 ha, tăng trên 350 ha so với năm 2016, cây thảo quả có diện tích 3.175 ha, tăng 250 ha so với năm 2016, cây dược liệu có diện tích 712,6 ha,... Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định, hằng năm đạt trên 5%, bước đầu phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ và làm chuồng trại với 4 mô hình tại các xã Pa Ủ, Tá Pạ, Pa Vệ Sủ của huyện Mường Tè; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 59,5%, tăng 1,5% so với năm 2016. Tình hình thương mại, dịch vụ các xã biên giới tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả phù hợp; các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất được bảo đảm; hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu ngày càng sôi động, giá trị xuất khẩu hàng địa phương năm 2018 đạt 20 triệu USD, tăng gần 14 triệu USD so với năm 2016;...
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng nên đã có nhiều đổi thay. Đến nay, 100% số xã biên giới có đường ô-tô đến trung tâm xã và được cứng hóa; 89,4% số bản có đường xe máy hoặc ô-tô đi lại thuận lợi, tăng 20,4% so với năm 2016; 92% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 4,9% so với năm 2016; 86,5% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng 12,6% so với năm 2016; có 10 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 7 trường so với năm 2016; 47,8% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tăng 17,04% so với năm 2016; 37% số bản có nhà văn hóa, tăng 3% so với năm 2016; 100% số xã biên giới được phủ sóng viễn thông; 22/23 xã biên giới có trụ sở xã được đầu tư xây dựng kiên cố, tăng 2 xã so với năm 2016;... Ngoài ra, trên địa bàn các xã biên giới, tỉnh còn thu hút và cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án thủy điện với công suất thiết kế 654 MW, hiện đang triển khai thực hiện đầu tư; nhiều công trình khác cũng đang được nghiên cứu đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt. Duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở 23 xã biên giới; 23/23 xã giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; cơ sở vật chất, trang, thiết bị và nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân ở khu vực biên giới; 14/23 trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tại trạm, tăng 3 trạm so với năm 2016; 23/23 trạm y tế có y sĩ, 17/23 trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 214/229 thôn, bản có nhân viên y tế, cô đỡ hoạt động... Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2018 giảm xuống còn 40,9%, giảm 7% so với năm 2016. Tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn biên giới cơ bản ổn định.
Hệ thống chính trị ở các địa phương khu vực biên giới được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Năm 2018, 85,9% số tổ chức chính quyền cơ sở đạt khá và tốt, tăng 3,3% so với năm 2016; 95,7% số tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đạt vững mạnh; 100% số thôn, bản tại các xã biên giới có đảng viên; 72% số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ học vấn trung học phổ thông, 89% có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; 71,3% số cán bộ cấp xã có trình độ lý luận trung cấp trở lên;...
Tình hình trên tuyến biên giới của tỉnh luôn ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Triển khai tốt công tác đối ngoại biên phòng theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các huyện, các xã, các lực lượng biên phòng, cụm dân cư hai bên biên giới được tăng cường.
Thách thức và giải pháp trong thời gian tới
Trong những năm tới, tình hình thế giới, trong nước và khu vực biên giới, trong đó có tỉnh Lai Châu sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục đặt ra những vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể, hiệu quả hơn nữa. Mặt khác, cho đến nay, Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo nhất của cả nước, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương, do đó nguồn lực đầu tư cho các xã biên giới còn hạn chế.
Với đặc thù địa bàn vùng biên giới rộng, giao thông, đi lại còn nhiều trở ngại, đường biên giới dài nên việc kiểm tra, kiểm soát ở khu vực biên giới của tỉnh lại càng khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ở khu vực biên giới mặc dù đã được cải thiện song vẫn thấp hơn nhiều so với các vùng khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”; các hoạt động vi phạm quy chế về khu vực biên giới, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Do đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của tỉnh đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp và sức mạnh của thế trận biên phòng toàn dân, đặc biệt là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, thách thức, xây dựng khu vực biên giới của tỉnh ngày càng giàu mạnh, đi vào chiều sâu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh phù hợp với đặc thù khu vực biên giới của tỉnh. Chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, tạo những chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là ở các khu vực rừng đầu nguồn, hướng tới mục tiêu người dân sống được bằng nghề rừng. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp bố trí, sắp xếp ổn định dân cư gắn với các vùng chuyên canh sản xuất, khu định canh, định cư cho nhân dân tại chỗ và người dân từ nơi khác chuyển đến, đồng thời gắn với phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực biên giới.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội để thoát nghèo bền vững. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, chính sách để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, như nâng cấp và mở mới các tuyến đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ xã biên giới. Phát triển điện lưới quốc gia; kiên cố hóa trường học, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng mới, nâng cấp và đầu tư thiết bị các trạm y tế xã,...
Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm ở khu vực vùng biên giới; chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, trong cuộc vận động hướng về biên giới.
Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Tăng cường công tác đối ngoại đảng, nhà nước, đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
--------------------------
* (1) Tiếp tục duy trì 22 cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, giữ các cương vị tham mưu, chủ chốt, trong đó có 2 đồng chí giữ chức bí thư, 12 đồng chí giữ chức phó bí thư thường trực,...; giới thiệu 75 đảng viên là cán bộ ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản
(2) Tính đến nay, đã xuất bản 11.957 ấn phẩm tuyên truyền và tổ chức 77 hội nghị tuyên truyền với 5.122 lượt người tham gia
(3) Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức tuần tra biên giới được 138 lần, với 796 lượt người tham gia, trong đó có 278 lượt dân quân tham gia
Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam  (08/03/2020)
Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới  (20/02/2020)
Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - Bài học kinh nghiệm của Lào Cai  (17/02/2020)
Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh  (29/12/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển