Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng và quyết tâm chính trị kiên định, kiên trì, kiên quyết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta
Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng luôn là đại sự sinh tử, thành bại
Vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên hoàn cầu, tự cổ chí kim.
Sử sách chép rằng, ở thành cổ đại Athen, khoảng 2500 năm về trước, nếu bất kỳ chính khách nào phạm vào một trong hai tội sau đây thì sẽ bị đuổi khỏi thành 10 năm; và cố nhiên, trong 10 năm đó, kẻ ấy không được tham gia chính sự. Đó là hai tội tham nhũng và tội hủ hóa nam nữ. Điều đó cho thấy, phẩm hạnh một nhà chính trị, ngay từ thời cổ đại, rất được coi trọng; nó quyết định danh dự, uy tín của những chính trị gia và uy tín, sức mạnh của chế độ. Và, vì thế, đã đặt vấn đề chống tham nhũng quan trọng đến nhường nào, trong các đại sự chính trị.
Nhìn sang phía Đông, vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, được xem trọng đặc biệt. Từ Trung Quốc, Ấn Độ tới Nhật Bản, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... không quốc gia nào dám khinh suất trọng sự chết người này.
Với chúng ta, việc nước nhà thịnh vượng hay suy vong, dân tộc hùng cường hay bạc nhược... luôn là nỗi bận tâm lớn nhất trong các việc chính sự của muôn triều đại, sự liêm sỉ của ức triệu lòng dân xã tắc. Bảy trăm năm trước, bàn về việc chọn tướng, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói: Lấy của mà thử xem có giữ được sự trong sạch không. Ngay từ thế kỷ XV, nhà vua Lê Thánh Tông, một ông vua rất sáng suốt và tạo nên sự thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã có một câu nói, đúng hơn đó là lời cảnh báo xương máu, ngay giữa buổi thịnh trị, rằng: Nếu có cái gì đó làm cho triều đình đổ vỡ, làm cho muôn dân bại hoại, thì đó chính là nạn quan tham lại nhũng. Năm, sáu thế kỷ qua, điều đó, tôi nghĩ, không bao giờ cũ.
Bỗng nhớ đến “ngũ họa” quốc vong mà tiền nhân tổng kết, cảnh báo khuyên răn có 5 nguy cơ làm mất nước: Một là, trẻ không kính già; hai là, trò không trọng thày; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; năm là, sĩ phu ngoảnh mặt. Lời tiên báo ấy của bảng nhãn Lê Quý Đôn, cách nay hơn 250 năm. Chỉ phạm vào một trong năm điều họa ấy thôi cũng đủ quốc sỉ bị tổn thương, liêm sỉ khó mà giữ trọn. Năm họa ấy hội lại, thì quốc sỉ mất, liêm sỉ cũng tan, thì đất nước tiêu vong, mà thân phận mỗi người tự do, cũng theo đó, mà mất!
Vì thế, từ kinh nghiệm lịch sử có thể nói, phòng, chống tham nhũng là quyết sách chiến lược mang ý nghĩa sinh tử, mất còn của thể chế, của quốc gia - dân tộc chúng ta! Đặc biệt vấn đề này càng trở nên cấp bách trong bảy chục năm qua, kể từ khi Đảng ta cầm quyền, nhất là cực kỳ sinh tử nóng bỏng trong ba chục năm nay.
Tiếp nối Quốc lệnh 1946
Ngày 26-1-1946, trong tờ Quốc lệnh, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành, Người ghi rõ, tại Điều 8 của phần Phạt: “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ thứ ba: Tham nhũng và tệ quan liêu ở tầm mức quốc nạn. Ăn cắp của công, ăn trộm chức vụ, tham nhũng quyền lực đẻ ra vô vàn những cơn bệnh khác, không chỉ làm băng hoại cá nhân mà còn có nguy cơ làm tan tành thể chế.
Nay, không dừng là nguy cơ nữa mà đang là quốc nạn. Vì, ở không ít nơi, nạn tham nhũng, nạn ăn cắp đủ thứ, đủ quy mô và mức độ của công nguy hơn chuột đào chân tường; sóng xô đê vỡ; nhất là nạn “đạo vị”, nói như Bác Hồ hơn 70 năm về trước là “trộm cắp địa vị” đủ mánh lới có nguy cơ hoành hành, thậm chí làm nhiễu loạn cả không ít chốn công quyền... khiến cho bao người hiền tài, không ít bậc trí giả đành “rũ áo khoanh tay” hoặc chịu thúc thủ, ngặt vì nỗi “nước xa không cứu được lửa gần”.
Trộm cắp hay là tham nhũng về vật chất đó là sự ô nhục đã làm bại hoại quốc gia, làm nhục quốc thể, cá nhân thì táng tận liêm sỉ. Tham nhũng về chính trị, về quyền lực sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại có nguy cơ làm mục rỗng nhân tâm, phá nát lòng tin, làm băng hoại quốc gia. Quyền lực không phải của riêng ai, là của Nhân dân, Nhân dân trao nó cho những người làm công bộc của dân. Mà nếu bằng mọi thủ đoạn, họ chiếm đoạt nó, biến quyền được giao đó thành quyền sở hữu, nó trở thành mục tiêu hoạt động của họ thì rất nguy hiểm, thậm chí băng hoại cả dân tộc. Khi kim tiền liên kết với quyền lực thì tai họa khủng khiếp, khôn mà tiên lượng hậu họa. Bởi nó liên quan đến chế độ và rộng hơn là Lòng Dân, là sự sinh tử của dân tộc, là vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 21-1-2019 - Nguồn: nhandantv.vn
Tham nhũng đã tích tụ từ rất lâu rồi, đủ phương diện, hình thái, đủ quy mô, đủ mức độ và vô cùng nguy hiểm về tính chất.
Không phòng, chống tham nhũng thì tất có ngày mất nước, tất dân tộc sẽ bị nô lệ!
Chúng ta, nếu không kiểm soát được, không khắc chế triệt để, thì mọi thứ chết người, theo đó, sẽ bung ra ngay. Những vụ đại án mà Đảng ta và pháp luật xử lý trong mấy năm vừa qua là một minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Mầm mống của những “liên minh ma quỷ”, theo đó, mà mọc ra, mà phát tác và lũng đoạn. Và, đó là quyết tâm không gì lay chuyển được của chúng ta.
Nhưng, chưa khi nào như bây giờ, từ sự phức tạp của các vụ đại án ở các phương diện mà chúng ta đã xử, càng cho thấy nạn tham nhũng biến ảo khôn lường, biến hóa, câu kết chằng chịt như ma hồn trận đang tác yêu, tác quái, và tác họa khôn lường. Không thể hy vọng tiễu trừ hiệu quả, nếu không tiếp tục nhận diện rõ, đúng và chân xác về chúng.
Có thể hình dung: Đạo chích: Đó là thói ăn cắp vặt, kẻ trộm trong làng xã, cơ quan, cộng đồng. Hở ra là trộm, từ chổi cùn cho tới rế rách, “thó” bất kể con cá lá rau, ở nơi thôn dã, phố phường hay vật dụng ở chốn công đường,... Nó làm cho cộng đồng bất an, cơ quan nặng nề, đơn vị u uất... vì bực mình, rồi nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau). Đạo danh: Đó là nạn biển thủ tên tuổi, công trình của người khác làm của mình: đạo văn, đạo nhạc... Rồi tệ mua bán điểm giả, bằng cấp, học vị, học hàm... Rộng ta là ăn cắp tri thức, danh tiếng... để chui sâu vào bộ máy, leo cao những phẩm trật quan trường một cách ô nhục. Lúc sự dối trá, giả hiệu lộng hành thì là khắc sự trung thực, ngay ngắn bị tiêu diệt! Nó làm cho thật giả hỗn mang, trắng đen lẫn lộn, nhân phẩm suy đồi, lòng tin bại hoại. Đạo vật: Chính là tệ trộm cắp, tham nhũng vật chất, tiền bạc.... Nó đục khoét của công, biển thủ quốc khố, bòn rút mồ hôi, xương máu Nhân dân để bỏ túi cá nhân, rắp vinh thân phì gia, bành trướng dòng họ, khiến muôn dân bị xâm hại, quốc gia khánh kiệt, quốc thể chênh vênh, xã hội rối ren, thể chế nguy cơ tan tành. Chả thế, mà cách nay 250 năm Cụ Lê Quý Đôn từng răn rằng, trong năm nguy cơ làm mất nước, thì nguy cơ “tham nhũng tràn lan” kia, không thể không đứng hàng thứ tư đó sao! Quan lại càng giàu nhanh một cách khuất tất, trăm họ càng mau lầm than, rên xiết, đất nước càng chóng suy mạt, bại vong. Nó nguy hiểm hơn cả nạn giặc giã, giặc ngoại xâm. Đạo vị: Đây là sự trộm cắp chức vụ trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước và của hệ thống chính trị. Nhân dân và chúng ta thì gọi là, tham nhũng quyền lực. Từ “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” tới các thủ đoạn tham nhũng tuổi tác, bằng cấp để “lẻn” vào chốn quan trường, rồi mua phiếu bán danh, trộm cắp chức vụ bằng mọi quỷ kế. Khi các “chính trị gia” bắt tay một cách tăm tối với các doanh nhân thì nền chính trị không hủ bại, chính trường không bị “dắt mũi” mới là chuyện lạ! Từ dùng tiền để “cuỗm” quyền lực chính trị, rồi dùng chính trị để “cướp” lấy quyền lực kinh tế, lại dùng kinh tế để chui sâu leo cao vào chính trường, rắp đoạt lấy quyền lực chính trị cao hơn. Thì không nghi ngờ gì nữa, nó tác họa muôn dân, băm nhỏ lợi ích quốc gia, trộm cắp từng mảnh chính trị, kinh tế đất nước và lũng đoạn thể chế quốc gia. Nó làm cho nhân quần ly tán, nền chính trị rối loạn, thể chế suy đồi, quốc gia hỗn mang, đất nước tan vỡ, thậm chí diệt vong hoặc làm nô lệ cho giặc ngoại bang. Mua quan bán tước, buôn bán quyền lực dẫn tới nạn hoặc nhỏ thì “anh hùng nhất khoảnh”, lớn thì “sứ quân”, “dòng họ cát cứ”, thậm chí cả sự ô nhục bán nước cầu vinh chỉ là bước “tự chuyển hóa” rất ngắn, thậm chí trong chớp mắt mà thôi! Lịch sử đã cho thấy không ít sự nhãn tiền sinh tử ấy. Đạo tâm: Đó chính là nạn ăn cắp lòng tin. Nói mà không làm, làm ngược nhời nói. Trên diễn đàn thì, rao giảng đạo lý, dạy dỗ chính liêm, nơi chính sự thì ức vạn tối tăm, phè phỡn phù hoa, xa xỉ... Trang Tử nói: Người không biết xấu hổ thì không ra giống người! Nó khiến muôn dân ai còn dám tin cậy được nữa! Nếu không nói nó khiến trăm họ oán thán, nổi giận! “Khẩu Phật tâm xà”, “Miệng rao đạo lý, tay che đạo vị, tay lấp đạo tặc” thì sự còn, mất muôn dân, thật cũng... thôi rồi! Nhẫn tâm! Thế là đạo đức giả lộng hành! Thử hỏi, lúc ấy, bách tính còn dám hy vọng gì ở họ về liêm sỉ, về quốc sỉ hay quốc thể được nữa?
Ông cha ta nói: Mất niềm tin là mất hết! Nếu lòng tin nơi muôn dân bị đánh cắp, thật không còn gì nguy hiểm hơn, sinh tử hơn... để mà bàn nữa! Vì, nếu mất nước, Dân ta có thể lấy lại được, nhưng Lòng tin của Nhân dân với thể chế bị đánh cắp, thì nhãn tiền quả báo, khó cứu nổi họa suy tàn đối với quốc gia!.
Suy xét rộng và xa hơn, những thứ của hắc đạo ấy do nhiều nhẽ, nhưng một phần căn bản do bất liêm mà ra. Cụ Hồ nói: “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.
Xin một lần nữa nhắc lại Quốc lệnh (1946): “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”.
Quyết tâm chính trị kiên định, kiên trì, vì sự phồn vinh của đất nước, sự trường tồn của dân tộc
Vì thế, giờ là lúc không phải bàn thêm về quyết tâm chính trị của Đảng hay của Nhà nước nữa. Vấn đề cần nói quyết liệt là, làm gì và thế nào để chuyển quyết tâm ấy thành quyết tâm và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên và đồng bào(1). Và, cũng phải hỏi, còn có ai trong đội ngũ ấy nghểnh ngảng, thờ ơ, chiếu lệ cho phải phép, rồi “nghe ngóng tùy thời”, “chọc gậy xuống nước” hoặc “a dua chiếu lệ”, “hò voi bắn súng sậy” không?! Đấy chính là sự đồng lõa với sai trái, với tội phạm!
Điều trước hết, tất cả mỗi người trong bộ máy, dù ở cấp nào, cần đối diện với chính mình, tỉnh ngộ và tự răn mình về nạn tham nhũng. Sự giác ngộ không phải chỉ nơi lời nói, mà ở kết quả của việc mình làm. Lại chẳng phải chỉ ở nơi thuộc hiểu dù trăm câu kinh câu kệ mà cốt yếu là buộc ở nơi hành xử của mình. Cái khó khăn của nó chẳng phải tại nơi giảng dạy mà cốt ở chốn thực hành. Càng chẳng phải tất cả tại nơi yếu lý của tư tưởng tẩy trừ tham nhũng, mà ở hành động sống của người giáo truyền về tham nhũng và người tự chống tham nhũng và tham gia chống tham nhũng. Đó là một phương châm dẫn lối muôn người ra khỏi hắc đạo, tự mình tỉnh ngộ. Đức Phật dạy: Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình! Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: “Thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”.
Xin nói gọn ở đây về hành động để thực thi quyết tâm chính trị kiên định, kiên trì chống tham nhũng. Rằng, đã sợ tham nhũng và hệ lụy của nó thì không chống; và, khi đã chống tham nhũng thì quyết không sợ, tất nhiên tất cả những gì thuộc về nó. Không bàn thêm. Vấn đề không chỉ ở quyết tâm chống: không sợ sệt; đối tượng chống: rõ ràng, đúng, trúng; phương châm chống: kiên định, không dao động, nửa vời mà còn là ở nghệ thuật chống: bước đi phù hợp, hiệu quả và lực lượng chống: mạnh mẽ, kiên quyết, kiên tâm và đông đảo!... Không có sự lựa chọn nào khác, nếu không muốn rước họa đất nước bạc nhược và chuốc lấy thất bại của quốc gia trong phát triển. Sinh tử thì phải tử sinh. Không do dự, cầu toàn. Đó là tất yếu!
Nên chăng bắt đầu từ đó để tất cả không trừ một ai đều cùng nhau thấu rằng, (bất liêm sinh ra) trộm cắp tức tham nhũng là điều thậm xấu hổ, là mắc tội với Dân, với Nước, là báng bổ nòi giống tổ tiên, là tạo ra nguy cơ mất nước!
Đó là liêm sỉ, cũng là quốc sỉ, quốc thể!
Vấn đề hiện nay là, phải phân loại, để có biện pháp giải quyết sao cho phù hợp. Mổ trâu thì dùng dao bài, nhưng mổ chim sẻ thì phải dùng dao kim. Song hãy coi chừng, bởi chưa chắc mổ trâu đã quan trọng hơn mổ chim sẻ. Một con chim sẻ (các cụ xưa gọi là bọn tiểu tước) mà “đậu cành cao”, mà tham nhũng quyền lực chính trị, thì tác họa còn nguy hiểm hơn cả đàn trâu nằm ở vũng bùn. Một “con ruồi đậu trên đầu hổ”, ngồi ở cơ quan hoạch định chính sách, mà tham nhũng chính sách thì còn nguy hiểm hơn cả những nơi thực thi chính sách với chức vụ còn to hơn gấp mười. Mỗi loại một đối sách phù hợp, cố nhiên là sức mạnh tổng hợp.
Cho nên, ở đây cần phải căn cứ vào tính chất của đối tượng, của vụ việc để từ đó có đối sách cho phù hợp. Tham nhũng tiền bạc là tham nhũng ít. Tham nhũng về chức vụ, về chính sách thì mới là tham nhũng khủng khiếp. Nhưng, tham nhũng về lòng tin sẽ đưa đất nước đến chỗ sụp đổ, thực sự là trọng tội, là thảm họa.
Lâu nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất là, làm thế nào để có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu. Kỳ thực rường cột của nó, nói cụ thể, đó chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm được thực thi và vận hành với bảo bối: công khai, dân chủ và pháp trị như thế nào?. Kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại. Từ cơ chế kiểm soát thì sẽ có cơ chế phát hiện, cơ chế khắc trị... và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là công khai, dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn! Công khai là con đường ngắn nhất để nhận diện và phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Những vụ đại án về tham nhũng và khởi sự từ tham nhũng trong mấy năm 2017, 2018 đã xử lý vừa qua kỳ thực đã tích tụ từ lâu, bằng cơ chế kiểm tra, kiểm soát dân chủ và minh bạch trong nhiều năm qua, bây giờ mới bộc lộ ra. Vì thế, có thể nói, để chống tham nhũng lúc này, cần tập trung làm tốt trước mắt, hai lĩnh vực rất căn bản, đó là gắn chặt đức trị và pháp trị. Đại hội XII của Đảng quyết định rất quan trọng, lấy vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn bộ phận cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những vấn đề trong quy luật xây dựng Đảng, vì sự sinh tồn của thể chế nước ta.
Trở đi trở lại, khi lời răn đạo lý chưa đủ mạnh, khi đạo đức chưa đủ lay chuyển thì ắt pháp lý phải ra tay, nhất định các đạo luật phải được toàn dụng một cách công khai, dân chủ, bình đẳng và nghiêm khắc.
Ngày xưa, tiền nhân nói: Sát nhất nhân vạn nhân kỵ. Đó là hạ sách. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nói: “Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục chứ, phải uốn nắn chứ. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người cơ mà...”. Chống tham nhũng không khác gì đứng giữa bầy sói. Khi những “con sói đói khát quyền lực”, “đói khát tiền bạc” lũng đoạn, hoành hành, mà đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, liêm sỉ chưa đủ chuyển, thì dứt khoát tử hình phải tất được dụng. Hợp với nhẽ thường. Đấy là nhân văn nhất, đấy là đạo đức nhất. Đấy cũng là dân chủ và kỷ cương nhất. Tất nhiên là, người lãnh đạo Đảng ở các cấp cố nhiên là nhìn xa, trông rộng, tiên liệu và có đối sách sao cho phù hợp đã đành mà còn hành xử dứt khoát với tinh thần “quốc pháp bất vị thân” một cách dân chủ, minh bạch và đầy tính nhân văn.
Lâu nay, có một thực tế ở không ít người, mà kỳ thực cũng không thể hiểu được hiện nay, tại sao có ý kiến lại đặt ra cái gọi là “liều lượng” với tham nhũng và chống tham nhũng? Rồi thế nào là “tầm mức”, thế nào là “mạnh tay”, thế nào là đủ, thế nào là “đến cùng”... khi nói về chống tham nhũng, với những nỗi sợ tự mình dựng lên về cái gọi “bảo vệ” sự “ổn định” vu vơ nào đó, để thoái bộ, né tránh, cầm canh chống tham nhũng?
Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được...”. “Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là tiếng Lòng của Nhân dân hiện nay! Vì, “Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”.
Thực tế, từ sự kiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, với việc nhiều vị lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý đang làm cho nhiều người lo lắng và nói rằng, sợ “đang làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”(!), khiến cho nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức đang “sợ sai, không dám làm gì”(!). Có đúng như thế không?
Đó chỉ là cách biện hộ, thậm chí bào chữa cho thái độ nửa vời. Nhân dân đang thất vọng trước tâm lý ấy và không đồng ý với các quan điểm đó.
Thử nhìn lại năm 2018, kinh tế nước ta chẳng tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với tốc độ 7,08% đó sao? Tình hình chính trị tiếp tục ổn định, an ninh xã hội nước nhà được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia yên ổn, một điểm đến tin cậy... đó sao? Lòng tin của Nhân dân và bạn bè quốc tế bắt đầu từ đó và nằm ở đó chứ ở đâu, sao lại nói vì... này, vì... kia mà sợ chậm phát triển, sợ không ổn định?
Nếu vì “sợ sai mà không dám làm gì”(!) thì nên ra khỏi bộ máy. Chúng ta công minh chính đại, có Đảng cương rõ ràng, Quốc pháp minh bạch, nên với những người ít hoặc nhiều đã nhúng chàm thì không bàn, cứ theo đó mà định luận, nhưng với những người không đủ bản lĩnh, thì thôi, cũng nên rời khỏi vị trí đang đảm nhiệm, dù đó là ai. Nếu chúng ta ngập ngừng, nửa vời phòng, chống tham nhũng, thì Lòng Dân xôn xao, bất ổn; xã hội sẽ phức tạp, rối ren; bạn bè quốc tế sẽ ngại ngần, xa lánh... thì còn đâu là thế nước, còn đâu là lòng Dân tin vào thể chế nữa, theo đó lòng tin chiến lược của bạn bè quốc tế, vì đó, cũng bị bào mòn!
Bởi thế, nếu sự tự răn của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, tai mắt của Nhân dân chưa đủ rộng, sâu, thì Đảng cương không vùng cấm, “Quốc pháp bất vị thân” phải kiềm tỏa và toàn dụng. Nghĩa là, phải lấy đạo luật mà “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói! Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe. Như tôi đã từng nói, ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình...”
Chưa thấy những con đường tự giáo hóa, tự phòng ngừa, cũng chửa thấy phương cách phòng ngừa, ngăn chặn, gột rửa và tẩy trừ tham nhũng nào khác khả dụng hơn!
Ai ai cũng đang trăn trở: Chúng ta phải làm gì để trị cho bằng được cái gốc đã đẻ ra tham nhũng?
Không ít người đang rắp mưu đổ cho thể chế của chúng ta. Phải khẳng định ngay là, từ xưa tới nay, ở nước ta và các quốc gia, dân tộc trên khắp hoàn cầu, không có thời nào chính tín, không một thể chế chính danh nào dung nạp hay nhân nhượng với tham nhũng. Không phải là thể chế đẻ ra tham nhũng. Xin cam kết lại là, không có thể chế chính danh nào, chính thể chính đáng nào dung túng hay dung tha tham nhũng. Cái gì họ cũng đổ lỗi là do thể chế, tham nhũng cũng là do thể chế của ta, nói và hiểu như thế, rõ ràng nguyên vẹn là cách nhìn của những người thiển cận hoặc bị nhiễm chứng bệnh hoang tưởng, nhằm phủ nhận thể chế chúng ta.
Vậy thì cái gì?
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không thể sửa sai những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Chống tham nhũng cũng vậy. Phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, nếu không mới chống tham nhũng “một nửa”. Lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và hoành hành. Đó chính là khâu đột phá đổi mới tư duy, tầm nhìn, và cụ thể là hệ thống chính sách phòng, chống tham nhũng. Cấp bách là, tiếp tục đổi mới tư duy về tham nhũng và chống tham nhũng gắn với chống lãng phí. Vì tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị... biến ảo khôn lường... song hành với lãng phí. Nếu không nhìn như thế, sẽ rất khó phân định và định luận hai lĩnh vực này trong cuộc chống tham nhũng hiện nay. Cấp bách đổi mới tổ chức bộ máy sao cho tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả để thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực; và thông qua cơ chế này để kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót, không lọt một ai. Đó là cái gốc, cái động lực của đổi mới thể chế hiện nay. Người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương trên phương diện này.
Vì thế, trước mắt, việc cần kíp là, thiết lập vòng cương tỏa với thể chế tổng hợp từ Đức trị tới Pháp trị, được thực thi một cách Dân chủ hóa, gồm 7 mặt chỉnh thể: Không nên tham nhũng - Không được tham nhũng - Không thể tham nhũng - Không cần tham nhũng - Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng - Không thể thoát khi tham nhũng - Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng.
Bảy phương diện thể chế trên phải giữ nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm và thực thi đồng bộ, triệt để.
Nói khái lược, đổi mới thể chế chống tham nhũng quốc nội và quốc tế theo hướng đó. Đó là lý luận, là quyết sách hành động chính trị quyết định không thể đứng hàng thứ hai.
Về lực lượng chính trị chống tham nhũng? Ai chống tham nhũng? Chả nhẽ là những kẻ tham nhũng bòn rút xương máu Nhân dân, đục khoét cốt tủy quốc gia? Vì thế, cố nhiên, cả dân tộc, trước hết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới ngọn cờ của Đảng, tất cả không trừ một ai, hễ có lương tri và cả bạn bè quốc tế. Thành bại là ở đây.
Tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu... và tác họa khôn lường. Nên vấn đề rường cột cốt tử chỗ này là, làm tốt yếu tố cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ với công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, do chính những cán bộ lợi dụng thể chế, tìm khe hở của thể chế để thực hiện mưu đồ của mình, nhằm tham nhũng, nên đột phá vào chỗ tung thâm này, mà tiếp tục đổi mới bộ máy nói chung và bộ máy phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Lựa chọn cán bộ có quyết tâm, có năng lực, có đạo đức là điều cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói đó là yếu tố quyết định việc thành bại. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền... phải Gương mẫu - Trung thực - Liêm sỉ và Kỷ luật trong đấu tranh chống tham nhũng. Ai không được tối thiểu như thế, thì nên chủ động từ chức, từ nhiệm. Đó không chỉ là liêm sỉ mà là trách nhiệm. Kinh nghiệm cốt tử vừa qua cho thấy, không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực. Tất cả phải sống trong lòng Nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân! Lưới trời Nhân dân lồng lộng!
Đặc biệt, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân. Và, Nhân dân cần được và phải biết đâu là quyền hạn của mình, phải được mở mang toàn diện, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát tình hình thời cuộc, mà ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng. Khi được Lòng Dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự tất thành./.
------------------------------------------
(1) Quan trọng nhất là, đó chính là sự quyết tâm và hành động của 11 triệu cán bộ, viên chức tại chức trong bộ máy và hưu trí, của gần 5 triệu đảng viên, của 116.000 tổ chức cơ sở đảng, của 63 tỉnh, thành kết tinh trực tiếp ở 63 người đứng đầu cấp ủy và những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn thể hệ thống chính trị nước nhà...
Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam  (02/05/2019)
Ngoại giao văn hóa của một số quốc gia Đông Bắc Á  (02/05/2019)
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Từ góc nhìn văn hóa quân sự  (02/05/2019)
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú  (01/05/2019)
Việt Nam - Cuba trao đổi kinh nghiệm về soạn thảo chính sách kinh tế  (01/05/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi Thư chúc mừng Nhà vua Nhật Bản Naruhito  (01/05/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay