Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện vào phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay

Trần Hoa Phượng TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:02, ngày 14-03-2019

TCCSĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”. Phát triển nông nghiệp toàn diện là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà.

Nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện

Thứ nhất, đó là sự cân đối, hợp lý trong cơ cấu ngành nông nghiệp và với các ngành khác.

Sau Cách mạng tháng Tám, tại cuộc họp đầu tiên của ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ: Làm cho dân có ăn, Làm cho dân có mặc, Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”(1).

Khi nói về vị trí, vai trò của nông nghiệp trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác, Người ví công nghiệp và nông nghiệp như hai chân của con người, người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế: “Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân con người, hai chân có mạnh thì đi mới vững chắc”(2). Người phê phán sự “khập khiễng” trong phát triển không đồng bộ giữa công nghiệp và nông nghiệp, để lưu ý toàn Đảng, toàn dân phải chú ý đúng mức đến phát triển nông nghiệp. Người chỉ rõ “giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục… với nhau và trong mỗi ngành phải phát triển cân đối”(3).

Người luôn lưu ý rằng, việc phát triển sản xuất lương thực không tách rời mà phải gắn bó, tác động hỗ trợ lẫn nhau với các ngành sản xuất khác, như thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu… tạo nên sự thống nhất, hài hòa, cân đối cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Xuất phát từ đặc điểm, điều kiện, vị trí, vai trò của nông nghiệp, phải bắt đầu trước hết từ giải quyết vấn đề phát triển nông nghiệp để bảo đảm đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, không chỉ ngành nông nghiệp phát triển, sự phát triển của nông nghiệp phải được đặt trong mối quan hệ khăng khít và tác động qua lại với phát triển công nghiệp và thương nghiệp. Có nghĩa là, phát triển toàn diện phải là nông nghiệp bảo đảm sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các ngành của nền kinh tế.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp toàn diện là giải pháp quan trọng để phát triển bản thân nền nông nghiệp.

Kinh tế nông nghiệp bao gồm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Sự phát triển của từng bộ phận trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp sẽ làm cho toàn ngành nông nghiệp phát triển và bảo đảm sự phát triển cân đối. Ngành nông nghiệp toàn diện không chỉ ở tăng quy mô, diện tích mà còn ở năng suất, sản lượng và sự phù hợp trong cơ cấu với các loại cây trồng, ngành, nghề khác.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền nông nghiệp toàn diện trước hết phải là một nền nông nghiệp có ngành trồng trọt phát triển, mà đầu tiên là phải chú ý trồng cây lương thực, bởi vì “nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực”. Trong các cây lương thực, Người xác định cây lúa là chủ lực, sau đó trồng các loại cây hoa màu, như ngô, khoai, sắn để phục vụ chăn nuôi: “Sản xuất phải toàn diện, sản xuất thóc là chính, đồng thời phải coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ”(4). “Trong trồng trọt phải chú ý toàn diện. Trồng cà phê, trồng lúa nhưng đồng thời phải chú ý trồng lạc, trồng vừng vì lạc, vừng là thứ hàng xuất khẩu rất tốt để đổi lấy máy móc…”(5).

Người nhắc nhở: “Trung ương thường nói nông nghiệp phải toàn diện. Mình không những cốt gạo, ngô, khoai, sắn, bông mà còn cốt các thứ khác nữa. Cho nên phải toàn diện. Tăng diện tích mà không tăng sản lượng là vô ích, mất công. Nhưng tăng sản lượng cũng phải toàn diện. Lúa là chính, nhưng ngô, khoai, sắn cũng phải có, cũng phải chú trọng. Nếu chỉ chú trọng lúa mà không chăm nom ngô, khoai, sắn cũng không được. Hoặc chỉ chăm về cây lương thực mà không chăm về cây công nghiệp cũng là khuyết điểm”(6).

Không chỉ ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi phải phát triển để bảo đảm có thêm thịt ăn, thêm sức kéo, thêm phân bón phục vụ cho trồng lúa, hoa màu, đồng thời phát triển ngành ngư nghiệp và các ngành kinh tế gắn liền với biển. Sinh thời, Người luôn nhắc phải chú ý phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp, trồng cây, gây rừng và đồng thời chăm sóc bảo vệ rừng. Người luôn quan tâm chú ý đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và nhắc nhở “Phải có kế hoạch chu đáo, phải chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi”. Bởi “cây rừng là nguồn lợi lớn”.

Để nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, Người chỉ rõ cần phải phát triển thêm các nghề phụ gia đình ở nông thôn. Bởi, đặc điểm của nghề nông mang tính thời vụ có nhiều ngày nông nhàn và do diện tích đất canh tác hạn chế, ở nhiều vùng thị trường hàng hóa chưa phát triển, để bảo đảm cuộc sống ổn định, các hộ gia đình nông thôn đã có thêm nghề phụ để tận dụng lao động và tăng thêm thu nhập. Những nghề phụ dần dần phát triển thành nghề chính ở các làng nghề nhưng vẫn tồn tại song song với nghề nông. Người nói “miếng vườn của mỗi gia đình xã viên và các loại nghề phụ là nguồn lợi để tăng thu nhập”(7); “phải chú ý vận động đồng bào trồng cây ăn quả như: cam, chanh, chuối… và trồng cây lấy gỗ như: xoan, tre...”. Người hướng dẫn bà con một cách dễ hiểu: “Muốn lúa tốt, hoa màu tốt, cần nhiều phân… Muốn có nhiều phân chuồng, phải nuôi nhiều trâu, bò, lợn”.

Nông nghiệp toàn diện còn bao gồm các ngành, nghề phụ và ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Do vậy, đồng thời với phát triển ngành nông nghiệp, cần phát triển nghề phụ gia đình, như nghề mây, tre đan, nghề gỗ, chạm khảm, nghề dệt… Phát triển các ngành nghề phụ ở nông thôn vừa nâng cao đời sống của người dân, vừa duy trì bản sắc của các làng nghề truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp.

Thứ ba, phát triển nông nghiệp toàn diện còn được thể hiện ở sự hợp lý trong trình tự phát triển và điều kiện phát triển.

Trong nhiều bài nói và viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết ở việc tăng gia sản xuất lương thực, kể cả lúa và màu. Phát triển nông nghiệp toàn diện và mở rộng ngành, nghề ở nông thôn, không chỉ nhằm khai thác, tận dụng các yếu tố sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động mà còn có tác dụng góp phần bảo vệ, giữ gìn và cải tạo môi trường sinh thái, cũng như ảnh hưởng tích cực đến trạng thái tâm lý và thái độ của con người đối với thiên nhiên và xã hội.

Tuy nhiên, tăng gia, mở rộng sản xuất phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Điều kiện ở đây được hiểu theo nghĩa tương đối rộng, đó không chỉ là lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết mà còn là sự phù hợp về trình độ phát triển của hệ thống máy móc trong nông nghiệp, con người, sự phù hợp với cơ cấu các ngành của nền kinh tế quốc dân và nhiệm vụ của từng thời kỳ. Người khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Tùy điều kiện của mỗi địa phương mà trồng nhiều lúa và nhiều hoa màu để bảo đảm lương thực cho nhân dân và nghĩa vụ đối với Nhà nước… Phải kết hợp chặt chẽ: công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp; sản xuất và chế biến, thương nghiệp và giao thông…”(8).

Người khẳng định: “Muốn lãnh đạo cho đúng tất nhiên phải theo đường lối chung. Song cách làm phải tùy theo chỗ, tùy theo mùa, tùy theo hoàn cảnh thực tế địa phương”(9) và “đừng máy móc” như lấy kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở miền đồng bằng mà lấp vào miền biển là không được, là sai. Đồng thời, phải theo từng mùa vì có mùa thì bà con bận hơn, có mùa thì bà con rảnh hơn…

Sự phát triển của toàn diện của nông nghiệp được Người ví như sự vận động của “guồng máy”: “Trong một công xưởng, có nhiều loại máy móc hình dạng khác nhau và công dụng khác nhau. Những máy móc khác nhau ấy phải bố trí và kết hợp thật ăn khớp với nhau thì sản xuất mới tốt”(10) và nông nghiệp cũng có “guồng máy” của nó. Nghĩa là “từ lúc chọn giống đến ngày đưa thóc vào kho, mọi công việc phải ăn khớp, nhịp nhàng với nhau, thì kết quả mới tăng”(11). Người minh chứng, muốn tăng thu hoạch phải tăng vụ, tăng diện tích, muốn tăng vụ, tăng diện tích phải cải tiến nông cụ, muốn dùng máy thì phải cày sâu, bừa kỹ và muốn ruộng đất tốt phải bón nhiều phân, muốn có nhiều phân phải đẩy mạnh chăn nuôi, muốn phát triển chăn nuôi phải tăng diện tích trồng thức ăn cho trâu bò… và Người lưu ý, nông nghiệp phải coi trọng 3 điều:

Thiên thời - Mùa nào thì cần phải làm việc gì, nhất là phải làm kịp thời vụ.

Địa lợi - Đất nào phải trồng thứ gì cho thích hợp.

Nhân hòa - Xã viên có người khỏe, có người yếu, có người thạo nghề, người chưa thạo. Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho đúng người đúng với việc, việc đúng với người, và ai cũng có công việc, cũng phấn khởi lao động(12).

Để phát triển nông nghiệp toàn diện, Hồ Chí Minh nhắc nhở trong nông nghiệp phải có kế hoạch, thể hiện tính chủ động, có tầm nhìn xa, “Làm chỗ nào, làm cái gì, thì phải làm thật kỹ, phải săn sóc luôn”(13) và phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Lãnh đạo và kế hoạch phải thật sát với thực tế, bởi “…tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội”(14).

Cùng với kế hoạch, tầm nhìn, phải thực hiện nhiều giải pháp, các giải pháp phải phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và điều kiện cụ thể để phát triển nông nghiệp. Người nhiều lần nhấn mạnh, quan trọng nhất trong đời sống của nhân dân là vấn đề ăn. Để giải quyết tốt vấn đề ăn thì sản xuất lương thực phải dồi dào. Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà. Muốn như vậy, thì công nghiệp phải giúp cho nông nghiệp có nhiều máy làm thủy lợi, máy cày, máy bừa, nhiều phân hóa học,... Cùng với đó, phải từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp bằng các hình thức tổ đổi công, hợp tác xã… nhằm thực hiện liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong phát triển nông nghiệp.

Như vậy, qua các tác phẩm, bài nói và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khẳng định một cách ngắn gọn quan niệm của Người về một nền nông nghiệp toàn diện phải là nền nông nghiệp phát triển. Phát triển nông nghiệp toàn diện không phải là một nền kinh tế thuần nông, không phải theo lối manh mún, tự cấp, tự túc, mà trên cơ sở có quy hoạch của một nền sản xuất hàng hóa phát triển theo quy mô lớn, đó là một nền nông nghiệp bền vững hiện đại, với sự phong phú về ngành, nghề, đa dạng hóa về sản phẩm có cơ cấu kinh tế nội bộ ngành hợp lý, cân đối, hài hòa, bổ sung cho nhau cùng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta khẳng định: Phải đưa nông nghiệp tiến một bước theo hướng sản xuất lớn, nhằm yêu cầu chủ yếu là tăng nhanh khối lượng và tỷ suất hàng hóa nông sản. Nông nghiệp phải được ưu tiên đáp ứng những nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, về vật tư, về lao động kỹ thuật; những nguồn đầu tư ấy phải được sử dụng có hiệu quả. Đầu tư cho nông nghiệp phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, vận chuyển, bảo quản để có nhiều sản phẩm cuối cùng. Phương châm phát triển nông nghiệp là kết hợp chuyên môn hóa với phát triển toàn diện; phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày. Phát triển nông nghiệp phải lấy thâm canh, tăng vụ là chính, đồng thời mở rộng diện tích một cách vững chắc và có hiệu quả...

Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X, ngày 05-8-2008, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục chủ trương phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn và đã nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới.”(15).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương phát huy lợi thế của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu… Đồng thời “đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”(16).

Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập, trên cơ sở phát huy lợi thế, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn, kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, những hạn chế của ngành nông nghiệp, đó là năng suất lao động thấp, thiếu chiến lược quy hoạch tổng thể dài hạn, giá trị gia tăng thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, trình độ lao động trong nông nghiệp thấp, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch chậm, đầu tư cho nông nghiệp có xu hướng giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện, khoa học - công nghệ cho nông nghiệp chậm phát triển…

Vận dụng những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện vào tình hình hiện nay, cần chú trọng giải quyết các vấn đề:

Thứ nhất, cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương, lựa chọn những vùng trồng cây lương thực và cây công nghiệp cho tiêu dùng, sản xuất và cho xuất khẩu có năng suất cao nhất và giá trị gia tăng cao. Bởi, trên thực tế, một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay sản xuất đã vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Chẳng hạn, cà-phê vượt 21,9%, cao-su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149%... Như vậy, chất lượng quy hoạch chưa phù hợp, những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác.

Thứ hai, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, gắn kết phát triển công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp phải phục vụ nông nghiệp, đa dạng hóa ngành, nghề ở nông thôn để một mặt, công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, mặt khác giải quyết vấn đề thừa lao động trong nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân cải thiện, nâng cao đời sống.

Thứ ba, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học - công nghệ và phát huy lợi thế nhờ quy mô, tập trung các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, của vùng, của địa phương, đa dạng hóa các hình thức liên kết gắn với việc xây dựng thương hiệu, gắn nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu, cơ cấu tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế thay đổi./.

-------------------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 175
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 469
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 470
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 199
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 286
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 255
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 122
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 461
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 310
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 122
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 122
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 138
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 461
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 212 - 213
15. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr. 19, nguồn: http://dangcongsan.vn
16. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 92