Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam - Nhìn từ thành phố cảng biển Đà Nẵng

Bùi Văn Tiếng Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng
22:45, ngày 01-03-2019

TCCS - Là một thành phố cảng biển, lại vinh dự đảm đương sứ mệnh quản lý huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng đón nhận Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, như từng quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007, “Về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Đúng như Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhận định: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Có thể nói nhờ có nghị quyết của Đảng về chiến lược biển mà suốt mười năm qua ở Đà Nẵng, nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông như phát triển kinh tế biển, như đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo... có những chuyển biến rất đáng kể.

Những kết quả đáng khích lệ

Một là, về phát triển kinh tế biển trong mười năm qua, nhờ những định hướng hỗ trợ ngư nghiệp và ngư dân nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, nghề cá của Đà Nẵng đã dần hồi sinh sau thảm nạn Chanchu năm 2006. Tiếp tục vượt qua rất nhiều khó nhọc và hiểm nguy, ngư dân Đà Nẵng vẫn vừa kiên trì trụ bám trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, vừa lao động để mưu sinh kiếm sống, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, dõi theo từng hòn đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của quê nhà tạm thời chưa thể đặt chân lên đó. Có nhiều lĩnh vực đã kịp thời hỗ trợ ngư nghiệp và ngư dân với tư cách là một bộ phận hợp thành cốt lõi của kinh tế biển, nhưng có thể nói tích cực nhất, chuyển biến rõ nét nhất là lĩnh vực khí tượng thủy văn - mười năm nay đã hình thành một tư duy báo bão khác hẳn so với khi xảy ra thảm nạn Chanchu, thời gian dự báo hiện giờ tăng lên gấp ba lần so với mười năm trước...

Nói đến kinh tế biển, không thể không nói đến đóng góp của cảng biển - ở đây là Cảng Tiên Sa được xem là cảng biển lớn nhất miền Trung hiện nay, đồng thời là một mắt xích quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối 13 tỉnh, thành phố của bốn nước Mi-an-ma, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Sau mười năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, có thể thấy con số tám triệu tấn hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa trong năm 2017 là một con số đầy ấn tượng, mở ra triển vọng phát triển cao hơn cho các năm tiếp theo. Chính sự lớn mạnh không ngừng của Cảng Tiên Sa là tiền đề quan trọng để trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hồi cuối tháng 9-2018 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ khẳng định việc đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu là cần thiết và cấp bách.

Cảng Tiên Sa cũng đã góp phần phát triển du lịch biển ở Đà Nẵng. Mười năm qua, vào mùa cao điểm, cứ vài ba ngày Cảng Tiên Sa lại đón một chuyến tàu đưa hàng nghìn du khách nước ngoài đến tham quan thành phố và các di sản văn hóa ở miền Trung. Chỉ tính riêng quý I-2018, Cảng Tiên Sa đã đón 50 chuyến tàu cập cảng với 56.600 lượt du khách, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2017. Đương nhiên sản phẩm du lịch biển nổi tiếng nhất của Đà Nẵng vẫn là các bãi tắm vừa phát huy được lợi thế thiên nhiên, vừa thể hiện được tư duy quản lý vì con người. Đáng chú ý là thời gian gần đây, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có một số động thái hợp lòng dân, trong đó có động thái liên quan đến bãi tắm: quyết liệt thu hồi đất, mở lối xuống biển cho người dân, trả lại cho người dân các bãi tắm mà trong quá trình đầu tư trước đây, một số nhà đầu tư đã hành xử không đúng, chẳng hạn như tự cho mình quyền bịt kín các lối đi xuống biển, thậm chí có nhiều khu du lịch còn ngang nhiên cấm người dân sử dụng bãi cát cũng như tắm biển...

Hai là, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, dưới ánh sáng của Nghị quyết số 09-NQ/TW, mười năm nay Đà Nẵng đã làm được nhiều việc. Chẳng hạn, ngày 14-7- 2010, tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII đã thông qua Nghị quyết đặt tên đường Hoàng Sa và đường Trường Sa dọc theo tuyến đường ven Biển Đông. Chẳng hạn từ đầu năm 2013 đến nay, đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu liên quan đến Hoàng Sa. Đáng chú ý là vào sáng ngày 15-4-2014, tại Quân cảng Vùng 3 Hải quân ở Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Chỉ hơn nửa tháng kể từ khi ra mắt lực lượng, các kiểm ngư viên của Chi đội Kiểm ngư 3 - đóng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng 2, đã tham gia làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ngăn cản Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chỉ tính riêng tại Bảo tàng Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa phối hợp với một số cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức một số triển lãm ấn tượng, gây tiếng vang lớn ở trong nước và quốc tế. Ngày 20-1-2013, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng... tổ chức cuộc triển lãm “Giới thiệu tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” được xem là đột phá khẩu trên mặt trận ngoại giao học thuật nói chung và trong “cuộc chiến bản đồ” nói riêng. Ngày 29-4-2013, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” dành riêng cho các cơ quan ngoại giao, doanh nhân và người nước ngoài đang học tập, công tác tại Đà Nẵng. Đặc biệt, ngày 19-1-2014, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” đúng vào dịp 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 21-6-2014, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Đà Nẵng cũng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam”. Đặc biệt sau khi chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3 năm nay, nhà trưng bày Hoàng Sa cũng vừa tổ chức triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” nhằm giới thiệu những tư liệu báo chí quý giá về Hoàng Sa và ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên đã tác nghiệp vì chủ quyền biển, đảo.

Những kết quả của thành phố cảng biển Đà Nẵng trong mười năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW đã góp phần khẳng định đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.

Những yếu kém, bất cập và những vấn đề đặt ra

Nhìn lại mười năm Đà Nẵng tích cực thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, không nên chỉ thấy những chuyển biến đáng kể và đáng mừng về phát triển kinh tế biển và về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mà còn phải thấy những trì trệ, bất cập so với yêu cầu của Nghị quyết đặt ra và với đòi hỏi của thực tiễn, đúng như nhận định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “việc thực hiện nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển” nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Chỉ nói riêng ngành du lịch, so với toàn quốc, các tỉnh duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái biển với những vịnh biển, bãi biển nổi danh không chỉ trong nước. Tuy nhiên, có thể đánh giá chung mười năm qua, tiềm năng này chưa được khai thác ngang tầm đòi hỏi của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, cụ thể chỉ mới được khai thác trong phạm vi từng tỉnh, chưa có sự liên kết đúng mức và thực sự chân thành giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, kể cả giữa năm tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì thế, tiếp cận tiềm năng du lịch sinh thái biển dọc các tỉnh duyên hải miền Trung bao gồm cả việc đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trong tư duy và nhãn quan liên kết kinh tế vùng là hết sức cấp thiết.

Việc đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển trên địa bàn Đà Nẵng trong tư duy và nhãn quan liên kết kinh tế vùng không phải là điều gì hoàn toàn mới đối với các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung và đối với Đà Nẵng nói riêng. Chẳng hạn, từ nhiều năm nay, Đại học Thủy sản Nha Trang đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo cán bộ ngành thủy sản cho các tỉnh duyên hải miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. Ngay cả lực lượng lao động lành nghề nhưng chưa qua đào tạo dài hạn đang lao động trên các phương tiện đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng hầu hết cũng là nhân lực ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Có điều tất cả những thực tế ấy chưa nằm trong một giải pháp mang tính liên kết kinh tế vùng được chủ động hoạch định theo tầm nhìn chiến lược sao cho từng tỉnh duyên hải miền Trung có thể phát huy tối đa lợi thế riêng có trong quá trình phân công và hợp tác đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển của tỉnh mình và của toàn khu vực. Trong quá trình ấy, Đà Nẵng có thể làm những gì cho các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại có thể thừa hưởng những gì từ các tỉnh duyên hải miền Trung?

Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang mở ra cách nghĩ cách làm mới về kinh tế biển, cũng là mở ra triển vọng mới cho kinh tế biển của thành phố cảng biển Đà Nẵng

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu tăng trưởng dịch vụ kinh tế biển từ 12% - 15%. Đề án này vừa là sự kế thừa kết quả của mười năm phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, vừa là sự đón đầu bắt nhịp những quan điểm và mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đương nhiên mọi việc không hề đơn giản trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông; ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu như dự báo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Thứ nhất, đối với Đà Nẵng, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp - bao gồm cả ngư nghiệp - trong cơ cấu kinh tế của thành phố là rất thấp, nhưng ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên trì bám biển, ngày đêm khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và các vùng biển xa bờ khác không chỉ để nâng cao giá trị kinh tế, cũng không chỉ để kiếm sống mưu sinh mà còn quan trọng hơn là để thay mặt cả nước khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông. Chính vì thế, Đà Nẵng cần quán triệt và tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW: Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển (...) hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương; đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá (...), tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (...), nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai (...), bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

Có như vậy mới có thể phát triển nghề cá truyền thống, mới có thể duy trì đội ngũ ngư dân thực hiện “nhiệm vụ kép” giữa sóng gió biển khơi; đồng thời mới có thể ngăn ngừa không để một lần nữa xảy ra thảm nạn Chanchu năm 2006 khiến 250 ngư dân bỏ mình trên biển do không được báo bão kịp thời, không để một lần nữa xảy ra sự cố tàu đánh cá ĐNA 90152 TS bị đâm chìm năm 2014...

Thứ hai, đẩy mạnh giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, Đà Nẵng cũng cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Từ năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã biên soạn hai tập tài liệu - một dành cho cấp trung học cơ sở và một dành cho cấp trung học phổ thông để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học, nay cần tích hợp một số nội dung nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học. Cũng cần rút kinh nghiệm về việc đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển trên địa bàn Đà Nẵng trong tư duy và nhãn quan liên kết kinh tế vùng mười năm qua, chẳng hạn nếu như có sự hợp tác và phân công hợp lý cùng có lợi giữa các cơ sở đào tạo đang ngày càng phát triển trên địa bàn từng tỉnh sao cho “không đụng hàng” - cũng là đào tạo bác sĩ nhưng Đà Nẵng sẽ “không đụng hàng” với Huế nếu chọn đi vào lĩnh vực chuyên sâu của y học biển - thì nhất định sẽ có thêm nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu hết sức đa dạng về nhân lực cho các ngành kinh tế biển và góp thần thực hiện hiệu quả yêu cầu: “Phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương”.

Thứ ba, phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Muốn vậy, Đà Nẵng phải nỗ lực vượt bậc để nhanh chóng hình thành Cảng Liên Chiểu với tư cách là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây II vừa để giảm tải cho Cảng Tiên Sa vừa để có thể sớm chuyển Cảng Tiên Sa thành một cảng hành khách phục vụ du lịch biển, góp phần “kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới” như tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW./.