Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở tỉnh Vĩnh Long

Bùi Văn Nghiêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long
15:15, ngày 26-02-2018

TCCS - Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gần 20 năm qua, tỉnh Vĩnh Long rất chú trọng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT); trong đó, tập trung phát triển về chất các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của Tỉnh quyết khắc phục những hạn chế yếu kém, phát huy những bài học kinh nghiệm, thực hiện nhiều giải pháp sát hợp hơn để KTTT cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc trong cơ cấu, thành phần kinh tế của Tỉnh.

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên - hiệu quả tích cực

Từ nhiều nhiệm kỳ nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Sau mỗi nhiệm kỳ, Tỉnh thực hiện tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng nhiệm vụ cho giai đoạn mới. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngày 10-4-2016 Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tiếp tục đổi mới và phát triển KTTT. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt trong toàn Đảng bộ với 374 cuộc tuyên truyền cho 35.098 lượt đảng viên (chiếm 99,7% tổng số đảng viên) và 40.067 lượt quần chúng tham gia; Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện về tiếp tục đổi mới và phát triển KTTT giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, với nhiều giải pháp cụ thể; các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đã xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và chính sách về phát triển KTTT, các quy định của pháp luật, đưa nhiệm vụ phát triển KTTT vào nghị quyết, phương hướng nhiệm vụ hằng năm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương, đơn vị.

Điểm qua kết quả thực hiện phát triển KTTT của Vĩnh Long, tính đến cuối năm 2016 có 100 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 5 Quỹ Tín dụng nhân dân, với 7.244 thành viên, 6.789 lao động; về THT, có 1.574 tổ, với tổng số 73.845 hộ thành viên (trong đó 1.445 THT sản xuất trong nông nghiệp, có 69.717 hộ thành viên, 129 THT sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 4.128 hộ thành viên, có 234 THT hoạt động trong cánh đồng mẫu lớn); các tổ chức hợp tác kinh tế khác, có 4 hội và hiệp hội hoạt động với 182 hội viên và có đến 7.166 tổ, câu lạc bộ, nhóm hợp tác giúp nhau làm kinh tế với trên 91.125 thành viên. Các HTX được hình thành rất đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề. Cụ thể:

Lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, có 35 HTX. Phần lớn các HTX hoạt động theo loại hình dịch vụ, hỗ trợ nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất và dịch vụ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu bình quân HTX và thành viên đạt 1,208 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 83,60 triệu đồng/HTX, tỷ suất lãi bình quân 33,50%/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX 2,5 triệu đồng/tháng.

Lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, có 5 Quỹ Tín dụng nhân dân với tổng số thành viên là 7.808 người, tổng nguồn vốn hoạt động trên 158 tỷ đồng (trong đó, vốn điều lệ trên 13 tỷ đồng, vốn huy động trên 133 tỷ đồng; 2 quỹ đáp ứng được trên 100% và 3 quỹ đáp ứng từ 85% trở lên nhu cầu vốn vay của thành viên). Lợi nhuận bình quân 760 triệu đồng/quỹ.

Lĩnh vực giao thông vận tải, có 14 HTX với tổng số 789 lao động, phần lớn hoạt động theo loại hình dịch vụ hỗ trợ. Các HTX hoạt động ổn định, mở rộng luồng tuyến, chi nhánh, trạm ở một số tỉnh, thành trong khu vực. Doanh thu HTX và thành viên HTX bình quân đạt trên 9,28 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân trên 650 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 5,2 triệu đồng/tháng.

Lĩnh vực thương mại dịch vụ, có 5 HTX với tổng số 63 thành viên và 41 lao động hoạt động trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, dịch vụ công cộng. Doanh thu bình quân của HTX trên 4,85 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân trên 376 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trên 4,15 triệu đồng/tháng.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, có 25 HTX với tổng số 273 thành viên và 3.953 lao động, nhiều HTX hoạt động hiệu quả đã đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm ngành nghề, liên kết giữa sản xuất và thương mại, phát triển thành các vệ tinh sản xuất và gia công cho các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn. Doanh thu HTX và thành viên bình quân trên 5,55 tỷ đồng/năm/HTX; lợi nhuận trên 289 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động 4,2 triệu đồng/tháng.

Lĩnh vực xây dựng, có 22 HTX với tổng số 153 thành viên và 540 lao động. Doanh thu của HTX bình quân 1,38 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân gần 80 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động trên 3,4 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, những mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển KTTT hằng năm đều đạt, vượt kế hoạch đề ra. Chất lượng các đơn vị KTTT, nhất là HTX được nâng lên, đổi mới và phát triển hoạt động theo đúng theo Luật HTX. Giá trị sản xuất kinh doanh HTX tăng trưởng khá cao và ổn định, đóng góp tích cực vào tỷ trọng nền kinh tế, chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đời sống vật chất và tinh thần thành viên được nâng lên, nhất là ở nông thôn. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp luôn luôn được củng cố, sắp xếp lại, giải thể những HTX yếu kém. Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng được rà soát giải thể để nâng chất lượng hoạt động và phát triển ổn định, một số mô hình mới hoạt động có hiệu quả. Tỉnh rất chú trọng tập trung xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, ưu tiên hỗ trợ các HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại các vùng nguyên liệu tập trung có lợi thế cạnh tranh như lúa, khoai lang, trái cây, rau màu, thủy sản... Hiện nay, Tỉnh đang xem xét, lựa chọn những HTX, THT có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với thực tế địa phương và tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định 445/QĐ-TTg, ngày 21-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ để tham gia Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; cùng với xây dựng mô hình điểm, diện HTX kiểu mới theo Nghị quyết 04-NQ/TU; đồng thời, yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn một HTX để chỉ đạo xây dựng mô hình.

Có thể khẳng định, phát triển KTTT tại Vĩnh Long có hiệu quả, song cũng còn không ít vấn đề tồn tại cần khắc phục như:

- Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU còn chung chung, thiếu hành động thiết thực; một số nội dung của Nghị quyết chưa thực hiện một cách đầy đủ, nhịp nhàng, nhất là yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KTTT, các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.

- Một số địa phương chưa xây dựng được mô hình HTX kiểu mới ở quy mô lớn trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế; chính quyền cấp huyện, xã một số nơi chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển, có lúc buông lỏng và can thiệp sâu vào công việc nội bộ HTX; một số đơn vị KTTT chưa phát huy tốt nội lực, vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Một số sở, ngành chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý. Công tác phối hợp giữa các ngành của tỉnh và cấp huyện đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa thực hiện hết chức năng được phân công nên hiệu quả chưa cao. Cấp huyện, xã bộ máy còn thiếu, thường xuyên thay đổi nhân sự nên chưa quan tâm đúng mức thực hiện xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến.

Một số bài học kinh nghiệm bước đầu

Thứ nhất, nhận thức đúng, thống nhất về vị trí, vai trò, bản chất, nguyên tắc hoạt động của KTTT đã có tính quyết định đến phát triển KTTT. Thực tế cho thấy, những địa phương làm tốt đều xuất phát từ việc cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức rõ về vị trí, vai trò của KTTT, bắt đầu từ việc quán triệt các nghị quyết của Đảng, xây dựng được chương trình hành động toàn diện, cụ thể để đề ra các chỉ tiêu và biện pháp sát thực tế, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đi kèm theo đó là cân đối được các nguồn lực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Thứ hai, phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ KTTT phát triển. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ do Trung ương quy định, Tỉnh đã xây dựng các chính sách đặc thù, các giải pháp đột phá giúp KTTT phát triển. Đó là, tăng đầu tư từ ngân sách cho công tác tuyên truyền hỗ trợ thành lập HTX; có chính sách hỗ trợ về đất đai làm trụ sở, cơ sở sản xuất, hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ nhân lực quản trị HTX... Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất của HTX và thành viên.

Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, không gò ép, chạy theo thành tích, nhưng cũng không buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ, tạo điều kiện để KTTT phát triển bền vững. Kiên quyết giải thể những HTX, THT hoạt động hình thức.

Thứ tư, phát triển KTTT phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu hợp tác của các thành viên, đồng thời chú trọng tổng kết nhân rộng các mô hình hiệu quả. Phát triển KTTT phải phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, THT và kinh tế hộ gia đình.

Thứ năm, thường xuyên thực hiện củng cố, đổi mới KTTT, nhất là đổi mới HTX cả về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, tạo ra động lực mới trong từng HTX; đổi mới quản lý HTX theo hướng chuyển mạnh hoạt động sang hạch toán kinh doanh với mục tiêu đem lại lợi ích cho thành viên nhằm thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT

Quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng bộ Vĩnh Long đề ra mục tiêu cho thời gian tới là: “... Nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động của khu vực KTTT, từng bước phát triển đa dạng về nghiệp vụ hoạt động, mở rộng và phát triển các dịch vụ mới, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động để góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững; phát triển chuỗi ngành hàng nông sản, phát huy lợi thế cạnh tranh, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, sản xuất gắn liền với xây dựng thương hiệu và quan tâm duy trì sự bền vững của môi trường; tăng nhanh thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”. Để đạt được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị của Tỉnh cần nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phát triển KTTT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến và quán triệt sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức và thống nhất trong hành động phát triển KTTT; nhất là chú trọng tuyên truyền, vận động các HTX, THT phát huy nội lực, cùng góp sức để phát triển sản xuất kinh doanh.

Hai là, kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo phát triển KTTT các cấp, kịp thời nắm bắt tình hình, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phong trào KTTT phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015, của Chính phủ và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh, hiệu quả về thủ tục đăng ký thành lập HTX, xây dựng thương hiệu... Tổ chức tập huấn về KTTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, cán bộ quản lý các HTX, THT. Bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT.

Bốn là, sớm tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các HTX, THT ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nhất là đầu tư bảo quản, chế biến nông sản, áp dụng các mô hình sản xuất sạch, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Hỗ trợ các HTX liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ tại các vùng nguyên liệu tập trung có lợi thế cạnh tranh của địa phương (lúa, khoai lang, trái cây, rau màu, thủy sản...). Kiên quyết giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả.

Năm là, thực hiện tốt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2016 - 2020; Trước mắt, triển khai ngay tại huyện Vũng Liêm với HTX Lúa giống Vinh Phát, Nông nghiệp Tân An Luông; tại thị xã Bình Minh với HTX Sản xuất và tiêu thụ Bưởi Năm roi Mỹ Hòa; tại huyện Trà Ôn với HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp, Hồi Tường, Tân Mỹ; tại huyện Long Hồ với HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước; tại huyện Mang Thít với HTX Thủy sản Tân Phát và tại huyện Tam Bình với các HTX Dịch vụ nông nghiệp Tín Thành, Tân Tiến. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, ưu tiên xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (lúa gạo, trái cây, thủy sản), thương mại và dịch vụ, HTX quản lý kinh doanh khai thác chợ. Củng cố và phát triển HTX, THT trong các xã điểm nông thôn mới để đạt tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất.

Sáu là, hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... cho phép HTX và kêu gọi các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ, đồng hành vì sự phát triển của các HTX; tổ chức hội thảo báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng phát triển của HTX, THT; hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bảy là, huy động, thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển HTX, liên hiệp HTX; khuyến khích thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của HTX về làm việc lâu dài tại HTX; tăng cường cán bộ nông nghiệp ở cơ sở có trình độ chuyên môn phù hợp đến hỗ trợ kỹ thuật tại các HTX thí điểm.

Tám là, phát huy vai trò của Liên minh HTX, các Hội, Hiệp hội ngành nghề, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tư vấn, đào tạo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, hướng dẫn thành viên hoạt động tuân thủ theo nguyên tắc của Luật HTX năm 2012 và các quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam, vận động thành lập HTX, đề xuất đề án, giải pháp bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của thành viên HTX./.