TCCSĐT - Để xứng đáng với vai trò “đầu tàu”, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của mình, địa phương này đang mong muốn Trung ương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong quá trình thực hiện.

Nhiều thành tựu đáng được tự hào

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn thể hiện nỗ lực về mọi mặt để giữ vững vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố luôn đóng góp vào ngân sách quốc gia trên dưới 30% hằng năm. Để làm được điều đó, Thành phố phải luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong quá trình xây dựng, phát triển.

Thời gian qua, do vận dụng và triển khai quyết liệt hàng loạt giải pháp, nên kinh tế của Thành phố không chỉ liên tục giữ vững mức tăng trưởng ổn định, mà còn tăng trưởng đi vào chiều sâu, chú trọng đến chất lượng. Kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình của thế giới tác động đến đất nước nói chung và của Thành phố nói riêng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền theo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương, đề ra giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của Thành phố, trong đó nổi bật là đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua việc tập trung nguồn lực phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao,…

Chính vì vậy, kinh tế của Thành phố luôn tăng trưởng ổn định. Chỉ tính riêng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Thành phố năm 2016 ước đạt 1.037.625 tỷ đồng, tăng 8,05% so với năm 2015, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp xây dựng đều có mức tăng cao. Sáu tháng đầu năm 2017, tăng trưởng (GRDP) của Thành phố đạt 7,68%, cao hơn với cùng kỳ (7,47%). Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu, du lịch… đều tăng trưởng khá. Thành phố đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường; tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp và xây dựng các cụm liên kết sản xuất; đề xuất xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các dự án nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp…. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,5% so cùng kỳ. Tín hiệu đáng mừng là, chỉ trong quý II/ 2017, Thành phố thu hút được 2,24 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ; thu ngân sách, trong 6 tháng đầu năm 2017 của Thành phố đạt 173.000 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ; công tác quản lý trật tự đô thị có chuyển biến tích cực, công tác lập lại trật tự đô thị có kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình; nhiều công trình hạ tầng được khởi công.

Điểm qua những dấu ấn cơ bản và việc làm nêu trên để có thể thấy được một Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo trong quá trình xây dựng, phát triển, với mục tiêu mang lại ngày càng nhiều lợi ích cho nhân dân Thành phố, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và lãnh đạo Thành phố, sự phát triển của Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức cần tiếp tục tháo gỡ: Tăng trưởng kinh tế chưa thật sự ổn định, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch chậm; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp; quy mô, tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể còn nhỏ; kết quả hợp tác phát triển với các địa phương còn hạn chế; cơ cấu hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập, quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển và còn nhiều yếu kém, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước đô thị, ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng tăng.

Việc kiến nghị với Trung ương để có chủ trương, biện pháp mang tính đột phá có lúc chưa kịp thời; công tác thể chế hóa một số nghị quyết của Trung ương có lúc, có nơi còn chậm; vai trò trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa thể hiện rõ nét,...

Để Thành phố xứng đáng vai trò “đầu tàu” của đất nước

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần tháo gỡ những “rào cản” trong cơ chế, chính sách đối với sự phát triển của Thành phố. Trung ương cần tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để tăng trách nhiệm cho chính quyền Thành phố trong quản lý ngân sách; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế kinh tế phù hợp đầu tàu kinh tế của cả nước; tạo động lực để Thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực dẫn dắt nền kinh tế, là nguồn thu chính của ngân sách quốc gia, là địa phương có sức thu hút và sức lan tỏa lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để giải quyết các vấn đề trước mắt, tạo động lực cho chiến lược phát triển lâu dài, vào cuối tháng 6-2017 vừa qua, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội và một số vấn đề tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành phố đã kiến nghị, đề xuất một số chủ trương cơ bản, cấp bách như:

Trung ương sớm ban hành chính sách phát triển Vùng để giải quyết đồng bộ 4 vấn đề cơ bản của phát triển Vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Thành phố là trung tâm (phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường). Hiện nay, cơ chế Chủ tịch Hội đồng Vùng luân phiên giữa Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh chưa phát huy được hiệu quả, khó bảo đảm sự liên kết, sự thực thi các chủ trương, chính sách chung, do đó cần phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ đối với Vùng theo tinh thần Quyết định số 941/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh toàn Vùng và tạo điều kiện phát triển hài hòa giữa các địa phương.

Sớm có một số chính sách liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Thủ tục đầu tư các dự án thoát nước, giảm ngập; cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; việc sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Thành phố. Nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn ngày càng hiệu quả, Thành phố đề nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng từ Trung ương để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước) và chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) cho 36 dự án chống ngập cấp bách của Thành phố.

Hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25-4-2006, của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp các đơn vị sự nghiệp công lập từng bước chủ động huy động vốn để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động sự nghiệp tác động tích cực đến nguồn thu và tạo thêm dịch vụ chất lượng cao cho xã hội. Để tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, Thành phố mong muốn: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố, bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình; cho Ủy ban nhân dân Thành phố được tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị đặc biệt. Chính phủ quan tâm và sớm ban hành các nghị định, quy định cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí,… theo hướng cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Đồng thời, các bộ, ngành cũng ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực để địa phương triển khai thực hiện./.