Diễn đàn khu vực ASEAN: Tăng tính hành động và các sáng kiến thiết thực
ARF lần thứ 24 là một trong những sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra từ ngày 02 đến 08-8 tại thủ đô Manila, Philippines với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 17 đối tác.
Vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế
Quan hệ của ASEAN với các nước lớn, các đối tác có ý nghĩa rất quan trọng với hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng của khu vực. Trong 50 năm qua, thông qua nhiều cơ chế, diễn đàn khác nhau, ASEAN đã xử lý rất thành công quan hệ với các nước lớn. Cơ chế ARF là một ví dụ.
Được thành lập năm 1994 để các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước lớn cùng gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực, ARF đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò của ASEAN trong việc quản lý xung đột, xử lý các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đến nay, ARF đã có 27 thành viên gồm 10 nước thành viên ASEAN, 10 đối thoại và 7 quốc gia ngoài khu vực. ARF ra đời đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các nước nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai… ARF cũng cho phép các nước lớn có tiếng nói, bày tỏ được quan điểm, lập trường và phát huy được vai trò nhất định trong các vấn đề khu vực. Nhờ đó, ASEAN đã quy tụ được sự quan tâm, can dự của tất cả các nước lớn trong và ngoài khu vực, cũng như của nhiều tổ chức khu vực, toàn cầu và trở thành đối tác không thể thiếu của rất nhiều đối tác trên thế giới.
Với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác, phát triển bền vững, chống khủng bố, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bệnh dịch... Nhờ những thành tựu kể trên, ASEAN đã nâng cao được vai trò của Hiệp hội trong quan hệ với các đối tác, giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình, được các nước đối tác cam kết hỗ trợ thúc đẩy việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các kế hoạch, chương trình hợp tác trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN còn phát huy vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc xác định các chương trình nghị sự, định hướng phát triển của tiến trình tại các diễn đàn, thể chế do ASEAN dẫn dắt.
Cần tăng tính hành động và các sáng kiến thiết thực
Tại ARF năm nay, các Bộ trưởng khẳng định ARF cần phát huy mạnh mẽ vai trò là diễn đàn hàng đầu về đối thoại và hợp tác an ninh, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội, thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF và hợp tác về các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, cứu trợ thảm họa, chống phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị và gìn giữ hòa bình.
Các bộ trưởng cam kết tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, nghiên cứu và phát triển các biện pháp ngoại giao phòng ngừa phù hợp với nhu cầu của khu vực, đồng thời giữ vững các nguyên tắc nền tảng và định hướng của Diễn đàn như đồng thuận, phát triển tiệm tiến, chú trọng cân bằng giữa các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, các bộ trưởng đã thảo luận thẳng thắn các vấn đề cùng quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực, trong đó nổi lên là tình hình Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, và các thách thức an ninh mới như khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng; quan ngại về những diễn biến tình hình vừa qua, trong đó có các hoạt động đơn phương như quân sự hoá, xây dựng trên các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) làm cơ sở thúc đẩy đàm phán xây dựng một COC hiệu quả và thực chất.
Các bộ trưởng đều nhấn mạnh hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết thúc đẩy hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo đảm hòa bình, ổn định nói chung, trong đó có an ninh biển, là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu những quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hóa; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc về pháp lý. Phó Thủ tướng đề xuất củng cố và mở rộng các biện pháp đối thoại và xây dựng lòng tin, xây dựng nhận thức chung và năng lực triển khai ngoại giao phòng ngừa.
Cũng tại diễn đàn, các nước đã thông qua danh mục các hoạt động cho năm giữa kỳ 2017-2018, trong đó Việt Nam sẽ chủ trì 2 hội thảo về các chủ đề hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển và xây dựng năng lực cho lực lượng giữ hòa bình. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng nhất trí về thành lập Nhóm Giữa kỳ ARF về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ISM-ICTs) để đáp ứng nhu cầu hợp tác khu vực ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng đã thông qua hai Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ARF về Đánh bắt cá trái phép và Phòng chống ma túy.
Tăng cường sử dụng truyền thông xã hội để chống khủng bố
Ngoại trưởng các nước tham dự ARF đã nhất trí tăng cường sử dụng truyền thông xã hội trong cuộc chiến chống khủng bố, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về những mối đe dọa từ những tay súng khủng bố nước ngoài tại khu vực. Theo tuyên bố của Chủ tịch ARF, các nước tham dự đã nhấn mạnh "sự cần thiết của việc sử dụng truyền thông xã hội một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm chống lại các hoạt động truyền bá chủ nghĩa khủng bố trên mạng".
Truyền thông xã hội được xem là một phương thức truyền thông kiểu mới, theo đó tin tức có thể được chia sẻ và lưu truyền nhanh chóng, cùng với đó là tính năng đối thoại bởi người dùng có thể bày tỏ ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Những cách thể hiện của truyền thông xã hội có thể dưới hình thức các mạng giao lưu chia sẻ thông tin cá nhân như Facebook hay các mạng chia sẻ tài nguyên, như chia sẻ video trên trang YouTube.
Đây là nội dung được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về mối đe dọa từ các tay súng khủng bố người nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa các phiến quân ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng chính phủ tại thành phố Marawi (Ma-ra-uy) miền Nam Philippines.
ASEAN có vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương
Phát biểu với các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V. K. Singh cho rằng ASEAN chiếm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có khả năng hài hòa các lợi ích lớn hơn của thế giới chứ không chỉ khu vực này.
Hãng ANI News cho biết ông Singh đã có bài phát biểu khai mạc tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 15 tại Manila, nơi Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và người đồng cấp đến từ các nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương thảo luận về các vấn đề an ninh của khu vực. Ông Singh khẳng định: "Từ triển vọng của Ấn Độ, ASEAN chiếm một vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là quan điểm của chúng tôi vì ASEAN có những giao thoa về văn hóa, thương mại và địa lý của khu vực, tổ chức này có khả năng duy nhất để phản ánh và hài hòa các lợi ích lớn hơn của thế giới chứ không chỉ khu vực này"./.
ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng thịnh vượng  (08/08/2017)
VietinBank tuyển dụng gần 300 nhân sự cho chi nhánh  (08/08/2017)
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN  (08/08/2017)
Phó Chủ tịch nước thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Nam  (07/08/2017)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyên góp ủng hộ đồng bào Tây Bắc  (07/08/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên