Các giải pháp nâng cao vai trò của lưu thông trong tiêu thụ nông sản
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của kinh tế đất nước, sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta có tốc độ tăng trưởng cao. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu luôn thuộc nhóm các nước đứng đầu như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, rau củ quả, tôm, cá, thịt… Chất lượng và cơ cấu hàng hoá nông sản cũng có nhiều thay đổi tích cực.
Tuy vậy, hiện nay lưu thông và tiêu thụ hàng hoá nông sản của nước ta đang gặp phải những khó khăn và thử thách lớn cả về thị trường, giá cả, chất lượng và chủng loại hàng hoá. Hầu hết các mặt hàng nông sản chính đang ứ đọng, giá cả giảm mạnh, chất lượng ngày một giảm đi làm cho việc tiêu thụ ngày càng khó hơn. Những khó khăn này nền nông nghiệp nước ta cũng đã gặp phải vào đầu những năm 2000.
Trên thực tế, hàng hoá nông sản khi đã bị ứ đọng giảm giá thì không thể cân đối cung cầu bằng cách dừng hay giảm giãn tiến độ thu hoạch ngay được vì cây trồng, vật nuôi đến vụ thì bắt buộc phải thu hoạch. Chỉ có giải pháp duy nhất là thúc đẩy lưu thông, phân phối, dự trữ, bảo quản, khuyến khích tiêu dùng để tiêu thụ hiệu quả nhất lượng nông sản tồn đọng này.
Như vậy, lúc này khâu lưu thông trở nên có vai trò quyết định đối với việc giải phóng nông sản tồn đọng. Vì vậy cần thiết phải thấy rõ vai trò của nó đối với việc tiêu thụ hàng hoá nông sản nói chung.
Vai trò của lưu thông đối với tiêu thụ nông sản
Lưu thông, phân phối là một khâu quan trọng trong chu trình sản xuất - kinh doanh nói chung. Trong sản xuất - kinh doanh nông sản, lưu thông, phân phối lại càng có vai trò quan trọng do tính chất, đặc điểm riêng có của hàng hóa nông sản, thể hiện trên các khía cạnh sau:
- Lưu thông góp phần cung ứng hàng hoá nông sản cho chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu. Lưu thông có vai trò rất quan trọng, nắm giữ khâu trung gian trong mối quan hệ giữa người nông dân và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.
- Trong lưu thông, có thể dự trữ, bảo quản hàng hoá nông sản, đảm bảo ổn định nguồn hàng, chất lượng cho tiêu dùng nông sản. Thông qua đó, lưu thông góp phần bảo đảm cung ứng nông sản thường xuyên, ổn định, bình ổn giá cả thị trường, góp phần ổn định đời sống xã hội.
- Lưu thông tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản. Bằng hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo quản nông sản, lưu thông đưa nông sản hàng hóa đến đúng tay người có nhu cầu, duy trì và làm gia tăng giá trị của nông sản.
- Trong lưu thông, phân phối, có thể thực hiện các hình thức tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại để hướng dẫn người tiêu dùng, tăng cường khả năng tiêu thụ nông sản.
- Trong quá trình lưu thông, có thể thực hiện các biện pháp hướng dẫn và khuyến khích tiêu dùng những mặt hàng nông sản mới, hàng nông sản chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Với những vai trò quan trọng như phân tích, đẩy mạnh các giải pháp lưu thông hàng hóa nông sản sẽ có tác động tích cực trở lại đối với sản xuất nông nghiệp trên cả phương diện khuyến khích tăng năng suất, chất lượng nông sản và định hướng cơ cấu lại các ngành nông nghiệp để sản xuất các loại nông sản hàng hóa theo nhu cầu của thị trường.
Đặc điểm nông sản nước ta và những thuận lợi, khó khăn trong tiêu thụ nông sản
Nông sản nước ta chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện tự nhiên như đất đai , khí hậu thời tiết, địa hình, nguồn nước… Các điều kiện tự nhiên tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, từ đó tác động đến năng suất, chất lượng, giá cả, nguồn hàng nông sản. Việc sản xuất, thu hoạch nông sản thường được tiến hành theo mùa vụ rõ ràng. Năng suất, chất lượng, giá cả của nông sản có sự biến động tùy thuộc vào từng mùa vụ. Vào chính vụ, sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, phong phú về chủng loại, giá rẻ. Trái lại thì sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều, giá cao.
Nông sản hàng hóa mang tính phân tán, mỗi loại cây khác nhau phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu khác nhau, do đó, được trồng và phát triển ở những vùng khác nhau. Nông sản phân tán ở các vùng nông thôn và do hàng triệu nông dân sản xuất ra, nhưng sức tiêu thụ lại tập trung ở thành phố và các khu công nghiệp. Phương thức lưu thông hàng nông sản là phân tán - tập trung, nông thôn - thành thị. Vì vậy, việc bố trí thu mua, chế biến, vận chuyển phải phù hợp với các đặc điểm nói trên.
Các mặt hàng nông sản có tính chất tươi sống, dễ bị hỏng, suy giảm chất lượng. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý phân loại, chế biến, bảo quản, vận chuyển, có phương thức kinh doanh phù hợp với đặc điểm của từng loại nông sản. Giá cả hàng hóa nông sản phụ thuộc vào chất lượng, nhưng chất lượng hàng nông sản không những phụ thuộc vào khâu sản xuất mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu bảo quản, chế biến. Vì vậy, cần phải đặc biệt quan tâm đến việc chế biến và bảo quản nông sản trong lưu thông.
Nông sản nước ta rất phong phú và đa dạng về chủng loại và chất lượng. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi khác nhau thì có điều kiện sinh trưởng, phát triển khác nhau, thu mua chế biến theo cách rỉêng. Vì vậy, chất lượng không đồng đều.
Tóm lại, đặc điểm của nông sản hàng hóa nước ta là sản phẩm nông nghiệp truyền thống chiếm tỷ trọng lớn; sản xuất nhiều loại nông sản theo tập quán truyền thống, dựa trên lợi thế tự nhiên; phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời vụ.
Xuất phát từ đặc điểm nông sản hàng hóa nước ta và truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời nên trong quá trình lưu thông, tiêu thụ, có những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi: Sản xuất nông nghiệp nước ta phát triển với một bề dày truyền thống; Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới; Chi phí lưu thông ngày càng giảm do hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ; Năng lực và trình độ cạnh tranh của doanh nghiệp và người nông dân phát triển ngày càng cao; Tiến bộ khoa học công nghệ đang được ứng dụng ngày một rộng rãi.
Bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn: Chất lượng sản phẩm không cao, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn khiêm tốn; Thị trường tiêu thụ nông sản chất lượng trung bình của thế giới đang bão hoà, sản phẩm ứ đọng; Cung cầu mất cân đối cả về mặt số lượng và chất lượng, chủng loại nông sản; Giá cả nông sản hàng hóa trên thế giới đang có xu hướng giảm nhanh, tạo mặt bằng giá thấp; Cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại (bến bãi, có sở chế biến, bảo quản) đang dần lạc hậu, tỷ trọng đầu tư mới cho khâu lưu thông, phân phối rất thấp; Năng lực cạnh tranh của hàng hoá, doanh nghiệp kinh doanh nông sản vẫn còn khá khiêm tốn so với trình độ của khu vực và thế giới.
Những giải pháp về thương mại và cạnh tranh thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Giải pháp thị trường:
- Tạo sự sôi động trên thị trường mua bán trao đổi hàng hoá. Đảm bảo tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh; quản lý, kiểm soát các hoạt động vi phạm và hạn chế cạnh tranh.
- Động viên nhiều chủ thể, thương nhân tham gia kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nông sản. Xây dựng những doanh nghiệp lớn dự trữ, dẫn dắt các kênh lưu thông phân phối nông sản.
- Xoá bỏ các rào cản gia nhập thị trường kinh doanh nông sản. Tham gia, ký kết các hiệp định thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ngoài nước.
Tổ chức vận động hàng hoá hợp lý:
- Nông sản chủ yếu được sản xuất ở nông thôn, miền núi nhưng được tiêu dùng phần lớn ở thành thị và nước ngoài. Vì vậy phải tổ chức hợp lý khâu vận tải, kho tàng, bến bãi, nhà xưởng ở nông thôn, thành thị, bến cảng.
- Có kế hoạch chế biến, bảo quản, dự trữ hợp lý trong khâu lưu thông, phân phối.
- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong tổ chức vận động hàng hoá, giảm chi phí lưu thông.
Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại, nguồn vốn kinh doanh:
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại nông sản hàng hóa.
- Bố trí nguồn vốn tự chủ và ưu đãi cho lĩnh vực lưu thông, phân phối tương ứng với vai trò nhiệm vụ đang đảm nhiệm. Có đủ nguồn lực để dự trữ, bảo quản, chế biến và xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Áp dụng linh hoạt các phương thức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh:
- Củng cố, duy trì các kênh lưu thông, phân phối truyền thống từ nông thôn tới thành thị và giữa các vùng, miền, địa phương.
- Xây dựng các trung tâm siêu thị, khu thương mại cửa khẩu, bến bãi trung chuyển mới cho hàng hóa nói chung, hàng hóa nông sản nói riêng.
- Áp dụng, phổ biến các loại hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, liên kết kinh doanh giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản…
- Áp dụng ngày càng rộng rãi các hình thức xuất khẩu giao hàng đến thị trường tiêu thụ, đến kho của bên mua,…
Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản Việt Nam:
- Tạo nguồn kinh phí xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, chú trọng xây dựng và giữ gìn uy tín thương hiệu sản phẩm, xây dựng và giới thiệu chỉ dẫn địa lý cho hàng hóa đặc sản các vùng, miền sản xuất.
- Quảng bá sản phẩm nông sản, khuyến khích, định hướng người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đối với các thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.
- Giới thiệu sản phẩm, có hình thức khuyến mại phù hợp, khuyến khích, định hướng tiêu dùng hàng nông sản Việt Nam.
Tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm:
- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý kịp thời các hoạt động chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh, gây rối loạn thị trường.
- Áp dụng và thực thi pháp luật, chính sách về thương mại và cạnh tranh đối với hàng nông sản. Chống các hoạt động thao túng, lạm dụng, buôn lậu, trốn thuế… trong kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu hàng nông sản.
- Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ việc, hành vi vi phạm, hạn chế cạnh tranh trong kinh doanh hàng hoá nông sản.
Nước ta có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới với sự đa dạng các mặt hàng nông sản. Nông dân nước ta có nhiều tố chất để có thể sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa với chất lượng cao, số lượng lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, để sản phẩm của nông dân đến được với người tiêu dùng, qua đó, lao động sản xuất hàng hóa của nông dân được thị trường đánh giá, xác nhận thì rất cần có sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, cùng với nông dân, hỗ trợ nông dân, tham gia vào công đoạn lưu thông, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, làm cho chuỗi giá trị hàng hóa nông sản mang tính bền vững. Giải quyết được bài toán về lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng chính là tạo điều kiện cho nông dân vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống; tạo nền tảng vật chất cho quá trình liên minh công - nông một cách thực chất trong quá trình cách mạng. Đây vừa là yêu cầu, đòi hỏi của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, cũng đồng thời là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước./.
Một số khía cạnh bản chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam  (31/01/2017)
Một số khía cạnh bản chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam  (31/01/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017  (31/01/2017)
Tiếp tục đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2015 - 2025  (30/01/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc Tết tỉnh Quảng Ngãi  (30/01/2017)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên