Tổng quan tình hình kinh tế nước ta năm 2016
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước, đóng góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp có mức tăng cao nhất với 6,11%, nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp với quy mô trong khu vực lớn nhất (khoảng 75%) chỉ tăng thấp ở mức 0,72%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,80%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gây ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất của khu vực này.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4,00%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn. Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10,00%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,79%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 4,00%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống năm nay có mức tăng trưởng khá cao 6,70%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 4,81 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản lượng lúa cả năm 2016 ước tính đạt 43,6 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2015 do diện tích gieo cấy đạt 7,8 triệu ha, giảm 40 nghìn ha; năng suất đạt 56 tạ/ha, giảm 1,6 tạ/ha. Nếu tính thêm 5,2 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm nay ước tính đạt 48,8 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2015.
Trong sản xuất lúa, diện tích gieo cấy lúa đông xuân năm nay đạt 3,1 triệu ha, giảm 30 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; năng suất đạt 63 tạ/ha, giảm 3,5 tạ/ha nên sản lượng đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn. Diện tích gieo cấy lúa hè thu và thu đông đạt 2,8 triệu ha, tăng 23,9 nghìn ha so với năm trước; năng suất đạt 53,5 tạ/ha, giảm 0,6%; sản lượng đạt 15 triệu tấn, tăng 34 nghìn tấn. Diện tích gieo cấy lúa mùa của cả nước đạt 1,9 triệu ha, giảm 33,5 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước tính đạt 48,4 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 9,2 triệu tấn, giảm 243 nghìn tấn.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01-10-2016, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, giảm 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,5 triệu con, tăng 2,4%, riêng đàn bò sữa đạt 282,9 nghìn con, tăng 2,8%; đàn lợn có 29,1 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm có 361,7 triệu con, tăng 5,8%. Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá, trong đó sản lượng thịt trâu đạt 86,6 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt bò đạt 308,6 nghìn tấn, tăng 3,1%; sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng 5%; sản lượng thịt gia cầm đạt 961,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng trứng gia cầm đạt 9.446,2 triệu quả, tăng 6,4%.
Năm 2016, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 231,2 nghìn ha, giảm 3,9% so với năm 2015; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 154,5 triệu cây, giảm 4,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.568 nghìn m3, tăng 10,3%; sản lượng củi khai thác đạt 27,1 triệu ste, giảm 0,4%.
Diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước năm 2016 là 4.519 ha, gấp 2,4 lần so với năm 2015, trong đó diện tích rừng bị cháy là 3.320 ha, gấp 3,1 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 1.199 ha, tăng 47,5%.
Sản lượng thuỷ sản năm 2016 ước tính đạt 6.728,6 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm trước, trong đó cá đạt 4.843,3 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 823,9 nghìn tấn, tăng 3,3%.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản những tháng đầu năm gặp khó khăn do thời tiết thay đổi thất thường, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thị trường xuất khẩu giảm mạnh, giá thu mua sản phẩm không ổn định. Những tháng cuối năm, tình hình đã khởi sắc hơn nhưng nhìn chung kết quả nuôi trồng thủy sản cả năm đạt thấp. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2016 ước tính đạt 3.604,3 nghìn tấn, tăng 2,6% so với năm trước, trong đó cá đạt 2.576,8 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 649,3 nghìn tấn, tăng 3,4%.
Thời tiết trong năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển, giá xăng dầu thấp cùng với dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển đã tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, bám biển dài ngày. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của các tỉnh ven biển miền Trung cũng như của cả nước. Năm 2016, sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 3.124,3 nghìn tấn, tăng 2,9% so với năm 2015, trong đó cá đạt 2.266,5 nghìn tấn, tăng 2,9%, tôm đạt 174,7 nghìn tấn, tăng 3,3% (Sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 2.930,8 nghìn tấn, tăng 3,2%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười Hai ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2015 (quý I tăng 7,4%; quý II tăng 7,1%; quý III tăng 7,1%; quý IV ước tính tăng 8,2%), thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do ngành khai khoáng giảm sút mạnh. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01-12-2016 tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm trước, là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,5%); tỷ lệ tồn kho bình quân 11 tháng năm 2016 là 66,1%.
Hoạt động của doanh nghiệp
Tính chung cả năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% (nếu tính cả 1.629,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2016 là 2.520,9 nghìn tỷ đồng); số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là 1.268 nghìn người, bằng 86,1% năm 2015. Trong năm nay còn có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn doanh nghiệp.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV-2016 cho thấy: Có 80,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV ổn định và tốt hơn quý trước (có 41,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 39,4% số doanh nghiệp đánh giá ổn định), trong khi 19,4% số doanh nghiệp đánh giá còn gặp khó khăn. Dự báo trong quý I-2017, có 81,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt lên, trong đó có 42,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Hoạt động dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 ước tính đạt 3.527,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước (Năm 2015 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá thì còn tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng 8,5% của năm trước do sức mua không biến động lớn, trong khi giá tiêu dùng năm nay tăng cao hơn so với năm 2015.
Vận tải hành khách năm 2016 ước tính đạt 3.620,5 triệu lượt khách, tăng 9,6% so với năm trước và 171,3 tỷ lượt khách.km, tăng 11%. Vận tải hàng hóa cả năm đạt 1.275,4 triệu tấn, tăng 10,6% so với năm trước và 240,7 tỷ tấn.km, tăng 4,3%.
Doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2016 ước tính đạt 381,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2015.
Khách quốc tế đến nước ta trong năm ước tính đạt 10,01 triệu lượt người, tăng 26% so với năm trước (tăng hơn 2 triệu lượt khách). Đây là lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, gấp 2 lần lượng khách đến nước ta năm 2010. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 8,26 triệu lượt người, tăng 31,7%; đến bằng đường bộ đạt 1,47 triệu lượt người, giảm 2,3%; đến bằng đường biển đạt 284,8 nghìn lượt người, tăng 67,7%.
Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
Tính đến thời điểm 20-12-2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 13,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 16,88% (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,59%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,46%.
Thị trường bảo hiểm năm 2016 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 22,1% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 30,5%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12,5%. Tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trong bảo hiểm phi nhân thọ ước tính 32,98% (cùng kỳ năm 2015 là 41,47%).
Xây dựng, đầu tư
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2016 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 10,1% so với năm 2015, bao gồm: Khu vực Nhà nước tăng 1,7%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,9%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở tăng 13,6%; công trình nhà không để ở giảm 2,5%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 13,1%; hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 11,8%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 557,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 579,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2016 ước tính đạt 268,6 nghìn tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch năm và tăng 15,1% so với năm 2015, trong đó vốn trung ương quản lý đạt 62,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3% và tăng 14,9%; vốn địa phương quản lý đạt 206 nghìn tỷ đồng, bằng 98,6% và tăng 15,2%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 26-12-2016 thu hút 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.182,3 triệu USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.765,1 triệu USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm. Trong năm 2016 có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3.425,3 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24.372,7 triệu USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
Thu, chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-12-2016 ước tính đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 744,9 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9%; thu từ dầu thô đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 156,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-12-2016 ước tính đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4%; chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 ước tính đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước (Năm 2015 tăng 7,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50,0 tỷ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2% (Nếu không kể dầu thô, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 123,5 tỷ USD, tăng 11,8%). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt 179,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2015.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 ước tính đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2016 ước tính đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2015, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 67,3% và tăng 12,2%; dịch vụ vận tải 2,4 tỷ USD, chiếm 20% và tăng 0,7%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2016 ước tính đạt 17,7 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 50,6% và tăng 3,8%; dịch vụ du lịch 4,5 tỷ USD, chiếm 25,4% và tăng 27,9%. Nhập siêu dịch vụ năm 2016 là 5,4 tỷ USD, bằng 44,1% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2016 tăng 0,23% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 5,30% (dịch vụ y tế tăng 6,93%) do trong tháng có 4 tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,27%). Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% do nhu cầu mua sắm hàng mùa đông tăng lên; đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,19% do giá gas còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá tháng trước và nhu cầu sửa chữa nhà ở tăng cao trong những tháng cuối năm; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 0,89%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%, trong đó lương thực tăng 0,22%, thực phẩm giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Riêng nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng trước.
CPI tháng 12-2016 tăng 4,74% so với tháng 12-2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,4%. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015. Mức tăng CPI tháng 12-2016 so với cùng kỳ năm 2015 và mức tăng CPI bình quân năm 2016 so với bình quân năm 2015 tăng cao hơn so với năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây, đồng thời vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.
Lạm phát cơ bản tháng 12-2016 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2016 tăng 1,83% so với bình quân năm 2015.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 12-2016 giảm 2,52% so với tháng trước; tăng 10,98% so với cùng kỳ năm 2015; bình quân năm 2016 tăng 5,95% so với năm 2015. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2016 tăng 1,52% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015; bình quân năm 2016 tăng 2,23% so với năm 2015.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 tăng 1,71% so với năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,49%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi giảm 1,77%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,38%.
Chỉ số giá xuất khẩu năm 2016 giảm 1,83% so với năm trước; chỉ số giá nhập khẩu năm 2016 giảm 5,35% so với năm 2015. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm nay tăng 3,72% so với năm trước./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 19 đến ngày 25-12-2016)  (27/12/2016)
Hội thảo thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc  (27/12/2016)
Chủ tịch nước: Công an trong sạch mới đấu tranh hiệu quả với tội phạm  (27/12/2016)
Thủ tướng yêu cầu VASS đề xuất cơ chế chính sách hữu hiệu hơn  (27/12/2016)
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 5  (27/12/2016)
Cần có chính sách để thu hút nhiều hơn kiều bào trở về quê hương  (27/12/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên