Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo của cấp ủy và kết quả triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối; thảo luận các khó khăn, vướng mắc; xác định các nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2015 và các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy để đảm bảo hoàn thành đề án tái cơ cấu của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối trong năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch đặt ra.
Bước chuyển mạnh mẽ
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trong giai đoạn 2011-2015 có 28 đơn vị thuộc đối tượng phải xây dựng đề án tái cơ cấu. Năm đơn vị không thuộc diện này là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Thông tin di động mới được tách ra từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối là những doanh nghiệp nòng cốt của kinh tế nhà nước, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tổng vốn chủ sở hữu của nhà nước tại các đơn vị này hiện đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trong Khối có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định thành công của tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Năm 2014, Đảng ủy Khối và các cấp ủy trong Đảng bộ Khối đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp trong Khối, nhờ đó đã tạo ra bước chuyển biến mạnh về nhận thức cũng như kết quả tái cơ cấu. Tính lũy kế đến ngày 31-12-2014 đã thực hiện cổ phần hóa được 42/94 doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty cần cổ phần hóa theo đề án được phê duyệt.
Một số đơn vị đã thực hiện xong hoặc đang triển khai tốt tiến độ cổ phần hóa như Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam hoàn thành 100% theo đề án được phê duyệt và đang đề xuất được thực hiện cổ phần hóa thêm một số doanh nghiệp trực thuộc. Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đã cổ phần hóa xong 3/8 đơn vị. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã cổ phần hóa xong 5/9 đơn vị cần cổ phần hóa theo đề án được phê duyệt.
Về cổ phần hóa các công ty mẹ, năm 2014 có thêm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã thực hiện. Như vậy lũy kế đến nay có 5 công ty mẹ đã cổ phần hóa (Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Thép Việt Nam-Công ty cổ phần, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam).
Về thoái vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính và các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, tính lũy kế đến 31-12-2014, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã thoái toàn bộ 100% vốn tại 235/784 doanh nghiệp và thoái một phần vốn tại 13/55 doanh nghiệp.
Công tác tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã thu được nhiều kết quả tích cực: tháng 10-2013 Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được thành lập với mô hình công ty mẹ - Tổng công ty, có 8 đơn vị thành viên là 8 nhà máy đóng tàu nòng cốt của Vinashin.
Đến nay, SBIC đã hoàn thành việc tái cơ cấu giảm đầu mối được 108 doanh nghiệp trên tổng số 236 doanh nghiệp không giữ lại trong mô hình Tổng công ty; đã cơ bản cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài, nợ trong nước giai đoạn một; hoàn thành rút vốn thương hiệu Vinashin tại các doanh nghiệp có đủ điều kiện rút vốn. Hoạt động của Tổng công ty đang từng bước lấy lại sự ổn định.
Trong năm 2014, các đơn vị trong Khối đã vừa đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu, thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, vừa hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, có tới 90% tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối hoạt động hiệu quả, có lãi, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình toàn Khối đạt 8,4%; nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 276.000 tỷ đồng, đóng góp tới 32,4 % tổng thu ngân sách quốc gia; đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1 triệu lao động.
Các đơn vị trong Khối tiếp tục đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng bền vững ; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ gìn biển đảo, biên giới của Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn
Hội nghị xác định trọng tâm tái cơ cấu năm nay là tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn. Các tập đoàn, tổng công ty trong Khối cần hoàn thành cổ phần hóa 52 doanh nghiệp thành viên, đồng thời thực hiện cổ phần hóa 6 công ty mẹ là: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Ximăng Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Về thoái vốn, hoàn thành thoái 100% vốn tại 549 doanh nghiệp và thoái một phần vốn tại 42 doanh nghiệp. Về sắp xếp lại doanh nghiệp, thực hiện việc sáp nhập 45 doanh nghiệp thành viên.
Đảng ủy Khối và các cấp ủy đảng trong Đảng bộ quyết liệt chỉ đạo hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu theo đúng đề án và các chỉ tiêu đã được phê duyệt, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo xây dựng và đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm nay theo đúng tiến độ.
Phấn đấu trong quý 2 này triển khai xác định giá trị doanh nghiệp, trong quý 3 tới công bố giá trị doanh nghiệp và trong quý tư năm nay hoàn thành cổ phần hóa đối với tất cả các doanh nghiệp cần cổ phần hoá theo đề án đã được phê duyệt.
Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao để tái cơ cấu, cổ phần hóa thành công
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết đã biểu dương những kết quả quan trọng đạt được của Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương trong lãnh đạo triển khai đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối.
Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết đề nghị, trong thời gian tới, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các bộ quản lý ngành và các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế; trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 3 trọng tâm, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Trong quá trình tái cơ cấu, các cấp ủy phải làm thật tốt công tác tư tưởng, công tác dân vận để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ chủ trương đến tổ chức thực hiện, tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng giữa lãnh đạo doanh nghiệp với các tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp để tái cơ cấu, cổ phần hóa thành công.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện, đổi mới mô hình và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, các đoàn thể gắn với quá trình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy của đảng bộ trong doanh nghiệp, ngân hàng phù hợp với mô hình doanh nghiệp, ngân hàng sau khi hoàn thành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, ngân hàng.
Ban Kinh tế Trung ương, các bộ quản lý ngành, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước nói chung, của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương nói riêng.
Đảng ủy Khối và các bộ quản lý ngành tập trung lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của đơn vị đối với người đại diện vốn của công ty mẹ trong các doanh nghiệp khác.
Các đơn vị trong Khối đổi mới, hiện đại hóa khoa học công nghệ vào quản trị và sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh mẽ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nguồn lực đầu tư của Nhà nước để khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế, góp phần tích cực cùng cả nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.
Các đơn vị trong Khối tiếp tục cơ cấu lại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, gắn với làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng và các doanh nghiệp thành viên; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Các doanh nghiệp, ngân hàng chủ động nghiên cứu thị trường quốc tế, cơ chế pháp luật quốc tế; xác định tầm nhìn, chiến lược trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới; nâng cao thương hiệu về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt trong khu vực và quốc tế./.
Kinh tế - xã hội đã đạt kết quả tích cực nhưng không được chủ quan  (25/04/2015)
Việt Nam và Myanmar thúc đẩy hợp tác phòng chống tham nhũng  (25/04/2015)
Việt Nam-Malaysia họp ủy ban hỗ hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế  (25/04/2015)
Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng  (25/04/2015)
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự hai tỉnh Quảng Ninh và Hậu Giang  (25/04/2015)
Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch tỉnh Yên Bái  (25/04/2015)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên