Đổi mới cơ chế tài chính trong cung cấp dịch vụ công hướng tới mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả

Vương Đình Huệ GS, TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính
23:01, ngày 17-12-2012
TCCS - Thực hiện lộ trình cải cách nền hành chính, Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc cải cách khu vực dịch vụ công, trong đó đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức sự nghiệp công luôn là một ưu tiên. Mục đích chính yếu là bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam ngày càng được thụ hưởng những dịch vụ công tốt hơn, công bằng hơn.

Những năm qua, cơ chế chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ công đã từng bước được đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thực hiện nghị quyết Đại hội X và XI của Đảng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các chế độ, tổ chức thực hiện đồng bộ chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa trong cung cấp các dịch vụ công. Cụ thể là: Ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dịch vụ công; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công trong việc sử dụng hiệu quả tài sản và nSnn; đa dạng hóa loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho xã hội, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn, được thuận lợi hơn khi tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản.

Nhưng, thực tế cho thấy cơ chế, chính sách tài chính đối với việc cung cấp dịch vụ công trong thời gian vừa qua vẫn còn những hạn chế, như việc phân bổ kinh phí từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công vẫn mang tính bình quân, dàn trải và thiếu các tiêu chí đánh giá kết quả sử dụng kinh phí gắn với kết quả hoạt động cung cấp dịch vụ công. nhà nước vẫn duy trì chính sách trợ cấp qua giá đối với một số dịch vụ công. Kết quả huy động sự đóng góp từ xã hội, từ các thành phần kinh tế trong việc cung cấp dịch vụ công chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.

Thực hiện nghị quyết số 22/2008/nQ-CP, ngày 23-9-2008, của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa X, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 37-TB/TW, ngày 26-5-2011, thông qua Đề án và nhất trí với những nội dung của Đề án (về chủ trương, phương hướng và các giải pháp); đồng thời khẳng định việc tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong thời gian tới là cần thiết; phải thực hiện với quyết tâm và đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện hơn về cơ chế hoạt động và tài chính.

Triển khai Kết luận số 37-TB/TW, của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Chương trình được hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính có Tờ trình số 16/T.Tr-BCS, ngày 15-12-2011, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ về nội dung chương trình; trong đó, đề xuất một số nội dung chính như sau:

1 - Hoàn thiện phương thức đầu tư của ngân sách nhà nước

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ công cơ bản, tiếp tục tăng chi NSNN cho việc bảo đảm cung cấp các dịch vụ công, nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công cung cấp cho xã hội. Từng bước thực hiện cơ cấu lại chi NSNN đối với việc cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư xây dựng cơ bản để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ công, ưu tiên đầu tư các cơ sở cung cấp các dịch vụ công cơ bản, như giáo dục, y tế,... tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp khoảng cách về cung cấp và thụ hưởng dịch vụ công giữa các khu vực, vùng, miền trong cả nước. Từng bước giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ NSNN cho cung cấp dịch vụ công; đồng thời, có chính sách huy động đóng góp từ xã hội để bù đắp các chi phí thường xuyên cho cung cấp dịch vụ công.

Thực hiện cơ cấu lại chi thường xuyên từ NSNN cho cung cấp dịch vụ công theo hướng: NSNN bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công được nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công phục vụ cho các đối tượng chính sách, xã hội (giáo dục tiểu học, trường phổ thông dân tộc, bệnh viện phong, lao, tâm thần,...); đơn vị sự nghiệp công ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và hải đảo.

Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước chuyển từ việc giao dự toán theo phương thức giao khoán chi hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP như hiện nay sang thực hiện phương thức nhà nước đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; giao nhiệm vụ dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ cung cấp, để nguồn tài chính công được phân phối công khai, minh bạch cho các đơn vị sử dụng có hiệu quả nhất và không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. Qua đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm cho các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng, tạo thị trường cung cấp dịch vụ công theo hướng nâng cao chất lượng, giảm chi phí, có lợi cho người sử dụng và xã hội.

Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ nSnn cho các đối tượng chính sách thông qua các cơ sở cung cấp dịch vụ công như hiện nay bằng phương thức nhà nước thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng (thay việc các cơ sở giáo dục miễn giảm học phí cho học sinh thuộc đối tượng chính sách bằng việc nhà nước cấp học bổng trực tiếp cho người học, để đóng cho cơ sở đào tạo; thay việc cơ sở y tế miễn giảm viện phí bằng cách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, để cấp cho đối tượng chính sách khám, chữa bệnh,...), tạo sự bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ công và tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp dịch vụ công bù đắp được chi phí cung cấp dịch vụ.

2 -Hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, nhà nước về việc thực hiện tự chủ và có cơ chế giám sát, kiểm tra các đơn vị tự chủ bảo đảm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Đổi mới phương thức giao dự toán kinh phí đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công cơ bản, phục vụ đối tượng chính sách theo hướng nhà nước đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; trong đó, có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp và kinh phí nhà nước đặt hàng. Từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phù hợp với thị trường và khả năng của NSNN. Các đơn vị tự chủ sử dụng kinh phí được nhà nước đặt hàng, nhưng phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp. Xây dựng cơ chế kiểm định độc lập về chất lượng dịch vụ công cung cấp.

-Đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (như trung tâm thể thao, trường đại học, cơ sở dạy nghề, bệnh viện,...). Các đơn vị này được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ công, được hạch toán đầy đủ chi phí cần thiết; được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí cần thiết, do cấp có thẩm quyền ban hành; được nhà nước giao vốn và bảo toàn, phát triển vốn; có quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định; được huy động vốn, góp vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác, để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định biên chế và trả lương, trên cơ sở thang bảng lương của nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc. Cách làm trên sẽ dẫn đến thay đổi một cách cơ bản về quản trị đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công. Các đơn vị sẽ phải tiếp cận với phương thức quản trị của doanh nghiệp, phải nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người sử dụng và tăng nguồn thu cho đơn vị. Phải cạnh tranh bình đẳng về chất lượng dịch vụ và về mức thu phí. Cách làm này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị công lập, ngoài công lập, theo hướng giảm mức thu phí, nâng cao chất lượng dịch vụ công, có lợi cho người sử dụng dịch vụ và cho xã hội.

Thực hiện minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập. hoàn thiện chính sánh thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, để đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ công đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trên nguyên tắc không thay đổi nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quyền sở hữu của nhà nước, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng dịch vụ công cung cấp, xử lý hài hòa quyền lợi của nhà nước và nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp luật.

Thực hiện thí điểm cổ phần hóa đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập mới thành lập, các đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

3 -Đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ sự nghiệp công

Từng bước chuyển chính sách phí, lệ phí hiện nay chưa bù đắp đủ chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ công sang thực hiện cơ chế giá dịch vụ. giá dịch vụ từng bước được xác định trên cơ sở bù đắp đủ chi phí cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường; bước đầu là tính đủ chi thường xuyên, tiếp đó tính đủ chi khấu hao tài sản. Khi đó, nhà nước sẽ không trợ cấp bình quân qua việc duy trì giá thấp cho mọi đối tượng sử dụng dịch vụ công và các đối tượng sử dụng dịch vụ công sẽ trả đủ chi phí cung cấp dịch vụ. nhà nước hỗ trợ sử dụng dịch vụ công theo mặt bằng giá mới đối với các đối tượng chính sách, người nghèo.

Với cách làm này, xã hội sẽ được hưởng thụ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, với chất lượng cao hơn. Các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công có nguồn thu cần thiết, để tái đầu tư cung cấp dịch vụ công và quyền lợi của lao động tại các đơn vị này được bảo đảm tốt hơn. Do đó, các đơn vị này phải cạnh tranh bình đẳng với các đơn vị kinh tế khác trong cung cấp dịch vụ công, lợi ích của đối tượng chính sách vẫn được nhà nước bảo đảm.

4 - Hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công

Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép hoạt động, cấp đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi,... nhằm khuyến khích, mở rộng các đơn vị thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Qua đó, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội để thành lập mới các đơn vị cung cấp dịch vụ công, tăng số lượng dịch vụ công được cung cấp cho xã hội, giảm áp lực về cung cấp dịch vụ công đối với nhà nước.

Sửa đổi chính sách hỗ trợ NSNN hiện hành đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công theo hướng tạo điều kiện và bảo đảm sự bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trong việc tiếp cận các nguồn tài chính công để cung cấp dịch vụ công cho xã hội trên nguyên tắc: trong cùng một lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, đơn vị nào hoạt động chất lượng và hiệu quả sẽ được ưu tiên tiếp cận nguồn lực tài chính công mà không phân biệt đơn vị công lập hay ngoài công lập.

Rà soát lại các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trong xã hội đối với các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công không thiết yếu; các thành phần kinh tế trong xã hội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội, hoặc xã hội đã chấp nhận việc cung, cầu dịch vụ theo cơ chế thị trường thì không cần thiết phải duy trì các đơn vị cung cấp dịch vụ công thuộc sở hữu nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp công này cần chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp hay cơ chế tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, NSNN không hỗ trợ các trung tâm chiếu phim, các loại hình nghệ thuật đương đại, các trung tâm thể thao, các đội bóng đá,... Trường hợp nhà nước cần cung cấp dịch vụ thì thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ công đối với các đơn vị này, trên nguyên tắc tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ, bình đẳng với đơn vị cung cấp dịch vụ khác.

5 -Hoàn thiện các công cụ quản lý và quản lý nhà nước

Các cấp chính quyền xây dựng quy hoạch, công bố nhu cầu và quy hoạch phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công đối với từng loại hình dịch vụ, từng khu vực, địa bàn, tạo điều kiện cho việc phát triển dịch vụ công của các thành phần kinh tế không bị mất cân đối và phát triển đúng hướng, theo đúng quy hoạch của nhà nước.

Nhà nước xây dựng và công bố rõ ràng các điều kiện thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ công; ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng cung cấp dịch vụ công và các chế tài bắt buộc tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ công phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn chất lượng quy định.

Xây dựng cơ chế, tổ chức và biện pháp để giám sát, thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ công theo tiêu chí, chuẩn mực do nhà nước quy định.

Khuyến khích việc thành lập các hiệp hội, các tổ chức kiểm định chất lượng dịch vụ công ngoài công lập; nhà nước có chính sách hỗ trợ các tổ chức đó thành lập và hoạt động.

6 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Các cơ quan thông tấn, báo chí cần kịp thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao của xã hội đối với công tác đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, đã vạch ra những định hướng cơ bản trong tiến trình đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Để Kết luận số 37-TB/TW thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức cung cấp dịch vụ công, thực sự chất lượng, công bằng và hiệu quả./.