Sâu sát thực tiễn, tôn trọng tính đặc thù - một hướng phát triển giáo dục vùng dân tộc, miền núi trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện
1. Đặt vấn đề
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang được đánh giá là “vùng lõm” cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội. Riêng về giáo dục, việc nắm vững thực tiễn, phát hiện điển hình, coi trọng việc đúc rút kinh nghiệm, tập trung nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn tìm ra hướng đi phù hợp, hiệu quả, có thể coi là một trong những bài học quan trọng của công tác nghiên cứu và phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi từ trước đến nay. Năm 1972, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã điều tra chuyên đề về ngày giờ thực học của học sinh, thực trạng học sinh lưu ban, bỏ học,…ở hai tỉnh Tuyên Quang và Sơn La, nhằm xây dựng mục tiêu phân vùng giáo dục. Các điển hình tiên tiến vùng dân tộc thiểu số được tổng kết: Ngổ Luông, Mù Cả, La Pán Tẩn,… Sau năm 1975, Bộ Giáo dục tiến hành khảo sát về giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc Hoa, Chăm, Khmer và một số dân tộc ở Tây Nguyên, tạo cơ sở xây dựng lộ trình phù hợp để chỉ đạo cụ thể về phát triển giáo dục ở từng vùng.
Những năm về sau, nhờ sát với thực tế, các chuyên gia giáo dục đã phát hiện ra những khó khăn trong việc thực hiện biên chế năm học ở vùng cao, những rào cản của học sinh trong việc học tiếng Việt, tình hình thiếu giáo viên ở các bản làng đơn lẻ xa trung tâm,… Từ đó, đã xây dựng chương trình giáo dục rút gọn cho vùng cao (Chương trình 120 tuần), phát triển lớp ghép và trường, lớp nội trú dân nuôi, xây dựng chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số mà gần đây nhất là Chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đang triển khai với các ngôn ngữ H’mông, Jrai, Khmer tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh,… Các đề tài nghiên cứu khoa học của của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này được hình thành từ thực tiễn, gắn kết với thực tiễn nên đã mang lại kết quả thiết thực. Năm 1992, Bộ Giáo dục đã triển khai đề tài nghiên cứu cơ bản: “Nghiên cứu ảnh hưởng của một cộng đồng dân tộc ít người đến sự phát triển giáo dục của cộng đồng đó”. Nhóm tác giả đề tài lựa chọn cộng đồng Jrai làm đối tượng nghiên cứu chính. Kết quả là đã làm sáng tỏ được tư tưởng của giáo dục cộng đồng và nhận ra rằng, tư tưởng đó hoàn toàn có thể vận dụng vào thực tế giáo dục ở Việt Nam. Hiện nay, khái niệm cộng đồng, giáo dục cộng đồng vẫn còn khá xa lạ với thực tiễn Việt Nam. Vậy nên, trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, nếu không sát thực tiễn thì hoạt động nghiên cứu, quản lý và thực hiện sẽ khó mang lại kết quả.
2. Thực tế về giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi những năm vừa qua
Qua thực tế điều tra, nghiên cứu cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là vùng đặc thù khá rõ nét. Nó đặc thù bởi tính không đồng đều trong phát triển, bởi tính bản địa của văn hóa dân tộc, bởi đặc điểm địa chính trị và kinh tế. Có nơi thuận lợi có nơi lại rất khó khăn. Chẳng hạn, vùng miền núi phía bắc như thung lũng Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái) khá trù phú, giáo dục phát triển thuận lợi còn ở vùng cao Mường Tè, Mù Cang Chải, Sìn Hồ, Điện Biên Đông, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ,… lại rất nhiều khó khăn và bất cập về mọi mặt. Chính vì vậy, khi làm giáo dục dân tộc, việc xác định chính sách đầu tư cơ sở vật chất, đãi ngộ cho cán bộ giáo viên, ưu tiên cho học sinh phải tính đến những đặc thù để chính sách phù hợp, bảo đảm tính công bằng, thỏa đáng. Đây là một trong những khâu then chốt để đạt được mục tiêu đề ra.
Căn cứ vào sự phân định theo tiêu chí phát triển của Ủy ban Dân tộc thì vùng dân tộc thiểu số, miền núi nước ta được chia thành ba khu vực: khu vực phát triển, khu vực chậm phát triển, khu vực gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi triển khai nghiên cứu về nội dung và phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định trọng tâm cho hai vùng: vùng chậm phát triển và vùng gặp nhiều khó khăn. Vùng thuận lợi, học sinh dân tộc sử dụng tiếng Việt khá thông thạo như một bản ngữ, việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số không đặt ra ở mức cấp thiết.
Việc dạy tiếng mẹ đẻ cho từng dân tộc thiểu số được chú trọng nhưng không theo hướng cào bằng mà theo yêu cầu và chất lượng từng ngôn ngữ dân tộc. Đây là một chủ trương đúng. Mặc dù có chính sách bình đẳng ngôn ngữ nhưng với tiếng Khmer, thực tế đã triển khai tới bảy cấp trình độ từ A đến H; tiếng Chăm triển khai ở năm trình độ; tiếng Hmông, Jrai, Ba-na,… chỉ triển khai ở ba trình độ. Các ngôn ngữ chưa có chữ viết và những tộc người có số dân quá ít lại cần tìm một bước đi phù hợp. Mấy năm gần đây, Bộ lại triển khai Chương trình giáo dục song ngữ lấy tiếng mẹ đẻ làm nền tảng ở một số vùng. Đánh giá bước đầu có thể coi đây là một hoạt động tích cực và đúng hướng, được cộng đồng hưởng ứng và đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số.
Việc mở các lớp dạy ghép (một giáo viên dạy một lớp cho học sinh nhiều trình độ khác nhau) ở vùng dân tộc đã góp phần phổ cập giáo dục tiểu học ở vùng quá khó khăn, huy động ở mức cao sĩ số trẻ trong độ tuổi đến trường. Đó là kết quả của quan điểm tôn trọng thực tiễn, từ thực tiễn để xây dựng, tổ chức các hoạt động dạy và học phù hợp. Vùng dân tộc thiểu số cũng là vùng đặc thù và đa dạng về văn hóa. Tôn trọng, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa vào các mục tiêu giáo dục chính là tôn trọng tính đặc thù ở những vùng này. Trước đây, vấn đề khuyến khích bảo lưu tính đặc thù và đặc trưng văn hóa dân tộc, chúng ta chỉ triển khai trong các hoạt động văn hóa, do ngành Văn hóa (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện thông qua các hội diễn, liên hoan văn nghệ là chính. Ở trên các lớp học, trên các giảng đường và các diễn đàn khác lại hầu như không có. Vậy nên, nhiều trẻ đến lớp học tập phải “hóa thân” vào ngôn ngữ bài giảng tiếng Việt, đã đánh rơi mất khá nhiều gốc rễ của văn hóa dân tộc, thậm chí trong nhiều trường hợp, tính dân tộc tộc người của văn hóa bị tính tự ti làm rơi rớt đi nhiều. Những năm tới, hoạt động này cần có những đổi mới căn bản. Tuy nhiên, lộ trình triển khai phải được tính toán kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn và phải rất cụ thể cho từng vùng, miền, từng địa bàn, từng địa phương. Phải bảo đảm tính cân đối hài hòa giữa nội tại văn hóa tộc người với văn hóa chung con người Việt Nam. Phải bảo đảm được tính thống nhất giữa giáo dục văn hóa với các hoạt động giáo dục mà cốt lõi là giáo dục ngôn ngữ tộc người.
Vùng dân tộc là nơi mà lâu nay vẫn thiếu nhiều cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ. Đã có nhiều tác động trái chiều gây nên thực trạng yếu và thiếu cán bộ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Dễ thấy nhất, đây là vùng khó khăn mà các cán bộ được đào tạo chính quy không muốn về công tác. Đào tạo được một cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ lại rất khó khăn vì nguồn đầu vào thiếu và rất ít, nên ngay cơ sở đào tạo và chính quyền cũng không có nhiều cơ hội lựa chọn. Mặt khác, sự thiệt thòi hiện hữu trong đời sống cán bộ vùng dân tộc thiểu số, miền núi so với cán bộ ở các vùng. Miền và đô thị trong nước là quá rõ ràng. Chúng ta đã và vẫn đang mắc một thiếu sót phổ biến là lựa chọn cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi không cần chặt chẽ như với các vùng khác. Trong khi lẽ ra đội ngũ cán bộ dành cho vùng này cần phải có các yêu cầu cao và cụ thể hơn như trình độ năng lực và sự hiểu biết về văn hóa bản địa, về đặc trưng văn hóa và tâm lý dân tôc,… Việc mở các trường phổ thông dân tộc nội trú, mở trường dự bị đại học dân tộc, ưu tiên cử tuyển học sinh dân tộc vào các trường đại học và dạy nghề là một chủ trương đúng đắn và đã đáp ứng được một phần mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, nhiều vấn đề như đúng về tiêu chí đối tượng ưu tiên và chất lượng tối thiểu đầu vào cũng như quy trình đào tạo,… vẫn đang để lại mối lo lắng, băn khoăn trong dư luận xã hội. Trong giáo dục có một quy luật tối quan trọng, đó là quy luật về sự phù hợp tất yếu của giáo dục với các điều kiện kinh tế - xã hội tại chỗ và với đối tượng cụ thể.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực thay đổi và đổi mới theo chiều hướng tích cực với định hướng mà Nghị quyết đặt ra: “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”. Trong đó, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ngoài các yêu cầu chung, đang đặt ra những yêu cầu có tính đặc thù, tính thực tiễn và phù hợp với cả yêu cầu chất lượng và văn hóa dân tộc bản địa. Vậy nên Giáo dục và Đào tạo vùng dân tộc thiểu số đứng trước thách thức nhiều hơn là cơ hội. Trên tinh thần gắn bó với thực tiễn phát triển và tôn trọng tính đặc thù, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nhiệm vụ từng bước xóa căn bản rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em dân tộc thiểu số, cùng với việc nghiên cứu kiện toàn mạng lưới trường, lớp; xây dựng chính sách ưu tiên phát triển bảo đảm tính bền vững, từng bước rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng phát triển.
Việc tháo gỡ rào cản về ngôn ngữ cần đi theo hai hướng: Một là, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, phát hiện và tìm cách xử lý có hiệu quả những chuyển dịch tích cực và chuyển dịch tiêu cực từ học tiếng mẹ đẻ sang học tiếng Việt của trẻ em dân tộc thiểu số, sao cho tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc thực sự là lực đẩy, là cơ sở cho việc học tiếng Việt. Hai là, trên cơ sở phân tích khoa học, đề xuất phương án dạy thẳng tiếng Việt cho học sinh dân tộc phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai năm giải pháp nâng cao chất lượng học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Năm giải pháp này cần được tổng kết, đánh giá để triển khai vào từng vùng thích hợp. Không nên áp dụng duy nhất một giải pháp chung đại trà vì nó không thể phù hợp với mọi vùng dân tộc với những điều kiện kinh tế - xã hội và những môi trường giao tiếp tiếng Việt khác nhau, tính địa phương đặc thù cách biệt nhau.
Việc nghiên cứu, kiện toàn mạng lưới trường, lớp cần bắt đầu từ việc nghiên cứu khắc phục những bất cập trong kế hoạch phát triển, quy mô, nhu cầu đào tạo của trường phổ thông dân tộc nội trú và nghiên cứu phục hồi, trả lại chất lượng, hiệu quả vốn có của lớp ghép. Hai nội dung này rất quan trọng vì: chất lượng lớp ghép là góp phần đưa giáo dục đến cho mọi người, bảo đảm công bằng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Hình thức tổ chức dạy học lớp ghép đang có xu hướng suy giảm chất lượng, cần được tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, cũng tránh việc mở lớp ghép ở nơi có đủ thầy và trò có khả năng mở lớp đơn. Không nên lấy sự phát triển số lượng lớp ghép làm thành tích. Mối quan tâm nhất chính là đem lại quyền lợi và cơ hội học tập cho tất cả trẻ em dân tộc và dần nâng cao chất lượng. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú là trường tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa; phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu đào tạo ở trường phổ thông dân tộc nội trú rất khác mục tiêu đào tạo đại trà. Trong khi hiện nay nội dung, phương pháp giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú lại không khác gì so với các trường phổ thông cùng cấp. Đây là một bất cập trong đào tạo cần khắc phục.
Đẩy mạnh nghiên cứu về những chính sách mang tính bền vững đối với học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đặc thù. Cụ thể, trước mắt tập trung nghiên cứu chính sách liên quan đến học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất giáo dục trong trường phổ thông dân tộc; xây dựng và bổ sung chính sách phù hợp, bao gồm chính sách tuyển sinh đào tạo và sử dụng sau đào tạo, chính sách đãi ngộ, phát triển, luân chuyển, chính sách ưu đãi cho cán bộ công tác tại sở, phòng giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số.
Do những điều kiện sống khác biệt, lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của tập quán, phong tục, học sinh dân tộc có những đặc điểm tâm lý riêng. Những nét tâm lý này cần được nghiên cứu để tạo tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu về giáo dục dân tộc, đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạch định chính sách đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số và vùng núi.
Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là kết tinh giá trị lịch sử của cộng đồng và đất nước, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người ở vùng dân tộc thiểu số. Giáo dục văn hóa cũng là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong nhà trường ở vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu triển khai các nội dung và giáo dục văn hóa đặc thù cần được đẩy mạnh; trước mắt là hướng tới phục vụ đối tượng học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng tích hợp vào các chương trình giáo dục, đặc biệt là chương trình giáo dục song ngữ, chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số như một môn học.
Ngành Giáo dục đang tổng kết, “đánh giá việc thực hiện chương trình tiểu học ở vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2000 - 2010” để từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm và làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, đồng thời tập trung nghiên cứu “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”. Trong cái chung đó, giáo dục ở vùng dân tộc, chúng tôi nghĩ rằng cần tập trung thực hiện quyết liệt theo định hướng xã hội hóa giáo dục với phương châm: gắn với thực tiễn, tôn trọng tính đặc thù./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc  (02/12/2012)
Hà Tĩnh cần chăm lo hơn nữa đến công tác xóa đói, giảm nghèo  (02/12/2012)
Hội nghị khí hậu tại Đôha vẫn bế tắc sau tuần thảo luận đầu tiên  (02/12/2012)
Liên hợp quốc kêu gọi đấu tranh chống mọi hình thức nô lệ  (02/12/2012)
Kỷ niệm 50 năm hợp tác lao động Việt Nam - Lào  (02/12/2012)
Cam-pu-chia kỷ niệm 34 năm thành lập Mặt trận Đoàn kết cứu quốc  (02/12/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay