Cuộc thi tìm hiểu "60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đạt kết quả tốt đẹp
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 9-2-2005 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005, phát huy những thành tích đã đạt được trong hai cuộc thi tìm hiểu "Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh" (5-2004) và "75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam" (1-2005), từ đầu năm 2005, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Website Đảng Cộng sản Việt Nam đã phối hợp với Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức cuộc thi tìm hiểu về "60 năm Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Cuộc thi được tổ chức lần này nhằm tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về lịch sử hình thành và phát triển của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; qua đó nâng cao lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; cổ vũ, động viên tuổi trẻ Việt Nam tiếp tục rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau hơn 5 tháng triển khai kể từ ngày được chính thức phát động trên phạm vi cả nước (24-3-2005), tới nay cuộc thi đã thu được những kết quả tốt đẹp, đáng phấn khởi.
- Về số lượng bài dự thi
Tính đến hết tháng 7-2005, trong cả nước đã có gần 11.700.000 bài dự thi của tất cả các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đơn vị, Đảng ủy khối. Các địa phương, đơn vị có số bài dự thi cao là: Hà Nội hơn 900.000 bài, Quảng Nam gần 900.000 bài, Thanh Hóa 750.000 bài, Hải Dương 600.000 bài, Đảng bộ Quân sự 541.000 bài, Nghệ An 500.000 bài, Bắc Ninh 500.000 bài, Bắc Giang 500.000 bài. Nhiều đơn vị có tỷ lệ số người tham gia cuộc thi trong tổng dân số cao như: Quảng Nam 63,8%, Hải Dương 35%, Ninh Bình trên 30%, Đảng bộ Tổng Công ty Than 98%, Đảng bộ khối Công nghiệp Hà Nội 81%. Nhiều đơn vị có 100% số người tham gia...
- Về hình thức thể hiện bài dự thi
Cuộc thi lần này, có khá nhiều bài thi độ dày từ hàng trăm đến hàng nghìn trang với những tư liệu sưu tầm, tuyển chọn cẩn thận bao gồm tranh, ảnh, họa đồ, văn bản quý... Nhiều bài thi hình thức đẹp, trình bày công phu, tính thẩm mỹ cao và được đóng thành nhiều tập, khổ lớn, bìa cứng, bằng gỗ, khảm trai với những biểu tượng sinh động... Nhiều người sử dụng kỹ thuật vi tính để trang trí. Học viện An ninh nhân dân có 100% cán bộ, chiến sỹ, học viên, viên chức dự thi, đã chọn được 34 bài chất lượng tốt nhất, trình bày đẹp, dày từ 200 trang trở lên; trong đó có 1 bài đóng thành 3 tập dày khoảng 2.000 trang khổ A4, nhiều bài dày từ 200 đến 800 trang khổ A3, 1 bài đựng trong hộp các-ton có bìa biểu tượng lá cờ Tổ quốc, dày hơn 200 trang khổ A2; 2 bài đóng trong hộp gỗ khảm trai họa tiết, và 1 bài thể hiện trên một dải lụa màu dài 64 mét. Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, 100 sinh viên đã sáng tạo và thực hiện một công trình dự thi khổng lồ nặng tới 300 kg, thu âm toàn bộ phần trả lời 10 câu hỏi dự thi và tuyển chọn 60 bài hát hay nhất; phần trả lời câu hỏi dự thi gồm 600 trang giấy in màu khổ A1 với 2 thứ tiếng (Việt và Anh). Ở Đảng bộ Quân sự, có bài dự thi dày đến 3.400 trang với 2.000 ảnh, bản đồ minh họa...
- Về chất lượng nội dung bài dự thi
Cuộc thi lần này số bài thi có chất lượng tốt và rất tốt đạt tỷ lệ cao. Nhiều bài thi nội dung rất sâu sắc, phong phú, có nhiều cứ liệu, số liệu, phân tích cụ thể, tỉ mỉ các sự kiện, vấn đề lịch sử, thể hiện sự tìm tòi công phu, sự hiểu biết sâu rộng, nghiêm túc và tâm huyết của người dự thi. Hầu hết những người dự thi đều trả lời đúng, đầy đủ, chính xác 8 câu hỏi đầu, thể hiện nhận thức và tình cảm sâu sắc, tốt đẹp đối với lịch sử đất nước và dân tộc, với lịch sử cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đông đảo người dự thi khi trả lời câu hỏi thứ 9 đều khẳng định sự phát triển, đổi mới vượt bậc về mọi mặt của quê hương, đất nước dưới chế độ mới; ca ngợi những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà nhân dân ta, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại đã giành được qua suốt 60 năm chiến đấu và dựng xây đất nước.
Bạn Phùng Thị Thanh Mai, ở Đảng bộ Bưu điện tỉnh Thái Bình đã bày tỏ: "Tuổi trẻ chúng ta hôm nay được sống trong một xã hội phát triển hài hòa giữa kinh tế, đạo đức, văn hóa... Đó thực sự là một xã hội thấm đậm tình người với những giá trị nhân văn cao quý... Thành công này bắt nguồn sâu xa từ bản lĩnh cách mạng kiên cường và sự sáng suốt chính trị của Đảng ta đã lấy những nguyên tắc xây dựng nhà nước kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm phương châm suy nghĩ và hành động để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang lãnh đạo đất nước".
Bạn Trương Quang Long, ở Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh tâm sự: "Hồi còn nhỏ, khi nghe kể chuyện cổ tích, tôi vẫn thường ước mơ ông tiên sẽ xuất hiện biến mảnh đất khô cằn, sỏi đá này thành một vùng quê trù phú, xanh tươi, người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, giờ đây ước mơ đã thành hiện thực. Đảng, Bác Hồ đã làm nên sự thay đổi kỳ diệu đó cho Hương Sơn quê tôi cũng như mọi miền Tổ quốc".
Bạn Đinh Thế Phong, ở Học viện Chính trị - Quân sự viết: "Là một công dân một đất nước độc lập, tự do và thống nhất, được thừa hưởng những giá trị đích thực do thành quả cách mạng mang lại, tôi tham gia cuộc thi này với tất cả tinh thần, tình cảm, ý thức trách nhiệm của mình và coi đây là món quà chào mừng 60 năm Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thân yêu".
Bạn Phạm Văn Xiển cán bộ Phòng PC 13, Công an tỉnh Thái Bình đã tâm sự: "Lúc đầu khi đọc nội dung các câu hỏi của cuộc thi, tôi thấy băn khoăn vì hiểu biết của bản thân còn hạn chế, hơn nữa thời gian để làm bài thi còn hạn chế vì công tác trong lực lượng vũ trang; nhưng sau đó khi bắt tay vào việc thu thập, đọc, nghiên cứu tài liệu, tôi càng thấy say mê và đã quyết tâm phấn đấu làm bài thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với tất cả niềm vinh dự, tự hào và ý thức trách nhiệm của người cán bộ, người dân Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Khi trả lời câu hỏi thứ 10, rất nhiều người dự thi đã nêu lên những ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết, sâu sắc và đầy tinh thần trách nhiệm với mong muốn Đảng, Nhà nước củng cố, hoàn thiện và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, để Nhà nước ta thực sự trở thành nhà nước của dân, do dân và vì dân. Các ý kiến này tập trung đề cập đến những điểm chính sau đây:
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội, nhằm xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
- Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách hành chính, tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật; đưa nếp sống, làm việc, xử lý bằng pháp luật trở thành nguyên tắc hằng ngày của mỗi người.
- Chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, xây dựng đội ngũ công chức đủ năng lực, phẩm chất, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy; có quy trình tuyển chọn, đề bạt cán bộ chặt chẽ, công khai, dân chủ; ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền dẫn đến việc cán bộ tài giỏi, đức độ thì không sử dụng hoặc sử dụng không đúng chỗ, còn kẻ cơ hội, yếu kém thì lại được bố trí việc quan trọng; chấm dứt việc đã bổ nhiệm rồi thì chỉ có giữ chức và đi lên. Cần quy định thành nguyên tắc cứ 5 năm hoặc 3 năm xem xét lại cán bộ lãnh đạo bằng phiếu tín nhiệm. Người đủ điều kiện, được tập thể tín nhiệm thì bổ nhiệm lại, không đủ điều kiện, không được tập thể tín nhiệm không bổ nhiệm lại; quan tâm và ưu tiên các đối tượng người dân tộc, miền núi, con em thương binh, liệt sỹ.
- Kiên quyết xử lý nghiêm minh số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nhanh chóng ra Luật Chống tham nhũng. Có cách chống tham nhũng hiệu quả, khắc phục tình trạng người tham nhũng lại chỉ đạo chống tham nhũng, người chống tham nhũng bị trù dập không biết kêu ai. Tích cực thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; chấn chỉnh lề lối làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương. Không để tình trạng trên quyết định, dưới không làm hoặc làm khác, gây hậu quả xấu, mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
- Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu một ngành, một cấp; nếu để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, chịu kỷ luật hoặc tự giác từ chức.
- Cần nghiên cứu cải tiến chính sách tiền lương bảo đảm cho cán bộ làm công ăn lương đủ sống, chuyên tâm vào công việc, giữ mình và giữ kỷ cương; cán bộ trong sạch, thì Nhà nước mới trong sạch, vững mạnh.
- Về các thành phần dự thi
Cuộc thi đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội. Sự đa dạng, phong phú của các đối tượng dự thi đã phản ánh tác động và ý nghĩa chính trị - xã hội lớn lao, sâu sắc của cuộc thi lần này cũng như tình cảm và nhận thức đúng đắn, tâm huyết, chân thành của họ đối với Tổ quốc, với lịch sử dân tộc và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài những bài thi cá nhân, những bài thi của tập thể đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, có tổ chức của những người cùng tham dự trong việc lựa chọn, sưu tầm tư liệu, sắp xếp bố cục nội dung... để tạo nên những bài dự thi hấp dẫn, độc đáo, đầy ý nghĩa. Điển hình như: "Câu lạc bộ tình bạn chiến đấu và công tác" gồm 148 cựu chiến binh tuổi từ 57 đến 95 của liên xã Đông Động - Đông Hợp - Đông Các và thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã cùng tham gia và mỗi người viết một bài dự thi.
Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Lưu Văn Kỉnh, 95 tuổi, hội viên "Câu lạc bộ tình bạn chiến đấu và công tác" và cụ Bùi Thị Tó, 93 tuổi, ở xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cuộc thi còn có nhiều cháu học sinh tiểu học tham gia. Hội người mù tỉnh Ninh Bình có 46 bài dự thi viết bằng chữ nổi.
Ông K’Pi’ người dân tộc Mạ, xã Đắk Nia, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông, trước năm 1975 từng làm cho chế độ cũ ở tỉnh Quảng Đức đã viết bài và vận động bà con người dân tộc ở địa phương cùng tham gia Cuộc thi.
Tại xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam có 60% số hộ đồng bào Công giáo dự thi. Huyện Kim Sơn, Ninh Bình có 27.676 bài dự thi của bà con giáo dân, trong đó có cả một số chức sắc, chức việc. Gia đình cụ Phạm Văn Long, 88 tuổi, là giáo dân, có tới 16 người thuộc ba thế hệ dự thi.
Ở tỉnh Yên Bái, tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, nơi đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 90% dân số và huyện Văn Yên, nơi có trên 40% người dân theo đạo Thiên Chúa và tập trung hầu hết người theo đạo Tin Lành của tỉnh, có tới gần 50% số dân dự thi. ở nhiều địa phương, đông đảo giáo dân kể cả chức sắc, chức việc tham gia cuộc thi.
Nhiều đồng bào dân tộc ít người ở các địa phương vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên cũng tích cực tham dự cuộc thi. Chẳng hạn như ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc có 50 bài dự thi.
Người nước ngoài đang học tập và làm việc tại Việt Nam cũng nhiệt tình hưởng ứng như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cu Ba tại Việt Nam Ăng-giơ-lét Ai-xơ Xô-tô-lông-gô và nhiều cán bộ nhân viên Sứ quán. Trao đổi với phóng viên Website Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chí Đại sứ Cu Ba nói: "Tôi nghĩ rằng việc tham gia cuộc thi tìm hiểu "60 năm Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Cu Ba là một niềm vinh dự, đồng thời là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là anh em với nhân dân Việt Nam".
Học sinh, sinh viên Lào, Cam-pu-chia ở Việt Nam và bà con Việt kiều ở nước ngoài cũng đã có bài dự thi gửi đến Ban Tổ chức.
Các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và Văn phòng Ban Cán sự Đảng ngoài nước đã nhận được nhiều bài thi do những người đang công tác, học tập và sinh sống ở nước ngoài gửi tới.
- Về tổ chức thực hiện và kết quả cuộc thi
Cuộc thi đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chu đáo, khẩn trương từ trung ương đến cơ sở. Sau Lễ phát động chính thức, hầu hết các địa phương, đơn vị trên cả nước đã tổ chức lễ phát động, hội nghị triển khai, lập các ban tổ chức, ban chỉ đạo cuộc thi. Ở nhiều nơi, tham gia chỉ đạo, phụ trách cuộc thi là các đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, hay Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố... Đến cuối tháng 7-2005, tất cả các địa phương, đơn vị đã hoàn thành tốt cuộc thi ở cơ sở, tổ chức chấm thi xong và chọn gửi những bài thi xuất sắc nhất về Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương. Trong 3 tuần đầu tháng 8-2005 Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương đã thành lập Ban sơ khảo và Ban chung khảo để chấm. Kết quả, đã chọn ra được một số tập thể và cá nhân xuất sắc nhất xứng đáng nhận các giải thưởng chính thức.
Các giải thưởng được trao tặng trong cuộc thi này là sự đánh giá, biểu dương xứng đáng công sức, hiệu quả tham gia cuộc thi của những người đoạt giải. Đồng thời góp phần động viên, khích lệ mọi cá nhân, tập thể tiếp tục nâng cao nhận thức và tình cảm đối với quê hương và đất nước ta, đối với truyền thống cách mạng và lịch sử dân tộc ta, đối với Đảng và Bác Hồ, đối với Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; từ đó ra sức rèn luyện, sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ, theo gương các anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
* PGS, TS, Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Website Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân  (19/01/2007)
Quan niệm "định chế xã hội" - Vấn đề lý luận cần thiết trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  (19/01/2007)
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhằm làm sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta  (19/01/2007)
Sự lãnh đạo của đảng đối với nhà nước pháp quyền  (18/01/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển