Mỹ chuẩn bị chiến tranh tổng lực chống Iran?

Ngô Gia Sơn
17:18, ngày 01-08-2012
TCCSĐT- Sau nhiều vòng đàm phán giữa nhóm “P5+1” với Iran bị bế tắc, các cuộc cấm vận cô lập Iran cũng không mấy tác dụng, Mỹ đã tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng Vịnh, gây tâm lý ủng hộ chiến tranh. Tất cả điều đó chứng tỏ Washington đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh tổng lực chống Iran.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Ngoài các lực lượng quân sự Mỹ thường xuyên đồn trú tại các nước Trung Đông, cũng như các đơn vị lính thủy đánh bộ, hải quân và không quân được tăng cường tại Kuwait, Oman, Qatar và đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương hồi đầu năm nay, Lầu Năm góc đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực vùng Vịnh (vịnh Pesic). Các nguồn tin chính thức từ Washington cho biết, mấy tuần gần đây Mỹ đang tăng cường tới vùng Vịnh một lực lượng lớn hải quân, không quân và lính thủy đánh bộ nhằm bảo đảm cho các tuyến đường biển thông suốt. Trong số lực lượng tăng cường này, có 2 tàu sân bay USS Lincoln và USS Enterprise, cùng các nhóm tàu tiến công, tăng gấp đôi số tàu rà quét thủy lôi lên 8 chiếc, hàng chục máy bay ném bom tàng hình F-22, máy bay chiến đấu F-15C, thiết lập một căn cứ tác chiến nổi với 900 binh sĩ, có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, kể cả phục vụ cho việc triển khai lực lượng đặc biệt của Mỹ. Lầu Năm góc tính toán rằng, căn cứ nổi này được đặt ở vùng biển quốc tế, lực lượng Mỹ có thể tiến hành các hoạt động tấn công vào lãnh thổ Iran mà không cần sử dụng các căn cứ của các nước trong khu vực.

Tạp chí Wall Street, ra ngày 17-7, dẫn lời các quan chức Lầu Năm góc cho biết, Mỹ đang xây dựng một căn cứ radar chống tên lửa tại một địa điểm bí mật ở Qatar và sẽ tổ chức những cuộc tập trận chống thủy lôi lớn nhất từ trước tới nay ở vùng Vịnh. Theo lời các chuyên gia quân sự, trong bối cảnh nguy cơ nổ ra cuộc xung đột quân sự với Iran ngày càng hiện hữu, nước Mỹ phải quan tâm trước hết tới các biện pháp phát hiện và đánh chặn tên lửa của Iran, rà soát và quét sạch thủy lôi, bảo đảm cho hải quân và tàu bè thương mại hoạt động an toàn ở vùng Vịnh, nhất là khi đi qua vùng eo biển Hormuz.

Lầu Năm góc lựa chọn vị trí xây dựng căn cứ radar mới ở Qatar, vì đây là trụ sở căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở vùng Vịnh, căn cứ Al Udeid, nơi tập trung hơn 8.000 binh sĩ Mỹ. Căn cứ radar này được xây dựng rất khẩn trương, hoàn thành trong tháng 7 năm nay, cho phép Mỹ và quân đội các nước đồng minh theo dõi tên lửa được phóng đi từ các căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ Iran.

Quốc hội Iran đang chuẩn bị thông qua luật về đóng cửa eo biển Hormuz. Nếu được thông qua, luật này sẽ là cơ sở pháp lý để các tư lệnh quân đội Iran có thể mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn “sức mạnh cứng” đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Mấy tuần gần đây, Mỹ đã tăng gấp đôi số tàu rà quét thủy lôi tại vùng Vịnh lên 8 chiếc, cùng một số phi đội máy bay tiêm kích F-22 và F-15 được triển khai đến những khu vực gần các căn cứ quân sự của Mỹ. Những lực lượng này được giao nhiệm vụ giữ cho eo biển Hormuz thông suốt, trong trường hợp Iran tìm cách đóng cửa, hoặc can thiệp vào việc chuyên chở dầu qua eo biển. Trong cuộc tập trận chống thủy lôi, Mỹ và các đồng minh sẽ huấn luyện cách phát hiện và phá hủy thủy lôi bằng tàu, trực thăng và các tàu ngầm robot không người lái. Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Mỹ sẽ cùng với 19 nước vùng Vịnh tổ chức cuộc diễn tập chống thủy lôi quy mô lớn và áp dụng nhiều biện pháp khác để phát triển quan hệ với các nước đối thủ của Iran trong khu vực.

Lữ đoàn chiến đấu gồm hơn 900 sĩ quan và binh lính của Mỹ tại Kuwait cũng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực. Nhân sự kiện này, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi qua tờ The New York Times thông điệp ám chỉ rằng, đừng bao giờ Iran nghĩ tới việc đóng cửa eo biển Hormuz. Washington thề sẽ “xóa sạch tất cả những gì mà Tehran dựng lên ở eo biển này nhằm ngăn cản tàu bè của họ (Mỹ và các nước phương Tây) đi lại”.

Gây tâm lý ủng hộ chiến tranh

Trong chuyến thăm Israel giữa tháng 7 vừa qua, tại các cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton nói: “Iran vẫn còn cơ hội đưa ra quyết định đúng đắn, nhưng Mỹ cảnh báo sẽ sử dụng tất cả sức mạnh cần thiết để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân!”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao Lầu Năm góc tiết lộ với phóng viên tờ The New York Times rằng, “Mỹ đang muốn nhổ một trong những “cái gai” cuối cùng đối với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông giàu năng lượng”. Vị quan chức (muốn giấu tên) đó nhấn mạnh, việc làm này của Mỹ là nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân và bá quyền khu vực của Tehran. Hơn nữa, đợt triển khai các lực lượng quân sự lần này cũng là để khẳng định sức mạnh của Mỹ với tất cả các đồng minh, các đối tác và bạn bè của Mỹ rằng, mặc dù trọng tâm chiến lược của Mỹ sẽ được chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng sức mạnh quân sự Mỹ vẫn hiện diện tại Trung Đông.

Với những ý tưởng và tuyên bố nói trên của Mỹ, người ta có thể nhận thấy, hành động được gọi là “ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran” chỉ là cái cớ, đằng sau đó mới là cái đích thực sự. Đấy chính là việc Washington tăng cường và thúc đẩy chính sách tranh giành ảnh hưởng ở các khu vực nhiều dầu lửa, nhất là ở các khu vực như Trung Đông và Trung Á. Từ lâu, Washington vẫn coi Iran là một trở ngại lớn cho tham vọng này của Mỹ. Chính vì vậy, từ khi bước vào Nhà Trắng, để điều hành và bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, nói chính xác hơn là bảo vệ lợi ích của giới tư sản Mỹ, ông Barack Obama từng bước tiến tới canh bạc cuối cùng trong chiến lược “Xóa sổ giới lãnh đạo Tehran cứng đầu, bướng bỉnh!”.

Cùng với việc tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng Vịnh, Washington còn chủ trương gây tâm lý ủng hộ một cuộc chiến tranh chống Iran. Sau vòng đàm phán giữa nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran ở Moscow (ngày 18 và 19-6) bị sa vào ngõ cụt, trung tuần tháng 7 vừa qua, một nhóm 44 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi một bức thư chung cho Tổng thống B. Obama, thúc giục chính quyền Mỹ “tập trung vào việc tăng đáng kể sức ép đối với Chính phủ Iran thông qua các lệnh trừng phạt và nói rõ rằng vẫn tồn tại một phương án quân sự”.

Tâm lý hiếu chiến trong giới lãnh đạo Mỹ vẫn ngày càng gia tăng, bất chấp thực tế cộng đồng tình báo Mỹ và Israel đã không hề tìm thấy bằng chứng nào về việc Iran quyết định theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, cái cớ bề ngoài để Washington trừng phạt và đe dọa tấn công Iran. Hơn thế nữa, một báo cáo hồi tháng 4 năm nay của Lầu Năm góc cũng cho biết “Học thuyết quân sự của nhà nước Hồi giáo Iran vẫn là tự vệ, không có ý định tấn công bất cứ nước nào”. Thế nhưng, chính Mỹ vẫn một mực đòi phải “xóa sổ một nhà nước Hồi giáo cứng đầu”. Thực chất, điều này chỉ nói lên tham vọng của Washington là tranh giành ảnh hưởng ở tất cả những khu vực giàu tài nguyên, để phục vụ cho lợi ích giới nhà giàu nước Mỹ.

Tehran phản ứng mạnh mẽ

Các nhà lãnh đạo Tehran cho rằng, bằng những hành động tăng cường lực lượng quân sự tập trung ở khu vực xung quanh Iran và những lời đe dọa của Washington, Mỹ và các nước đồng minh đã chính thức tuyên bố một cuộc “chiến tranh kinh tế” chống Iran. Bởi vậy, Tehran “cần có phản ứng cứng rắn”. Quả đấm này có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như nhằm vào các lợi ích của phương Tây trong khu vực, phá hoại sự ổn định ở vùng Vịnh, hoặc cũng có thể ủng hộ các lực lượng chống NATO tại Afghanistan.

Tehran cũng đã ám chỉ rằng, các hoạt động quân sự của họ có thể sẽ nhắm tới các tàu chở dầu nước ngoài trong một chiến lược tương tự như chiến tranh du kích trên biển, trong khi duy trì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” để chống lại sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ. Các biện pháp khác cũng có thể sẽ được thực hiện, đó là đẩy nhanh chương trình làm giàu urani của mình, thậm chí có thể vượt quá giới hạn 20% plutoni để đạt được mức chế tạo vũ khí, hay giảm bớt sự hợp tác với Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), hoặc cũng có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Một giáo sư Trường Đại học Tehran còn gửi “thông điệp” tới Tổng thống Mỹ B. Obama, nêu rõ: “Chúng tôi không phải là một Iraq và đã học được một bài học đúng đắn từ cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq, sau khi làm cho Iran chảy máu nhiều năm. Hầu hết người Iran theo chủ nghĩa dân tộc, họ sẽ ủng hộ Chính phủ trong trường hợp xảy ra cuộc đối đầu quân sự với nước Mỹ”. Trong khi đó, Hãng tin AFP ngày 22-7 đưa tin từ Tehran khẳng định, Iran đã có công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Và tuy Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Fereydoon Abbasi Davani cùng ngày khẳng định, hiện tại nước này chưa có ý định chế tạo tàu thủy và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, song điều đó cũng đủ để thổi bùng sự lo ngại và cả sự giận dữ của các nước phương Tây, bởi đây có thể là cái cớ để Iran tiếp tục làm giàu urani ở cấp độ cao (nguyên liệu dùng cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là urani được tinh luyện tới mức cũng có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân). Như vậy, theo cách đánh giá của phương Tây, rõ ràng là Iran đang tiến gần hơn tới việc sở hữu nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử.

Việc Iran tuyên bố đã sở hữu công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân và thái độ úp úp mở mở về kế hoạch đóng tàu ngầm nguyên tử của nước này chắc chắn càng làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh cãi kéo dài cả thập kỷ nay về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời làm gia tăng lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự. Nhiều vòng đàm phán giữa nhóm 6 cường quốc thế giới với Iran từ đầu năm tới nay đã không đem lại tiến bộ quan trọng nào, đặc biệt là về yêu cầu của quốc tế buộc nước Hồi giáo này phải giảm quy mô chương trình làm giàu urani gây tranh cãi. Ông Shashank Joshi, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Trung Đông cho rằng, “Iran đang sử dụng thông báo đóng tàu ngầm nguyên tử nhằm tạo ra lợi thế để mặc cả. Rất có thể Tehran dùng kế hoạch này để không nhượng bộ khi đàm phán, hoặc coi đây là cái cớ để bao biện cho hoạt động làm giàu urani”.

Ông B. Obama đặt cược vào cuộc chiến chống Iran?

Mỹ và các đồng minh phương Tây đánh cược rằng, Iran sẽ không có hành động gây rối ở vùng Vịnh, đơn giản chỉ vì họ không cân sức trong cuộc xung đột, cho dù bất cứ ở mức độ nào. Cách suy luận này, rõ ràng là dựa trên một giả định rằng Iran sẽ bị tê liệt vì các biện pháp trừng phạt kinh tế và không thể đủ sức đương đầu với Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ cũng đã phải “miễn trừ” cho khoảng 20 quốc gia sẽ không tham gia cuộc cấm vận dầu lửa trừng phạt Iran. Chỉ ngần ấy thôi đã chiếm đến 80% thị trường xuất khẩu dầu lửa của nước này. Điều ấy chứng tỏ có một lực cản lớn đối với nguy cơ chiến tranh và tạo cho Iran sự bảo đảm tạm thời để nền kinh tế không bị bế tắc. Lệnh miễn trừ này sẽ được xem xét 6 tháng một lần, tức là sau cuộc bầu cử tổng thống mới ở Mỹ vào tháng 11 năm nay mới được xem xét lại. Thực tế, lệnh miễn trừ này nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng Iran. Washington buộc phải thi hành chính sách đó, bởi nếu quyết định trừng phạt hầu hết, hoặc tất cả các nước đang quan hệ buôn bán với Iran, thì Mỹ sẽ gặp phải sự phản đối nghiêm trọng từ những nước đó. Phản ứng của Iran cho đến nay vẫn ở mức kiềm chế, vì họ tin rằng, vẫn có những sơ hở đáng kể trong các biện pháp trừng phạt để các nước lách luật của Mỹ. Rõ ràng, nếu các nước phương Tây không thay đổi chính sách với Iran, thì cuộc đấu sẽ diễn ra theo kịch bản của Tehran.

Việc triển khai các tàu lặn, tàu rà quét thủy lôi của quân đội Mỹ cho thấy, thủy lôi là mối đe dọa lớn nhất cho giao thông hàng hải. Lịch sử đã chứng minh, các tàu hải quân hiện đại nhất thế giới cũng có thể bị tiêu diệt bởi thủy lôi. Trong cuộc chiến tranh với Iraq hồi những năm 1980, thủy lôi của Iran đã phá hủy nhiều tàu thương mại của phương Tây. Ngay cả đến tàu USS Samuel Roberts, một tàu khu trục tên lửa của Mỹ, cũng bị hư hỏng nặng bởi thủy lôi Iran. Khả năng cài đặt và rải thủy lôi của Iran ngày càng được nâng cao trong những năm gần đây, sau khi nước này chế tạo 19 tàu ngầm loại nhỏ rất khó để theo dõi. Điều này khiến Mỹ và các nước đồng minh cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng.

Những hành động đe dọa chống Iran của Mỹ và đồng minh, cùng với sự đe dọa can thiệp quân sự chống Xirya - một đồng minh của Iran - đã và đang biến Trung Đông thành một thùng thuốc súng nguy hiểm. Bất kể ý đồ trước mắt của Mỹ đối với Iran thế nào, chỉ một tính toán sai lầm, hoặc một hành động quân sự sơ xuất, rất có thể mở đầu cho một cuộc chiến tranh và cuộc chiến này sẽ nhanh chóng phát triển thành một cuộc xung đột khu vực, thu hút sự tham gia của các cường quốc lớn. 

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới của nước Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chưa khôi phục hoàn toàn, nợ công còn rất lớn, phải cắt giảm nhiều khoản đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và cả quốc phòng; đội quân thất nghiệp “hùng hậu” – trên 9% số người trong độ tuổi lao động; trong khi nạn hạn hán hoành hành ở 26/50 bang nước Mỹ, suốt từ giữa tháng 5 đến nay không có một giọt mưa, tình trạng khan hiếm và thiếu lương thực đe dọa…, chắc rằng không một vị tổng thống nào lại “dại dột” đặt cược cả sinh mệnh chính trị không chỉ của riêng mình, mà của cả đất nước vào một cuộc chiến tranh phiêu lưu ở xứ sở cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm!