Vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Cao Văn Thống Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương
20:00, ngày 22-05-2012
TCCS - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..." (1). Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân là: "Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân" (2).
1 - Điều lệ Đảng quy định đảng viên có nhiệm vụ: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác...; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”(3). 

Như vậy, theo quy định của Điều lệ Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng viên là phải đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: “Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(4).

Để đảng viên thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả, cùng với việc nâng cao nhận thức cho đảng viên về tác hại của tệ tham nhũng, phải có các cơ chế, chính sách, điều kiện cần thiết bảo đảm cho đảng viên nêu cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kể cả cơ chế, chính sách động viên, bảo vệ đảng viên khi sinh mệnh chính trị và tính mạng của họ bị đe dọa. 

2 - Trong tình hình hiện nay, cần thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau đây để phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: 

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều gương cán bộ, đảng viên, nhân dân, kể cả đảng viên đã nghỉ hưu, dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vẫn còn nhiều đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức, chưa nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ quan trọng này. Hoặc tuy nhận thức đúng nhưng vì nhiều lý do (không muốn ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đơn vị, có biểu hiện bao che cho cấp dưới vi phạm, sợ ảnh hưởng, liên lụy đến bản thân, hoặc cũng đã "trót nhúng chàm"...) nên đã không phát huy hết ý thức, trách nhiệm của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Vì vậy, phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cuộc đấu tranh này. Khắc phục tình trạng đảng viên là cán bộ, công chức vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. 

Việc tuyên truyền, giáo dục phải bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, gắn tuyên truyền nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các tấm gương tiêu biểu, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trước hết là tuyên truyền, giáo dục Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đưa việc tuyên truyền, học tập nghị quyết và các luật, văn bản quy phạm pháp luật nói trên vào nội dung chương trình học tập, nghiên cứu của các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, các kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy để đảng viên là cán bộ, công chức thảo luận, nắm vững và nêu cao ý thức, trách nhiệm. Phát động phong trào đảng viên học tập, làm theo tấm gương dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước biểu dương, khen thưởng, gắn với việc thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hai là, từng đảng viên, tổ chức đảng, nhất là đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội phải thực sự gương mẫu, nêu cao vai trò, trách nhiệm đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
 
Hiện nay, số vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện qua đấu tranh phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ ngay tại cơ sở rất ít; chủ yếu là từ các kênh thông tin khác, như: phản ánh, tố giác, tố cáo của nhân dân, qua các cơ quan báo chí, qua công tác thanh tra, kiểm tra... Nguyên nhân là do đảng viên chưa nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình vì sợ bị trả thù, trù dập, bị quy kết là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ. Một số đảng viên tuy biết có tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong chi bộ nhưng không dám đấu tranh phê bình, phản ảnh với cấp có trách nhiệm, hoặc bức xúc thì viết đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên. Điều đó đòi hỏi cần có biện pháp nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể… các cấp.

Đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội,... vừa phải gương mẫu không tham nhũng, vừa phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách; chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mặt khác, cũng phải tự giác nhận trách nhiệm khi để địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Cần sớm hoàn thiện Quy chế dân chủ trong Đảng, Quy chế về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, Quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng, Quy chế giám sát trong Đảng, Quy chế nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; sửa đổi, bổ sung Quy chế chất vấn trong Đảng theo hướng đảng viên được quyền chất vấn theo quy định của Điều lệ Đảng để đảng viên có căn cứ, cơ sở, điều kiện thực hiện tốt việc đấu tranh phê bình, bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên. Như vậy mới bảo đảm và phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tình hình hiện nay.

Ba là, sớm hoàn chỉnh cơ chế khuyến khích, bảo vệ, tôn vinh người dũng cảm đấu tranh, phê bình, tố cáo tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Thời gian qua có không ít gương đảng viên dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đang bị trả thù, trù dập nhưng chưa có cơ chế bảo vệ hữu hiệu, làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị và tính mạng của họ và người thân. 

Cần có quy định cụ thể và xử lý nghiêm minh những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Khi đảng viên là cán bộ, công chức đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bị sự trả thù, trù dập của người bị tố cáo tham nhũng thì phải có sự bố trí công việc hợp lý cho họ. Đồng thời cũng phải kiên quyết thực hiện việc những đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, uy tín giảm sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận được, cấp ủy vẫn phải xem xét, cân nhắc, bố trí công việc khác cho phù hợp.

Bốn là, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trong việc động viên gia đình, người thân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Trước hết là động viên vợ (hoặc chồng), con gương mẫu chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; không lợi dụng chức vụ, vị trí công tác, ảnh hưởng của đảng viên là cán bộ, công chức để tham gia, can thiệp, tác động tới các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, mua sắm công… nhằm trục lợi. Mặt khác, phải có cơ chế, biện pháp tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của các đoàn thể nhân nhân, các cơ quan báo chí và của nhân dân đối với đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trong đó có thực hiện việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng về quyết định của mình, đồng thời phải kịp thời báo cáo cho cấp ủy đảng quản lý cán bộ đó biết.

Năm là, tất cả đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đảng viên là cán bộ, công chức phải thực sự gương mẫu đi đầu trong thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Tập trung thực hiện nghiêm chỉnh Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định về những điều cán bộ, công chức không được làm; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức không được để người thân thực hiện các dự án, sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề thuộc phạm vi hoặc lĩnh vực do mình trực tiếp phụ trách, quản lý, đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức là đảng viên.
Cần nghiên cứu đưa việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên, cán bộ, công chức gắn với chỉ tiêu thi đua hằng năm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị./.

---------------------------------------------------

(1), (2) Xem Nghị Quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Tạp chí Cộng sản số 832 (2-2012), tr. 3, 4

(3) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 8 - 9

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 253