TCCSĐT - Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, vấn đề trước hết là phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.  

Phát triển xã hội là vấn đề được đặt ra từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại, từ khi tư duy triết học xuất hiện trong đời sống ý thức của con người. Xét một cách chung nhất, phát triển xã hội là một thuộc tính khách quan của thế giới nói chung, của loài người nói riêng. Đó là một quá trình lịch sử, trong đó sự tham gia của con người ngày càng tích cực và chủ động. Nói cách khác, có thể coi sự phát triển xã hội như một phương thức duy trì sự hiện diện của con người trong xã hội trải qua các thế hệ nối tiếp nhau. Ở góc độ chủ quan, con người chính là nhân tố quan trọng và chủ yếu làm nên sự phát triển xã hội. Ở góc độ khách quan, sự phát triển xã hội chịu tác động, ảnh hưởng không nhỏ bởi các yếu tố khách quan, như môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, tốc độ và chất lượng phát triển của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, an ninh - quốc phòng v.v.. Tất cả tạo thành mối quan hệ tổng hoà, tác động qua lại lẫn nhau, có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của nhau và ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội, đất nước. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, khả năng tác động, ảnh hưởng của nó không chỉ bó gọn trong phạm vi một quốc gia, dân tộc, mà còn có thể lan toả ở tầm khu vực và thậm chí toàn cầu, tạo thành những làn sóng, xu thế, trào lưu, hình thức, kiểu (style)… phát triển xã hội mới, với sự “giúp sức” của mạng Internet, của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang phát triển như vũ bão, của sự liên kết, hình thành các tổ chức chính trị - xã hội và tập đoàn kinh tế liên quốc gia và đa quốc gia, của những công dân toàn cầu (global citizens) có khả năng thích ứng và thích nghi cao với những môi trường sống và môi trường làm việc mới… Đó chính là một trong những điểm khác biệt cơ bản của phát triển xã hội trong thời kỳ hội nhập toàn cầu ngày nay so với trước đây.

Nội dung của phát triển xã hội, được hiểu là khía cạnh xã hội của sự phát triển. Đó là những vấn đề thiết yếu của đời sống, như việc làm, thu nhập; sự hài hoà xã hội (công bằng xã hội, bình đẳng xã hội…); an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, cứu trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, an toàn sinh kế); an ninh xã hội (tệ nạn xã hội); dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, văn hoá – xã hội); hoà nhập và tái hoà nhập xã hội (của nhóm người kém vị thế, người tàn tật, cơ nhỡ, rủi ro, bệnh tật hiểm nghèo); ưu đãi xã hội (đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, bà Mẹ Việt Nam anh hùng…); di động xã hội (sự di cư, dịch chuyển cơ cấu xã hội…); môi trường cho phát triển xã hội (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và với vấn đề phát triển môi trường; giữa phát triển xã hội nước ta trong mối quan hệ với khu vực và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá. Sự phát triển của các yếu tố này đều nhằm mục đích hướng tới phát triển xã hội một cách bền vững, hài hoà và nhân văn, song vẫn bảo đảm giữ được nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của nước ta, hòa nhập nhưng không hòa tan trong xu thế hội nhập toàn cầu

Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng cận kề cùng với phản phát triển, thậm chí ngay trong sự phát triển đã bao hàm những nhân tố phản phát triển. Xu thế toàn cầu hoá ngày nay đặt sự phát triển của mỗi quốc gia nói riêng, các quốc gia nói chung trong thế phụ thuộc và tuỳ thuộc lẫn nhau, ở cả các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… đến khía cạnh quốc gia, dân tộc.  Đó là sự tồn tại của những sự khác biệt, là sự thống nhất trong đa dạng của những cái khác biệt. Có thể coi, phát triển và phản phát triển, hợp tác và cạnh tranh… luôn song hành với nhau, song hướng đích cuối cùng của phát triển xã hội chính là sự phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tìm ra được giải pháp phát triển xã hội hợp lý không phải là chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự đồng tâm hợp lực của tất cả các nguồn lực xã hội, trong đó quan trọng nhất là nhân tố con người.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay, quan niệm về phát triển xã hội đã vượt qua quan niệm truyền thống để hình thành quan niệm mới: phát triển xã hội bền vững với nhiều đặc trưng, song đặc trưng nổi bật nhất là: sự phát triển xã hội bền vững phải là phát triển gắn liền và hài hòa xã hội, con người với môi trường tự nhiên, thay đổi căn bản thái độ, hành vi ứng xử của con người với tự nhiên và với cả chính con người để đạt đến sự an toàn, nhân văn trong quá trình phát triển không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả các thế hệ mai sau

Quản lý phát triển xã hội cũng là vấn đề được đặt ra từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Có phát triển xã hội thì phải có quản lý phát triển xã hội. Nội dung của quản lý phát triển xã hội là quản lý các vấn đề thiết yếu của đời sống, như việc làm, thu nhập, sự hài hoà xã hội, an ninh xã hội, dịch vụ xã hội,… trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và với vấn đề phát triển môi trường; giữa phát triển xã hội nước ta trong mối quan hệ với khu vực và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa như ở trên đã đề cập. Và tất nhiên, cũng cần bảo đảm tính hài hoà, nhân văn và phát triển bền vững, giữ được bản sắc của dân tộc song cũng biết chọn lọc những tinh hoa, sáng tạo của nhân loại để làm giàu và đẩy nhanh tốc độ phát triển xã hội của dân tộc, quốc gia mình. 

Tuỳ theo từng chế độ xã hội, mà việc quản lý phát triển xã hội có những yêu cầu và đặc điểm khác nhau, nhằm phục vụ mục đích, yêu cầu của từng giai cấp, thể chế chính trị hay chế độ cầm quyền… nhất định. Song nhìn chung, về thực chất, việc quản lý phát triển xã hội trong xã hội có giai cấp, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, đều nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền, mà trước hết là lợi ích chính trị, và có thể được biểu hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các lợi ích về kinh tế, văn hoá, xã hội…, và cụ thể hơn thông qua những lợi ích xã hội mà người dân được hưởng, biểu hiện rõ nhất là qua chất lượng sống của người dân (gắn liền với trình độ dân trí, trình độ văn hoá, độ nhạy bén, sáng tạo của người dân trong việc thích ứng với lối sống, trào lưu xã hội mới, tiếp thu các thành tựu khoa học – công nghệ phục vụ sự phát triển đất nước, mức độ hài lòng của người dân đối với các chế độ, chính sách của chính quyền…), hoặc qua tốc độ phát triển kinh tế - xã hội… được đánh giá thông qua các chỉ số nhất định, ví dụ như GDP…

Ở tầm vĩ mô, việc quản lý phát triển xã hội được thực hiện thông qua các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật… cụ thể của hệ thống chính quyền. Ở tầm vi mô, hoạt động này được cụ thể hoá và được thực hiện thông qua chính hành động, sự đồng tình, hưởng ứng hay không của đông đảo người dân trong xã hội. Vấn đề là ở chỗ, đạo lý trong phát triển xã hội buộc thế hệ hôm nay không được trút gánh nặng cho các thế hệ mai sau, mà phải tạo ra triển vọng phát triển tích cực cho các thế hệ này. Điều đó đòi hỏi quản lý phát triển xã hội phải tính đến tính tương tác chỉnh thể, xử lý đúng quan hệ mục tiêu và phương tiện, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, cân đối và hài hoà các lĩnh vực.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

Nhìn từ chế độ chính trị - xã hội của nước ta, vai trò, chức năng của Đảng và Nhà nước là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Như vậy, có thể hiểu quản lý phát triển xã hội theo nghĩa trực tiếp nhất, cụ thể nhất, là việc quản lý phát triển xã hội do Nhà nước phụ trách, đảm nhiệm. Song theo nghĩa rộng hơn và sâu hơn, xét từ tính chất xã hội xã hội chủ nghĩa của nước ta, Nhà nước chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về đường lối, chủ trương, chính sách… phát triển xã hội từ Đảng. Điều này bảo đảm cho sự quản lý, lãnh đạo phát triển xã hội của hệ thống chính quyền nước ta, mà cao nhất là từ Đảng, Nhà nước đến các cơ quan công quyền, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị  - xã hội trong hệ thống chính trị được thông suốt từ trên xuống dưới, đồng thời cũng tạo cơ chế nhất quán thuận lợi giúp người dân được tham gia đóng góp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, đóng góp trí và lực phục vụ quá trình phát triển xã hội theo cả chiều rộng và bề sâu.

Nói đến quản lý phát triển xã hội, trong điều kiện chế độ chính trị - xã hội của nước ta, tức là nói đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển xã hội (ở tầm vĩ mô); vai trò này được biểu hiện cụ thể thông qua các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có thể thấy, vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng là yêu cầu về sự lãnh đạo của Đảng, đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau:

- Đảng trực tiếp là người đề ra các chủ trương, đường lối phát triển xã hội trên cơ sở xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi phát triển hiện tại và về lâu dài của xã hội, kết hợp với việc học hỏi, rút ra những bài học kinh nghiệm từ sự phát triển xã hội trong lịch sử dân tộc mình và các quốc gia khác trên thế giới, để có thể đề ra phương hướng phát triển xã hội một cách tối ưu, toàn diện. 

- Trên cơ sở đề ra các chủ trương, đường lối phát triển xã hội, Đảng trực tiếp là người đề ra chủ trương, đường lối quản lý phát triển xã hội, với mục tiêu là bảo đảm công bằng xã hội và ổn định xã hội ngay trong từng bước phát triển, với yêu cầu là phát triển xã hội phải có tính bền vững, hài hoà, nhân văn đặt trong mối quan hệ với phát triển, gìn giữ môi trường tự nhiên và giữ được mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa đất nước mình với các quốc gia, dân tộc khác, trong điều kiện là cần có sự thống nhất, đoàn kết, đồng thuận của toàn xã hội, từ hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thế xã hội đến đông đảo người dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp huy động, phát huy được tốt nhất cả trí và lực của các nguồn lực xã hội.

- Đảng lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước và hệ thống chính trị - xã hội, cũng như toàn thể nhân dân thực hiện, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối phát triển xã hội đó, để chúng thẩm thấu vào xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh hơn. Đồng thời, tăng cường các kênh giám sát và phản biện xã hội nhằm tạo diễn đàn dân chủ rộng khắp giúp người dân thể hiện các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, thúc đẩy họ tích cực hơn nữa đóng góp trí tuệ và sức lực góp phần xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa nước ta ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý phát triển xã hội, thường thấy một hiện tượng có tính quy luật: vấn đề được giải quyết lại kéo theo các vấn đề mới phát sinh, mà các vấn đề phát sinh này thường phức tạp hơn, lớn hơn vấn đề được giải quyết. Điều này cho thấy, phát triển và quản lý phát triển xã hội thường đi liền với nhau, giữa cái tích cực và cái tiêu cực, khó khăn và thuận lợi, thống nhất và mâu thuẫn. Do đó, yêu cầu về tính chủ động, sáng tạo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong nhận thức (lý luận) và hành động (thực tiễn) về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của Đảng ta đang là vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra hiện nay. 

Một số giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

- Các chủ trương, đường lối phát triển xã hội do Đảng đề ra cần được tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, làm điều tra xã hội học trên diện rộng để bảo đảm các chủ trương, đường lối này phù hợp với yêu cầu và điều kiện của tình hình thực tế.

- Cần tăng cường các “kênh” tiếp xúc, trao đổi với quần chúng nhân dân để tìm hiểu, tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của họ, cũng đồng thời là tạo cơ chế “mở”, dân chủ hơn để nhân dân giúp Đảng hoàn thiện hơn các chủ trương, đường lối của mình, lấy đó làm cơ sở đề ra các biện pháp, giải pháp phát triển xã hội trong thực tiễn đạt hiệu quả cao. Các “kênh” này có thể là qua hệ thống truyền thông đại chúng, qua tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp giữa cán bộ, đảng viên và người dân; qua phát tờ rơi v.v... Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay, cần tận dụng ưu thế của mạng Internet để thu thập, cập nhật kịp thời ý kiến của người dân không chỉ ở trong mà còn ngoài nước, hoặc ý kiến của bạn bè quốc tế - những người tâm huyết và quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam.

- Chú trọng đầu tư hơn nữa cho hoạt động giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nguồn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để họ được đi học cả ở trong và ngoài nước (tuỳ theo mức độ yêu cầu công việc và năng lực của cán bộ); khuyến khích họ gần gũi cơ sở hơn nữa nhằm tích luỹ kinh nghiệm thực tế nhiều hơn; thúc đẩy họ tự giác nâng cao tinh thần sáng tạo và tính chủ động trong công việc nhằm đề ra được các sáng kiến, giải pháp hay, kịp thời phục vụ hiệu quả công việc, bảo đảm văn hoá làm việc, văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý.

- Trong tình hình thế giới ngày càng trở nên “phẳng”, tiến gần đến xu thế trở thành “ngôi làng chung toàn cầu” (global village), các thế lực thù địch vẫn không ngừng tiến hành chiến lược “Diễn biến hoà bình” đối với nước ta, Đảng cần tăng cường hơn nữa việc quan tâm, sâu sát chỉ đạo, lãnh đạo bộ máy chính quyền (Nhà nước), kết hợp với tăng cường lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội để tạo thành sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc phổ biến, tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng tới toàn thể nhân dân. Đặc biệt, ở nước ta hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn kinh tế, các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân… trên khắp cả nước, rất cần có sự phối hợp, đồng thuận giữa các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp này với Đảng để thành lập và tăng cường tổ chức cơ sở đảng ở các đơn vị này, nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện, sâu sát của Đảng và bảo đảm, bênh vực cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đội ngũ người lao động trong các đơn vị đó.

- Việc nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phụ thuộc và chịu sự tác động, tương tác hai chiều khá lớn chính từ chất lượng và hiệu quả phổ biến, tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Do đó, việc đề ra các chủ trương, đường lối phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội nước ta rất cần có sự tham khảo, học hỏi, phổ biến ra diện rộng (nếu có thể) không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu nhằm: 1) phổ biến, quảng bá các đường lối, chính sách đó đến đông đảo người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm ăn… ở các nước khác trên thế giới; 2) giúp nhân dân ta và bạn bè thế giới có cái nhìn chính thống, chính xác hơn về vai trò, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng ta trong việc hoạch định và quản lý việc thực thi các đường lối, chính sách được đề ra; 3) từ đó, chúng ta có thể thu thập được những ý kiến phản hồi trên diện rộng để kịp thời điều chỉnh hoặc đề ra các đường lối, chính sách hợp lý hơn. Chính qua đây, vai trò, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội sẽ được biểu hiện cụ thể, thiết thực và có sức lan tỏa rộng khắp, thiết thực phục vụ sự phát triển đất nước ta ngày càng dân chủ, văn minh, giàu đẹp theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.