Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn 2020

Cao Đức Hải Ủy viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai
17:01, ngày 20-12-2011
TCCSĐT- Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành tuyên giáo tỉnh Lào Cai đã trưởng thành vượt bậc. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới có nhiều thành phần dân tộc, đi lên từ điểm xuất phát của nền kinh tế - xã hội thấp, trình độ dân trí còn hạn chế, đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh cần tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và của tỉnh.

 

Thực trạng đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo Lào Cai

Hiện nay, trong toàn tỉnh Lào Cai, hệ thống chính trị cấp xã đã thành lập được ban tuyên giáo với số lượng mỗi cơ sở có từ 8-13 cán bộ làm công tác tuyên giáo kiêm nhiệm. Tổng số cán bộ làm công tác tuyên giáo trong các ban tuyên giáo, hệ thống các trường, trung tâm bồi dưỡng chính trị (bao gồm cả chuyên trách và kiêm nhiệm) của tỉnh là trên 3.000 người. Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội cũng được xây dựng, củng cố, từng bước kiện toàn. Với trên 700 người, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên này chính là cánh tay nối dài của ban tuyên giáo các cấp thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin hai chiều, kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. 

  Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cán bộ tuyên giáo tỉnh Lào Cai đã bộc lộ hạn chế và yếu kém nhất định. Trong tổng số trên 3.000 cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên giáo toàn tỉnh hiện nay mới có trên 700 người có trình độ đại học (hơn 23,3%), hơn 10 người có trình độ trên đại học (trên 0,3%), gần 500 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị (trên 16,6%). Trình độ chuyên môn và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ tuyên giáo nhìn chung còn nhiều hạn chế, nhất là khả năng phân tích, dự báo tình hình tư tưởng, khả năng nghiên cứu lý luận, tổ chức quán triệt nghị quyết của Đảng, tuyên truyền vận động quần chúng... Số lượng và đội ngũ giảng viên chuyên trách của trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố còn thiếu, một số nơi chưa có giảng viên chuyên trách. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp xã, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội ở cơ sở tuy đông nhưng hoạt động còn thiếu tích cực. Đến nay, cấp xã chưa có cán bộ tuyên giáo chuyên trách; hầu hết trưởng ban tuyên giáo cấp xã là các đồng chí trong thường trực cấp ủy kiêm nhiệm. Cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh và cấp huyện, nhìn chung, chưa thực hiện tốt phương châm gần dân, sát cơ sở.

Nguyên nhân chủ yếu của sự hạn chế, yếu kém đó là đội ngũ cán bộ trong ngành tuyên giáo được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều loại hình đào tạo khác nhau; đội ngũ có nghiệp vụ tuyên giáo lại phân bố không đồng đều giữa các địa bàn trong tỉnh, đặc biệt tại cơ sở. Số có trình độ, được đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn còn chiếm tỷ lệ ít trong tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tuyên giáo. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hiện nay chưa có cán bộ có trình độ trên đại học.

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn 2020

Xuất phát từ thực trạng và nhiệm vụ nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo tình hình, mở rộng phạm vi hoạt động của cán bộ tuyên giáo, Lào Cai đã xác định một số nội dung cơ bản trong chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020:

Một là, xây dựng tiêu chuẩn đối với cán bộ ngành tuyên giáo

- Có trình độ lý luận chính trị, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và khả năng vận dụng vào thực tiễn. Nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng và lợi ích dân tộc; có niềm tin sâu sắc, kiên định về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tuyệt đối trung thành với Đảng, với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng; có đạo đức và lối sống lành mạnh, giàu lòng nhân ái, tôn trọng tập thể, trung thực và thẳng thắn, khiêm tốn và quyết đoán, có sức quy tụ và đoàn kết mọi người; có trách nhiệm cao trong công tác, nói đi đôi với làm; biết phát hiện, cổ vũ cái mới, kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải là người đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Có kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục; đất nước, con người Việt Nam; địa phương, truyền thống; tình hình thế giới...

- Gần gũi quần chúng, sát cơ sở; gắn bó, liên hệ mật thiết với nhân dân; đối với những việc có liên quan tới lợi ích của quốc gia, dân tộc, tới cương lĩnh, đường lối và nguyên tắc của Đảng, có thái độ rõ ràng, không chủ quan phiến diện; có lòng nhiệt tình, cống hiến không tính toán, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, không dao động trước khó khăn, thử thách.

- Có năng lực độc lập nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, khả năng nắm bắt, hướng dẫn dư luận xã hội, phát hiện, lý giải những khuynh hướng tư tưởng phát sinh trong đời sống xã hội và trong các tầng lớp dân cư khác nhau, có khả năng dự báo tình hình và tính sáng tạo trong công tác.

-  Nắm vững, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, có khả năng viết và nói hấp dẫn để thuyết phục người nghe hiểu, tin và làm theo, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Có phong cách làm việc dân chủ, khả năng đối thoại, lôi cuốn, thuyết phục quần chúng, để quần chúng “4 phục”: lý phục, tâm phục, khẩu phục và đức phục.

- Có năng lực tham mưu, giúp cấp ủy hướng dẫn, triển khai việc thực hiện đường lối, chủ trương và những định hướng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, khoa giáo, nghiên cứu lịch sử Đảng ở địa phương. Có khả năng tham mưu, giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị cho các đối tượng. Có năng lực sử dụng tốt ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

 - Chủ động, tích cực học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để có thể nhạy bén, nắm bắt được xu hướng phát triển, nắm bắt tình hình và giải quyết vấn đề kịp thời.

Hai là, kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo, tạo chuyển biến căn bản trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức của tỉnh, trong đó có cán bộ ngành tuyên giáo.

- Rà soát, kiện toàn, quy hoạch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp. Tăng cường và có kế hoạch định kỳ bồi dưỡng tập huấn đội ngũ cán bộ tuyên giáo về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt rèn luyện cán bộ qua hoạt động thực tiễn, đồng thời, bảo đảm nâng cao trình độ chính trị theo yêu cầu nghề nghiệp, trình độ sử dụng ngoại ngữ và tin học cho cán bộ đang công tác, chú trọng tới đội ngũ cán bộ trẻ, kế cận. Trên cơ sở bảo đảm chất lượng đào tạo đại trà, xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện có hiệu quả đào tạo chuyên sâu cho từng lĩnh vực tuyên giáo, đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, một bộ phận cán bộ sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

- Có cơ chế giám sát và thực hiện bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo; khuyến khích đội ngũ cán bộ tuyên giáo thường xuyên tự học hỏi, tự đào tạo nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn.

- Đặc biệt quan tâm tới việc phát triển đội ngũ báo cáo viên các cấp gồm những cán bộ có năng lực, có trình độ và phương pháp truyền đạt nghị quyết để hỗ trợ cho cấp ủy cấp dưới quán triệt nghị quyết. Phát triển đội ngũ chuyên viên cao cấp gồm những trí thức có trình độ cao, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, biên soạn tài liệu học tập lý luận chính trị và tuyên truyền của ban tuyên giáo các cấp. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác nghiên cứu, biên soạn lại các tài liệu, giáo trình do Trung ương quy định, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng người học.  

- Phát triển đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã nhằm bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin dư luận cho cấp ủy cùng cấp. Hằng năm, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo và đội ngũ tuyên truyền viên cấp ủy cơ sở; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên. Tổ chức hội thi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh nhằm tạo cơ hội cho đội ngũ này trao đổi, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc tiến cử, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ là trí thức, khắc phục tình trạng hành chính hóa, thiếu công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý ngành tuyên giáo.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo

Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp về vai trò, vị trí quan trọng của cán bộ ngành tuyên giáo, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay; xác định công tác củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh. Làm tốt công tác tư tưởng để người dân hiểu đúng và đề cao vai trò của cán bộ ngành tuyên giáo, để đội ngũ này nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với ngành, với nhân dân, đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trọng trách trong thời kỳ mới.   

Mục tiêu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức ngành tuyên giáo đến năm 2015 và 2020

- Đối với ban tuyên giáo cấp tỉnh: 95% cán bộ có trình độ đại học trở lên, trong đó có từ 1 - 2 cán bộ có trình độ tiến sỹ; 3 - 4 cán bộ có trình độ thạc sỹ; 97% có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị; 100% có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

- Đối với ban tuyên giáo cấp huyện: về cơ bản, cán bộ có trình độ đại học, khuyến khích học sau đại học; 95% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, ứng dụng được công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

- Cán bộ chuyên trách ban tuyên giáo cấp xã có trình chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, về cơ bản, có thể ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

- Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên chuyên trách của Trường Chính trị tỉnh:  có ít nhất 30% cán bộ, giảng viên có trình độ trên đại học; 75% có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị; 100% ứng dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: có từ 3 giảng viên chuyên trách trở lên bảo đảm tiêu chuẩn có bằng đại học chuyên môn và bằng cao cấp lý luận chính trị.

Một số giải pháp thực hiện

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo

Cấp ủy cơ sở thường xuyên tổ chức quán triệt, học tập, bổ sung nhận thức về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, trí thức. Chấp hành nghiêm chỉnh nội dung sinh hoạt chính trị tư tưởng trong sinh hoạt Đảng. Cấp ủy cấp trên thường xuyên quán triệt cho cấp ủy cấp dưới về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo và vai trò, vị trí của cán bộ, trí thức ngành tuyên giáo; làm cho các cấp ủy nhận thức đầy đủ và thực sự quan tâm đến công tác tuyên giáo, nhất là công tác tổ chức bộ máy và cán bộ tuyên giáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ban tuyên giáo cấp mình hoạt động và quan tâm giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến công tác tuyên giáo ở đơn vị và địa phương.

Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, trí thức của tỉnh, trong đó có ngành tuyên giáo

Rà soát, đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách đã có; điều chỉnh, ban hành mới các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích trí thức, đặc biệt trí thức là người dân tộc thiểu số, trí thức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn v.v.. cống hiến trí tuệ của mình cho nhiệm vụ chuyên môn. Xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh, tập hợp trí thức tại các ngành, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trí thức nữ, trí thức người dân tộc thiểu số, đặc biệt là đội ngũ trí thức có trình độ cao, được đào tạo chuyên sâu cống hiến cho ngành tuyên giáo Lào Cai.

Xây dựng chính sách và kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời phát hiện, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức người dân tộc thiểu số, trí thức nữ, trí thức được đào tạo các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn (lịch sử, Việt Nam học, ngôn ngữ, báo chí, v.v...) vào làm công tác tuyên giáo các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh và huyện; tạo điều kiện để đội ngũ trí thức làm việc, cống hiến.

Xây dựng và thực hiện một số chính sách, chế độ mới đối với cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo, trong đó chú ý những yêu cầu đặc thù về nghề nghiệp; xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đánh giá kết quả hoạt động của từng loại hình cán bộ tuyên giáo; nghiên cứu, thực hiện chính sách phụ cấp nghề nghiệp đối với cán bộ chuyên trách tuyên giáo./.