Hà Nội quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh
TCCS - Xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh là một trong những chiến lược trọng điểm của Hà Nội. Mục tiêu này nhiều lần được nhấn mạnh trong chủ trương phát triển của thành phố, hướng tới năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”.
Xu hướng phát triển hệ thống đô thị trên thế giới
Từ lâu, các nhà nghiên cứu về đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới đã đi sâu nghiên cứu quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống các loại đô thị và tìm kiếm những giải pháp cho việc phát triển các loại hình đô thị trong tương lai, bảo đảm tính bền vững. Có thể kể đến một số xu hướng phổ biến sau:
Đô thị xanh: theo hiệp hội của những nhà kiến trúc và quy hoạch, “đô thị xanh” phải là đô thị được công nhận và đạt chuẩn xanh với 7 tiêu chí. Đó là: không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường(1).
Đô thị sinh thái: đó là một hệ thống quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong môi trường nhất định. Đây là hệ sinh thái nhân tạo, bao gồm yếu tố hữu sinh chủ yếu là con người và môi trường và cùng sống hạn chế trong một không gian hẹp. Khái niệm đô thị sinh thái đầu tiên được tập trung vào sự trao đổi về những hoạt động diễn ra trong đô thị (như vòng tròn năng lượng, nước, chất thải, khí thải…). Theo đó, một đô thị sinh thái được tạo dựng dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản: 1- Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; 2- Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; 3- Trong điều kiện cho phép, cần giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; 4- Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.
Đô thị bền vững: là những đô thị được quy hoạch và xây dựng theo hướng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân thành phố, như kết cấu hạ tầng, tiện nghi sinh hoạt, sức khỏe và chăm sóc y tế, nhà ở, giáo dục, giao thông, việc làm,… kết hợp quản lý tốt nhằm bảo đảm lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội.
Đô thị tri thức: hướng tới sự phát triển dựa trên tri thức, bằng cách khuyến khích sáng tạo liên tục, chia sẻ, đánh giá, đổi mới và cập nhật kiến thức thường xuyên.
Đô thị thông minh (smart city): là khu vực đô thị áp dụng các phương pháp điện tử và các loại cảm biến khác nhau để thu thập dữ liệu. Dữ liệu thu thập từ người dân, thiết bị, tòa nhà và tài sản được xử lý và phân tích nhằm quản lý và cải thiện hoạt động trên toàn thành phố một cách hiệu quả. Theo đó, các tiêu chí đối với đô thị thông minh bao gồm(2): 1- Quản lý - tổ chức: chính quyền bắt buộc phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý. 2- Công nghệ: các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh. 3- Cộng đồng dân cư là chủ thể chính trong đô thị thông minh là những công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí có thể tham gia công tác quản lý thành phố. 4- Kinh tế: lợi ích kinh tế là động lực chính thúc đẩy việc xây dựng đô thị thông minh. 5- Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông: ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phát triển của đô thị thông minh. 6- Môi trường tự nhiên: là giá trị cốt lõi mà đô thị thông minh hướng tới.
Hiện nay, có nhiều thành phố trên thế giới xây dựng và áp dụng các tiêu chí trên. Có thể kể đến một số thành phố, đô thị nổi tiếng luôn được nằm trong các bảng xếp hạng thành phố thông minh, như New York (Mỹ), London (Vương quốc Anh), Singapore, Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan),…
Hà Nội nằm trong top 100 thành phố thông minh nhất thế giới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững. Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp Hà Nội xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả, mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
Theo Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD), thành phố thông minh được định nghĩa là “môi trường đô thị áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế và giảm thiểu những hạn chế của quá trình đô thị hóa cho người dân”. Theo đó, năm 2024, Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và Thành phố Hồ Chí Minh xếp ở vị trí 105. Đây là kết quả do Viện Phát triển và Quản lý quốc tế phối hợp với Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) công bố vừa qua.
Có được kết quả này là do thời gian qua, thành phố đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng số, dữ liệu số nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cư dân. Từ đó, thực hiện mô hình thành phố thông minh, đô thị thông minh. Kinh tế số và xã hội số đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố đứng thứ hai toàn quốc về chỉ số thương mại điện tử và sự phổ biến của điện thoại thông minh và truy cập internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân. Bên cạnh đó, trong năm 2023 và 2024, Hà Nội triển khai 3 hệ thống quan trọng, bao gồm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, quản lý văn bản và quản lý đảng viên. Chú trọng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến là một ưu tiên của thành phố.
Việt Nam xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Vì vậy, trong Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-7-2011, thành phố Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ cũng như quyết tâm của chính quyền và người dân. Thủ đô Hà Nội đang đặt ra mục tiêu các xã, thị trấn, huyện phát triển theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; hệ thống giao thông công cộng đang dần được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, để Hà Nội hoàn toàn có điều kiện phát triển Thủ đô xanh - hiện đại - thông minh.
Như vậy, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng gồm: vùng đô thị trung tâm; vùng đô thị phía đông; vùng đô thị phía bắc; vùng đô thị phía tây; vùng đô thị phía nam. Hệ thống đô thị được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển sông Hồng trở thành không gian mới; trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng. Áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô” để tạo cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho khu vực phía tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa).
Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có mô hình quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển. Đồng thời, dự trữ quỹ đất, không gian, hạ tầng tại phía nam (khu vực huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên) để nghiên cứu phát triển cảng hàng không thứ 2 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg, nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Diện mạo đô thị Thủ đô đã có nhiều thay đổi, từng bước được hiện đại hóa, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, không phủ nhận những tồn tại trong công tác xây dựng đô thị xanh ở thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt là tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra….
Để hướng tới thành phố xanh - thông minh - hiện đại
Mục tiêu của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Hà Nội cũng dự kiến thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng khu vực nông thôn hài hòa với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, Đề án số 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt. Nghị quyết số 15/NQ-TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định 8 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó về nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ: “Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...”.
Để thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW, trước mắt, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để thống nhất nhận thức, từ đó có lộ trình phù hợp. Với thành phố Hà Nội, đây là mô hình có đặc thù, có sáng tạo để phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao,... nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái. Về lâu dài, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già hóa. Do đó, Hà Nội cần chú trọng hơn nữa phát triển 5 đô thị vệ tinh là đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn. Ngoài 5 đô thị vệ tinh này, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới,... góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị. Quá trình phát triển hệ thống đô thị của thành phố Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để thành phố hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực.
Để hướng tới những mục tiêu xa hơn, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 700/QĐ-TTg, ngày 16-6-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” với nhiều yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, bảo đảm tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, hạ tầng, nhà ở, môi trường…
Xác định rõ việc xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh… là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào. Việc xây dựng đô thị gắn liền với việc chuyển đổi số. Vì vậy, cần có sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương để đạt được mục tiêu đặt ra. Thực hiện nghiêm chủ trương xây dựng và phát triển đô thị thông minh đã được xác định tại các nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới thay vì chỉ ở quy mô quốc gia như hiện nay. Trong phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị, thành phố cũng cần chú ý tạo ra các cơ sở pháp lý mang tính hệ thống hơn để nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch. Đồng thời, cần bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hướng tới thông minh hóa quá trình phát triển và quản lý đô thị. Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý. Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng.
Xây dựng một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị. Hệ thống hạ tầng thông tin đô thị cần phải được kết nối, chia sẻ giữa các cấp chính quyền, giữa các ngành, lĩnh vực tại địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Các giải pháp thông minh được ứng dụng tại đây tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến việc bảo tồn nước, quản lý chất thải và an toàn công cộng.
Ngoài ra, với vai trò và vị trí của Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Hà Nội cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế xanh làm hình mẫu cho các địa phương khác. Hà Nội cần xác định cụ thể mô hình kinh tế xanh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng xanh, giảm tỷ trọng năng lượng hoá thạch, phát triển nông nghiệp xanh, đô thị xanh, chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng xanh hóa, xây dựng và triển khai hợp lý hệ thống giao thông xanh, phát triển hệ thống sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững, bảo đảm tài chính xanh, ngân hàng xanh cùng với các tuyến phố xanh, cảnh quan môi trường sạch, nguồn nuớc sạch. Xây dựng lộ trình phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, tái chế rác thải, phát triển kinh tế tuần hoàn và các giải pháp mà thành phố cần thực hiện đồng bộ trong hệ sinh thái xanh, bền vững của Thủ đô thanh lịch, xanh, sạch, đẹp, văn minh, bền vững.
------------
(1) Công văn số 344/TTg-CV, ngày 19-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
(2) Nghị quyết số 06/NQ-TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Hà Nội đẩy mạnh quản trị đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị tự chủ, hiệu quả  (25/11/2024)
Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tại Thủ đô Hà Nội  (25/11/2024)
Hà Nội xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc - nền tảng xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ  (24/11/2024)
Đẩy mạnh liên kết vùng đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Hà Nội  (24/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển