Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tại Thủ đô Hà Nội
TCCS - Với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam có hệ thống các di sản văn hóa phong phú, độc đáo. Từ những di sản văn hóa vật thể, như đình, đền, chùa, kiến trúc… đến những di sản văn hóa phi vật thể, như tín ngưỡng, phong tục, lễ nghi, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống…, góp phần tạo nên nét đặc sắc của nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, với sự phát triển công nghiệp hóa, việc vừa giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đặt ra yêu cầu cần thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
Các nhà nghiên cứu luôn đặt vấn đề về vai trò của văn hóa trong mối quan hệ với phát triển. Trước đây, các tiêu chí phát triển của quốc gia thường được định hình bởi các chỉ số, như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân tính theo đầu người… Đây là các chỉ số có thể lượng hóa mức độ phát triển song nó chưa đủ để phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân.
Ở một cách tiếp cận khác, có người cho rằng văn hóa chỉ là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quan niệm hiện đại, phát triển được hiểu là “trạng thái” cho phép xã hội thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của con người. “Trạng thái” cho phép con người nhận thức tốt hơn, có năng lực cao hơn và những điều kiện thuận lợi để hưởng thụ tốt hơn, tư duy sáng tạo nhiều giá trị mới và sản phẩm mới phục vụ cho con người. Từ đó có thể thấy, phát triển phải là sự tăng trưởng năng lực của con người, giá trị của con người chứ không chỉ là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xét về thực chất chỉ là biểu hiện, sự cụ thể hóa năng lực thỏa mãn nhu cầu của con người từ phía xã hội. Với tư cách là mục tiêu của phát triển kinh tế, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng đóng vai trò định hướng, thậm chí quyết định nhu cầu của xã hội, nhờ đó mà kích thích phát triển thông qua các hoạt động khoa học, sản xuất ra các sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội ngày càng phong phú hơn. Cùng với đó là năng lực sáng tạo của từng cá nhân và cộng đồng cũng không ngừng được nâng cao. Nhu cầu được thỏa mãn một cách tối ưu là điều kiện tiên quyết để con người cảm nhận về hạnh phúc. Đó là tiền đề cho mọi quá trình phát triển. Với nhận thức đó, có thể nhìn nhận mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội dựa trên những tình huống như sau:
Tình huống thứ nhất, việc thực hiện bảo tồn di sản văn hóa tốt nhưng không khai thác được giá trị kinh tế.
Nhiều người vẫn luôn quan niệm di sản văn hóa là báu vật còn sót lại của quá khứ nên phải giữ gìn cẩn trọng. Việc thay đổi, làm mới di sản có thể phủ lên các lớp văn hóa mới, làm cho các thế hệ sau không truy nguyên được những giá trị nguyên gốc của di sản. Điều này là hoàn toàn đúng đối với các di sản văn hóa vật thể. Với các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cổ vật, bảo vật quốc gia thì không thể nhân danh “bảo tồn phát triển” để làm mới các hiện vật, xâm hại các di tích, phá vỡ cảnh quan các danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, bảo tồn tốt không có nghĩa là giữ nguyên di sản mà không khai thác, phát huy các giá trị của nó. Hiện nay, nhiều địa phương sở hữu những di sản rất quý, đầy tiềm năng để khai thác phát huy, nhưng do vẫn trung thành với cách làm cũ nên nhiều khi sống trên di sản mà không khai thác được giá trị di sản. Một số bảo tàng sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng mất mát, hư hại mà chỉ bảo vệ, cất giữ di sản. Điều này vô hình chung đã khiến “đông lạnh” di sản văn hóa, không khai thác được giá trị văn hóa, tinh thần mà di sản văn hóa mang lại cho người dân, đồng thời cũng không khai thác được giá trị kinh tế mà di sản văn hóa mang lại.
Tình huống thứ hai, khai thác giá trị kinh tế tốt nhưng việc thực hiện bảo tồn di sản văn hóa chưa tốt.
Hiện nay, di sản văn hóa được xem là nguồn lực, nguồn tài nguyên đem lại giá trị kinh tế cho nhiều địa phương, tuy nhiên không ít trường hợp do khai thác quá mức, đặt nặng giá trị kinh tế, chạy theo lợi nhuận và coi nhẹ việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nên dẫn tới hệ quả là: 1- Các di sản văn hóa do bị đưa vào khai thác quá mức dẫn đến hư hỏng, cảnh quan bị xâm hại; 2- Ở chiều ngược lại do chạy theo lợi nhuận nên nhiều di sản được làm cho hoành tráng hóa, biến dạng thậm chí mất đi vẻ nguyên bản; 3- Có nơi còn làm giả di sản, biến không thành có, thêu dệt để thiêng hóa địa danh nhằm thu hút du khách; 4- Để tăng giá trị tạo ra lợi nhuận nhiều địa phương còn đua nhau lập các kỷ lục, chạy theo các chứng nhận, thương mại hóa di sản… làm “tầm thường hóa” di sản. Nhìn từ góc độ văn hóa, việc thương mại hóa, làm biến dạng di sản chính là sự bóp méo di sản và hậu quả của nó là làm cho người dân, du khách trong nước và nước ngoài sẽ có những nhận thức sai lệch về văn hóa Việt Nam. Về lâu dài, việc quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu, lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến nhu cầu bảo tồn giá trị di sản văn hóa có thể tạo ra những hệ lụy về phát triển văn hóa - xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Tình huống thứ ba, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế.
Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là chất liệu, nguồn vốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, trở thành một trong những lợi thế so sánh trong phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế... - những ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội các giá trị văn hóa được thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo dựng và củng cố nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ; đồng thời các giá trị di sản văn hóa sẽ có cơ hội được lan tỏa và quảng bá rộng rãi đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, những di sản nào được bảo tồn và phát huy, giữ gìn và khai thác thì sẽ thu được kết quả khả quan và dài lâu. Đây là khuynh hướng ứng xử với di sản lý tưởng nhất và được khuyến khích nhất, như vậy, sẽ đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó không dễ gì thực hiện.
Qua các tình huống trên có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Một là, từ góc nhìn văn hóa, di sản mãi mãi chỉ là những thực thể văn hóa, tồn tại dưới dạng tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Tự thân di sản không thể trở thành sản phẩm kinh tế hay loại hàng hóa “đặc thù” (vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa) nếu thiếu các loại dịch vụ văn hóa. Ngược lại, dù có các loại hình dịch vụ phong phú mà không dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên văn hóa có chất lượng thì cũng không có sản phẩm mang tính chất hàng hóa và do đó không thể tạo ra giá trị kinh tế.
Hai là, về bản chất, mọi hoạt động kinh tế đều nhằm mục tiêu đáp ứng tốt nhất các nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn và khác biệt về thiên nhiên và văn hóa ở các vùng, miền khác nhau của đất nước cũng như của các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Di sản văn hóa và thiên nhiên là các không gian văn hóa/thực thể văn hóa hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ cùng với các dịch vụ văn hóa khác có đầy đủ điều kiện thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần cho du khách dưới dạng các sản phẩm du lịch (hợp thể giữa tài nguyên và dịch vụ).
Ba là, về giá trị kinh tế của di sản văn hóa được thể hiện ở hai dạng là giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị trực tiếp lại được biểu hiện ở chức năng sử dụng/công năng và giá trị trao đổi với tư cách là hàng hóa đặc biệt. Tự thân di sản văn hóa cũng chứa đựng các giá trị kinh tế thể hiện dưới dạng các loại vật liệu xây dựng, sức lao động, tiền bạc, trí tuệ đầu tư vào việc tạo dựng công trình mà tương lai sẽ được thừa nhận là di sản của cộng đồng. Giá trị kinh tế gián tiếp của di sản văn hóa được thể hiện ở việc góp phần quan trọng quyết định thị trường du lịch; tạo nên nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch; hạt nhân để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù và khác biệt; tạo nên bản sắc quê hương, đất nước.
Bốn là, di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, có thể thấy nếu phát triển kinh tế - xã hội được nhìn nhận gắn với hiện đại hóa và đồng nhất một mô hình phát triển thì với di sản văn hóa, việc đồng nhất cách thức phát triển vô hình chung sẽ triệt tiêu nhiều thực hành văn hóa mang tính bản sắc riêng có. Việc “đối xử” với các di sản không nên đồng nhất nhau mà cần có sự phân biệt giữa di sản vật thể, phi vật thể… Di sản văn hóa được xem là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội chỉ khi triệt tiêu được cách hiểu về di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội theo kiểu cao - thấp, hơn - kém, tiến bộ - lạc hậu, phát triển - kém phát triển…
Phát huy giá trị di sản trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của nước ta với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, đặc biệt Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trên cơ sở những lợi thế so sánh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc phát huy giá trị các di sản văn hóa để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai phương pháp giáo dục di sản với nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng. Thông qua hành trình khám phá di sản với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn, nhiều di tích, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã tạo dựng được thương hiệu, tăng sức hút với du khách.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai, thực hiện việc số hóa di sản. Qua đó góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Trong thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa ở các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phát triển công nghiệp văn hóa cần đặt trong tổng thể chung và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và Thủ đô, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thứ hai, tiến hành các biện pháp bảo vệ di tích, chống xâm phạm đất đai, cảnh quan môi trường, bảo vệ tốt cổ vật trong các di tích… Thường xuyên tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa và tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Để bảo tồn được di sản đô thị, cộng đồng và người dân sẽ giữ vai trò chủ thể tham gia. Việc vận hành, quản lý phải tuân theo các quy định pháp luật về di sản, các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để cộng đồng có thể “làm chủ” di sản, cần phải có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng là phương pháp hữu hiệu nhất.
Thứ ba, tổ chức nghiên cứu, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch về di sản văn hóa, xem xét các điều kiện về kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, từ đó xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hoá phù hợp./.
Hà Nội xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc - nền tảng xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ  (24/11/2024)
Đẩy mạnh liên kết vùng đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Hà Nội  (24/11/2024)
Xây dựng đội ngũ công chức ở Nhật Bản và một số hàm ý tham chiếu đối với Thủ đô Hà Nội  (22/11/2024)
Hà Nội gắn kết bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh mới  (22/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển