Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh: Mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội
TCCS - Là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của miền đất địa đầu Đông Bắc đất nước, Bảo tàng Quảng Ninh là mô hình tiêu biểu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kiến trúc nghệ thuật và phong cách trưng bày độc đáo
Nằm trong quần thể các công trình kiến trúc cộng đồng của tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được thiết kế với ý tưởng từ hình tượng than đá - loại khoáng sản đặc trưng của địa phương. Bảo tàng được thiết kế theo cấu trúc khối hình hộp lớn, độc đáo, có sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, ngoại thất bao bọc bởi lớp kính cường lực màu đen như những chiếc gương lớn phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long hùng vĩ. Khu vực trưng bày ngoài trời của Bảo tàng có các hiện vật thể khối lớn. Nổi bật là các tảng than antraxit lớn, trong đó có một hòn than nguyên khối lớn nhất Việt Nam (kích thước 3,6m x 2,8m x 2,2m, thể tích là 22m3 và trọng lượng 28 tấn được phát hiện ở độ sâu -176m so với mặt nước biển vào đầu tháng 4-2012), các tác phẩm điêu khắc đá khối lớn, tượng công nhân mỏ…
Cùng với vẻ ngoài ấn tượng, độc đáo, không gian bên trong Bảo tàng Quảng Ninh thực sự để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách với 3 tầng trưng bày hàng vạn hiện vật, tài liệu, trong đó có cả bảo vật quốc gia theo từng chủ đề. Tầng 1 là không gian của biển cả và thiên nhiên, trưng bày, giới thiệu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Quảng Ninh, như khoáng sản, địa chất và đa dạng sinh học. Tầng này bố trí các cột trưng bày dạng ống núi được làm từ những chất liệu hiện đại kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng tạo hiệu ứng nước khiến du khách có cảm giác như đang đi trong không gian vịnh Hạ Long thu nhỏ. Ngoài ra còn rất nhiều loại dụng cụ đánh bắt thủy hải sản của người dân Quảng Ninh với các mô hình tái hiện lại cảnh đánh bắt thủy hải sản và mô hình thuyền đặc trưng của địa phương.
Tầng 2 của bảo tàng trưng bày những di tích, hiện vật về lịch sử tỉnh Quảng Ninh trải dài từ thời kỳ tiền sử đến hết kháng chiến chống đế quốc Mỹ với các không gian văn hóa tiền Hạ Long, văn hóa Hạ Long, thời đại kim khí, thời kỳ sơ sử: kỷ nguyên Đại Việt, khu trưng bày chuyên đề Yên Tử - Nhà Trần, thời kỳ cận - hiện đại: phong kiến, cách mạng, kháng chiến. Từ thời kỳ tiền sử đến hết kỷ nguyên Đại Việt được đặt trong một không gian lớn, thông suốt, ốp gỗ với nhiều đường cong và tủ trưng bày vuông, tròn kết hợp lạ mắt tạo hình như một lòng thuyền khổng lồ. Không gian trưng bày lịch sử Quảng Ninh trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ được thiết kế như khoang máy bay để gợi nhớ những trận chiến bắn rơi máy bay Mỹ.
Tầng 3 của bảo tàng tái hiện toàn bộ lịch sử ngành khai thác than, gồm ba không gian trưng bày chính: Lịch sử ngành than, văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Khu vực lịch sử ngành than có sa bàn khai trường khai thác than lộ thiên và mô hình phỏng dựng không gian khai thác than hầm lò. Nhờ đó, khách tham quan không chỉ được trải nghiệm thực tế khi bước đi trong hầm lò, thấy được sự tiến bộ trong áp dụng khoa học và công nghệ của các mỏ than hiện nay, mà còn cảm nhận được sự vất vả của những phu mỏ trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị với hình thức khai thác thô sơ, thủ công, từ đó có sự so sánh giữa xưa và nay.
Trong không gian văn hóa các dân tộc Quảng Ninh, bảo tàng chọn 6 trong tổng số 21 dân tộc của tỉnh để trưng bày với những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc. Không gian trưng bày Bác Hồ với Quảng Ninh được thiết kế trang trọng, giúp cho người xem thấy được cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm sâu sắc của Bác dành cho nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Mô hình hiệu quả
Bảo tàng Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người Quảng Ninh và Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh đã và đang là một điểm tham quan thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm và là một trong ba bảo tàng trên cả nước tự chủ hoàn toàn nguồn tài chính chi thường xuyên (cùng với 2 bảo tàng chuyên ngành là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Cách thức tổ chức hoạt động của bảo tàng có thể coi là mô hình hiệu quả, tiêu biểu cho hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, là mô hình khai thác hiệu quả những lợi thế so sánh về văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã tích cực sưu tầm các hiện vật với hàng nghìn mẫu ốc, mẫu cổ sinh hóa thạch, qua đó phân loại, đưa vào trưng bày bổ sung tại không gian về đa dạng sinh học - tài nguyên thiên nhiên; chỉnh lý không gian trưng bày ngư cụ, không gian trưng bày cổ vật. Bảo tàng cũng khai trương không gian trưng bày các bảo vật quốc gia của tỉnh Quảng Ninh, như bình gốm Đầu Rằm và hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, trống đồng Quảng Chính, mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ninh có tổng số hơn 135 nghìn hiện vật, trong đó có năm bộ sưu tập hiện vật đặc trưng của tỉnh đã làm hồ sơ khoa học và 12 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bảo tàng Quảng Ninh cũng chủ động trong việc tăng thời gian mở cửa, nâng cao chất lượng trưng bày và công tác phục vụ. Theo đó, từ năm 2019, đơn vị đã thực hiện theo lịch làm việc mới, từ mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ 2 để vệ sinh, bảo quản hiện vật, bằng việc chỉ nghỉ phục vụ vào duy nhất thứ 2 tuần cuối cùng trong tháng. Việc chỉnh lý, bổ sung hiện vật tại các không gian trưng bày thường xuyên được đơn vị thực hiện theo quy định, bảo đảm hiện vật có sự đổi mới, nâng lên về chất.
Bảo tàng cũng chú trọng tổ chức các triển lãm chuyên đề có chất lượng phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh song song với các không gian trưng bày thường xuyên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Với mục tiêu vừa bảo tồn di sản văn hóa vừa khai thác giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp tới cộng đồng, Bảo tàng Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các chương trình trải nghiệm văn hóa rất sáng tạo, đặc sắc với nhiều hoạt động phong phú, qua đó thu hút du khách ở nhiều lứa tuổi, vùng miền, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các chương trình này được tổ chức vào mùa hè, dịp Trung thu, tết Nguyên đán..., trở thành hoạt động thường niên bổ ích, khơi dậy khả năng sáng tạo, tình yêu quê hương, đất nước, góp phần tạo ra sân chơi và môi trường văn hóa lành mạnh cho giới trẻ nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung.
Bên cạnh đó, bảo tàng tích cực ứng dụng hiệu quả công nghệ số nhằm đem lại cho khách tham quan sự trải nghiệm mới mẻ, đa chiều. Trên mỗi khu vực trưng bày, bố trí các màn hình cảm ứng lớn được ghép từ ba màn hình cảm ứng 70 inch, giúp khách tham quan truy cập internet để tìm hiểu về bảo tàng ảo, trang website của bảo tàng. Tại không gian trưng bày “Di tích Yên Tử - nhà Trần tại Quảng Ninh”, Bảo tàng Quảng Ninh sử dụng màn hình trực tuyến được tạo bởi 30 màn hình 50 inch có cổng kết nối là ba cáp kết nối trực tuyến với ba điểm của di tích Yên Tử đó là: Đầu ga cáp treo 1, đầu ga cáp treo 2 và khu vực Tháp Tổ. Với cách tiếp cận này đã khiến cho khách tham quan có cảm xúc đặc biệt khi được xem, nghe thuyết minh giới thiệu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông và cảm nhận được cảnh quan thực tại của di tích. Bên cạnh đó, bảo tàng Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động ứng dụng bảo tàng ảo 3D trên website: baotangao.baotangquangninh.vn, toàn bộ không gian thực của bảo tàng đã được mô hình hóa trong không gian ảo 3D khiến người dùng internet có thể tham quan từ xa; qua đó góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh với đông đảo khách tham quan trên cả nước và khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống quản lý biên lai điện tử và áp dụng vào hệ thống bán vé không thu tiền mặt giai đoạn 1. Việc thu phí hoặc thanh toán không dùng tiền mặt thì hệ thống sẽ tiến hành phát hành biên lai điện tử tùy theo mức quy định. Du khách sau khi nộp phí sẽ có phiếu kiểm soát để vào tham quan với cổng kiểm soát mã QR tự động. Hoạt động này đã mang lại nhiều hiệu quả, như rút ngắn thời gian bán vé, giảm nhân công thực hiện kiểm soát vào những giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí so với in giấy, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Có thể thấy, Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước thời gian qua, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của loại hình du lịch văn hóa cũng như sự tăng trưởng chung của ngành du lịch Quảng Ninh. Năm 2019, tổng lượng khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh đạt hơn 367.000 lượt; tổng thu hơn 10 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2022, bảo tàng đón khoảng 700.000 lượt khách, doanh thu từ bán vé tham quan đạt hơn 16 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, Bảo tàng Quảng Ninh đã đón 456.930 lượt khách, trong đó khách nước ngoài là 3.600 lượt, số tiền thu phí tham quan được hơn 13 tỷ đồng.
Một số định hướng thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách hơn 2 năm qua giảm và cần thêm thời gian để phục hồi. Vì tự chủ nguồn chi thường xuyên nên kinh phí để trả lương cho cán bộ, nhân viên cũng như kinh phí cho việc bảo dưỡng, bảo trì công trình cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của bảo tàng, nhất là trước những đòi hỏi cao của bối cảnh hội nhập quốc tế…
Do đó, thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh xác định cần tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật gốc có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, mang tính độc đáo, đậm đà bản sắc của con người Quảng Ninh, qua đó tạo sức hút và lợi thế cạnh tranh so với các bảo tàng khác trên cả nước. Trong điều kiện đầu tư kinh phí hạn chế, bảo tàng cũng thực hiện sưu tầm từ nguồn từ hiến tặng, xã hội hóa, nhằm làm phong phú hơn các sưu tập bảo tàng.
Bảo tàng cũng duy trì việc thực hiện sắp xếp hiện vật một cách khoa học, vệ sinh sạch sẽ kho tàng bảo đảm môi trường ổn định cho hiện vật. Tiếp tục tập trung, tăng cường xây dựng hệ thống tài liệu lưu trữ, nghe nhìn theo các chủ đề, sưu tập. Tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá tổng thể tài liệu, hiện vật trong kho và hệ thống trưng bày, lập kế hoạch bảo quản phòng ngừa tư liệu chất liệu hữu cơ, bảo quản cấp thiết phục vụ trưng bày thường trực, trưng bày chuyên đề trong nước và quốc tế. Tăng cường rà soát, chỉnh trang hệ thống trưng bày thường xuyên bảo đảm thông tin khoa học, chính xác, khang trang, sạch đẹp; chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề, trong đó, cần tập trung hướng đến mô hình hợp tác với các tỉnh, thành phố, các khu di tích lớn (di sản thế giới, quốc gia đặc biệt) tổ chức trưng bày chuyên đề phục vụ các dịp lễ kỷ niệm, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa địa phương, văn hóa đặc sắc vùng, miền thông qua các phát hiện mới, di tích mới khai quật, kịp thời giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước. Đối với các trưng bày chuyên đề, cần chủ động lập kế hoạch nghiên cứu, xây dựng các trưng bày chuyên đề một cách khoa học, đa dạng và đặc sắc. Cùng với đó, bảo tàng tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống không gian trưng bày, đưa thêm những ứng dụng công nghệ vào việc bố trí, sắp xếp không gian trong bảo tàng, nhằm đáp ứng được nhu cầu tham quan đa dạng trong thời đại công nghệ của du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cùng với việc đa dạng hóa các chương trình giáo dục trải nghiệm, Bảo tàng Quảng Ninh chủ trương đẩy mạnh đổi mới các phương thức tuyên truyền và nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình giáo dục dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; chú trọng hơn sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà trường, các trường đại học với bảo tàng, nâng cao chất lượng các tọa đàm, giao lưu, thuyết trình; phấn đấu thực sự trở thành trung tâm văn hóa, khoa học và giáo dục của tỉnh và cả nước. Tập trung đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông, xây dựng sản phẩm truyền thông mang đặc trưng của Bảo tàng Quảng Ninh. Đặc biệt xây dựng đội ngũ thuyết minh viên ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại với đầy đủ kiến thức, kỹ năng thông qua các khóa học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như sự tự nỗ lực của mỗi nhân viên. Tăng cường hơn nữa công tác phân công, kiểm tra, giám sát các tổ, nhóm, bộ phận của bảo tàng, bảo đảm quy chuẩn trong từng lĩnh vực hoạt động và thống nhất thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc kế hoạch, quy trình thực hiện bảo đảm từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong thực hiện, làm nền tảng cho việc phối hợp thực hiện công việc hiệu quả.
Bảo tàng Quảng Ninh cũng xác định cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động du lịch văn hóa, tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành, xây dựng các chương trình trong các tour du lịch để quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh, hiện vật của bảo tàng, thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giao lưu, hợp tác với các bảo tàng trong nước, cũng như các bảo tàng trong khu vực và thế giới trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng các mô hình trải nghiệm văn hóa tại bảo tàng, trong việc gắn kết di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, trong đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của bảo tàng…, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế của Bảo tàng Quảng Ninh, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của bảo tàng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh - Nhiệm vụ và giải pháp  (10/11/2023)
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa  (10/11/2023)
Hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh  (09/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay