Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế: Những giá trị bền vững soi sáng sự nghiệp cách mạng Việt Nam
TCCS - Trong kho tàng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, tư tưởng của Người về hội nhập quốc tế là một bộ phận hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở, nền tảng, là kim chỉ nam cho các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Gắn kết phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới
Trước hết, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, hợp tác, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại mới, là một nhân tố quan trọng đưa tới thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cách nhìn mới về thế giới, về mối liên hệ giữa Việt Nam và thế giới. Người đã vượt qua những hạn chế mang tính lịch sử của các bậc tiền bối để hướng ra bên ngoài, gắn kết giữa sự nghiệp cứu nước của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp cách mạng trên thế giới.
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hoạt động của phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở nước ta trở nên sôi sục, rộng khắp, song những hoạt động đó đều không mang lại kết quả. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các nhà yêu nước lúc đó chưa đưa ra được các phương hướng cách mạng phù hợp với thời đại đã đổi thay. Từ trải nghiệm trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, nhận thức được xu thế thời đại, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”(1). Có thể xem đây là điểm khởi đầu của tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế. Một mặt, tư tưởng này thể hiện tầm nhìn mở rộng ra toàn thế giới, không chỉ thu hẹp ở phương Đông; mặt khác, quan điểm đoàn kết rộng mở của Người về hội nhập quốc tế là hướng vào những người làm cách mạng, không bị ràng buộc bởi châu lục hay màu da. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra một trong những yếu tố dẫn đến thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là phải hội nhập với thế giới, đoàn kết với phong trào cách mạng thế giới để góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng nước ta. Chính từ đây, Người chủ trương đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường của thời đại mới: con đường cách mạng vô sản và Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của phong trào cách mạng thế giới.
Từ tiếp cận và hướng theo học thuyết cách mạng, khoa học Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, gắn kết công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do chính Người sáng lập và lãnh đạo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng của dân tộc. Đây là sợi dây gắn kết giữa cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản quốc tế. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, “cuộc cách mạng Đông Dương là một bộ phận cách mạng thế giới và giai đoạn hiện tại là một bộ phận dân chủ chống phát xít”(2). Khi phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh, các lực lượng cách mạng Việt Nam đã chớp thời cơ, phát huy thế chủ động, cùng toàn thể đồng bào vùng lên giành chính quyền, đưa tới sự ra đời của nước Việt Nam độc lập.
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng chỉ đạo trong công tác đối ngoại “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã tích cực đưa hoạt động đối ngoại hướng tới tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới. Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, về đối ngoại, Người kêu gọi các nước Đồng minh công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(3). Về đối sách của Chính phủ Việt Nam, Người khẳng định: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”(4). Sau khi đất nước độc lập, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều điện, thư đến các vị nguyên thủ, ngoại trưởng của các nước, như Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và đến Liên hợp quốc... thể hiện quan điểm đối ngoại của Việt Nam, đó là cố gắng mở rộng quan hệ với các nước, nhất là các cường quốc, để tranh thủ sự công nhận địa vị pháp lý của nước Việt Nam độc lập, qua đó xác lập vị thế chủ nhà trong việc giao tiếp với các nước bên ngoài, bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa vừa được thành lập. Từ năm 1950, ngoại giao Việt Nam đã “mở ra con đường hướng lên phía bắc, đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân”(5). Từ đây, cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận và được sự ủng hộ tinh thần, viện trợ vật chất của cách mạng thế giới, phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Những sự kiện trên đánh dấu bước hội nhập quan trọng của Việt Nam vào khối các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó ngoại giao đóng vai trò mở đường.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), với tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh quân sự và chính trị, tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương, hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trực tiếp góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập năm 1945, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông cáo về chính sách đối ngoại, khẳng định mục tiêu phấn đấu cho “nền độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn”. Trong đó, tư tưởng cơ bản là thân thiện và hợp tác với tất cả các nước, từ các nước Đồng minh, các nước láng giềng, các dân tộc đang đấu tranh giải phóng cho đến nhân dân Pháp, kể cả kiều dân Pháp đều được bảo đảm sinh mệnh và tài sản, nếu họ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định phương châm đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(6). Người nhấn mạnh: “Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập... Là bạn của ta trong giai đoạn này tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”(7).
Có thể thấy, từ chiến lược hội nhập quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta từng bước hòa vào dòng chảy của cách mạng thế giới, luôn gắn liền với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đánh giá thành quả của cách mạng Việt Nam đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày nay”(8). Mặt khác, tư tưởng Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, hội nhập quốc tế không chỉ diễn ra một chiều, giành được lợi ích cho mình mà còn đóng góp vào hòa bình, tiến bộ của thế giới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”(9).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược hội nhập quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, xác định đúng các dòng chảy của thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đã thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên nguyên tắc bao trùm và cũng là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Chính từ chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, nước ta từng bước vượt qua tình trạng bị bao vây, cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn, tham gia các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc..., phát huy vai trò tích cực, chủ động trong mọi hoạt động tại các thể chế đa phương.
Sau thống nhất đất nước năm 1975, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, tạo ra những thời cơ và thách thức lớn đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Đại hội VI của Đảng ta (năm 1986) đã đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế trên tinh thần giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc. Trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thời kỳ quá độ, đổi mới, kiên định chiến lược hội nhập quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn quán triệt và thực hiện bài học kinh nghiệm lớn “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế”. Trong đó, để tận dụng sức mạnh thời đại, Đảng, Nhà nước ta chủ trương “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;... nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(10).
Với phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Điều này một lần nữa khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, nếu nhận thức đúng và nắm bắt được xu thế phát triển, các dòng chảy của cách mạng thế giới, gắn mục tiêu đấu tranh của nhân dân ta với các quốc gia, dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, thì sẽ tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới; ngược lại với xu thế trên, sẽ khó thành công.
Thực hiện nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi
Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư đến Quốc hội và Chính phủ Pháp nêu rõ: “Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi thì nước Pháp sẽ chiếm được trái tim và tình cảm của tất cả những người Việt Nam”(11). Với Mỹ, Người kiên quyết yêu cầu “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam”(12). Với việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973), Pháp và Mỹ đều phải cam kết, thừa nhận nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là cơ sở để sau khi hòa bình lập lại, với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, quan hệ giữa Việt Nam với các nước đó đã được thiết lập và phát triển trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định, phải quán triệt nguyên tắc chiến lược là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau trong hội nhập quốc tế. Trong đó, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Không chỉ như vậy, hội nhập quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là quá trình hướng tới chọn đối tác, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Sau khi nước nhà độc lập, năm 1946, trong Thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực. Theo đó, Người nêu ra một số giải pháp: Việt Nam sẽ dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; sẵn sàng chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế; sẵn sàng ký kết các hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan... Ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, Người khẳng định rõ thiện chí: “Chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”, “Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(13).
Khi bàn về quan hệ hợp tác trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến thực lực của đất nước là nhân tố quyết định thành công. Người thường nhắc nhở phải “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp mình thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã”. Người khẳng định: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”(14). Người mong muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, không lệ thuộc vào ngoại bang, dựa vào những điều kiện, tiềm năng sẵn có của dân tộc để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trong khi ra sức đấu tranh cho lợi ích của dân tộc mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia, dân tộc khác. Người cho rằng “Mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”(15). Phát biểu nhân dịp Ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng: Đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt... tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chung sống hòa bình”(16). Điều này cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khác hản với những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, biệt lập. Cùng với việc duy trì tính độc lập, tự chủ, Người chủ trương xây dựng khối đoàn kết quốc tế, quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, nhất là hợp tác kinh tế quốc tế có nội dung rất rộng, có giá trị tham chiếu cho quá trình hội nhập quốc tế, với các bước đi thích hợp của Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay.
Có thể thấy, trong hội nhập quốc tế nói chung, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế là một tư tưởng lớn và nhất quán ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm đó được hình thành là kết quả của quá trình khảo sát thực tiễn trong nước và quốc tế, nhận thức đúng quy luật vận động, xu thế phát triển của thời đại. Người khẳng định, hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước là nhu cầu khách quan có tính quy luật phổ biến của mọi nền kinh tế, là điều kiện quan trọng bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đây chính là biểu hiện của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tiến trình phát triển.
Lịch sử đã khẳng định tính đúng đắn trong quan điểm Hồ Chí Minh về việc xác định đối tác mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và trong quan hệ hợp tác, thực lực của đất nước là nhân tố quyết định thành công. Đây là những quan điểm đi trước thời đại và có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam, là những việc mà nước ta đã và đang triển khai trong quá trình hội nhập vào một thế giới toàn cầu hóa, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến, khoa học quản lý hiện đại... Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới, từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chiến lược hội nhập quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Giương cao ngọn cờ chính nghĩa: “Thêm bạn, bớt thù”, đoàn kết quốc tế
Trải qua các chặng đường đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, cách mạng Việt Nam luôn xác định rõ bạn, thù; phân hóa “bạn”, “thù” ngay trong hàng ngũ đối phương. Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam đã giành được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân tiến bộ trên thế giới. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp, cũng không nhằm đánh vào những người Pháp lương thiện, mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp”(17). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nói: “Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình”(18). Với phương châm đúng đắn đó mà cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của phong trào cách mạng, nhân dân tiến bộ thế giới chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhất là ở châu Âu và Mỹ. Năm 1967, nhân dân tiến bộ Mỹ với cuộc đấu tranh “Mùa Xuân” đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia, đến cuộc đấu tranh “Mùa Thu” có tới 3.400.000 người của hơn 100 thành phố Mỹ vào cuộc, đạt tới đỉnh cao là cuộc bao vây Lầu Năm góc của 200.000 người Mỹ trong suốt 32 giờ liền(19). Tiếng nói phản chiến từ các cuộc biểu tình trên đường phố đã có tác động lớn đến giới cầm quyền chính quốc, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Với phương châm thêm bạn, bớt thù, đoàn kết quốc tế, chúng ta đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa đó.
Ngày nay, trong bối cảnh mới, chúng ta tiếp tục kiên định, nhất quán tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”. Với chính sách đối ngoại rộng mở, Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với tất cả các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Từ chủ trương rộng mở quan hệ đối ngoại của Đại hội VI của Đảng, với những kết quả đối ngoại của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đã củng cố những bước tiến vững chắc của Việt Nam theo phương châm “muốn là bạn với tất cả các nước”(20) của Đại hội VII, “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”(21) của Đại hội IX, “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(22) của Đại hội XI và điều này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại nhiều kết quả tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân dân thế giới. Trong quan hệ đối ngoại, chúng ta kiên trì phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Trong đó, hai mặt hợp tác và đấu tranh gắn bó hữu cơ với nhau. Thúc đẩy hợp tác nhưng vẫn phải đấu tranh dưới hình thức, mức độ thích hợp với từng đối tượng, trên từng vấn đề, nhằm bảo vệ lợi ích dân tộc, thiết lập quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình. Chính sự kết hợp đúng đắn, linh hoạt giữa hợp tác và đấu tranh đã giúp Việt Nam tranh thủ được ngày càng nhiều sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Thực tế ngày nay cho thấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” là phù hợp với xu thế quan hệ quốc tế hiện nay. Những quan điểm đó đã và đang được Đảng, Nhà nước ta quán triệt, vận dụng trong đường lối và thực tiễn quan hệ đối ngoại, hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo lập môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới cho sự phát triển của đất nước, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Chính từ đây đã mở ra một trang mới trong lịch sử đối ngoại của nước ta. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao chính thức với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có cả những nước từng là cựu thù của Việt Nam. Trong các mối quan hệ quốc tế đa tầng, đan chéo, biến động phức tạp khó lường hiện nay, quán triệt các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần tích cực, chủ động hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn với thế giới, qua đó sẽ góp phần xây dựng lòng tin chiến lược trong hợp tác, phát triển của quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế.
Lịch sử cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế đã phát huy hiệu quả to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân dân thế giới. Ngày nay, mặc dù quan hệ quốc tế và tình hình Việt Nam đã thay đổi căn bản, nhưng những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa chiến lược, tiếp tục được quán triệt và thấm sâu vào mọi chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho nước ta tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả./.
----------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. XVII
(2) Văn kiện Đảng toàn tập (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 114
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 3
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 39
(5) Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 - 2010, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 147
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256
(7) Văn kiện Đảng toàn tập (1945 - 1947), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 437
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 417
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 533
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 79
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 348
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 603
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 86
(14) Văn kiện Đảng toàn tập (1940 - 1945), Sđd, t. 7, tr. 244
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 401
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 113 - 114
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 75
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 314
(19) Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940 - 2010), Sđd, tr. 203
(20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 147
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 119
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 138 - 139
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay  (12/10/2021)
Khát vọng “Rồng bay”: Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững  (10/10/2021)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam - Giá trị vận dụng vào công cuộc giữ nước từ khi nước chưa nguy  (13/09/2021)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm