Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến ngày 25-01-2015
Soạn thảo 43 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII và Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Theo Danh mục, tổng cộng có 40 Nghị định của Chính phủ và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được ban hành để quy định chi tiết thi hành 15 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2015, năm 2016, trong đó, có Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bất động sản; Nghị định về an ninh hàng không dân dụng; Nghị định quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ...
Theo quy định, Bộ trưởng các bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Thế giới đề xuất nhiều giải pháp cải cách thuế cho Việt Nam
Tại hội thảo về chỉ số nộp thuế và đề xuất cho Việt Nam được tổ chức mới đây, bà Joanna Nasr - chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra những kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới đã cải cách thành công, qua đó đề xuất nhiều giải pháp cải cách hành chính thuế cho Việt Nam.
Tại hội thảo, bà Joann Nasr đã đưa ra hàng loạt những dẫn chứng, những bài học thành công từ nhiều nước đã cải cách phương pháp quản lý thuế thành công như Belarus, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… Theo WB, mỗi quốc gia có những cải cách khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều tạo điều kiện để người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn.
Qua nghiên cứu thực tế của WB tại Việt Nam, cùng với những kinh nghiệm cải cách của nhiều nước, bà Joanna Nasr đã đề xuất nhiều cải cách. Theo bà Joanna Nasr, phương pháp quản lý thuế và thuế suất là một trong những rào cản hàng đầu đối với các doanh nghiệp ở các quốc gia đang phát triển.
Vì thuế suất là một trong những tiêu chí quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh, nên Việt Nam nên quan tâm đến chỉ số này. Các chuyên gia WB cũng đưa ra những yếu tố làm tăng số giờ nộp thuế của Việt Nam, chẳng hạn như việc thu thập hồ sơ, chứng từ cần thiết để chuẩn bị tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, cân đối thử, tờ khai của năm trước; rà soát kiểm tra các khoản thu, chi...
Đối với thuế giá trị gia tăng cũng vậy, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian tập hợp tất cả các hóa đơn đã xuất và nhận được trong tháng, kiểm tra xem liệu các hóa đơn có đủ điều kiện để khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào, kiểm tra xem liệu các hóa đơn đã được đưa vào tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng trước hay chưa…
Những thủ tục này khiến cho doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như thời gian nộp thuế của doanh nghiệp. Do đó, bà Joanna Nasr khuyến nghị Việt Nam nên rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến kê khai thuế, các thủ tục, chứng từ kèm theo để đơn giản hóa các quy định.
Tăng cường tiếp thu ý kiến người dân để cải cách hành chính
Năm 2015, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội xác định cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào 10 nhóm công việc chính.
Trong đó, Ban chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức thích hợp đối với chất lượng dịch vụ hành chính công và sự nghiệp công của thành phố để tiếp thu, khắc phục thiếu sót cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Cùng với đổi mới lề lối và phương thức làm việc trong cơ quan, đơn vị, Ban cũng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ...
Thà mất lòng nhau còn hơn để mất lòng dân
Ngày 21-01, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Chỉ thị này với nội dung trọng tâm là tiêu chí “5 xây 3 chống”. Cụ thể 5 xây là: Trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và 3 chống là: Quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức.
Hiệu quả đáng kể nhất khi triển khai Chỉ thị 29 chính là công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các cơ quan đã rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng cho biết, qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 29 đã tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức. Hầu hết cán bộ, công chức đều tích cực cải tiến lề lối làm việc, không đùn đẩy, né tránh công việc; tăng cường đi cơ sở, giữ thái độ hòa nhã, lịch thiệp, văn minh khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn không ít cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, vi phạm kỷ luật. Năm 2014 đã xử lý kỷ luật 51 cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, trong đó hàng chục trường hợp bị cách chức, sa thải...
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 29 cho cán bộ, công chức, nêu rõ vì sao triển khai chỉ thị này, nếu thực hiện thành công “5 xây 3 chống” sẽ được gì? Theo Phó Bí thư Thành ủy, cái được nhất là lòng dân. Bởi lẽ cải cách hành chính, siết lại kỷ cương cán bộ, công chức cũng là để phục vụ nhân dân tốt hơn. Thà mất lòng nhau còn hơn để mất lòng dân - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo từng đơn vị, địa phương phải sắp xếp lại bộ máy, đánh giá đúng năng lực của nhân sự, loại bỏ các cá nhân thoái hóa, biến chất. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị phải xác định lại rõ vị trí công việc từng cán bộ, công chức. Trong việc này, trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn, nếu không gương mẫu, không kiểm tra, không bắt tay vào làm rốt ráo thì rất khó thành công.
Thạch Thất đứng thứ nhất khối huyện về cải cách hành chính
Trong năm 2014, công tác cải cách hành chính của huyện Thạch Thất đạt được những kết quả tích cực. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát cập nhật, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, số thủ tục hành chính thuộc cấp huyện là 290, trong đó thực hiện tại bộ phận Một cửa là 254 thủ tục, tại các cơ quan chuyên môn là 36 thủ tục. Kết quả thực hiện các thủ tục hành chính ở cấp huyện, xã, thị trấn giải quyết trước và đúng hạn đều đạt tỷ lệ trên 99%. Nhờ đó, qua chấm điểm thi đua về cải cách hành chính năm 2014, huyện Thạch Thất đạt 95/100 điểm, đứng thứ nhất khối các huyện toàn thành phố.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên nhấn mạnh, năm 2015 huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng công chức viên chức, ý thức phục vụ, trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền./.
Khát vọng phát triển  (26/01/2015)
Mong cho Đảng xứng đáng hơn với niềm tin của Nhân dân, tiếp tục gánh vác trọng trách cao cả mà Nhân dân tin cậy giao phó*  (26/01/2015)
Khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng  (25/01/2015)
Dấu ấn Việt Nam tại WEF Davos năm 2015  (25/01/2015)
Trân trọng nghĩa cử hiến máu cứu người  (25/01/2015)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên