Khát vọng phát triển
TCCSĐT - Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay và Hòn ngọc viễn Đông xưa, Hà Nội bây giờ và Hà Nội của 20 - 30 năm về trước, Đà Nẵng thành phố đáng sống của hiện tại và Đà Nẵng của thời chưa xa - đó là những đổi thay không hề nhỏ. Những ngày đầu tiên của năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh công bố GDP đạt mức 5.131USD/1 người/năm. Hà Nội khánh thành cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á… Những sự kiện như vậy có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển.
Bên cạnh những đổi thay tích cực đó, đất nước cũng đang đối mặt với không ít vấn đề nhức nhối. Nhìn vào thực tế phát triển, đặc biệt là trong những năm vừa qua, có thể nhận ra rất nhiều hiện tượng thuộc về mâu thuẫn buộc phải chấp nhận, dẫu không hề muốn. Đáng ra sự phát triển phải xứng với tiềm năng hơn. Nhưng khát vọng phát triển bao giờ cũng lớn hơn, lý tưởng hơn so với thực tế.
Cơn khát “hóa rồng”
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cả châu Á là một xứ sở của đói nghèo, tụt hậu và trì trệ khá xa so với châu Âu. Người mù chữ chiếm đa số ở khắp mọi nơi. Nhật Bản trong tư thế một quốc gia bại trận, chấp nhận thân phận đất nước bị chiếm đóng. Trung Quốc mênh mông như một biển nông dân tiếc nuối địa vị mà triều Thanh đã đánh mất. Xin-ga-po lúc đó còn thuộc Ma-lai-xi-a và Hồng Kông thuộc Anh nhìn không khác gì những làng chài tối tăm và nhếch nhác. Đài Loan như một thị trấn nghèo. Phi-líp-pin và Thái Lan khá hơn chút ít, nhưng cũng không khác mấy một cái chợ quê chỉ thưa thớt vài ba nhà giàu...
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam giành được chính quyền, ra khỏi chế độ thuộc địa, phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, thiết lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, tỏ rõ mong muốn “tột bậc” là đất nước độc lập, dân được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; thoát nghèo, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhưng Việt Nam, ngay sau đó là chiến tranh, rồi lại chiến tranh, chiến tranh nữa, đến tận giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam mới thực sự có hòa bình. Hòa bình thôi thúc cơn khát phát triển. Nhưng cơ chế tập trung bao cấp trói buộc nhiều tiềm năng.
Trong khi đó, cuối những năm 80, điều thần kỳ châu Á đã làm cả thế giới giật mình. Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Xin-ga-po trở thành 4 “con rồng” với GDP 10.000 USD/1 người/năm và có đủ những nét cơ bản của một xã hội văn minh, phát triển. Các nhà lý luận cố tìm kiếm bài học kinh nghiệm khi so sánh NICs (các nước công nghiệp mới) với các nước công nghiệp truyền thống - quá trình công nghiệp hóa ở châu Âu phải đi qua hàng thế kỷ với những giai đoạn có “máu và bùn nhơ rỉ ra từ tất cả các lỗ chân lông” của chủ nghĩa tư bản(1).
Những kinh nghiệm ấy lan đến Việt Nam đúng vào lúc Đổi mới xuất hiện. Ngọn gió Đổi mới đã thổi bùng ngọn lửa sáng tạo, làm cho Việt Nam chỉ sau hơn một thập niên đã trở thành một đất nước với vị thế khác, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được ghi vào Nghị quyết của Đảng. Năm 2009, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.000 USD/năm, mức khởi điểm của thu nhập trung bình. Năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Năm 2008, các nhà đầu tư nước ngoài “xếp hàng để được rót vốn vào Việt Nam” với con số danh định tới hơn 64 tỷ USD, con số khổng lồ với bất cứ quốc gia đang phát triển nào. Những hy vọng lại được tiếp thêm bằng những hy vọng mới.
Điều kiện cần và điều kiện đủ
Đi hết 15 năm đầu của thế kỷ XXI, nếu phải nói đến đặc điểm của con người và văn hóa Đông Á, ở tầm vĩ mô, một trong các đặc điểm dễ thấy vẫn là tâm thế cháy bỏng vươn tới thịnh vượng. Gọi đúng theo tính chất của tâm thế này thì đó là “Cơn khát phát triển” hay “Khát vọng phát triển”.
Như một số học giả phương Tây nhận xét, ở Đông Á, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, từ tổng thống đến dân thường, từ trí thức đến người lao công, gần như tất cả đều trăn trở đáng kể với sự phát triển. Có thể bắt gặp khá thường nhật những người luôn đặt kỳ vọng vào một viễn cảnh nền kinh tế sẽ giàu có, đất nước sẽ phồn thịnh. Chủ nghĩa bi quan không phải là thứ được ưa chuộng ở châu Á nên không có đất để tồn tại. Nét tâm lý này là khá xa lạ với người phương Tây. Còn ở Á Đông, kể cả những nền kinh tế đã hóa rồng là Hàn Quốc và Đài Loan, hay các nước đi sau như Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam..., mức độ có khác nhau, tính thực tế cũng khác, nhưng khắp nơi đều hiện rõ một khát vọng phát triển khá nóng.
Thực tế này có thể đo được bằng các chứng cớ, chỉ báo. Ở đây, “bóng ma ám ảnh” chính là sự tương đương về các nguồn lực và tiềm năng, trong đó có vốn văn hóa truyền thống mà người ta coi là điều kiện để hóa rồng. Vấn đề là ở chỗ, đối chiếu với vốn văn hóa mà Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Xin-ga-po từng sử dụng, ở nhiều quốc gia khác, những thứ đó không những không thiếu, mà đôi khi còn trội hơn.
Văn hóa Nho giáo, trên thực tế, không đâu mạnh hơn ở Trung Quốc đại lục. Việt Nam cũng là mảnh đất thấm đẫm văn hóa Nho giáo. Ở Ma-lai-xi-a, văn hóa Nho giáo cũng khá rõ nét. Thế nhưng, cho tới nay tính tích cực của loại văn hóa này gần như chưa thấy trong việc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam và Ma-lai-xi-a. Ngược lại, từ hàng trăm năm nay, Nho giáo lại được coi là một rào cản, kìm hãm khoa học, ngăn trở thương mại, hạn chế sáng tạo, làm thui chột tự do cá nhân, kéo lùi tiến bộ xã hội, thậm chí còn bị coi là thứ “học thuyết ăn thịt người” (Lỗ Tấn).
Về nguồn lực con người, nguồn lực xã hội và ý chí chính trị, xét ở tiềm năng, cũng khó mà khẳng định, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Xin-ga-po có gì ưu thế đến mức các nước, các vùng lãnh thổ khác không thể so bì. Đặc biệt là trong tính cách con người, những đức tính như cần cù, hiếu học, thông minh, năng động, trách nhiệm cộng đồng,… cả ở phạm vi cộng đồng hay quốc gia, cũng khó chỉ ra đâu là sự hơn kém. Ấy là chưa so sánh đến những cá nhân cụ thể với các phẩm chất riêng của từng nhân cách. Dễ dàng tìm thấy những chính khách, những nhà hoạt động xã hội, trí thức,… ở các nước nghèo vẫn được đánh giá cao về năng lực, mà nếu phải so với những người có cùng trọng trách ở 4 “con rồng” thì những cá nhân đó cũng không hề thua kém.
Từ khi các nhà lý luận giải thích sự xuất hiện của mấy “con rồng” bằng các nguyên nhân văn hóa và con người, tức là những nguyên nhân gắn liền với tính cách dân tộc, tại những vùng văn hóa tương tự, đã nảy sinh tâm lý so sánh, trở thành “sức ép” đối với các chính phủ và những người chịu trách nhiệm. Dư luận thường đặt câu hỏi, tại sao một quốc gia như Việt Nam, có dân chúng được tiếng là thông minh, cần cù, hiếu học…, nhiều cá nhân có ý chí chính trị mạnh mẽ, có tâm thế phát triển sáng suốt, có trách nhiệm xã hội cao…, nền văn hóa có nhiều phẩm chất tốt đẹp, tính cách dân tộc có lợi thế phù hợp với xu thế phát triển,… mà đất nước vẫn chưa phát triển được như tiềm năng.
Với Việt Nam, giấc mơ “hóa rồng” còn ám ảnh hơn so với bất cứ một nước đang phát triển nào khác. Về vốn văn hóa, cho đến tận hôm nay, Việt Nam cũng không phải là một xã hội quá xa lạ, hoặc quá khác biệt. Trong vành đai văn hóa Nho giáo, Nho giáo ở Việt Nam là thứ văn hóa được hình thành và tiếp thu được cái hay từ Tống Nho, không cứng nhắc, không giáo điều như Nho giáo Trung Hoa trước đó. Về vốn con người, vốn xã hội, phẩm cách người cầm quyền và ý chí phát triển, xét ở tiềm năng, cũng khó nói Việt Nam có gì thua kém hay thiếu hụt những yếu tố tích cực cần thiết. Mấy chục năm gần đây, cùng với văn hóa, các nhân tố khác liên quan đến tâm lý của một dân tộc đã chiến thắng trong chiến tranh, từng duy trì được nền kinh tế tăng trưởng cao trong hơn một thập niên, từng hội nhập thành công,… lại càng thôi thúc thêm khát vọng “hóa rồng”. Khi đặt mình trong tương quan với một số nước trong khu vực, người Việt vẫn không giấu nổi tâm trạng, mới rất gần đây, so với Xơ-un, Băng-cốc hoặc Ma-ni-la, thì Sài Gòn chẳng những không nghèo, mà ngược lại, còn phồn vinh hơn.
Nhưng tất cả những thứ kể trên mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ còn phải là những thứ khác nữa. Bắt được thời cơ, có chiến lược đúng, không đi sau về công nghệ, biết huy động sức mạnh dân chúng, quản lý vĩ mô hiệu quả và bộ máy trong sạch,… là những nhân tố thuộc điều kiện đủ. Chính những nhân tố này mới có tác dụng kích hoạt sức mạnh quốc gia, giải phóng và nhân lên các nguồn lực để cất cánh.
“Hóa rồng”, như Đa-vít Đi-pai (David Depice) - một học giả Mỹ rất quan tâm đến Việt Nam đã chỉ ra, không phải là quy luật nhất thiết sẽ xảy ra, nếu quản lý vĩ mô không đạt tới hiệu quả tối ưu, ngay cả với những nước đã ra đến đường băng chỉ chờ cất cánh. Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin là những nước như vậy. Đến nay, nghĩa là sau hơn 20 năm điều kỳ diệu châu Á xảy ra, chưa có nước nào tiếp theo được gia nhập hàng ngũ các nước NICs mới. Việt Nam thì còn khá xa mới tới đường băng.
Khát vọng phát triển đi qua những mâu thuẫn
Từ năm 2008, kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Việt Nam hứng chịu với hai lần lạm phát mấp mé nguy hiểm. Thị trường bất động sản đóng băng đến tận hôm nay. “Ung nhọt” Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và những yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước bục ra. Nợ xấu tràn lan. Nhiều chủ thể kinh tế không hấp thụ nổi các nguồn lực hay nói chính xác hơn, các nguồn lực chỉ hấp thụ theo kiểu mất tiêu mà không tạo ra của cải. Các sự kiện nóng và phức tạp gây căng thẳng, lo ngại cả trong đời sống kinh tế và đời sống xã hội, cả trong bảo vệ chủ quyền và trong đời sống tâm lý, tinh thần.
Bởi vậy, năm 2014 trôi qua với tiếng thở phào của không ít người vì tình hình cũng chưa đến nỗi nào. Trong Báo cáo trình bày tại Quốc hội ngày 01-11-2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Chất lượng nền kinh tế có chuyển biến và duy trì được tốc độ tăng trưởng. GDP đầu người tăng. Lạm phát được kiểm soát. Nợ xấu được giải quyết một phần. Xếp hạng tín dụng được cải thiện. Và, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn hy vọng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đất nước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 vẫn không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5% - 7%. Những yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết căn bản. Việc xuất siêu với cả thế giới đến hơn 2 tỷ USD, nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc hơn 20 tỷ USD năm 2014 vẫn làm cho cán cân thương mại mất cân đối nghiêm trọng. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa “điểm trúng huyệt”…
Đó là chưa nói tới những khuyết tật, xuống cấp khác thuộc đời sống văn hóa - xã hội. Khoa học ì ạch và vẫn cách khá xa với thế giới. Quản lý giáo dục quá bất cập và chất lượng giáo dục vẫn tiến bộ rất chậm. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn là vấn đề nhức nhối. Quá nhiều hành vi xã hội đã tiếp tay cho tham nhũng vặt. Chính sách có không ít điều khoản xa rời cuộc sống. “Tư duy dự án” phổ biến trong cơ quan công quyền. Đạo đức xã hội đáng quan ngại. Các quan hệ cấp trên và cấp dưới, thầy và trò, bác sĩ và bệnh nhân, công an và dân, công chức và đối tác,… đôi khi méo mó đến mức người mẫu mực với trách nhiệm của mình lại trở thành thiểu số. Giả dối và vô cảm có thể tìm thấy ở nhiều nơi, trở thành cái không lạ trên báo chí hằng ngày.
Đối mặt với những tình huống như thế mà người Việt nói chung, từ các chính khách có trách nhiệm đến những người lao công ngoài hè phố, vẫn đau đáu với mỗi bước đi của đất nước, cho thấy khát vọng phát triển tâm huyết đến chừng nào. Có thể đồng ý với ai đó nói rằng, cái xấu nào cũng còn có người giận dữ là may. Tất cả những tiếng nói góp ý đến xót xa, phản biện đến phẫn nộ đều ít nhiều chứa đựng sự quan tâm đến thực trạng của đất nước, là biểu hiện của khát vọng phát triển. Bởi, có một lý do rất khách quan là, nếu những năm trước 2000, con đường “hóa rồng” của Việt Nam được nhìn nhận như đã đến gần chặng cuối thì đến nay, con đường ấy dù rất gập ghềnh, dù vẫn còn xa, nhưng vẫn là con đường còn khá rộng mở chứ chưa phải là đã khép lại.
Và, bước vào những ngày đầu tiên của năm 2015, khát vọng phát triển lại một lần nữa được đánh thức.
Tại một hội nghị quan trọng ngày 27-12-2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng công bố, năm 2014 cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng hướng, mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, năng suất, sức cạnh tranh hợp lý, thu ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài tăng. GDP bình quân đầu người thành phố đã đạt 5.131 USD - một dấu mốc không có lý do gì để kém phấn khởi.
Tại Hà Nội, sáng 04-01-2015, cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á khánh thành. Đường Võ Nguyên Giáp, nối cầu Nhật Tân với nhà ga T2 và nhà khách VIP A mới của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chính thức đi vào hoạt động. Bốn công trình này có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, tạo diện mạo mới cho Thủ đô, và cũng tạo hình ảnh mới cho sự phát triển của đất nước.
Dĩ nhiên vẫn còn đó những hồ nghi về một số hiện tượng chưa minh bạch khi xây dựng những công trình này. Nhưng việc mỗi ngày đất nước có thêm những diện mạo mới như vậy không thể nói là kém ý nghĩa đối với sự phát triển. Lần giở lại lịch sử, có thể thấy rằng, thời nào cũng có chuyện mà không hiểu sao lại không giải quyết cho “tận bờ sát góc”, lại để hệ lụy cho thế hệ sau. Nhưng không vì thế mà đời sống không có tiến bộ, không vì thế mà không có khát vọng phát triển. “Cuộc sống đi về phía trước thông qua mâu thuẫn”, Hê-ghen thông thái đã nói như vậy. Đành mượn tư tưởng của ông để chấp nhận những gì chưa bằng lòng trong thực tế hôm nay. Với nghĩa rằng, cuộc sống không phải là vườn địa đàng của toàn những điều tốt đẹp. Cái xấu, cái ung nhọt cũng phải nằm đâu đó ngay trong vườn địa đàng ấy. Cuộc đấu tranh xóa bỏ cái xấu, cái ung nhọt sẽ làm cho khát vọng phát triển từng bước được thực hiện.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay chắc chắn hơn nhiều những gì mà ta thường ca ngợi về Hòn ngọc viễn Đông xưa. Đà Nẵng chỉ sau 20 năm, nay đã được gọi là “đô thị đáng sống”. Hà Nội hôm nay chắc chắn cũng hơn rất nhiều những gì mà Liên Xô đã giúp trong quy hoạch năm 1981. Trong trăm ngàn nỗi bực dọc về điều chưa làm được, về điều lẽ ra có thể tốt hơn, hãy tạm chấp nhận những gì đang có. Khát vọng phát triển thường được thỏa mãn theo cách như vậy./.
-------------------------------------------
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.23, tr.1078
Mong cho Đảng xứng đáng hơn với niềm tin của Nhân dân, tiếp tục gánh vác trọng trách cao cả mà Nhân dân tin cậy giao phó*  (26/01/2015)
Khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng  (25/01/2015)
Dấu ấn Việt Nam tại WEF Davos năm 2015  (25/01/2015)
Trân trọng nghĩa cử hiến máu cứu người  (25/01/2015)
Lãnh đạo Ấn Độ - Mỹ tập trung thảo luận vấn đề hợp tác kinh tế  (25/01/2015)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm dự gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên