Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tỉnh Bình Phước
TCCSĐT - Quán triệt, triển khai Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị bằng nhiều hình thức phong phú vào thực tiễn, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị
Ngay sau khi đón nhận Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 04-10-2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU để triển khai thực hiện Chỉ thị, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên. Từ tháng 6-2011 đến nay, Tỉnh ủy và các đơn vị trực thuộc đã ban hành 72 văn bản hướng dẫn, kiểm tra triển khai thực hiện Chỉ thị. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo gắn thực hiện Chỉ thị với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, trọng tâm là sửa chữa khắc phục những khuyết điểm, yếu kém và giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân để góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên trong các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn 5.000 cuốn “Tài liệu hỏi - đáp về triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW” dưới hình thức “tài liệu bỏ túi” ngắn gọn được phát đến tất cả bí thư để tuyên truyền học tập tại chi bộ. Qua các buổi sinh hoạt, ý thức tự giác, rèn luyện đạo đức tác phong của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các nội dung đăng ký rèn luyện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được cụ thể hóa tại từng cơ quan, đơn vị và địa phương bằng những việc làm thiết thực trong học tập, lao động, sản xuất; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và giao tiếp với nhân dân; trong ý thức tổ chức, kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, nêu cao tinh thần, trách nhiệm xây dựng cơ quan văn minh, an toàn, sạch đẹp...
Xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đa số các đơn vị xây dựng được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ngắn gọn, dễ nhớ, bám sát với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của cơ quan, đơn vị. Tiêu biểu: Hội Đông y xây dựng chuẩn mực “Y đức trong sáng; y thuật chuyên sâu; vì sự nghiệp đông y; vì sức khỏe nhân dân; lương y như từ mẫu”, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức tại các xã là “Trung thành, gương mẫu, đoàn kết; gần dân, trọng dân, hiểu dân, hết lòng vì dân; trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương; đúng giờ, đúng hẹn, hiệu quả, minh bạch; chống quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có chuẩn mực: “Bản lĩnh chính trị vững vàng; nói đúng, hay và thuyết phục; viết thạo, tốt và sắc sảo; phong cách công tác dân chủ, khoa học, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm; chủ động tham mưu đúng, dự báo giỏi; nhân cách trong sáng, tận tụy yêu nghề”…
Hằng năm, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai học tập gắn với những chuyên đề được trung ương phát động, việc triển khai, quán triệt Chỉ thị qua Hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh đều do báo cáo viên trung ương mà chủ lực là các ủy viên của Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt. Các Hội nghị này được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể trong tỉnh cùng được học tập. Mỗi đợt học tập có đến hơn 100 ngàn người tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Tỉnh đã thực hiện tuyên truyền Chỉ thị bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Điển hình như tổ chức triển khai cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với trên 526 phóng sự, tin, bài về những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức tuyên truyền được 3.693 cuộc, có 201.260 lượt người tham dự, đều được phát trên hệ thống loa truyền thanh ở các khu dân cư với tổng thời lượng là 7.697 giờ, kẻ vẽ hàng trăm mét băng rôn, khẩu hiệu về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để góp phần tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương cho phép Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn cuốn sách “Những tập thể và cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2013”.
Xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến
Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 03-CT/TW, đa số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị và rất nhiều cá nhân thực hiện cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm, hành động thiết thực diễn ra hằng ngày. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Bình Long thực hiện sổ vàng “Người tốt việc tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã có 14 tập thể và 25 cá nhân được biểu dương trong việc thực hiện tốt chăm sóc vườn cây, khai thác mủ và trồng mới cây cao su, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, sửa chữa máy móc, thiết bị, bảo vệ môi trường... Thị ủy Phước Long phát động, thực hiện phong trào thực hành tiết kiệm vì người nghèo trong cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân, với mức tiết kiệm mỗi ngày từ 1.000 đồng trở lên và đoàn viên, hội viên mỗi ngày tiết kiệm 500 đồng trở lên. Kết quả đã tiết kiệm được gần 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho 11 hộ gia đình khó khăn về nhà ở và trao tặng 40 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã. Tại huyện Bù Đốp, Hội Cựu chiến binh thị trấn Thanh Bình thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, đã xây dựng quỹ đồng đội được 54 triệu đồng, quỹ xóa đói giảm nghèo được 8 triệu đồng để giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế. Trường phổ thông trung học Thanh Hòa tổ chức các hoạt động gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo được 70 triệu đồng, riêng Đoàn Thanh niên của trường đã tổ chức nuôi heo đất cho đoàn viên tiết kiệm được 20 triệu đồng để mua 100 phần quà tặng học sinh nghèo. Hội Cựu chiến binh phường Long Phước, thị xã Phước Long thực hiện động viên hội viên tiết kiệm, góp quỹ, xoay vòng giúp đỡ nhau có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo. Trong 2 năm qua, Hội đã huy động được trên 970 triệu đồng, giúp 41 hội viên, vận động xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa đồng đội tổng trị giá 40 triệu đồng và đóng góp làm đường nông thôn với kinh phí 100 triệu đồng.
Về cá nhân, điển hình là đồng chí Lê A, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đăng đã cùng bộ phận giúp việc tham mưu thành lập Website của Huyện ủy để đăng tải những tin bài, hoạt động từ huyện xuống cơ sở về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo việc “Chấn chỉnh lề lối làm việc, thời gian tổ chức và tham dự các hội nghị trên địa bàn huyện”. Ông Nguyễn Văn Nồng, cư ngụ tại tổ 2, ấp Lòng Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, 80 tuổi vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ 3 năm nay, hằng tháng ông đều trích một phần lương hưu để hỗ trợ 200 ngàn đồng cho 1 học sinh gia đình nghèo người dân tộc thiểu số, 60 ngàn đồng cho 1 gia đình nghèo. Đồng chí Lê Thái Hòa, đảng viên Chi bộ ấp 2, xã Minh Long, huyện Chơn Thành đã tham gia đóng góp xây dựng đường nông thôn với số tiền 137 triệu đồng. Tại huyện Bù Đăng, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như thầy giáo Hà Văn Thời có 25 lần tham gia hiến máu nhân đạo, thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu vận động thành lập bếp ăn tình thương cho học sinh nghèo, đoàn viên Lê Duẫn Cương của xã Thọ Sơn đã tạo việc làm cho 9 đoàn viên trong xã có việc làm với thu nhập ổn định, hội viên phụ nữ Phan Tuấn Anh đã ủng hộ 2 hội viên nghèo với số tiền 30 triệu đồng để xây dựng nhà, hội viên nông dân Lê Văn Tốt và Trần Trà Đông ở xã Thống Nhất hiến tặng hơn 2,7 ha đất xây dựng trường học…
Quá trình triển khai, thực hiện học tập và làm theo tấm gương của Bác trên địa bàn Bình Phước thời gian qua đã thực sự đi vào nề nếp, tạo ra nhiều hiệu quả thiết thực, trực tiếp góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết quả khảo sát dư luận xã hội trong năm 2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao những thành tích của tỉnh sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW; có 94% ý kiến đánh giá thực sự tạo được chuyển biến tích cực, trong đó 50% ý kiến đánh giá có chuyển biến tốt. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã biểu dương 243 tập thể, 429 cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 34 tập thể và 56 cá nhân được biểu dương cấp tỉnh, 1 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 1 tập thể và 3 cá nhân được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen, 1 cá nhân được Chủ tịch nước gửi Thư khen. Kết quả này đã thể hiện niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào chủ trương của Đảng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phát huy những bài học kinh nghiệm quý, nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác
Quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý, nhận thấy cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Đó là:
Thứ nhất, cấp ủy, bộ phận giúp việc và lãnh đạo cơ quan đơn vị nào nhận thức được đầy đủ, đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị 03-CT/TW và thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng những kế hoạch cụ thể, sáng tạo trong triển khai, thực hiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời cho tổ chức mình thì kết quả thực hiện Chỉ thị ở đơn vị đó cao hơn và xuất hiện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học và làm theo Bác nhiều hơn.
Thứ hai, quá trình thực hiện Chỉ thị cần kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương bốn khóa XI và nhiệm vụ chính trị - xã hội của điạ phương, đơn vị. Quá trình này, phải được cụ thể hóa bằng những tiêu chí, được duy trì thực hiện thường xuyên, nghiêm túc mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện trước thì tập thể cơ quan, đơn vị đó sẽ có chuyển biến tốt.
Thứ ba, các địa phương tiếp tục chú trọng phát huy vai trò tiên phong thực hiện làm theo tấm gương, đạo đức của Bác trong cán bộ, đảng viên và các hội viên đoàn thể của hệ thống chính trị ở thôn xóm, khu phố. Đây là hạt nhân nòng cốt của các phong trào ở khu dân cư. Chỉ như vậy, người dân mới đồng tình, ủng hộ làm theo các hạt nhân nòng cốt này một cách tự nguyện.
Phát huy những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm hiệu quả hơn với những giải pháp cụ thể:
Một là, quán triệt sâu, rộng công tác học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua chuyên đề trọng tâm của năm 2014 “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Trên cơ sở đó, nhanh chóng triển khai thực hiện làm theo tấm gương Bác bằng những nội dung cụ thể theo hướng dẫn của trung ương.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trở thành công việc thường ngày của tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ, đảng viên.
Ba là, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong việc thực hiện Quy định 101- QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Bốn là, nhanh chóng điều chỉnh, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị cho thật sự sát hợp với đặc thù, nhiệm vụ của ngành. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc treo bảng chuẩn mực đạo đức tại các cơ quan, đơn vị.
Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay và phát hiện, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị, tiếp tục tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ doanh nhân, đội ngũ trí thức./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái  (19/09/2014)
Thủ tướng ra quyết định thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ  (19/09/2014)
Dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 11 tỷ người vào năm 2100  (19/09/2014)
Dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 11 tỷ người vào năm 2100  (19/09/2014)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm