Học tập và làm theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”

TS. Văn Thị Thanh Mai Ban Tuyên giáo Trung ương
10:45, ngày 26-04-2014

TCCSĐT - Nhận thức rõ những gian nan, trắc trở, những khó khăn phức tạp của chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và sớm tiên liệu được tình hình, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Ðạo đức cách mạng. Trong đó, Người khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ đảng viên; chỉ rõ kẻ thù, những nguy cơ của đạo đức cách mạng, đồng thời đưa ra những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa căn bệnh đó.

Tác phẩm in lần đầu trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12-1958.

1. Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động. Đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp và “vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”. Cũng theo Người, mục đích trước mắt của Đảng ta là lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh để đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam “không còn ai bị bóc lột, trong đó mọi người được sung sướng, ấm no”. Và một trong những điều kiện để bảo đảm đi đến thành công chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và thường xuyên tu dưỡng đạo đức, để “vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”, là “bất kỳ làm việc gì cũng phải gương mẫu”(1) và “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2)...

Tuy nhiên, dù là tập thể của những con người tiên phong nhất, song Đảng cũng là một thực thể xã hội và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cũng là những con người cụ thể. Hơn nữa, vốn sinh trưởng trong xã hội cũ, nên trong mỗi người vẫn còn mang trong mình hoặc nhiều, hoặc ít “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ - đó chính là chủ nghĩa cá nhân”, là những biểu hiện trái ngược với đạo đức cách mạng…Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu còn lại trong mình, “dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Vì vậy, trong tác phẩm này, từ nhận thức rõ tính chất quyết liệt, cam go của cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, giữa “bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc” và “những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Theo đó, người cách mạng cần phải có đạo đức cách mạng, vì “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(3); để khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình và “đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”(4); khi gặp thuận lợi và thành công cũng không kiêu ngạo, vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa,...

Cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử vừa cải tạo thế giới và nhiệm vụ tự cải tạo bản thân mình. Từ đó, một mặt phải kiên quyết không để “ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó, họ mắc phải những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân” như Người từng nêu rõ trong bài Đạo đức cách mạng (Ngày 06-6-1955). Mặt khác, phải luôn “ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ” (5).

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh phòng và chống chủ nghĩa cá nhân là tiền đề cơ bản để phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhằm giữ vững bản chất, sinh mệnh chính trị của một đảng cách mạng chân chính. Theo Người, lời nói và việc làm, sự gương mẫu của của cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng đạo đức, trong phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, chống lại những căn bệnh “hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể”… là một nhiệm vụ có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng cầm quyền.

Những năm tháng miền Bắc được sống trong hòa bình đã khiến không ít người lầm tưởng rằng cách mạng đã thành công, do đó mà để những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa chớm nở. Trong khi đa số cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn thường ngày rèn luyện đạo đức cách mạng, cũng đã xuất hiện một bộ phận thoái hóa, biến chất, chỉ lo yêu cầu hưởng thụ, nghỉ ngơi, lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng,... Họ quên rằng, “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”, nên tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút, sự tiên phong gương mẫu của họ cũng không còn... Trước tình hình đó, một mặt, Người khẳng định “chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt” (6), mặt khác nêu rõ: Cách thức để gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân là phải rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thường xuyên, liên tục, ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với mọi cán bộ, đảng viên, trên mỗi chặng đường cách mạng, dù đó là thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến, hay công cuộc xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, tất cả “đều là những trường học rất tốt cho chúng ta rèn luyện đạo đức cách mạng”.

Thêm một lần nêu ra hiện tượng một số cán bộ, đảng viên vì chưa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, nên còn “kể công” với Đảng, muốn Đảng “cảm ơn”, đòi ưu đãi, và cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”; một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, “Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”,... Hồ Chí Minh khẳng định: Đó chính là những người đã “dần dần xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”.

Mặt khác, Người cũng nói: Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí, họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh và “kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”. Họ trở nên có tội với cách mạng, bởi họ không “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ”. Họ quên mất, “trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”(7)… Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, khuyến khích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Đó thực sự là kẻ thù nội xâm, “một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (8)… Và Người kết luận, chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ,… bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là khát vọng lớn lao của nhân dân ta, là yêu cầu của lịch sử giao phó, đó cũng đồng thời là nhiệm vụ của toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Bởi thế, để Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò tiền phong, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, tất yếu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải nghiêm túc tự chỉnh đốn, nâng cao tinh thần đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân - chống một trở lực lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong khi khẳng định phải chống kẻ địch nội xâm là chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh cũng không quên nhấn mạnh: Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, vì “Lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn”(9). Vì vậy, đối với những người cách mạng, lợi ích của cá nhân luôn gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, người cách mạng phải phục tùng lợi ích chung của tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, trước hết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”(10), vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên của Đảng phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lê-nin. Bởi, “có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”(11). Tuy nhiên, đó là “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(12), chứ không phải là học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đặc biệt, học để trang sức, học không phải để vận dụng vào công việc cách mạng thì đó cũng chính là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Cuối cùng, trong tác phẩm, Người khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc thống nhất nước nhà, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang, song cũng đầy gian nan, trắc trở, vì vậy để bảo đảm cho sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, “tất cả đảng viên, đoàn viên, tất cả cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng”(13).

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực của tấm gương rèn luyện đạo đức cách mạng, cả cuộc đời mình Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người từ khi bôn ba tìm đường cứu nước, trong lao tù đầy khổ ải hay khi đứng mũi chịu sào lo vận mệnh quốc gia… đều xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân. Sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nói rõ về đạo đức cách mạng, Người còn đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về cách phòng, chống chủ nghĩa cá nhân để rèn luyện đạo đức cách mạng trong tác phẩm Đạo đức cách mạng đầy tâm huyết.

Vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chủ đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”; học và làm theo những chỉ dẫn trong tác phẩm Đạo đức cách mạng chính là góp phần thiết thực để phòng, chống và khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” khóa XI đã chỉ ra.

Theo đó, trước hết, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống cho cán bộ, đảng viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tự giáo dục, tự rèn luyện, tự tu dưỡng đạo đức cách mạng. Vì nói như Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng ở mỗi con người chỉ có thể có được khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục của tổ chức với sự rèn luyện tu dưỡng liên tục, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để được dân tin, dân mến, dân yêu, cán bộ, đảng viên phải tự mình tu dưỡng đạo đức, hòa mình với dân, giữ mối liên hệ mật thiết với dân, bám sát cơ sở, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm tận lực vì công việc chung, nêu gương về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có lối sống lành mạnh, thực hiện nguyên tắc “đảng viên đi trước làng nước theo sau”…

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Theo đó, gắn việc chống suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên với phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời sàng lọc cán bộ, đảng viên, kiên quyết đưa những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi hàng ngũ của Đảng.

Thứ ba, nghiêm túc, thường xuyên tiến hành có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, sử dụng “thang thuốc” hữu hiệu này trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau như Người từng căn dặn trong Di chúc. Khắc phục cả cách làm hình thức, qua loa, chiếu lệ, “dĩ hòa vi quý” và cách mượn phê bình để soi mói, “bới lông tìm vết”, “đập” nhau vì mưu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… trong kiểm điểm, phân loại đảng viên hằng năm, để sau khi tự phê bình và phê bình mỗi cán bộ, đảng viên sẽ có sức mạnh nội lực trong khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm.

Thứ tư, thực hiện các quy định về nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc. Trong đó, nói đi đôi với làm, gương mẫu trong công tác, đời sống và các mối quan hệ theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác, học tập, lối sống ở nơi công tác, trong tổ chức Đảng và ở nơi cư trú.

Thứ năm, trân trọng những tấm gương người tốt, việc tốt trong mọi mặt đời sống, trong các phong trào thi đua yêu nước trên tinh thần “ai cũng làm theo người tốt, việc tốt thì cái tốt sẽ thành phổ biến, và xã hội ta sẽ tốt lên”(14), các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình cá nhân và tập thể, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Quảng bá tốt các tác phẩm văn học, nghệ thuật về gương người tốt, việc tốt, “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(15)./.

------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t. 10, tr. 464

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 552

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 283

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 284

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 285

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 282

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 290

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 292

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 291

(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 292

(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 29

(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 292

(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 293

(14) Bác Hồ với sách Người tốt, việc tốt, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2003, tr. 8

(15) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 558