Báo chí tuyên truyền về biến đổi khí hậu: Nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Việt Nam được Liên hợp quốc xác định là một trong sáu quốc gia trên thế giới chịu tác động nhiều nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long được xác định là một trong những vùng của Việt Nam và thế giới chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để góp phần giảm thiểu thiệt hại và tác động bất lợi do tình trạng này gây ra, thời gian qua, các cơ quan báo chí nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thông tin, tuyên truyền về biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long
Giờ đây đối với các quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành một thách thức lớn nhất đối với nhân loại vì nó đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, môi trường và cả an ninh trên phạm vi toàn thế giới.
Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của BĐKH. Những năm gần đây, do tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tác động xấu đến môi trường. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính trong 10 năm (2001 - 2010), các loại thiên tai như bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các loại thiên tai khác ở nước ta đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5%GDP/năm. Có thể khẳng định, tác động của BĐKH đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là một trong những vùng của Việt Nam và thế giới chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng BĐKH và nước biển dâng.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên xấp xỉ 4 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 2,4 triệu ha, là vùng canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm, toàn vùng đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng cá và khoảng 75% sản lượng trái cây cho cả nước. Đoạn sông Mê Kông chảy qua vùng ĐBSCL chỉ dài khoảng 225 km (chiếm 5,17% tổng chiều dài sông Mê Kông) nhưng hàng năm dòng chảy Mê Kông đã tải qua vùng châu thổ này hơn 450 tỷ mét khối nước (chiếm 61% tổng lượng dòng chảy sông ngòi trên toàn lãnh thổ Việt Nam).
Nhiều báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, vùng ĐBSCL đã, đang và sẽ chịu những tác động nghiêm trọng do hiện tượng BĐKH - nước biển dâng lên đến toàn bộ hệ sinh thái, cơ cấu canh tác nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và các hoạt động xã hội - văn hóa khác nhau. Những tác động do BĐKH ngày càng rõ nét là hiện tượng triều cường ngày càng tăng cao gây ngập úng nhiều nơi; xâm nhập mặn ngày càng nhiều và sâu hơn vào đất liền; bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện đổ bộ trực tiếp vào vùng ven biển ĐBSCL với tần suất nhiều hơn, khó kiểm soát và dự báo trước; lũ lụt cũng diễn biến phức tạp hơn, tình trạng hạn hán, nắng nóng ngày càng khắc nghiệt; các trận mưa có cường độ cao kèm theo lốc xoáy ngày càng gia tăng… Một khảo sát đánh giá và phân tích số liệu khí tượng - thủy văn quan trắc được trong khoảng 3 thập niên gần đây cho thấy, BĐKH và nước biển dâng đã thu hẹp dần diện tích canh tác, giảm năng suất và sản lượng nông sản của vùng. Điều tệ hại này không chỉ gây bất lợi cho an ninh nguồn nước mà còn có thể đe dọa an ninh lương thực quốc gia.
Theo một nghiên cứu gần đây của PGS,TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ), nếu các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng, sẽ rất khó lường những tác động tiêu cực của nó khi phối hợp với các rủi ro của thiên tai, BĐKH và nước biển dâng. ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng rất rõ rệt, với những hậu quả có thể phỏng đoán trong tương lai gần như sau:
- Nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi, Lung Ngọc Hoàng sẽ bị đe dọa ảnh hưởng, sự bền vững trở nên mong manh hơn, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, nhưng cũng sẽ có một số côn trùng (như muỗi) sẽ gia tăng số lượng.
- Diện tích canh tác nông nghiệp như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Điều này có thể đe dọa an ninh lương thực quốc gia.
- Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát đá xây dựng,...) sẽ bị xâm lấn, tận khai thác và hủy hoại.
- Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu sự sở hữu tài nguyên, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết - khí hậu.
- Sẽ có sự dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do BĐKH và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây (như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An...). Điều này khiến các kế hoạch quy hoạch phát triển đô thị có thể bị phá vỡ, môi trường và trật tự xã hội đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số…
Những nguy cơ này đe dọa sự phát triển bền vững của toàn vùng nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có những đối sách thích hợp đối với các tác động này, trong đó bao gồm cả những đối sách về truyền thông - báo chí.
Báo chí tuyên truyền về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về việc chủ động ứng phó với BĐKH. Mục tiêu được đề ra trong Chương trình này đến năm 2015 là có hơn 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước có hiểu biết cơ bản về BĐKH và tác động của nó.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết xác định mục tiêu ứng phó với BĐKH đến năm 2020 là: “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH của các cơ quan chuyên môn. Hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH. Giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung, trước hết là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác”. Để đạt mục tiêu này, Nghị quyết đề ra một trong những giải pháp chủ yếu hàng đầu là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Thời gian qua, trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thông tin, tuyên truyền về BĐKH thông qua các chủ đề như: những biểu hiện và tác động của BĐKH đối với Việt Nam; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với BĐKH; những cảnh báo từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững trong bối cảnh chịu tác động BĐKH ở Việt Nam; tác động của BĐKH đối với đời sống con người; phương cách thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra - nhất là ở vùng bị tác động nặng nề nhất như vùng ĐBSCL… Có thể nói, những năm gần đây, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc truyền thông về BĐKH và tác động của nó đến sinh hoạt, sản xuất, đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Những dự báo, cảnh báo đã được nêu ra như: tình trạng ngập lụt do nước biển dâng có thể nhấn chìm 30-40% diện tích đất đai ở vùng đồng bằng này; tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng ở các đô thị, nhất là trong những tháng mùa mưa lũ; có nên xây dựng đại trà các tuyến đê biển hay giữ và phát triển rừng ngập mặn ven biển; nghiên cứu các giống lúa, các giống cây trồng vật nuôi như thế nào để thích ứng với các khu vực bị nhiễm mặn… Bên cạnh đó, nhiều báo đài đã tăng cường thông tin những sự kiện, vấn đề có liên quan đến BĐKH - nước biển dâng và tác động của nó đến sự phát triển ĐBSCL như: lũ lụt và việc đắp bờ bao trồng lúa vụ ba ở các địa phương đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu; sạt lở đất ven sông, xói lở bờ biển Đông và biển Tây; xây dựng các cụm dân cư để ứng phó với tình trạng nước biển dâng; việc chuyển đổi giống cây con và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời kỳ BĐKH; quy hoạch lại hệ thống đô thị thích ứng với tình trạng nước biển dâng; giới thiệu một số chương trình, dự án thí điểm cộng đồng thích ứng với BĐKH; thông tin về tiến độ, hiệu quả các dự án ưu tiên cấp bách ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Dự án xây dựng và nâng cấp đê biển Tây (Cà Mau); Dự án nâng cấp đê biển ứng phó với BĐKH và nước biển dâng ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng); thông tin về ý kiến của các nhà khoa học trước khả năng xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể gây nhiều tác động xấu đến dòng chảy của hạ lưu và đời sống cư dân vùng ĐBSCL; tuyên truyền những mô hình, sáng kiến hay ở các địa phương trong việc ứng phó, giảm thiểu tác hại của BĐKH…
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã nêu, nhìn chung hoạt động truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL trên báo chí thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là:
- Các cơ quan báo chí đưa nhiều tin, bài về những rủi ro của BĐKH nhưng chủ yếu là tập trung phản ánh các thảm họa, hậu quả của nó, ít truyền tải cho người dân những thông tin về việc xử lý thực tế, phòng tránh, khắc phục thảm họa ra sao. Cách thông tin này trong nhiều trường hợp gây ra sự lo lắng quá mức, kéo theo những hiệu ứng xã hội bất lợi.
- Các thông tin về BĐKH thường được gắn với các hội nghị, hội thảo hoặc khi xảy ra các sự kiện “nóng” có liên quan đến BĐKH như: sạt lở đất ven sông, ven biển, xâm nhập mặn, khô hạn, triều cường, ngập úng… Nhiều thông tin về BĐKH trên một số cơ quan báo chí còn mang tính sao chép “Kịch bản BĐKH”, có khi lặp lại hoặc chỉ dừng lại ở những thông tin của các chuyên gia; có khi lại nôn nóng, thiếu kiểm chứng, thông tin quá mức, gây hoang mang cho người dân.
- Thông tin về tác động của BĐKH ở ĐBSCL thời gian qua còn thiếu tính phân tích về nguyên nhân, cách thức ứng phó, xử lý để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại; thiếu những thông tin mang tính nhận định, bình luận, đánh giá, nêu ra những dự báo. Do vậy, chưa đạt hiệu quả cao trong vấn đề nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực, chủ động ứng phó với BĐKH.
- Nhiều cơ quan báo chí còn băn khoăn, lúng túng trong thông tin các vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, các ý kiến trái chiều (như xây dựng hệ thống đê biển để đối phó với tình trạng nước biển dâng, tình trạng sạt lở ở mũi Cà Mau; các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lụt ở các đô thị vùng ĐBSCL…); đặc biệt là những vấn đề có tính quốc tế và khu vực, những tác động có ảnh hưởng đến nhiều bên liên quan (như việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công).
- Nhiều bài viết nói về chủ trương, chính sách, hoạt động ứng phó ở tầm vĩ mô, nhưng lại ít các bài viết tiếp cận vấn đề theo hướng từ cộng đồng đi lên, theo hướng mô tả hoạt động, quan điểm, nguyện vọng người dân cũng như hình ảnh của cộng đồng trong việc nhận biết và ứng phó với BĐKH qua công việc hằng ngày.
- Vẫn còn một số bài báo chưa chính xác, phóng đại kiểu “trăm dâu đổ đầu BĐKH”; nhiều bài viết mang tính phản ánh một chiều, ít chú trọng đến vai trò phản biện khoa học và tham gia giám sát xã hội của báo chí.
* Nguyên nhân của những hạn chế
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên. Trong đó nổi lên một số nguyên nhân sau:
- BĐKH là một đề tài khó vì nó bao trùm và liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí do áp lực thông tin thời sự, thiếu người chuyên viết về mảng đề tài này nên khó bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao.
- Bản chất của vấn đề BĐKH rất phức tạp. Khả năng diễn giải, truyền tải các thông tin mang tính khoa học về BĐKH theo ngôn ngữ truyền thông đơn giản và dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng công chúng khác nhau cũng không dễ thực hiện. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí còn hạn chế trong việc tìm kiếm, khai thác các đề tài liên quan đến BĐKH ở địa phương.
- Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chưa hình thành được một lực lượng báo chí chuyên nghiệp về lĩnh vực BĐKH. Các khóa đào tạo về truyền thông ở các trường đại học, trong đó có các trường chuyên về báo chí - truyền thông cũng chưa chú trọng hoặc chưa đủ điều kiện để đào tạo những chuyên ngành sâu, trong đó có chuyên ngành môi trường hay BĐKH… Do vậy, nhiều thông tin về BĐKH trên báo chí thời gian qua mới chỉ dừng lại ở việc thông tin sự kiện, vấn đề, chưa đi sâu phân tích sâu bản chất của sự kiện, vấn đề, giá trị thông tin chưa cao.
- Trong quá trình tác nghiệp, nhiều nhà báo khó tiếp cận được nguồn tin từ cơ quan chức năng, nhiều nơi không có người phát ngôn, không sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin. Thiếu thông tin về BĐKH là một khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về BĐKH.
Một số giải pháp nâng cao vai trò của báo chí trong tuyên truyền về biến đổi khí hậu
Để nâng cao vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, giúp cộng đồng thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:
Các ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng một số ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí để tuyên truyền định kỳ, thường xuyên và có định hướng đúng về những vấn đề liên quan đến BĐKH, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và người dân biết, kịp thời chủ động thích ứng, phòng tránh, hạn chế thấp nhất tác hại do BĐKH gây ra.
Các cơ quan chức năng nên chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin về BĐKH cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, nên ưu tiên dành cho các cơ quan báo chí sự tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến việc ứng phó với BĐKH, thiên tai. Nên thiết kế và đưa nội dung giảng dạy và truyền thông về BĐKH - môi trường như một nội dung chuyên sâu trong chuyên ngành truyền thông ở các trường đào tạo về truyền thông - báo chí, nhằm đào tạo ra một đội ngũ những người làm truyền thông - báo chí chuyên sâu về BĐKH - môi trường.
Bộ Tài nguyên và môi trường cần phối hợp với một số cơ quan báo chí trong nước thành lập một mạng lưới truyền thông về BĐKH. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tạo ra đội ngũ những nhà báo - nhà truyền thông chuyên viết về BĐKH.
Hình thành một diễn đàn truyền thông - báo chí về BĐKH, xem đây là “cầu nối” để các cơ quan quản lý nhà nước chủ động phối hợp và chia sẻ những thông tin mới nhất, chính thống nhất về tình hình, các hoạt động ứng phó với BĐKH trong nước, khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin nhanh cả bề rộng và chiều sâu để có những thông tin chính xác, khách quan, trung thực, có trách nhiệm.
Bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền về những tác động bất lợi, tiêu cực của BĐKH, các cơ quan báo chí cũng cần tăng thêm dung lượng thông tin về những ích lợi, cơ hội phát triển do BĐKH đem lại, nhằm hướng người dân thay đổi thái độ và lối sống theo hướng gần gũi, biết tôn trọng, bảo vệ môi trường và thiên nhiên trong thời kỳ BĐKH.
Để tăng cường những thông tin phản biện mang tính khoa học trong việc ứng phó với BĐKH, các cơ quan báo chí rất cần sự giúp đỡ từ phía các nhà khoa học. Vì vậy, cần xây dựng mối quan hệ nhiều chiều giữa các cơ quan báo chí với các hội, đoàn, tổ chức, các nhà khoa học để nâng cao hiệu quả truyền thông về BĐKH./.
Kinh tế EU phục hồi mong manh trong bối cảnh bất ổn chính trị  (29/10/2013)
Đưa quan hệ Việt Nam và Bulgaria đi vào chiều sâu  (29/10/2013)
Sớm xây Khu Lưu niệm, đặt đường mang tên Đại tướng  (29/10/2013)
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam  (29/10/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm