Đảng bộ Bắc Giang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 10-KH/TƯ ngày 12-9-2011, trong đó xác định rõ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đối với các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh và đối với việc phấn đấu rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ cấp ủy mà trách nhiệm đứng đầu là đồng chí bí thư đã trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh quá trình thực hiện việc học và làm theo gương Bác với yêu cầu nêu cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức; kết hợp giữa động viên, khuyến khích với đôn đốc, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, ở từng địa phương, đơn vị.
Với phương châm “tích cực học tập, nỗ lực làm theo”, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Giang đã từng bước đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành một sinh hoạt chính trị rộng khắp và ý nghĩa trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Làm theo Bác từ những việc thường ngày
Hằng năm, để lãnh đạo và tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với chủ đề của năm, gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị; đặc biệt coi trọng giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương, đơn vị để xác định rõ công việc cụ thể cần làm và phải làm. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, các tập thể, cá nhân đăng ký những việc cụ thể “làm theo” Bác. Đây cũng là căn cứ để cuối năm các đơn vị tự kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên.
Năm 2012, các cá nhân và tập thể trong Đảng bộ tỉnh đã đăng ký 102.037 việc làm theo Bác; nội dung các việc đăng ký được tập thể và cá nhân thực hiện nghiêm túc, bước đầu có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã lựa chọn trên 1.400 vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết, và đã đạt được những kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó, nhiều vấn đề có ý nghĩa lớn đối với đời sống xã hội được lựa chọn, tiêu biểu như: “Di dân tái định cư trường bắn quốc gia TB1; Xử lý khai thác vàng sa khoáng trái phép; Quản lý tài chính ở thôn, bản; Quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 84/NĐ-CP, Giải quyết vấn đề môi trường; Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện theo Quyết định 167/2008, Quyết định 67/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến việc tranh chấp đất đai và hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt của một số hộ dân khu vực chợ trung tâm huyện”,… Tất cả các công việc được gắn với việc làm theo Bác nên thực sự có chuyển biến rõ rệt cả chất lượng và tiến độ thực hiện.
Phát huy thành tích đó, năm 2013, toàn tỉnh đã có 401 vấn đề bức xúc được các địa phương, đơn vị xác định để tập trung giải quyết và có 3.226 việc làm tốt của tập thể, 71.293 việc làm tốt của cá nhân được đăng ký.
Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, hành vi theo gương Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương. Sinh thời, Người luôn nêu cao các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong các tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, và trong “Di chúc”,… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến nhiều vấn đề về đạo đức của người cán bộ, trong đó tập trung vào ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện nội dung đẩy mạnh việc học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp,…”, đến nay, tất cả các chi bộ, cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh đã tự xây dựng các chuẩn mực đạo đức theo gương Bác để phấn đấu làm theo, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm đi đầu, gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp. Rõ nét nhất là ở những lĩnh vực có quan hệ thường xuyên với nhân dân như y tế, giáo dục, hành chính công,... Mỗi một bác sĩ, y tá, nhân viên y tế hay cán bộ, công chức, viên chức đều đã và đang cố gắng rèn luyện đạo đức, hành vi, thể hiện ở thái độ và ý thức phục vụ nhân dân. Thói hách dịch, cửa quyền của một số cán bộ trong khi giao tiếp với dân và giải quyết việc công dần dần được khắc phục. Các ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ở đơn vị cơ sở được thành lập, việc kiểm tra đôn đốc, giám sát được thực hiện khá nghiêm túc. Ý kiến đóng góp của người dân được xem xét, giải quyết kịp thời. Những thay đổi tính cực về hành vi đó thực sự đã được nhân dân ghi nhận và củng cố lòng tin yêu của nhân dân đối với cán bộ, với các cấp chính quyền, các đơn vị, cơ quan Đảng, Nhà nước. Việc rèn luyện những hành vi tốt nói trên dần dần sẽ tiến tới hình thành nếp sống đẹp và đạo đức công vụ; từ đó sẽ tạo ra môi trường văn hóa công sở/công vụ đúng nghĩa là của dân, do dân và vì dân.
Gắn việc học tập, làm theo Bác với xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4
Suy cho cùng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay chính là vấn đề cán bộ và vấn đề thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Những nội dung này rất đầy đủ và sâu sắc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cụ thể là chống chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, xa dân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ,... Người từng viết: “bệnh quan liêu, mệnh lệnh chỉ đưa đến kết quả là hỏng việc và thực hành dân chủ rộng rãi cũng là cách chống quan liêu tích cực”. Chính vì thế, Bác đề nghị tất cả mọi người đều tuân theo 6 điều: “Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính để nhân dân noi theo”. Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” . Nhận thức rõ điều đó, trong cả quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã lấy tư tưởng, đạo đức và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho mọi nhận thức và hành động. Chính vậy, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ở mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo đều có những chuyển biến tích cực, sâu sắc và rõ nét. Trước hết, các cán bộ lãnh đạo các cấp, đảng viên, ở những mức độ khác nhau, gần như đều thừa nhận một thực tế là có sự suy giảm tính chiến đấu của người đảng viên; chủ nghĩa cá nhân từng ngày, từng giờ len lỏi hình thành và phát triển, bệnh thành tích ngày càng phổ biến, bệnh xa rời thực tiễn, quan liêu, vô cảm,... làm suy giảm uy tín và hình ảnh người cán bộ, đảng viên. Quy chế tập trung dân chủ nhiều lúc, nhiều nơi bị vi phạm, biểu hiện rõ nhất là trong công tác cán bộ, công tác quản lý nguồn lực của Nhà nước, xã hội. Ngay sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy đã có kế hoạch và thực hiện ngay những việc cần triển khai để khắc phục những yếu kém đã được chỉ ra; đồng thời xây dựng, ban hành những nội dung nêu gương của lãnh đạo các cấp một cách cụ thể, chi tiết, không chỉ với những việc “lớn” mà bắt đầu từ những việc rất nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày của từng đồng chí lãnh đạo. Ngày 17-01-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 03-QĐ/TƯ về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, từng đồng chí ủy viên nêu gương trên 7 lĩnh vực: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ; thực hiện nghiêm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thực hiện Quy định 101-QĐ/TƯ. Đến nay, đã có 15/15 đảng bộ trực thuộc xây dựng quy định nêu gương và chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng, trong đó, 14 đơn vị xây dựng quy định nêu gương của các đồng chí ủy viên ban Thường vụ, Thành ủy Bắc Giang xây dựng quy định nêu gương của các đồng chí thành ủy viên, bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thực sự đã đi vào cuộc sống, tạo được những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tích cực trong hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Thành công bước đầu đó có được chính là nhờ một phần vào sự kết hợp với việc học tập và làm theo Bác, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Đưa việc học tập và làm theo Bác đến với phong trào quần chúng
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một phong trào rộng lớn, là sinh hoạt chính trị sôi nổi, thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn dân ta và được nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Bắc Giang nói riêng hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung học tập và làm theo Bác sao cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị mình. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã gắn việc học tập và làm theo Bác với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới. Phong trào hiến đất làm đường giao thông, xây dựng trường học đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hàng nghìn cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năm 2012, toàn huyện Tân Yên đã hiến trên 70.000m2 đất để làm đường, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang đã có 635 hộ hiến 560.963m2 đất để mở rộng, nắn thẳng các tuyến đường nội thôn, nội đồng,...
Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên - thế hệ trẻ của tỉnh Bắc Giang đã và luôn xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cần thiết, thường xuyên, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân cũng như tập thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho tầng lớp thanh niên. Người từng chỉ dạy thật thẳng thắn và sâu sắc rằng: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?” (19-01-1955). Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, thế hệ thanh niên Bắc Giang luôn xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi tri thức khoa học. Phong trào học tập diễn ra sôi nổi và có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ thanh niên theo học các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tăng lên đáng kể. Nhiều phong trào quần chúng cũng được phát động rộng khắp các địa phương, được tầng lớp thanh niên tích cực tham gia và tham gia có hiệu quả như: thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới; thanh niên cùng nhau làm giàu; chung tay bảo vệ môi trường thôn, xã; thanh niên thực hiện đời sống văn hóa mới,... Những việc làm tích cực ấy của đoàn thanh niên đã được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận, nhiều gương thanh niên tiêu biểu đã được trung ương Đoàn, tỉnh Đoàn khen thưởng, tuyên dương. Những hoạt động có nhiều ý nghĩa đó của thanh niên Bắc Giang nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung đã và đang góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, thân thiện cũng như góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Một số hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh kết quả đạt được đã nêu, trong tổ chức thực hiện việc học và làm theo gương Bác, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang còn những hạn chế cần khắc phục là: không ít đơn vị còn lúng túng khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chưa coi việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc học tập và làm theo Bác ở một số chi bộ, đảng bộ cơ sở chưa thường xuyên, liên tục. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tính tiền phong, gương mẫu chưa được phát huy; việc làm theo Bác chuyển biến chậm; còn biểu hiện chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi,... đã ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.
Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian qua, cùng với sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao, Đảng bộ và chính quyền cùng toàn thể nhân dân tỉnh Bắc Giang đang từng bước đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ đề ra để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào thực chất, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới  (08/05/2013)
Thủ tướng sẽ đi thăm chính thức Liên bang Nga và Belarus  (08/05/2013)
Phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam  (08/05/2013)
Nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội  (08/05/2013)
- Kỳ họp thứ mười của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm