Thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức), ngày 2-10, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) cùng Viện Nghiên cứu độc lập về các vấn đề môi trường (UFU) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Tác động của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long”. Tham gia Hội thảo có nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học và lãnh đạo ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường các tỉnh, thành trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu từ các viện, trung tâm nghiên cứu về môi trường cho thấy, sự biến đổi khí hậu toàn cầu là do trái đất nóng dần lên, mực nước biển dâng cao, băng tan, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm nguồn nước... Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động đến khí hậu Việt Nam, gây ra những biến đổi rất bất thường. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất thấp ven biển Đông nên sẽ là khu vực bị tác động nặng nề nhất. Nơi đây có diện tích tự nhiên là 40.129 km2, trong đó, số diện tích có khả năng bị ngập lên đến 16.128km2 khi nước biển dâng cao 1m. Toàn bộ 13 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng, nặng nề nhất là các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long, với diện tích bị ngập từ 45 đến 50%.

Một thực tế là, những năm gần đây, khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều biến đổi theo chiều hướng xấu: lượng mưa không đều, xuất hiện nhiều cơn bão lớn, thủy triều dâng cao và di chuyển với tốc độ nhanh làm cho nước mặn xâm nhập vào nước ngầm và đất liền ngày càng nhiều, đất đai bị xói mòn, nhiệt độ trung bình tăng cao...

Các nhà khoa học và chuyên gia môi trường cảnh báo: trong những thập niên tới, khi nước biển dâng cao thì đất đai, nguồn nước bị nhiễm mặn cao, việc canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn có nguy cơ bị hủy diệt.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những luận cứ khoa học về tác động của biến đổi khí hậu đối với cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp quan trọng như: Tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm làm rõ những diễn biến về thay đổi khí hậu, nước biển dâng để xây dựng chiến lược, kế hoạch quốc gia ứng phó với tình trạng này. Phải làm cho cả xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu Việt Nam phải ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những tác động đến môi trường tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Quy hoạch tổng thể hệ thống đê sông, đê biển, vành đai rừng ngập mặn bao bọc đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu làm nước biển dâng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, nghiên cứu các giống cây, giống con mới, đặc biệt là giống lúa có khả năng chịu mặn tốt, thân cao; đề xuất những mô hình công nghiệp hoá; phát huy và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới …

Xác định rõ việc ứng phó với tình trạng nước biển dâng cao tại đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng./.