Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a
Tuy không có đường biên giới chung, nhưng Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã có mối quan hệ truyền thống từ lâu đời. Ngày 30-3-1973, Ma-lai-xi-a chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong các năm 1977 - 1978, quan hệ song phương Việt Nam - Ma-lai-xi-a phát triển thêm một bước với các chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (1-1978), của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (10-1978) trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc với 5 nước ASEAN. Trong các chuyến thăm đó, Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã ký kết các hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, hàng không, hàng hải, đặc biệt là Thông cáo chung về các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ chung sống hòa bình.
Cùng với các hoạt động ngoại giao, hai bên đã lần lượt thiết lập Đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước (Đại sứ quán Việt Nam tại Cua-la Lăm-pơ được khai trương vào tháng 7-1977). Đại sứ Ma-lai-xi-a đầu tiên Yu-sáp Hi-tam đã đến thăm Hà Nội vào năm 1977.
Những hoạt động chính trị - ngoại giao sôi động đã thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ. Thương mại hai chiều tăng nhanh, từ chỗ chỉ đạt 500.000 Rin-gít (RM) vào năm 1975 tăng vọt lên 5.600.000 RM vào năm 1976.
Năm 1986 đánh dấu một thời kỳ mới với những chuyển biến tích cực trong quan hệ Việt Nam - ASEAN cũng như quan hệ song phương Việt Nam - Ma-lai-xi-a. Tháng 7-1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thăm hữu nghị chính thức Ma-lai-xi-a. Đây là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1978.
Từ cuối năm 1991, cùng với những chuyển biến chung của tình hình khu vực, quan hệ hai nước đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới về chất, ngày càng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực cả song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN.
Về quan hệ chính trị - ngoại giao. Hai nước tích cực xúc tiến các chuyến thăm lẫn nhau ở các cấp. Phía Việt Nam, có chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 1 và tháng 7-1992), của Tổng Bí thư Đỗ Mười (3-1994), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9-1996), Thủ tướng Phan Văn Khải (3-2004). Chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9-2007) nhân Kỷ niệm 50 năm ngày Độc lập của Ma-lai-xi-a càng tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Về phía Ma-lai-xi-a có các đoàn sang thăm Việt Nam: Thủ tướng Ma-ha-thi-a (4-1992 và 3-1996), Quốc vương Ma-lai-xi-a (12-1995), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ma-lai-xi-a (12-1995), Tổng tham mưu trưởng quân đội Ma-lai-xi-a (4-2000).
Tháng 2-1994, Hội hữu nghị Việt Nam- Ma-lai-xi-a được thành lập ở mỗi nước và bắt đầu những hoạt động tích cực nhằm góp phần củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (7-1995), quan hệ hai nước càng trở nên gần gũi, ngày càng đi vào chiều sâu, phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn. Hai nước tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao trên nhiều lĩnh vực, nhiều diễn đàn để cùng liên kết các hoạt động song phương cũng như liên kết hoạt động trong tổ chức khu vực.
Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, Ma-lai-xi-a tích cực ủng hộ Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng hợp tác lòng chảo Thái Bình Dương (PBEC), Diễn đàn kinh tế Đông Á (EAEC).
Về quan hệ kinh tế- thương mại. Thương mại hai chiều Việt Nam - Ma-lai-xi-a trong thập kỷ 90 thế kỷ XX đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua sự tăng tiến vượt bậc của tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước.
Năm 1991, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Ma-lai-xi-a chỉ đạt 15,3 triệu USD; năm 1992 tăng lên 68,4 triệu USD; năm 1997 đạt 196,7 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2007 đạt trên 614 triệu USD. Việt Nam xuất sang Ma-lai-xi-a các mặt hàng chủ yếu như dầu thô, nông lâm hải sản sơ chế, hàng thủ công mỹ nghệ…
Tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Ma-lai-xi-a cũng tăng lên qua các năm: năm 1991 là 6,2 triệu USD, năm 1997 là 217 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2007 là 820 triệu USD. Việt Nam nhập từ Ma-lai-xi-a các mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, phân bón, hoá chất, đồ điện và điện tử, vật liệu xây dựng…
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ma-lai-xi-a đã tăng từ 21,5 triệu USD (năm 1991) lên 160 triệu USD (năm 1992), 528 triệu USD (năm 1998), 550 triệu USD (năm 1999) (1) ;1,029 tỉ USD (năm 2002); năm 2005 đạt 2,2 tỉ USD, năm 2006 đạt 2,7 tỉ USD, năm 2007 đạt khoảng 3 tỉ USD.
Về đầu tư. Kể từ khi Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1988 đến nay, Ma-lai-xi-a đã có 241 dự án với tổng số vốn lên đến gần 1,9 tỉ USD tại Việt Nam. Đầu tư của Ma-lai-xi-a tăng dần theo các năm: năm 1990, vốn đầu tư là 50 triệu USD, năm 1995 có 12 dự án trị giá 96 triệu USD, năm 1996, 51 dự án trị giá 899 triệu USD; năm 2000, 84 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới 1 tỉ USD (xếp thứ 3 sau Xin-ga-po, Thái Lan); năm 2007 có hơn 220 dự án với số vốn gần 2 tỉ USD.
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và quy mô dự án khiến Ma-lai-xi-a từ chỗ là nước đầu tư muộn vào Việt Nam nhưng đã nhanh chóng vượt qua một số nước để xếp hàng thứ 3 trong ASEAN và thứ 12 trong số 64 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (tính đến năm 2004), và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam (tính đến năm 2007).
Tình hình đầu tư trực tiếp của Ma-lai-xi-a vào Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Ma-lai-xi-a rất quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả nhanh và phát huy lợi thế của họ ở Việt Nam. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành không đòi hỏi kỹ thuật cao, sử dụng nhiều lao động. Về hình thức, các dự án tập trung nhiều dưới hình thức xí nghiệp liên doanh, đồng thời số dự án quy mô lớn còn ít, trong khi số dự án quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao.
Hợp tác lao động là một lĩnh vực hợp tác mới và đầy tiềm năng giữa hai nước. Từ tháng 4-2002 đến nay, Việt Nam đã đưa tổng số hơn 130.000 lao động sang làm việc tại Ma-lai-xi-a. Ngày 1-12-2003, hai nước ký bản Ghi nhớ (MOU) cấp chính phủ về hợp tác lao động nhằm triển khai cụ thể lĩnh vực hợp tác này.
Việt Nam và Ma-lai-xi-a có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và trên các vấn đề quốc tế cũng như khu vực, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong một số lĩnh vực chưa thực sự tương xứng với tiềm năng như hợp tác năng lượng, giáo dục đào tạo, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Trong thời gian tới, Việt Nam và Ma-lai-xi-a nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư, nhất là nhanh chóng xây dựng chương trình hành động dài hạn, lựa chọn những lĩnh vực khả thi nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong giai đoạn 2007 - 2010.
Cụ thể là khuyến khích đầu tư điện năng tại Việt Nam, phối hợp khai thác thăm dò dầu khí ở thềm lục địa, thúc đẩy hợp tác lao động, hỗ trợ sinh viên Việt Nam sang học tập tại Ma-lai-xi-a, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng…
Chính phủ Ma-lai-xi-a sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quản lý kinh tế, phát triển nông thôn, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam, mong muốn Việt Nam ủng hộ các nhà đầu tư của Ma-lai-xi-a phát triển đầu tư tại Việt Nam, nhất là dự án sản xuất điện tại Sơn Mỹ - tỉnh Bình Thuận.
Chính phủ Việt Nam nhất quán tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Ma-lai-xi-a phát triển có hiệu quả tại Việt Nam. Đồng thời chính phủ Việt Nam mong muốn Ma-lai-xi-a ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN và với tư cách là Chủ tịch nhóm công tác đường sắt Xin-ga-po - Côn Minh (Trung Quốc) sẽ tích cực thúc đẩy để sớm hoàn thành tuyến đường này.
Hai nước tăng cường trong việc phòng ngừa và chống tội phạm xuyên quốc gia, phối hợp tuần tra trên biển và khảo sát chung về hải phận trên biển.
Việt Nam hiện đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, do đó việc thắt chặt quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Ma-lai-xi-a cũng như sự tăng cường hợp tác và phối hợp giữa hai nước trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, APEC sẽ góp phần củng cố vị thế của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trên trường quốc tế.
(1) Nguồn: Tài liệu Vụ Đa biên - Bộ Thương mại, 4-2000.
"Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" ở Vê-nê-xu-ê-la: Những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách  (29/03/2008)
Thành phố Cần Thơ trên con đường đổi mới và hội nhập  (29/03/2008)
Vấn đề công hữu trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa  (29/03/2008)
Phát huy thành quả, thực hiện thắng lợi mục tiêu của quốc hội về giảm nghèo năm 2008  (29/03/2008)
Thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thể hiện quyết tâm cao trong việc khắc phục khó khăn  (29/03/2008)
Vinh danh “vì sự phát triển cộng đồng”  (28/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên