Theo Reuters, ngày 28-1, tại Luân Ðôn (Anh) diễn ra Hội nghị quốc tế về Áp-ga-ni-xtan với sự tham dự của các đại biểu từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Hội nghị, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ka-dai công bố kế hoạch dành cho các thủ lĩnh và chiến binh Ta-li-ban nguồn tài chính và việc làm để thuyết phục họ và các nhóm vũ trang khác hạ vũ khí.

Tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan là chủ đề gây tranh cãi tại Hội nghị. Thủ tướng nước chủ nhà G. Brao cho rằng, mọi giải pháp cho vấn đề Áp-ga-ni-xtan liên quan đến Ta-li-ban sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng các lực lượng Chính phủ đủ mạnh để họ tự đảm đương được tình hình an ninh đất nước và lưu ý đây là một quá trình phải làm từng bước một. Tuy nhiên, Tổng thống Ka-dai cho rằng, để xây dựng thành công kế hoạch trên, Áp-ga-ni-xtan cần sự hỗ trợ của nước ngoài thêm một thập kỷ nữa. Việc nêu thời hạn cụ thể rút lực lượng quốc tế khỏi Áp-ga-ni-xtan cũng chưa được các bên liên quan hoàn toàn nhất trí. Trong khi Tổ chức quân sự Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Nga và Pa-ki-xtan nhất trí ủng hộ một chiến lược quốc tế mới ở Áp-ga-ni-xtan, thì Ðức khẳng định, sẽ rất nguy hiểm nếu đưa ra thời hạn cụ thể cho việc rút quân vì cho rằng, diễn biến cuộc chiến rất khó dự đoán. Mạng Stratfor nhận định, còn quá sớm để nói đến một giải pháp cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan trong bối cảnh phức tạp, đầy rẫy sự cạnh tranh và toan tính chính trị xung đột nhau ở nước này.

Ta-li-ban đã phản đối Hội nghị nói trên, cho rằng sự kiện này là lãng phí thời gian, đồng thời nhấn mạnh, giải pháp duy nhất cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan là phương Tây phải rút quân khỏi nước này.

* Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bổ nhiệm nhà ngoại giao Thụy Ðiển Staffan de Mistura, 63 tuổi, làm người đứng đầu Phái bộ Liên hợp quốc tại Áp-ga-ni-xtan./.