1. Khai mạc kỳ thi Ô-lim-pich Vật lý lần thứ 39

Đoàn thí sinh Việt Nam tham dự IPho 2008

Sáng 21-7, tại Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008). Tham dự kỳ thi có 376 học sinh đến từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. IPhO là cơ hội tốt cho tất các bạn trẻ chứng tỏ năng lực sáng tạo của mình về môn Vật lý, đồng thời là dịp để học sinh của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ giao lưu, học hỏi lẫn nhau và tăng cường các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Sau thành công của Olympic Vật lý châu Á lần thứ 5 năm 2004 và Olympic Toán học lần thứ 48 năm 2007, năm nay là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế. Kỳ thi Olympic Vật lý đầu tiên diễn ra vào năm 1967 được tổ chức tại Vac-sa-va (Ba Lan), mới chỉ có 5 nước tham gia. Đến nay, kỳ thi đã thu hút sự tham gia của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy, kỳ thi ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng Vật lý và các tài năng Vật lý trẻ trên thế giới. Đây cũng là điều đặc biệt có ý nghĩa khi mà hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng tiêu cực là giới trẻ ngại học các môn khoa học cơ bản, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài và bền vững của khoa học và các nền kinh tế. Do đó, kỳ thi Olympic Vật lý hàng năm nói chung và năm nay nói riêng sẽ góp phần khích lệ phong trào học Vật lý trên phạm vi toàn cầu và áp dụng kiến thức Vật lý vào các ứng dụng thực tế.
 
5 thí sinh Việt Nam dự IPhO 2008 gồm: Đỗ Hoàng Anh: Lớp 12 chuyên Vật Lý Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Tất Nghĩa: Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; Nguyễn Đức Minh: Trường THPT Hà Nội - Amsterdam; Huỳnh Như Toàn: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng; Trần Anh Vũ: Trường THPT dân lập Đào Duy Từ, Hà Nội.
 
2. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng hàng không và cảng biển

Ngày 22-7-2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hội kiến với ông La-ri Uôn-thơ (Larry Walther), Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA), Đại diện Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ tinh thần sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giám sát an toàn hàng không, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cảng hàng không và cảng biển. Thời gian qua, USTDA đã có những hoạt động hợp tác với Việt Nam thông qua các khoản trợ giúp cho các dự án về hàng không, tiêu chuẩn chất lượng, trung tâm chứng khoán Hà Nội v.v.. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tin tưởng rằng, trong tương lai các dự án mới của USTDA tại Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được hiệu quả. USTDA đã từng bầu chọn Việt Nam là "Đất nước tiêu biểu của năm 2006". Kể từ khi chương trình của USTDA bắt đầu ở Việt Nam năm 1996, cơ quan này đã tài trợ cho trên 60 hoạt động ở Việt Nam liên quan đến giao thông, hiện đại hóa hải quan, nhân lực v.v. . nhằm nâng cao năng lực, phát triển kinh tế Việt Nam và thúc đẩy thương mại hai nước. ÔngLa-ri Uôn-thơ khẳng định sự hỗ trợ mang tính chất lâu dài, đem lại lợi ích cho Việt Nam cũng như trao đổi thương mại giữa hai nước.

3. Việt Nam kêu gọi hành động chính trị cho khủng hoảng ở Xô-ma-li; ủng hộ vai trò Liên hợp quốc tại Côn-gô

Ngày 23-7-2008, phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Xô-ma-li, Đại sứ Lê Lương Minh, đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo đang ngày càng xấu đi tại nước này, vốn đang phải đối mặt với cuộc xung đột kéo dài, hạn hán và khủng hoảng kinh tế. Liên quan đến việc sát hại Trưởng đại diện Văn phòng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Xô-ma-li, đại diện Việt Nam yêu cầu Chính phủ Liên bang quá độ Xô-ma-li khẩn trương tiến hành điều tra vụ việc nhằm sớm đưa những kẻ phạm tội ra xét xử. Đại sứ Việt Nam kêu gọi Liên hợp quốc phối hợp với các tổ chức khu vực nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính, hậu cần và kỹ thuật cần thiết cho Chính phủ Liên bang quá độ Xô-ma-li, hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội nghị tài trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi cho Xô-ma-li. Việt Nam cũng ủng hộ việc Hội đồng bảo an sớm xem xét cử Lực lượng ổn địnhquốc tế tới Xô-ma-li theo yêu cầu của Chính phủ nước này và Liên minh châu Phi theo tinh thần các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an; đồng thời, hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong tiến trình chính trị tại Xô-ma-li,đặc biệt là việc Chính phủ Liên bang quá độ và Liên minh vì sự tái giải phóng Xô-ma-li ký tắt Thỏa thuận Đi-bu-ti (Djibouti), mở đường cho tiến trình hòa giải dân tộc.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an trong cuộc họp tham vấn về Phái bộ của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Côn-gô (MONUC), Đại sứ Lê Lương Minh với tư cách đại diện quốc gia, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của MONUC trong việc hỗ trợ triển khai kết quả của Hội nghị hòa bình Goma và Thông cáo chung Nairobi; ủng hộ việc duy trì hoạt động và nâng cao năng lực của MONUC trong khi xem xét chiến lược triệt thoái Phái bộ này sau khi tình hình ở Congo đã đảm bảo các tiêu chuẩn do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề ra. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái thiết hậu xung đột tại Cộng hòa Dân chủ Côn-gô, Đại diện Việt Namcho rằng MONUC cần chú trọng hơn đến việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại quốc gia này.

4. Tổng kết Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên giai đoạn 2003-2008

Ngày 24-7-2008, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổng kết Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên giai đoạn 2003-2008. Sau hơn 4 năm, cả nước đã phát triển mới gần 2,2 triệu đoàn viên và thành lập 28.140 công đoàn cơ sở, nâng tổng số đoàn viên cả nước lên gần 6,1 triệu người với 93.054 tổ chức công đoàn cơ sở. Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên đã trở thành cuộc vận động chính trị sâu rộng trong phong trào công nhân và công đoàn cả nước, có ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp, trong xã hội. Để góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trong những năm tới, phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp công đoàn. Hội nghị đề ra mục tiêu phát triển ít nhất 1,5 triệu đoàn viên trong giai đoạn 2008-2013; chú trọng phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

5. Trao Giải thưởng Nguyễn Ðức Cảnh

Ngày 24-7-2008, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức tôn vinh công nhân, lao động tiêu biểu và trao Giải thưởng mang tên Nguyễn Ðức Cảnh cho 100 công nhân, lao động trực tiếp lao động sản xuất có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong năm 2007. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong thời điểm cả nước thi đua lập thành tích kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tiến tới Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì vậy, các cấp, các ngành và các cấp công đoàn cần có biện pháp tổ chức và động viên phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ, liên tục, tạo ra một không khí phấn khởi, hăng hái thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chỉ đạo tốt các phong trào thi đua, đồng thời phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, chăm lo cho người lao động như nhà ở, tiền lương, tiền thưởng, thời gian lao động, nghỉ ngơi, học tập, đào tạo nâng cao tay nghề, các chế độ bảo hiểm... Ðó chính là động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.

6. Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản họp lần thứ hai

Ngày 25-7-2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Cô-mư-ra Ma-sa-hi-cô chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai tại Hà Nội. Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 35 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (21-9-1973 - 21-9-2008), hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á. Hai bên tổng kết các kết quả đạt được trong quan hệ hữu nghị hợp tác thời gian qua và định hướng những hoạt động trong thời gian tới; khẳng định quyết tâm thiết lập một mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển và phồn vinh của châu Á; bày tỏ mong muốn sớm kết thúc đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Việc ký kết VJEPA sẽ là bước tiến mới hướng tới xây dựng đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tăng viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam trong năm 2008 và đề nghị Nhật Bản tăng cường hợp tác, tích cực tham gia triển khai các dự án phát triển hạ tầng cơ sở lớn của Việt Nam, bao gồm Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các dự án phát triển giao thông đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới. Phía Nhật Bản hoan nghênh chương trình đào tạo nhân tài cho Việt Nam và sẵn sàng hợp tác để thực hiện chương trình này. Kết quả cuộc Họp Uỷ ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai là một bước tăng cường hơn nữa sự hiểu biết tin cậy giữa hai bên, góp phần đưa hợp tác Việt - Nhật ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

7. Kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam (24-7-1948)

Ngày 24-7-2008, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước trao tặng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam về những cống hiến to lớn của Liên hiệp Hội trong thời kỳ đổi mới. 60 năm qua, nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam và đội ngũ văn nghệ sĩ đã luôn đồng hành với dân tộc, với nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Đội ngũ những người làm công tác văn học - nghệ thuật tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy chủ nghĩa yêu nước, nhân văn; phản ánh sâu sắc, sinh động hiện thực đất nước và con người Việt Nam trong chiến đấu và xây dựng, đưa nền văn học - nghệ thuật cách mạng nước ta lên một tầm cao mới, mang đậm dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh. Những văn nghệ sĩ được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác là sự đánh giá cao của Ðảng, Nhà nước và nhân dân dành cho những người làm công tác văn học - nghệ thuật cách mạng. Trong điều kiện mới, Ðảng ta luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật để xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

8. Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đồng Lộc

Ngày 24-7-2008, tại Hà Tĩnh đã diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, tưởng niệm 40 năm ngày mất của 10 Nữ anh hùng thanh niên xung phong. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là con đường độc tuyến nối liền hậu phương với tiền tuyến, thông mạch chi viện cho chiến trường miền Nam và Trung hạ Lào, là mắt xích quan trọng trong toàn bộ mạng lưới đường giao thông của ta. Đế quốc Mỹ đã huy động một khối lượng khổng lồ phương tiện vũ khí hiện đại, tập trung đánh phá Ngã ba Đồng Lộc. Cuộc đối đầu lịch sử giữa ý chí Việt Nam chống lại các loại vũ khí tối tân hiện đại của chủ nghĩa đế quốc ở Ngã ba Đồng Lộc là cuộc đọ sức mang tính thời đại. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã bền gan chiến đấu, viết nên một trang sử vàng chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng của Ngã ba Đồng Lộc là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của tinh thần đoàn kết dân tộc đấu tranh vì mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc và biểu dương, ghi nhận những kết quả, thành tích Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đạt được trong những năm qua.

9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 10

Ngày 23-7-2008, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Phiên họp dự kiến làm việc đến ngày 29-7-2008 để thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến: Luật Đa dạng sinh học; Luật Cán bộ, công chức; Luật Quốc tịch (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế; Luật Thi hành án dân sự; Luật Công nghệ cao. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; việc đàm phán, ký kết Công ước La-hay ngày 29-5-1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

10. Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (khóa IX)

Ngày 23-7-2008, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (khóa IX) đã thông qua Nghị quyết về "Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Ðoàn"; Nghị quyết về Ðiều lệ Ðội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh sửa đổi, gồm bảy chương, 19 điều; Nghị quyết về Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ðoàn khóa IX gồm 5 chương, 14 điều; Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Trung ương Ðội thiếu niên tiền phongHồ Chí Minh khóa VI gồm 29 người. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Ðoàn lần này bầu bổ sung hai Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Ðoàn là Phan Văn Mãi, Bí thư tỉnh Ðoàn Bến Tre và Nguyễn Ðắc Vinh, Bí thư Ðoàn Ðại học Quốc gia Hà Nội, vào Ban Bí thư Trung ương Ðoàn khóa IX.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những thành tích đã đạt được trong công tác Ðoàn, phong trào thanh thiếu nhi trong 6 tháng qua như triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Ðại hội Ðoàn các cấp và Nghị quyết Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ IX; triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã thảo luận và ra Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳđẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ðây là một nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với thế hệ trẻ nước ta. Ban Chấp hành trung ương Ðoàn cần tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thật tốt để đưa nghị quyết vào phong trào thanh niên và cuộc sống.

11. Hơn 45 tỉ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2008

Trong 7 tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với hơn 13,5 tỉ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Việt Nam, đưa con số thu hút vốn đầu tư từ đầu năm 2008 lên mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2008 đã có 167 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13,5 tỉ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2008, cả nước đã có 654 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 44,4 tỉ USD, giảm 25% về số dự án nhưng tăng 446% về vốn đăng ký. Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là số vốn thu hút tăng cao nhất từ trước đến nay, vượt xa con số kỷ lục 21,3 tỉ USD cùng kỳ năm 2007.

12. Kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2008)

Sáng 27-7, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Dự lễ tưởng niệm có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Huỳnh Đảm. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng dự lễ tưởng niệm. Sau đó, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2008), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều đoàn khách quốc tế đã về Thủ đô Hà Nội, đặt hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, vào Lăng viếng Bác.

Ngày 25-7-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu trước đông đảo thương, bệnh binh và các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) nhân dịp về thăm và tặng quà Trung tâm. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thật sự xúc động và tự hào trước những nỗ lực của anh chị em thương binh đã và đang đấu tranh hàng ngày, hàng giờ với thương tật, bệnh tật, tiếp tục sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Chủ tịch nước bày tỏ lòng cảm phục những người đã góp phần làm nên sự tích anh hùng trong đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngày nay lại tiếp tục nêu gương sáng trên trận tuyến mới không kém phần gian khổ, quyết liệt. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, đã không ngừng vươn lên trong học tập, lao động, ổn định cuộc sống, nhiều đồng chí làm kinh tế giỏi, có đóng góp cho xã hội và trở nên thành đạt, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đề nghị các ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành nói riêng, cho các trung tâm điều dưỡng thương binh, các đơn vị có chức năng chăm sóc người có công trên địa bàn cả nước nói chung; mong các cán bộ, công chức của các trung tâm, đơn vị tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với tất cả tình cảm sâu nặng và với sự cố gắng cao nhất.

13. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp
Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên
Ngày 26-7, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp thân mật Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Pak Ui Chun đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng và nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành xây dựng và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Tổng Bí thư bày tỏ ủng hộ nguyện vọng hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân Triều Tiên và hoan nghênh các nỗ lực của hai miền trong tiến trình hòa bình thống nhất bán đảo Triều Tiên trên cơ sở độc lập, tự chủ, dân tộc tự quyết theo tinh thần các Tuyên bố chung hai miền Triều Tiên ngày 15-6-2000 và ngày 4-10-2007. Tổng Bí thư cũng hoan nghênh những tiến triển mới đạt được trong đàm phán 6 bên và chúc mừng việc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vừa ký tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).

Bộ trưởng Pak Ui Chun khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước Triều Tiên là trước sau như một coi trọng và làm hết sức mình để không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Bộ trưởng vui mừng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển mới quan trọng trong thời gian qua, được đánh dấu bằng chuyến thăm Triều Tiên vào tháng 10-2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam./.