Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử
TCCS - Ngày 10-6-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mở đầu hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, triển khai Đề án 06 là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án 06 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn lực... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” Đề án 06 (văn bản số 452/TTg-KSTT, ngày 23-5-2023); đồng thời, ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới. Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18; nêu những việc đã làm được, tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; phát hiện nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập để đề xuất giải pháp khắc phục...
Hội nghị đánh giá, sau một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện Đề án 06 có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh, an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Trong số 23 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ ngành đã hoàn thành 1/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 3 luật; ban hành 3 nghị định. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định quy định về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật cư trú; ban hành 4 thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Đến nay, cả nước đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính; tỷ lệ công bố thủ tục hành chính đúng hạn tại các bộ, ngành đạt 14,28%; tỷ lệ đồng bộ công bố, công khai quá trình giải quyết thủ tục hành chính đạt 66%. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 71,7% tổng số thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính. Có 96/124 hệ thống thông tin đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng, tương đương 77,4%; 103/124 hệ thống thông tin đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng. Đến nay, có 18 bộ, ngành, một doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu nhằm tháo gỡ 5 “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18. Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024; 55/63 địa phương đã ban hành chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án 06, nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo, như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa, Nghệ An…
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử; huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thí điểm các mô hình mới trong triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm trong triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ Đề án 06 và thương mại điện tử mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử; quyết liệt thực hiện các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng; rà soát, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử...; thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung./.
Hà Phương (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phấn đấu tăng trưởng đạt cận trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu  (09/06/2024)
Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an  (07/06/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình  (03/06/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới  (02/06/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm