“Lương y như từ mẫu”
TCCSĐT- Trong những ngày qua, tại các địa phương trong cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2010), vinh danh các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, cán bộ, công nhân viên ngành y tế Việt Nam, những người đã cống hiến trí tuệ, sức lực và xương máu cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những hoạt động kỷ niệm này đã phác họa nên bức tranh chung về quá trình phát triển, những thành tựu đã đạt được của ngành Y tế, phát động phong trào thi đua tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân năm 2010 và những năm tiếp theo.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tới dự các hoạt động kỷ niệm, ghi nhận những đóng góp to lớn các thế hệ bác sỹ, thày thuốc, công nhân viên ngành y tế Việt Nam đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đồng thời cũng nêu lên những nhiệm vụ mà ngành Y tế cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Trong 65 năm xây dựng và phát triển; 55 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thầy thuốc phải như người mẹ hiền”, ngành Y tế đã vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu và từng bước trưởng thành trong công tác chăm sóc sức khỏe, tạo cho người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, các cán bộ, nhân viên y tế có mặt trên khắp các chiến trường, những nẻo đường của Tổ quốc để chăm sóc, cứu chữa bộ đội, chăm lo sức khỏe nhân dân. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành Y tế trưởng thành nhanh chóng. Những tấm gương thầy thuốc tận tụy trị bệnh cứu người, các công trình nghiên cứu đột phá trong một số lĩnh vực là niềm tự hào của cả đất nước. Ngành y tế đã đóng góp quan trọng đưa đất nước phát triển như ngày hôm nay.
Ðến nay, các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt, đưa Việt Nam đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng thu nhập quốc dân.
- Chỉ số phát triển con người của Việt Nam không ngừng tăng lên trong suốt hơn hai thập kỷ qua; thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, sởi, ho gà, bạch hầu; tỷ suất chết mẹ, chết trẻ em giảm rõ rệt; tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi.
- Công tác phòng, chống dịch bệnh được tiến hành chủ động, khống chế và đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm, góp phần nâng cao uy tín của ngành y tế Việt Nam trên thế giới.
- Công tác khám, chữa bệnh cũng có sự tiến bộ vượt bậc, nhiều tiến bộ kỹ thuật y học với công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến của thế giới đã được ứng dụng thành công. Gần 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước có cán bộ y tế làm việc, khoảng 65% số xã có bác sĩ, hơn 90% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; khoảng 65% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, phòng bệnh cho nhân dân, ngành Y tế cần tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ:
- Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, nâng cao hiệu quả quản lý, trong đó chú ý đổi mới về đầu tư và cơ cấu phân bổ ngân sách theo hướng ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Chuyển dần hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bên cung cấp dịch vụ y tế (các cơ sở y tế) sang người sử dụng dịch vụ y tế. Ngân sách nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách đối với các đối tượng do nhà nước bảo đảm nhằm bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động bảo đảm phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm điều kiện tăng thu nhập cho viên chức sự nghiệp, người giỏi, người tài được trả lương thỏa đáng. Tăng cường xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ phát triển bệnh viện tư nhân, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ði đôi với việc sửa đổi chính sách giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật BHYT và Nghị định 62/2009/NÐ-CP của Chính phủ.
- Nâng cao tính công bằng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân. Triển khai mạng lưới y tế cơ sở rộng hơn nữa để có thể chăm lo đầy đủ cho người dân ở cả những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Mạng lưới y tế rộng khắp, người dân được chăm sóc tốt ở tuyến cơ sở sẽ giúp giảm tải đáng kể cho y tế tuyến trên.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giảm các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc tập thể, nhiều người mắc.
- Tiếp tục triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, xây dựng quy hoạch chi tiết đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Kết quả đạt được của ngành Y tế tại một số địa phương:
Ngành Y tế Thủ đô đã gắn các hoạt động của ngành với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hoàn thành xuất sắc nhiều chương trình, chỉ tiêu; chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa y tế đạt kết quả, ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật dịch vụ chất lượng cao trong khám và điều trị cho người dân. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn; 2 tập thể và 2 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng ba; 37 thầy thuốc của Thủ đô được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 202 trong tổng số 230 xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 1 Thầy thuốc nhân dân và 72 Thầy thuốc ưu tú. Riêng năm 2009, tỉnh có 17 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và ngành y tế tỉnh được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Nhân dịp này, 8 bác sĩ của tỉnh Bắc Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; Bộ trưởng Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương Vì sức khoẻ nhân dân cho 602 cá nhân và tặng bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân của tỉnh... Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân hàng năm đều thực hiện đạt và vượt. Kết quả xếp loại hàng năm có từ 75- 95% bệnh viện, trung tâm kỹ thuật tuyến tỉnh được xếp loại xuất sắc và tốt; 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đạt khá và tốt, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt loại khá và tốt, không có cơ sở xếp loại trung bình và yếu. Ngành Y tế Vĩnh Phúc liên tục nhiều năm được Bộ Y tế công nhận “Đơn vị xuất sắc”; được Chính phủ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”. Năm 2002, ngành Y tế được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì... Từ năm 2005 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có dịch sốt rét, sốt xuất huyết. Dịch cúm A/H1N1 xảy ra tại tỉnh được khống chế dập tắt hiệu quả. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 22,8% năm 2006 xuống chỉ còn 18,7% năm 2009. Tỷ lệ trẻ em tiêm dưới 1 tuổi tiêm đủ 7 loại vắc sinh luôn đạt hơn 96%. Năm 2009, toàn tỉnh có 142/186 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. ... Trong năm 2009, toàn ngành có 6 đơn vị đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện; 18 bệnh viện, đơn vị y tế dự phòng được xếp loại xuất sắc; 90% CBVC đạt lao động tiên tiến. Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ - Bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung có trang thiết bị hiện đại ngay từ lúc mới thành lập. Bệnh viện được xây dựng trên diện tích 2.600 m2, bố trí dây chuyền khám bệnh hợp lý, với đầy đủ các khoa chính... Với đội ngũ gồm 250 nhân viên trong đó có 60 bác sĩ và 120 điều dưỡng, mỗi năm bệnh viện đã khám bệnh cho hằng trăm ngàn bệnh nhân và điều trị nội trú cho hàng ngàn lượt người bệnh. Từ cuối năm 2009, Bệnh viện đã ký hợp đồng với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn VinaCapital thực hiện chương trình mổ tim với quy mô lớn cho những bệnh nhân nghèo có chỉ định mổ tim tại miền Trung- Tây Nguyên. Đến nay, hàng chục ca mổ tim bẩm sinh và mắc phải cho trẻ em và người lớn trong chương trình này đã được thực hiện thành công, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình. Năm 2010, và những năm sắp tới, ngành Y tế Bình Định quyết tâm phấn đấu đạt những mục tiêu lớn như giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tuổi thọ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn sức khoẻ của nhân dân; phấn đấu mọi người đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; lồng ghép có hiệu quả truyền thông y tế và giáo dục sức khoẻ vào các hoạt động xã hội khác tại địa phương; tăng cường công cứu nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý cán bộ các cấp để đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng cao của ngành Y tế tỉnh. Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu ngành Y tế Khánh Hoà hướng tới trong năm 2010 là: Nâng cao y đức cho các thầy thuốc. Năm 2010, Khánh Hoà phấn đấu đạt mục tiêu 10.000 dân có 8 bác sĩ, 1,5 dược sĩ cao cấp và 24 giường bệnh; 100% trạm y tế xã phường có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, có cán bộ dược tá và y học cổ truyền. Trong năm 2010, ngành Y tế Phú Yên sẽ nâng cấp mạnh mẽ về hạ tầng, trang thiết bị và kỹ thuật chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên được xây dựng mới với quy mô 500 giường bệnh sẽ đi vào hoạt động trong năm. Bệnh viện này được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại với sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của Ngân hàng Tái thiết Đức (KWF) và Tổ chức Phát triển Đức (GTZ) trị giá hơn 3 triệu Euro. Ngoài ra, toàn bộ các bệnh viện tuyến huyện cũng đang được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 100 bệnh viện, 13.000 cơ sở y tế với hơn 30.000 cán bộ y tế. Cơ sở vật chất các đơn vị y tế đã được trang bị nhiều thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm hiện đại ngang với các nước trong khu vực. Với những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ y tế trong thời gian qua, hoạt động y tế thành phố đạt được nhiều thành quả đáng kể. Các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân thành phố được nâng lên rõ rệt. Năm 2009, mức giảm tỷ lệ sinh đạt 1%o, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 0,5%o. Các bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật cao thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp trong ghép tạng, ghép gan và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm./. |
Bảo đảm nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế  (27/02/2010)
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao  (26/02/2010)
Tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam ở mức 8%/năm  (26/02/2010)
Xuất, nhập khẩu đều giảm mạnh  (26/02/2010)
Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi  (26/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên