Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân
TCCS - Ngày 23-5-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan về tiến độ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Phố Nối - Quảng Trạch; tình hình, khả năng cung ứng điện trong các tháng cao điểm năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo; tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII.
Dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với trụ sở ủy ban nhân dân các tỉnh có đường dây 500 kV mạch 3 đi qua.
* Về tiến độ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Phố Nối - Quảng Trạch, sau khi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối vận hành vào cuối tháng 6-2024 theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế nước ta đang phục hồi, phát triển tích cực. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, trong đó có nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng. Theo dự báo, nhu cầu điện năm 2024 tăng 9%, song trong quý I-2024 nhu cầu đã tăng 3%, có thời điểm tăng 17% so với cùng kỳ.
Ghi nhận kết quả triển khai xây dựng đường dây 500 kV mạch 3, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đã nỗ lực, tập trung và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai dự án; đặc biệt đánh giá cao sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân; nỗ lực của Tập đoàn Điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện và hơn 8.000 cán bộ, công nhân, kỹ sư trên công trường thi công công trình với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, “bàn làm, không bàn lùi”.
Chỉ rõ 6 bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tập trung cao độ cho dự án. Trong đó, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng: tập trung thúc đẩy việc sản xuất, vận chuyển, lắp cột còn lại; khẩn trương hoàn thành giải phóng, bàn giao mặt bằng các khoảng néo cho đơn vị thi công để tổ chức kéo dây; phối hợp giải quyết nhanh, hiệu quả việc nhập khẩu các thiết bị, vật tư phục vụ dự án bảo đảm thông quan thông suốt, vận chuyển kịp thời tới công trường phục vụ thi công; huy động tổng lực nhân lực, phương tiện, đồng thời chi viện nhân lực, thiết bị cho công trình.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vượt qua khó khăn, thách thức, thi công dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường; bảo đảm quyền lợi của các chủ thể liên quan; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân nơi đường dây đi qua.
** Về tình hình, khả năng cung ứng điện trong các tháng cao điểm sắp tới, theo Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sản lượng điện lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 khoảng 124,1 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, cuối tháng 4-2024, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục, với công suất cực đại toàn quốc đạt tới 47.670 MW, tăng 13,2 %, sản lượng ngày đạt 987,39 triệu kWh, cao hơn 6,87% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo nhu cầu điện các thời gian tới tiếp tục tăng do nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là mùa nắng nóng. Vì vậy, cùng với tiếp tục huy động tối đa các nguồn phát điện, tổ chức truyền tải điện điều hòa giữa các vùng miền, cần tổ chức và vận động toàn dân tiếp kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả.
Cùng với đó, các ngành, đơn vị cũng chủ động chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than, khí. Các đại biểu đánh giá hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm 2024.
*** Về tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII, theo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, đã phê duyệt danh mục nguồn điện năng lượng tái tạo của 46/63 tỉnh, thành phố; 17 tỉnh, thành phố còn lại chưa cung cấp thông tin.
Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố đang tích cực xây dựng danh mục dự án năng lượng tái tạo; xử lý các nội dung liên quan tới các dự án đã thi công nhưng chồng lấn quy hoạch, các dự án được nêu tại các kết luận thanh tra; các vấn đề liên quan tới phương án đấu nối các dự án năng lượng tái tạo, dự án sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương đề xuất điều chỉnh bổ sung chuyển đổi một số dự án điện than; có cơ chế và bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng mới nhằm triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Kết luận về nội dung này, nhắc lại nhu cầu tiêu thụ điện thời gian qua và dự báo nhu cầu tiêu thụ điện thời gian tới, nhất là vào thời kỳ điểm cao, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đã và sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn phải rà soát, nắm chắc tình hình, có các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đa dạng hóa các nguồn điện; chủ động chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than, khí; trong đó sử dụng tối đa than trong nước vừa bảo đảm chủ động cung ứng than cho điện, tiết kiệm ngoại tệ và tạo việc làm cho trong nước, đồng thời kiểm soát thật tốt, chống tiêu cực, nhất là chống nhập khẩu, khai thác than lậu; tích nước các hồ thủy điện, điều phối nước hài hòa, hợp lý phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất nông nghiệp, chống lũ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành các nghị định huy động tối đa điện gió, điện mặt trời và nguồn điện tự sản, tự tiêu, mua bán điện trực tiếp, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phải có cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng các đường dây tải điện, trong đó khuyến khích các nguồn lực theo hình thức công tư, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tổ chức điều phối tốt, khai thác các nguồn điện hài hòa, hợp lý, hiệu quả, cả nguồn điện trong nước và nhập khẩu; xem xét tính giá điện phù hợp, vừa khuyến khích huy động mọi nguồn lực vào đầu tư, vừa bảo đảm khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kế hoạch, phương pháp phân phối điện, hướng dẫn người dân tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả…/.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho phát triển đất nước nhanh, bền vững  (16/05/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên