Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I-2009 đạt 3,1%, con số được đánh giá là khả quan trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Các dự báo quốc tế gần đây cho thấy, tình hình kinh tế thế giới năm 2009 vẫn tiếp tục khó khăn và khó lường.

Theo dự báo gần đây nhất, khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ từ -0,5% đến -1% (trong đó, EU là -3,2% thay vì năm ngoái là + 0,9%, Mỹ là -2,6% và đặc biệt, Nhật là -5,8%). So với dự báo trước đó vào ngày 28-1, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Do vậy, nhiều chuyên gia nhận định, tác động của kinh tế thế giới vào kinh tế Việt Nam chắc chắn còn mạnh hơn năm 2008.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng 3,1% là một điều khả quan, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của cùng kỳ năm ngoái là 7,4%. Theo Thứ trưởng, hiện nay, nhiều giải của Chính phủ được đưa ra và triển khai rất đồng bộ và phát huy hiệu quả.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản quý I-2008 so với cùng kỳ năm trước là 2,86%; công nghiệp và xây dựng: 8,15%; dịch vụ: 8,05%; giá trị sản xuất công nghiệp: 16,3%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản: 4,1%; tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tăng 29,2%.

Nguyên nhân tăng trưởng nông nghiệp thấp, chủ yếu do mất mùa vụ Đông ở phía Bắc và sản lượng lương thực vụ Đông Xuân ở miền Nam thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, tiêu vẫn duy trì được vì vẫn có nhu cầu.

Thị trường xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu lạc quan. Nga vừa cấp phép xuất khẩu lại cho 30 nhà máy đông lạnh của Việt Nam. Bra-xin cũng cấp phép lại cho 60 công ty thủy sản của Việt Nam. Vì thế, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản quý II đạt kế hoạch.

Các hoạt động đầu tư trong thời gian qua trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I vẫn đạt đến con số 6 tỉ USD; trong đó, vốn đầu tư cấp mới cho các dự án tăng thêm vốn đạt trên 3,8 tỉ USD. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp FDI vẫn nhìn thấy triển vọng đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Trong quý I-2009, các địa phương trên cả nước đã cấp phép cho 93 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 2,171 tỉ USD; bằng 28% về số dự án và 30% về tổng vốn đầu tư so với quý I-2008. Đáng chú ý, giải ngân các nguồn vốn đều nhanh hơn, kể cả từ nguồn vốn ngân sách tập trung đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, an sinh xã hội trong quý I tiếp tục được bảo đảm và duy trì. Đơn cử, đã có 21.000 lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm được việc làm mới, chiếm 70-80% tổng số lao động dôi ra./.