Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
TCCS - Nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank - Walter Steinmeier và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23-1 đến ngày 24-1-2024. Ngày 23-1-2024, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chủ trì Lễ đón trọng thể Tổng thống và Phu nhân Cộng hòa Liên bang Đức. Ngay sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm cấp cao.
* Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thăm cấp Nhà nước Việt Nam, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và tin cậy chính trị, tạo động lực đẩy mạnh toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế - xã hội năng động của Việt Nam; nhấn mạnh trong gần 50 năm qua, sự gắn kết chặt chẽ và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố phát triển; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, chuyển đổi năng lượng, lao động và dạy nghề, hợp tác phát triển, cũng như phối hợp chặt chẽ đóng góp cho hòa bình và các vấn đề hợp tác khu vực, toàn cầu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ với Đức. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cảm ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Đức đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam phòng, chống COVID-19, thể hiện tình hữu nghị và đoàn kết gắn bó giữa hai nước, góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh và sớm mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong không khí tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao đổi về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức, cũng như chia sẻ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Đức trong gần 5 thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Trong nhiều năm, Đức luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam hiện là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch hai nước năm 2023 đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Đức là nhà đầu tư lớn thứ tư trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.
Nhằm phát huy nền tảng quan hệ tốt đẹp, những tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Đức, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương gồm đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Tham vấn Chính phủ về hợp tác phát triển, Đối thoại về nhà nước pháp quyền, phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức giai đoạn 2023 - 2025.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy hợp tác hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là Trường Đại học Việt - Đức, dự án biểu tượng của quan hệ hai nước, đang vận hành hiệu quả. Tổng thống Frank-Walter Steinmeier mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Trường Đại học Việt - Đức phát triển thành công, nhất là thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, ủng hộ Trường Đại học Việt - Đức mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau. Tổng thống Đức khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế tin cậy, mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam, nhất là về đầu tư. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn sự hỗ trợ của Đức đối với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển trong hơn 3 thập kỷ qua, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đề nghị Đức tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường và đào tạo nghề. Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier khẳng định Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia, tài chính trong triển khai khuôn khổ JETP nhằm góp phần thực hiện các cam kết giảm khí phát thải về 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, tư pháp, nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức vào năm 2025.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn Đức tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở Đức sinh sống ổn định, tiếp tục là cầu nối, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hai nước. Tổng thống Đức khẳng định cộng đồng 200 nghìn người Việt Nam tại Đức hội nhập thành công, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.
Trên bình diện quốc tế, hai nước nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương như khuôn khổ hợp tác ASEAN - Đức, ASEAN - EU, Liên hợp quốc. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã cùng chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác về lao động di cư giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, trước đó, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân tới đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn - Hà Nội); tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Thống đốc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản  (22/01/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2024  (21/01/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, chúc tết nhân dân tỉnh Vĩnh Long  (20/01/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp đoàn đại biểu Chương trình “Việc tử tế”  (18/01/2024)
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV  (15/01/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên