Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2023
TCCS - Ngày 24-8-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2023 để thảo luận các dự án: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự thảo luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật.
Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ đã rà soát tổng thể các nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội để thể chế hóa tối đa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW; bảo đảm thống nhất với nghị quyết của Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng luật. Chính phủ xem xét về cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để phát triển Thủ đô; vấn đề phân cấp, phân quyền; quản lý tài chính, đất đai; cải tạo chung cư cũ…
Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ rà soát, xem xét phân định phạm vi điều chỉnh, nội dung quản lý nhà nước trong dự án luật bảo đảm rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đặc biệt là phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông, về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Ở dự án Luật Đường bộ, các đại biểu quan tâm các nội dung về tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ đồng bộ, hiện đại; tạo thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ; gắn phát triển giao thông vận tải với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của từng cấp quản lý về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ…
Đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chính phủ thảo luận về quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tại dự thảo luật; nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; phạm vi điều chỉnh, tổ chức, hoạt động của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; tổng công trình sư; quỹ khoa học và công nghệ; các chế độ, chính sách khuyến khích, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Cùng với cho ý kiến đối với từng dự án luật; giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo, hồ sơ để trình các dự án luật theo quy định, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Giao thông vận tải đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã tích cực thẩm định, thẩm tra để kịp tiến độ trình Chính phủ.
Đánh giá cao ý kiến trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, Thủ tướng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 7 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 34 nội dung gồm có 11 đề nghị xây dựng luật; 14 dự án luật; đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình 2023; dự thảo nghị quyết và các nội dung khác.
Theo Thủ tướng, trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã tập trung đổi mới và tiếp tục phát huy theo hướng: Tăng cường vai trò người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực; dành đầu tư công sức, nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế; bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; quán triệt, hiện thực hóa chủ trương của Đảng trong các văn bản pháp luật; tham khảo các quy định của quốc tế; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực cho phát triển; kịp thời bổ sung nội dung phù hợp với thực tiễn; đổi mới quy trình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, thông qua việc rà soát, tổng kết, việc trình các dự án, đề nghị xây dựng luật phải làm rõ những quy định kế thừa, giữ như hiện hành; làm rõ những quy định cần loại bỏ; làm rõ những quy định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đối với nội dung báo cáo về cắt giảm nguồn lực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần làm rõ nội dung cắt giảm, cần có lý do và đánh giá cụ thể.
Thủ tướng giao các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết theo quy định; giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật theo phân công. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình hoàn thiện, trình văn bản; bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, công tác xây dựng thể chế sẽ nặng nề hơn. Chính phủ, các thành viên Chính phủ phải quyết tâm thực hiện thành công đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ tối đa các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tạo đột phá trong một số phong trào thi đua cụ thể, thiết thực  (11/08/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên