Đổi mới giáo dục ở tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tình hình mới
TCCS - Xác định giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong toàn tỉnh.
Những kết quả đạt được của ngành giáo dục Quảng Ninh thời gian qua
Ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và vùng sâu, vùng xa
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định phương hướng phát triển “Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế”, trong đó nhấn mạnh một trong các khâu đột phá là “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số”(1). Một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này là cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó thực hiện các bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực.
Để tạo sự công bằng, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng miền núi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND, ngày 9-12-2011, “Về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”; Nghị quyết số 183/2014/NQ-HĐND, ngày 12-12-2014, “Về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ở các xã trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND, ngày 27-7-2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về việc bổ sung nội dung một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, áp dụng cho một số đối tượng và địa bàn đặc thù của tỉnh Quảng Ninh”; Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND, ngày 30-7-2019, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND, ngày 9-12-2022, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, tư thục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”… Từ các nghị quyết của tỉnh, sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục vùng cao nói riêng đã từng bước khởi sắc, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở cấp học mầm non... Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ, là huyện miền núi với hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số) có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, chủ yếu là dân tộc Dao, được hỗ trợ tiền ăn bán trú gần 600.000 đồng/em/tháng; học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/em/tháng. Nhiều học sinh nhà ở cách trường gần 20km, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ, được tỉnh hỗ trợ để có thể ăn, nghỉ bán trú tại trường, giúp tỷ lệ học sinh đến lớp cao hơn, ổn định hơn.
Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học, trong năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh đã tiến hành xây mới 494 phòng học văn hóa, phòng học bộ môn và một số hạng mục phụ trợ, cải tạo, sửa chữa 19 trường với 105 phòng học. Nổi bật là dự án đầu tư mở rộng Trường Trung học phổ thông Hòn Gai (thành phố Hạ Long), được xây mới dãy nhà học 6 tầng, xây mới khối nhà văn phòng 5 tầng, nhà đa năng 2 tầng, sân giáo dục thể chất; Trường Mầm non xã Đông Xá và Trường Tiểu học thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) được đầu tư xây dựng trên diện tích 4.882m2 , Trường Tiểu học Hải Hòa (thành phố Móng Cái) được đầu tư xây dựng thêm 2 dãy nhà với 30 phòng học, phòng chức năng… Tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các công trình, phòng học tại 89 trường học trên địa bàn tỉnh, với kinh phí trên 180 tỷ đồng; đồng thời, đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thư viện, phát triển văn hóa đọc cho các trường tiểu học với kinh phí hơn 29,2 tỷ đồng; mua sắm thiết bị cho khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với kinh phí 218,9 tỷ đồng…
Cùng với việc ban hành nghị quyết hỗ trợ cho giáo dục các vùng khó khăn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống trường học các cấp, tỉnh Quảng Ninh xác định chính sách cho giáo dục phải bảo đảm hài hòa, cân đối giữa giáo dục với đào tạo, giữa loại hình công lập và tư thục. Đối với lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là Trường Đại học Hạ Long, tỉnh đã ban hành nhiều nhóm chính sách, trong đó, đặc biệt quan tâm công tác bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Nổi bật là các Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND, ngày 12-12-2014, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015 - 2017”; Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND, ngày 7-12-2019, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long”; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, ngày 27-8-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Quy định chính sách thu hút, đào tạo học sinh, sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025”…
Trước những yêu cầu mới về nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030” nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV. Ngày 16-3-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 799/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh đề cương Đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”. Mục tiêu của Đề án là hướng đến sự phát triển toàn diện năng lực cho người học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm tính mở và liên thông, theo hướng chuẩn hóa, dân chủ hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh là một trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đứng trong nhóm đầu của cả nước...
Từ những chính sách vượt trội, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ninh đã có những bước tiến không ngừng. Các năm học từ năm 2021 đến 2023 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, những tác động tiêu cực từ bệnh dịch rất lớn, tuy nhiên, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những thành tích cao. Những thành tích nổi trội trong giáo dục tiếp tục được ghi nhận, nhiều học sinh giành được huy chương, giải cao tại các cuộc thi, kỳ thi ở tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế (1 huy chương bạc Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương; 2 huy chương vàng cuộc thi phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 15; 1 giải nhất tiếng Pháp Olympic quốc tế, 1 huy chương đồng tại kỳ thi Olympic vật lý châu Âu, 4 huy chương bạc tại cuộc thi “Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế” tại Đài Loan; nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh có tới 3 học sinh giành được vòng nguyệt quế trong các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia (Học sinh Đặng Thái Hoàng, năm 2012; Nguyễn Hoàng Cường, năm 2018; Nguyễn Hoàng Khánh, năm 2021). Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương có thành tích nổi trội về giáo dục, với 48 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tăng 7 giải so với năm 2021... Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của tỉnh xếp thứ 31/63 tỉnh, thành, tăng 5 bậc so với năm 2021; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 88,11% (556/631 trường)...
Có thể thấy, trong những năm qua, chất lượng giáo dục của tỉnh Quảng Ninh không ngừng được nâng cao ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, ngoài các chính sách theo quy định chung nhằm phát triển và đổi mới giáo dục - đào tạo, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng để hỗ trợ giáo viên, học sinh theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ…, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, từng bước bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Hướng tới mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đột phá trong giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, “Về chuyển đổi số toàn bộ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngành giáo dục Quảng Ninh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quá trình dạy và học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đơn cử, Trường Tiểu học Hạ Long (thành phố Hạ Long) đưa ứng dụng PLICKERS vào việc kiểm tra kiến thức của học sinh theo hình thức trắc nghiệm (ở mỗi câu hỏi, đáp án có mã code, giáo viên dùng điện thoại quét đọc đáp án). Ứng dụng PLICKERS giúp giáo viên tổ chức ôn tập bài cho học sinh và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả hơn, tạo được sự hứng thú trong học tập cho học sinh, qua đó dễ dàng nắm bắt mức độ nhận thức, kiến thức của học sinh để kịp thời đưa ra các biện pháp giúp các em học tập hiệu quả hơn.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống vận động thông minh của các trường mầm non, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Mục tiêu của ngành giáo dục Quảng Ninh đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục, trong đó tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong đó, đặt ra mục tiêu chung là triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cụ thể, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nghề nghiệp là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, nhằm thay đổi theo chiều hướng tích cực cách thức quản lý, làm việc, tạo ra hiệu quả công việc cao. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và nhà quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, được đào tạo kỹ năng và phương pháp giảng dạy phù hợp triển khai đào tạo trên môi trường số. Các chương trình đào tạo cũng được tích hợp năng lực số, nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp và kho học liệu, tài nguyên số phục vụ cho hoạt động dạy và học; có hạ tầng số, nền tảng số phù hợp để kết nối và khai thác với nền tảng số quốc gia.
Áp dụng giáo dục STEM trong các cấp học
Những năm gần đây, giáo dục STEM (chương trình giảng dạy được thiết kế để trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng tổng hợp liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering), toán học (Math), được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh tích cực đưa vào áp dụng trong các trường học. Đây là phương pháp giáo dục tiên tiến, là cơ hội khuyến khích khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp kiến thức, tự học, tự nghiên cứu của học sinh, là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở cấp trung học, giáo dục STEM đã được các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh chủ động thực hiện từ nhiều năm nay, bằng nhiều hình thức, trải nghiệm thực tế hoặc tổ chức các câu lạc bộ, gắn hoạt động STEM vào các cuộc thi. Đối với giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chính thức từ năm học 2022 - 2023; với cấp mầm non, một số trường đã bắt đầu đưa bài học STEM vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Giáo dục STEM đã góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, thông qua đó có những tác động tích cực, làm chuyển biến công tác dạy và học tại các nhà trường, học sinh được thực hành, trải nghiệm, học tập gắn với cuộc sống thực tế; tăng cường mở rộng không gian lớp học cho học sinh với phương pháp thực học, trải nghiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, đạo đức người học, tạo sự tương tác hiệu quả giữa gia đình - nhà trường, giáo viên - phụ huynh - học sinh trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho các em học sinh. Kế hoạch tổ chức học tập trải nghiệm sáng tạo của các nhà trường nhận được sự đồng thuận của đông đảo các bậc phụ huynh và học sinh. Giáo dục STEM cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, giúp học sinh phát triển toàn diện, tăng khả năng, kỹ năng về thực hành và ứng dụng. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, đặc biệt là tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến STEM và ứng dụng công nghệ trong dạy và học, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức vào thực tế để chế tạo làm các sản phẩm tái chế.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng “xã hội học tập”.
Hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh hết sức chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng “xã hội học tập”. Một trong những thế mạnh của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh là truyền thống hiếu học sẵn có của tỉnh, các phong trào xây dựng “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học” và “khu dân cư hiếu học” được cả hệ thống chính trị tham gia và toàn dân ủng hộ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 251.377 gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học” (chiếm 72% số gia đình trong tỉnh); 1.010 dòng họ được công nhận “dòng họ hiếu học” (chiếm 63% so với tổng số dòng họ trong tỉnh); 1.259 khu dân cư được công nhận là “khu dân cư hiếu học” (chiếm 86,2% so với tổng số khu dân cư trong tỉnh). Tại Hội nghị Tuyên dương gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học xuất sắc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2022, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen cho 42 mô hình học tập thuộc Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh. Phong trào khuyến học được lan tỏa khắp các xã, phường, vùng sâu, vùng xa, khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tạo động lực cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao trình độ, tạo cơ sở nền tảng quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự phát triển, hội nhập của tỉnh.
Một số vấn đề đặt ra trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Quảng Ninh thời gian tới
Một là, bổ sung đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, toàn tỉnh có hơn 21.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên, còn thiếu hơn 1.600 giáo viên so với quy định. Quy mô, cơ cấu, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý còn chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở các môn học và tại một số đơn vị trường học. Việc bổ sung giáo viên, nhân viên còn chưa kịp thời trong khi số trường lớp liên tục tăng, nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy môn tin học, ngoại ngữ.
Hai là, đầu tư hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, các chính sách khuyến học, khuyến tài, tương xứng với yêu cầu. Bổ sung trang thiết bị giáo dục để đáp ứng việc dạy và học theo chương trình mới. Thực tế cho thấy, nhiều trường còn thiếu máy tính phục vụ giảng dạy môn tin học, thiếu các phòng học bộ môn; có trường tuy có giáo viên dạy môn tin học nhưng hệ thống máy tính được trang bị trước đó hiện đã cũ, không đáp ứng được việc học.
Ba là, tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện của tỉnh; có cơ chế, chính sách thu hút giảng viên đại học, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm văn hóa, lịch sử, con người, kinh tế - xã hội, đề xuất các nhóm giải pháp đột phá nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực... Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề cần mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh… Trường Đại học Hạ Long cần bắt kịp xu hướng đào tạo của các trường đại học lớn trong nước và quốc tế, phát triển trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát huy được lợi thế của trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng đặc biệt trong phát triển du lịch, nên cần chú trọng hơn nữa bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch, nhất là về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo tài năng nghệ thuật. Theo định hướng phát triển đến hết năm 2025, quy mô đào tạo chính quy của Đại học Hạ Long sẽ đạt từ 8.000 -10.000 sinh viên, trong đó sinh viên đại học chiếm trên 80%; đến năm 2030, Đại học Hạ Long sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu cả nước trong đào tạo nhân lực các ngành du lịch, nghệ thuật, ngôn ngữ; phát huy vai trò động lực của khu đô thị đại học, là nơi thu hút các tổ chức giáo dục, đào tạo, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, quy mô đào tạo từ 15.000 - 20.000 sinh viên.
Bốn là, có cơ chế khuyến khích phát triển mạnh giáo dục ngoài công lập, bảo đảm sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, phụ huynh, học sinh và nhà đầu tư; có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên giỏi trong cả nước về dạy học tại địa phương; đào tạo nâng cao để chuẩn hóa ở mức độ cao đội ngũ giáo viên hiện có, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Quảng Ninh ở tốp khá trong cả nước về chất lượng giáo dục và là một trong những tỉnh đi đầu trong mô hình giáo dục thông minh, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 20% - 25%, thực hiện lộ trình tự chủ và giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập./.
--------------------
(1) Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 27-9-2020, https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/DH-Dang/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=94007, truy cập ngày 13-7-2023
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo ở thành phố Hà Nội  (22/07/2023)
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện công tác xây dựng Đảng về cán bộ qua thực tiễn tại một số quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội  (06/07/2023)
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới hiện nay  (03/07/2023)
Tỉnh ủy Bắc Ninh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo  (03/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển