Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 42
TCCS - Ngày 9-5-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay Labuan Bajo, Indonesia, bắt đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và hoạt động liên quan theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch ASEAN 2023 Joko Widodo.
Ngay sau khi tới Labuan Bajo, Indonesia dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Tại cuộc gặp song phương với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo của nước chủ nhà Indonesia, đánh giá cao việc Indonesia lựa chọn Labuan Bajo làm địa điểm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và tin tưởng hội nghị sẽ là cột mốc để thành phố phát triển thịnh vượng trong tương lai. Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Tổng thống Widodo.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua; nhất trí phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt, tạo động lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia phát triển lên tầm cao mới; cho rằng quan hệ của hai nước mang tính chiến lược, không chỉ đối với hai nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2023; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia và Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật; tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký kết, trong đó có Chương trình hành động giai đoạn 2019-2023 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia và sớm xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2024 - 2028, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn nữa giữa hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai nước duy trì đà tăng trưởng thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn; đề nghị Indonesia tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia; tăng cường hợp tác biển, trong đó có việc triển khai đường dây nóng hỗ trợ hoạt động nghề cá và chia sẻ thông tin thực thi pháp luật trên biển.
Tổng thống Indonesia đánh giá cao và ủng hộ những đề xuất hợp tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; khẳng định Indonesia luôn coi trọng, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và kết cấu hạ tầng.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ duy trì đoàn kết, vai trò trung tâm và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất, tinh thần tự cường và vai trò trung tâm của ASEAN.
* Tại buổi tiếp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Hun Sen, chúc mừng Campuchia tổ chức rất thành công Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32), góp phần nâng cao hình ảnh đất nước trong con mắt bạn bè khu vực và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ tin tưởng Campuchia sẽ tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khoá VII vào tháng 7-2023, góp phần nâng cao vị thế của Campuchia ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam; đồng thời cảm ơn Việt Nam đã quan tâm, ủng hộ và cử lãnh đạo dự khai mạc SEA Games. Thủ tướng Hun Sen rất cảm động được biết đông người Việt Nam đã tới xem SEA Games 32, góp phần vào thành công của đại hội thể thao. Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Tổng Bí thư và lãnh đạo Việt Nam đã gửi lời thăm hỏi tới Hoàng Thái hậu, Quốc vương Campuchia và cá nhân Thủ tướng. Thủ tướng đồng thời trân trọng gửi lời thăm hỏi thân tình đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Việt Nam.
Hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Các cơ chế hợp tác phát huy hiệu quả, đặc biệt là Cuộc gặp cấp cao hai Đảng tháng 2-2023 vừa qua, kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia lần thứ 20 và Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 12 thành công tốt đẹp. Hai bên nhất trí sẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận giữa hai nước; đẩy mạnh hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với việc hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới ngày càng thu hẹp. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, giáo dục - đào tạo… Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ và hiệu quả cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn mời Tổng thống Widodo và Thủ tướng Hun Sen sớm thăm lại Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11-5-2023, tại Labuan Bajo, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên với tư cách quan sát viên. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế thể giới có những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sản xuất, thương mại, đầu tư thấp; lĩnh vực tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều bất an; quá trình tái cơ cấu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng... tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia đặt ở vị trí ưu tiên.
Theo chương trình công tác, cùng với dự các phiên họp toàn thể, phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự các Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên, Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách cao cấp (HLTF) về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước ASEAN.
Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 sẽ xem xét, thông qua nhiều văn kiện quan trọng về các lĩnh vực hợp tác trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm và tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế  (12/04/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Singapore  (10/02/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bước vào năm mới với năng lượng mới, khí thế mới  (28/01/2023)
Chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt kết quả toàn diện, thực chất  (12/01/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt  (24/11/2022)
Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV  (15/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển