Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc và tiếp Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN
TCCS - Ngày 14-2-2023, tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và EuroCham Việt Nam gồm đại diện gần 50 công ty, tập đoàn thành viên. Đại diện Đoàn, ông Jens Ruebbert, Phó Chủ tịch, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg; ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, đồng Trưởng đoàn, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tới thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia hàng đầu và tiên phong trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Nam Á. Nhấn mạnh Việt Nam có triển vọng phát triển rất lớn, đại diện Đoàn cho rằng, năm 2022 đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, Việt Nam là điểm đến đầu tư, thương mại cho các quốc gia trên thế giới. Với việc Việt Nam đưa ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Nhấn mạnh vai trò của ASEAN, ông Jens Ruebbert cho rằng, Việt Nam là điểm đến lý tưởng; hy vọng cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để Việt Nam có thể tăng cường hợp tác hơn nữa với Hội động Kinh doanh EU - ASEAN. Đại diện một số công ty trong Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN cho rằng, khu vực ASEAN đang đẩy mạnh phát triển công nghệ số hóa để có thể cung cấp các dịch vụ và tăng cường tính bền vững thông qua các hoạt động của Chính phủ; nhấn mạnh EU có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược này.
Tại buổi tiếp, các đại biểu bày tỏ vui mừng khi EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam; còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Đặc biệt, Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là động lực quan trọng giúp thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng; năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 62,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021. Hai bên tin tưởng rằng, hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai bên có nhiều dư địa để khai thác sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực. Hiện có 12/27 nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam, trong mọi quyết sách của mình, kể cả trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đều vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy sự hội nhập ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả của Việt Nam vào khu vực và quốc tế. Đây là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong 77 năm Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU cũng như quan hệ với các nước thành viên; luôn ủng hộ tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các thị trường bất động sản, vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lao động… để các thị trường này phát triển đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, bền vững, hội nhập.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các ý kiến tại cuộc gặp mặt thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ của các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt những năm qua với Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19; điều này khiến các cơ quan Việt Nam càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn để hai bên tiếp tục hợp tác trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả”.
Trao đổi về những nội dung Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và các doanh nghiệp quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để có hệ thống pháp luật lâu dài, ổn định, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã chuẩn bị và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81, xác định danh mục 137 nhiệm vụ lập pháp, xác định rõ tiến độ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm với từng nhiệm vụ và sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ mới phát sinh để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển.
Về các kiến nghị trong lĩnh vực y tế, ngoài Nghị quyết số 30 của Quốc hội và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép gia hạn thời hạn đăng ký lưu hành thuốc cho khoảng 14 nghìn giấy phép và mở rộng thêm với nguyên liệu làm thuốc. Hiện nay, Bộ Y tế của Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết này. Đây là một bước để tiến tới sửa đổi căn bản Luật Dược. Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào đầu tháng 10-2023, trong đó đã quy định các nội dung về tài chính y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, khám, chữa bệnh từ xa, áp dụng kỹ thuật mới... Quốc hội cũng đang cùng với Chính phủ thúc đẩy việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để bảo đảm hiệu quả thực thi của Luật. Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật về trang thiết bị y tế; có lộ trình rõ ràng về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Đấu thầu (trong đó có cơ chế đặc thù cho lĩnh vực y tế)...
Về chuyển đổi số, kinh tế số, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng GDP, đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. Kinh tế số đang là lĩnh vực hết sức tiềm năng của Việt Nam với quy mô hơn 50 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng từ 16-18%/năm. Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu tích cực tham gia vào tiến trình này, góp phần xây dựng hệ sinh thái cho chuyển đổi số ở Việt Nam. Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Luật Đầu tư cũng cho phép Quốc hội và Chính phủ được ban hành các thể chế thực hiện các sandbox trong lĩnh vực này.
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay đặt ra những khó khăn, áp lực rất lớn đối với thế giới trong việc thực hiện các mục tiêu của COP26; mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp EU về hai vấn đề gồm: huy động tài chính xanh và cân đối giữa lợi ích - chi phí trong quá trình chuyển đổi.
Về lộ trình phát triển bền vững liên quan tới phát triển điện gió, quy hoạch điện VIII, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Việt Nam có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và quyết tâm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy hoạch liên quan tới phát triển điện trên cơ sở xem xét tổng thể 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Trong đó, tìm giải pháp phù hợp về giá với các dự án điện gió đã triển khai, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, Nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.
Về vấn đề cấp phép lao động, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp trước mắt thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Các cơ quan mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý về các khó khăn, vướng mắc và đang tích cực tiếp tục xem xét sửa đổi các quy định trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, cắt giảm thủ tục theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa thuận tiện nhất có thể, giảm thời gian và chi phí, bảo đảm lợi ích của các bên.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN và EuroCham Việt Nam tích cực vận động các nước còn lại trong Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, sớm gỡ thẻ vàng về thuỷ sản đối với Việt Nam. Những việc này càng sớm bao nhiêu càng đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng hai bên bấy nhiêu./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Khai mạc Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (14/02/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xây dựng đồng bằng sông Hồng là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt  (13/02/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh  (13/02/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Brunei Darussalam  (11/02/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển