An Giang tạo bệ phóng phát triển mới trên nền tảng 190 năm hình thành và phát triển
TCCS - Ngày 29-7-2022, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tỉnh ủy An Giang tổ chức trọng thể Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022)”. Các đồng chí: TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Văn Nưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang; TS. Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang; Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có gần 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Trung ương; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu chào mừng hội thảo, TS. Lê Hồng Quang nhấn mạnh, hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển” là một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, tiến tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Hội thảo nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành, phát triển tỉnh An Giang, nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nhân dân An Giang, là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông; đồng thời, hun đúc cho thế hệ hôm nay và mai sau trách nhiệm tiếp nối truyền thống và những trang sử vàng chói lọi của dân tộc; góp phần xây dựng tỉnh An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Bình khẳng định, hội thảo là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người An Giang; về vai trò, vị trí, những đóng góp của An Giang trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh An Giang trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với tinh thần đó, sau một thời gian triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 167 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu trong và ngoài tỉnh và đã chọn 96 tham luận phù hợp với mục đích và yêu cầu để xuất bản kỷ yếu phục vụ hội thảo. Để hội thảo thật sự chất lượng và hiệu quả, đóng góp thiết thực về phương diện lý luận và thực tiễn, đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị các đại biểu trao đổi và làm sâu sắc 7 nội dung: Thứ nhất, xác định luận cứ khoa học và thực tiễn về sự kiện thành lập tỉnh An Giang. Thứ hai, quá trình hình thành, di dân, lập ấp ở vùng đất An Giang; An Giang qua thư tịch, tài liệu cổ thời nhà Nguyễn. Thứ ba, công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước và tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân đối với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh trong suốt chiều dài lịch sử. Thứ tư, quá trình hình thành và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ An Giang trong 92 năm qua. Thứ năm, những thành tựu nổi bật của tỉnh qua 190 năm hình thành và phát triển trên tất cả các lĩnh vực; sự kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang. Thứ sáu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn. Thứ bảy, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của An Giang; khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế; định hướng và giải pháp đột phá trên các lĩnh vực để An Giang phát triển xứng tầm.
Phát biểu tham luận với chủ đề: “Những đột phá sáng tạo của tỉnh An Giang trong phát triển kinh tế - xã hội”, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, An Giang là một trong các địa phương năng động nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành tựu có tính đột phá, sáng tạo nổi bật của An Giang thể hiện trên nhiều lĩnh vực, phương diện, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số chủ trương có tính sáng tạo, đột phá nổi bật như: Đẩy mạnh đầu tư vào thủy lợi, chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm; thực hiện hợp đồng 2 chiều ứng trước cho dân để sản xuất; thí điểm chuyển sang cơ chế “2 giá”; Nhà nước mua nông phẩm của dân theo giá hợp đồng; chủ trương “mua đúng bán đúng”; xóa bỏ các trạm “ngăn sông cấm chợ”; chương trình khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên (năm 1988); chương trình khuyến nông (năm 1989); chương trình phát triển nông thôn (năm 1992); chương trình khuyến công (năm 1996); chương trình khai thác lợi ích từ các công trình thoát lũ ra biển, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ; chương trình trồng và bảo vệ rừng; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (năm 2012); mô hình “Cánh đồng lớn”… An Giang cũng là tỉnh đột phá, đi đầu về nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, công nghệ cao, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế; có những đột phá trên lĩnh vực du lịch, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực phát triển. Sau khi nêu một số hạn chế, thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện những mô hình đột phá, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, đồng chí PGS, TS Đoàn Minh Huấn khuyến nghị, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm một số vấn đề, như: Xem nông nghiệp tiếp tục là nền tảng của kinh tế địa phương; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển; triển khai Chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; huy động tối đa nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững.
Tham luận “Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang hiện nay”, TS. Nguyễn Văn Giàu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, chỉ ra một số hạn chế, bất cập mà tỉnh cần sớm có giải pháp khắc phục. Đó là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm do duy trì đất trồng lúa quá lớn để làm nghĩa vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; chưa khai thác du lịch đúng tiềm năng, lợi thế tự nhiên, vị trí địa lý của tỉnh; kinh tế biên mậu với các tỉnh bạn Vương quốc Campuchia chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chậm phát triển, chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường; kết cấu hạ tầng kinh tế còn lạc hậu; liên kết, hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa đi vào thực chất...
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu trao đổi, thảo luận một số nội dung, như: Việc thành lập tỉnh An Giang qua sử liệu Quốc sử quán triều Nguyễn; vị thế An Giang trong tiến trình Nam Bộ hội nhập khu vực và thế giới trước năm 1858; khẩn hoang lập ấp ở An Giang thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn; công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước của quân dân An Giang; An Giang - vùng đất địa linh nhân kiệt; một số thành tựu chủ yếu của Đảng bộ An Giang qua quá trình hình thành và phát triển; An Giang đổi mới, hội nhập và phát triển nhìn từ thành tựu cải cách thủ tục hành chính; thực tiễn và kinh nghiệm lãnh đạo phát triển nông nghiệp giai đoạn 1986 - 2020 của Đảng bộ An Giang; An Giang phát huy các thành tựu, khát vọng và quyết tâm mới mang tính đột phá.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Văn Nưng trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Trung ương; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh đã dự, tham luận và thảo luận, góp phần cho sự thành công tốt đẹp của hội thảo. Nội dung các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội thảo hết sức phong phú, đa dạng, đề cập nhiều phương diện, góc độ khác nhau của chủ đề hội thảo đặt ra. Các tham luận đã thể hiện phương pháp tiếp cận đa chiều, trên quan điểm hệ thống, toàn diện, lịch sử cụ thể, đổi mới và phát triển; có ý nghĩa tư tưởng chính trị sâu sắc, có hàm lượng khoa học cao, phản ánh thực tiễn đa dạng, phong phú trong chặng đường 190 năm hình thành và phát triển của tỉnh. Những ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận sẽ được Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu, chọn lọc và tập hợp để tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về những chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển tỉnh An Giang xứng tầm trong thời gian tới./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển