Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
TCCS - Ngày 27-4-2022, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Cuộc họp nhằm thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 đến nay, đồng thời xác định yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW mở rộng phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo sang cả công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6-4-2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cho ý kiến hoàn thiện đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt trong chỉ đạo phát hiện, xử lý một số vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo cũng khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, quy định về kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo; quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác, phát hiện, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chức năng, nhất là trong quân đội, công an, viện kiểm sát, tòa án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính và các thành viên Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.
Khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án “Tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng. Vụ án “Tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan. Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua công tác thanh tra, ngành thanh tra đã chuyển 65 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 13 vụ việc, 18 đối tượng tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 31 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như: Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên...
Công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tiếp tục được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 2.050 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm chưa cao, phối hợp chưa tốt. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập và gần đây lại bộc lộ thêm trong lĩnh vực định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 19 vụ án, truy tố 21 vụ án, xét xử sơ thẩm 24 vụ án, xét xử phúc thẩm 6 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 39 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tập trung điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Việt Á. Vụ án “Tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng. Vụ án “Tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận. Vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố...
Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm trong quý II-2022, gồm: Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và một số địa phương liên quan. Vụ án “Nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... và những kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, không để bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách, quản lý; khẩn trương rà soát, làm rõ trách nhiệm của các trường hợp đùn đẩy, né tránh, chậm kết luận giám định, định giá tài sản, để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Ban Nội chính Trung ương - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo - chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Chỉ đạo tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo một số cơ quan báo chí đầu tư xây dựng các chuyên trang, chuyên mục sâu sắc hơn, chất lượng hơn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: Vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan. Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Vụ việc sai phạm liên quan đến dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, Thành phố Hồ Chí Minh. Các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, những công việc đã làm trong thời gian vừa qua với khối lượng lớn, rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt. Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vừa qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào chứ không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng. Tiêu cực ở đây rất rộng nhưng chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bước đầu đã làm rõ một số vụ việc tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm; cứ có dấu hiệu là ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các vụ án đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Nhân dân cũng tin tưởng, trông chờ, đòi hỏi thêm ở hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Chúng ta càng phải làm việc này cho tốt, càng phải gương mẫu giữ gìn mình cho tốt”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp và nhuần nhuyễn hơn nữa.../.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển đồng bằng sông Cửu Long xanh, bền vững và toàn diện  (23/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla  (21/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tạo chuyển biến mới, có tính đột phá phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ  (16/04/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  (16/04/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên