Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19
TCCS - Ngày 5-3-2022, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trên phạm vi toàn quốc, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, nhất là sau khi biến thể Omicron thâm nhập.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá những vấn đề đặt ra khi số ca mắc tăng cao, cũng như những vấn đề mới, đột xuất cần lưu ý, quan tâm để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; đề xuất bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề về thuốc, vaccine phòng COVID-19.
Làm rõ một số vấn đề, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số ca mắc trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron (đã xuất hiện ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ), chiếm gần 90% tổng số các mẫu phát hiện ở trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện. “Vaccine hiện nay đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu…", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố thông tin, phân tích về tình hình dịch bệnh tại địa phương, các biện pháp được tăng cường triển khai nhằm bảo vệ người có nguy cơ cao, đặc biệt đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19. Một số ý kiến đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để hạn chế ảnh hưởng của biến thể Omicron đến hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội; hướng dẫn người dân mua, sử dụng thuốc Monulpiravir an toàn, kịp thời…
Điểm lại công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine của chúng ta thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Về công tác điều trị, chúng ta đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro; đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.
Cùng với đó, vấn đề “thuốc điều trị là việc khó” nên Bộ Y tế tiến hành rất thận trọng, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân, vừa tuân thủ các quy định pháp luật, vừa giải quyết vấn đề cấp bách đặt ra chưa có tiền lệ. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã cấp phép được một số loại thuốc để phòng, chống dịch. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để nhanh chóng cấp phép thêm loại thuốc phù hợp tình hình, thông lệ quốc tế cũng như các quy định của luật pháp, giải quyết được bài toán không có tiền lệ.
Bên cạnh đó, việc sản xuất vaccine trong nước được thúc đẩy với tinh thần tích cực, hạn chế tối đa thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học; ưu tiên tính mạng, sức khỏe người dân và đến nay tình hình đang có triển vọng cao.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, do kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Từ mối quan hệ chặt chẽ của hai nhiệm vụ này, khẳng định đường lối đúng đắn khi chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch; việc triển khai chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Chuẩn bị sẵn sàng với dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “đa mục tiêu”: Tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội; bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh.
Về giải pháp triển khai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”, vận dụng linh hoạt trong điều kiện cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I/2022, cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm), hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3-2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật  (05/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát triển hạ tầng giao thông trên tinh thần đổi mới, đột phá tư duy  (02/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển