Không ngừng vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào
TCCS - Nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng chí Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến ngày 8-12-2021. Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane và Phu nhân diễn ra trọng thể tại nhà Quốc hội với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân.
Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân tiếp Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane và Phu nhân. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã có buổi hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tại các buổi hội đàm, hội kiến, trong không khí thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào anh em, thay mặt Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, các nhà lãnh đạo nước ta nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Lào sang thăm chính thức Việt Nam, mang đến tình cảm đồng chí anh em thân thiết của Quốc hội và nhân dân các dân tộc Lào anh em. Chúc mừng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em đã đạt được trong suốt 46 năm qua, nhất là thành quả sau 35 năm đổi mới, trong đó có những đóng góp vô cùng quan trọng của Quốc hội Lào; đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước Lào trong ứng phó với những khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng Chính phủ và nhân dân Lào sẽ sớm vượt qua những thách thức hiện nay, kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội và tiếp tục phát triển bền vững.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ chính trị - ngoại giao trên tất cả các kênh không ngừng được thắt chặt. Đặc biệt, hai bên đã phối hợp tổ chức rất thành công hai chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 6-2021) và của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Lào (tháng 8-2021) với nhiều kết quả quan trọng và thực chất, góp phần định hướng và tạo thêm động lực cho hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, năng lượng, kết nối giao thông, giáo dục và đào tạo; hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong phòng, chống dịch COVID-19; hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân... được tiếp tục quan tâm, thúc đẩy. Mặc dù hai nước đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2021 đạt 948 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Việt Nam đứng thứ ba trong 54 nước đang đầu tư tại Lào với 409 dự án, có tổng giá trị 1,9 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng đang được triển khai theo kế hoạch.
Trao đổi về quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng nhận thấy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội thời gian qua phát triển rất tốt đẹp. Hai bên đã triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác ký năm 2017 với nhiều hoạt động hợp tác đa dạng như trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các cấp; tổ chức hội thảo chuyên đề có nội dung chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật; phối hợp giám sát các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước; hỗ trợ nhau trong công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân và cán bộ của Văn phòng Quốc hội cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Hai Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên cần đánh giá cụ thể kết quả hợp tác của Quốc hội hai nước thời gian qua, trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Trên cơ sở đó sẽ xem xét ký thỏa thuận hợp tác mới với những sửa đổi và bổ sung cụ thể hiệu quả, thực chất hơn; thúc đẩy một số nội dung quan trọng như phối hợp chặt chẽ giám sát và tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030, Hiệp định Hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025 và các hiệp định khác.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội bao gồm tổ chức kỳ họp Quốc hội và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội về các nội dung hợp tác mà hai bên cùng quan tâm, trở thành mối quan hệ mẫu mực trong hợp tác quốc tế. Hai bên có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến để góp phần tạo sự vững mạnh cũng như thúc đẩy thực hiện vai trò và hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp hai nước trong bối cảnh Quốc hội hai nước phần lớn là đại biểu mới.
Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất tăng cường giao lưu giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ gắn với việc tổ chức các cuộc hội thảo về thực hiện vai trò của cơ quan lập pháp, hội nghị về truyền thống quan hệ đặc biệt giữa hai nước để quán triệt cho các thế hệ trẻ kế thừa tài sản này. Cùng với đó là trao đổi văn hóa, nghệ thuật, tổ chức triển lãm ảnh về lịch sử, quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam và các hoạt động khác thích hợp và phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19; tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới và các tỉnh có quan hệ kết nghĩa của hai nước.
Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác 3 bên Việt Nam - Lào - Campuchia về Tam giác phát triển ba nước thực chất hơn với các hội thảo chuyên đề cấp ủy ban của Quốc hội ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; thống nhất đề nghị Quốc hội, Thượng viện Campuchia xem xét khi cần thiết có thể tổ chức gặp mặt cấp Chủ tịch Quốc hội của Quốc hội ba nước để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia về Tam giác phát triển ba nước.
Năm 2022, hai bên sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 - 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022). Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí Quốc hội hai nước có các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong năm 2022; tổ chức các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Quốc hội và cấp ủy ban của Quốc hội kể cả hình thực trực tiếp và trực tuyến; tổ chức hội thảo chuyên để giữa Quốc hội hai nước về những nội dung mà hai bên quan tâm.
Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí xem xét khả năng tổ chức đoàn giám sát chung giữa các ủy ban chuyên môn của Quốc hội hai nước về việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp lý về biên giới tại hai nước, các thỏa thuận hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2016 - 2021, các dự án cụ thể; thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế như: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)..., tổ chức các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị; phối hợp, trao đổi lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Tại buổi hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng nhận thấy, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hữu nghị truyền thống Việt Nam - Lào vẫn không ngừng được củng cố, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1,062 tỷ USD, tăng hơn 30,1% so với cùng kỳ năm 2020; Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ ba về đầu tư tại Lào, với 209 dự án và tổng số vốn đăng ký 5,18 tỷ USD; trong năm 2021, có thêm 3 dự án mới, 2 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký 47,84 triệu USD.
Hai đồng chí lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam - Lào trong ứng phó với dịch COVID-19 thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane bày tỏ cảm ơn sâu sắc sự hỗ trợ kịp thời và quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Lào trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với truyền thống giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn và tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, Việt Nam luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình để góp phần giúp các bạn Lào chiến thắng dịch COVID-19.
Về phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Lào nhất trí, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, cũng như chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào sắp tới; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh, nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư để tương xứng với tổng thể quan hệ đặc biệt giữa hai nước; trao đổi kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô; phối hợp thúc đẩy, triển khai các dự án hợp tác chiến lược lâu dài mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, nhất là tập trung vào việc triển khai, thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng kết nối như: dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng chăn, bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3…
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hai nước tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án về hợp tác giáo dục đã ký, nhất là tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2022, góp phần giúp các thế hệ hiện tại và tương lai hiểu biết sâu sắc hơn nữa về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước; ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn đa phương, đặc biệt các vấn đề liên quan đến an ninh - phát triển của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công và vấn đề Biển Đông.
Tại buổi gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Lào đã thông báo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về kết quả cuộc hội đàm với chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, thông báo kết quả của cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó có việc Việt Nam hỗ trợ Lào phòng chống dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội Lào đề nghị hai bên tiếp tục kiểm tra, giám sát những kế hoạch và thúc đẩy các dự án kết nối kinh tế và giao thông như dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Viêng chăn - Hà Nội, dự án tuyến đường sắt Khammuan - Vũng Áng…; đồng thời đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại hơn nữa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chia sẻ với Lào về những thách thức hiện nay, nhất là những khó khăn do COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp hiệu quả, chặt chẽ ứng phó dịch bệnh và cần tiếp tục trong thời gian tới. Chủ tịch nước cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là ưu tiên và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Hai nước luôn là những người đồng chí, anh em, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Chủ tịch nước đề nghị hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước thúc đẩy hợp tác hai bên, duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương; triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao; phối hợp chuẩn bị tốt nội dung cho Cuộc gặp thường niên hai Bộ Chính trị và Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Cùng với đó là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, năng lượng, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là cùng đầu tư, tranh thủ vốn quốc tế, nhằm mở ra nhiều tuyến kết nối hai nền kinh tế, với trọng tâm là kết nối đường bộ, đường sắt, đường ống xăng dầu… đưa hàng hóa của Lào qua các cảng của Việt Nam đi quốc tế, coi đây là cách để Lào “có cảng biển” nhằm phát huy nội lực, tự chủ kinh tế, phát triển bền vững.
Chủ tịch nước đề nghị hai bên phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong năm 2022, “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Đây là dịp để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước. Đồng thời, hai nước cùng phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, năm có ý nghĩa quan trọng trước thời điểm các nước ASEAN hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và chuyển sang giai đoạn mới. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục làm hết sức mình cùng vun đắp cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triểt, nhất là phát triển kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Nhân dịp này, hai Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến Lễ trao trang thiết bị y tế của Quốc hội Việt Nam hỗ trợ Quốc hội Lào trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trị giá 1,1 triệu USD. Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào thăm Phòng Truyền thống Quốc hội Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội Lào đã ký Sổ vàng lưu niệm.
Trong ngày làm việc đầu tiên tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane đã chủ trì Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là những chia sẻ kinh nghiệm quý báu mà Quốc hội hai nước có thể tham khảo, học tập nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ và trọng trách mà nhân dân giao phó.
Tối cùng ngày, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân đã chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng đồng chí Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào thăm chính thức Việt Nam.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của đồng chí Saysomphone Phomvihane trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Lào, đồng thời là chuyến thăm trực tiếp đầu tiên của một lãnh đạo Quốc hội nước ngoài đến Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chuyến thăm lần này là cột mốc quan trọng, tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa Quốc hội hai nước nói riêng; thể hiện rõ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ keo sơn, gắn bó, đặc biệt, có một không hai giữa Việt Nam - Lào. Việt Nam luôn hết lòng ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Lan tỏa và nhân rộng những tấm gương học tập và làm theo Bác, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc  (06/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tăng cường năng lực ứng phó và sự phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống thiên tai  (06/12/2021)
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  (02/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần tìm ra động lực mới cho Đà Nẵng phát triển  (02/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển