Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Hoa Kỳ
TCCS - Trong ngày hoạt động đầu tiên của chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 tại New York, Hoa Kỳ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry; Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass; tiếp thân mật các bạn bè Hoa Kỳ; chứng kiến lễ trao thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Tại cuộc trao đổi với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ, ông John Kerry về biến đổi khí hậu, vui mừng khi gặp lại và đánh giá cao ông John Kerry là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ qua, Chủ tịch nước chia sẻ những kết quả hai nước đã đạt được sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ. Chủ tịch nước đánh giá cao những sáng kiến của Chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới thông qua các cơ chế song phương và đa phương. Việt Nam cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên John Kerry bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Ông nhấn mạnh quyết tâm và nỗ lực của Hoa Kỳ để thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với vấn đề toàn cầu này.
Tại buổi gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các dự án và ý kiến tư vấn chính sách của Ngân hàng Thế giới đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội Việt Nam, giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, vượt qua các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Chủ tịch nước cảm ơn Ngân hàng Thế giới trong năm qua đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD; ủng hộ cho phép Việt Nam hoãn trả nợ nhanh các khoản IDA để dành nguồn lực mua vaccine, sinh phẩm, thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép", phòng, chống dịch bệnh đồng thời nỗ lực bảo đảm duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất, chuỗi cung ứng, hướng tới thích ứng an toàn với dịch bệnh. Chủ tịch nước đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục tư vấn chính sách phục hồi kinh tế cho Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam được ưu tiên tiếp cận và mua vaccine, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine tại Việt Nam. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ấn tượng trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, cũng như phục hồi kinh tế, đồng thời cám ơn Chính phủ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới trong thời gian qua. Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phòng, chống COVID-19 và đẩy mạnh tư vấn chính sách giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Tại buổi tiếp các bạn bè cánh tả Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, tri ân đối với những người bạn, người đồng chí Hoa Kỳ hết sức thân thiết, thủy chung của nhân dân Việt Nam đã luôn sát cánh với cách mạng và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Chủ tịch nước nêu rõ, sự phát triển tích cực, liên tục của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng cánh tả và nhân dân tiến bộ Hoa Kỳ. Việt Nam hết sức trân trọng và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực, quý báu của các bạn cánh tả Hoa Kỳ đối với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như sự ủng hộ đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp vào hoà bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng.
Khẳng định Việt Nam có mối quan hệ hết sức tốt đẹp với các nước trên thế giới dù chế độ chính trị khác nhau, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đó là nhờ đường lối quan hệ đối ngoại đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm nên vị thế và giá trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ tịch nước tới New York lần này để tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tròn 44 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Tại kỳ họp của Liên hợp quốc lần này, Chủ tịch nước sẽ có khoảng 60 hoạt động trong 3 ngày, trong đó có các hoạt động thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là đề xuất các biện pháp hợp tác quốc tế về vaccine ngừa COVID-19. Việt Nam sẽ chia sẻ với thế giới về kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Điều đó thể hiện Việt Nam năng động và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế hiện nay, thể hiện mong muốn của Việt Nam về hòa bình, ổn định, cùng phát triển với các nước trên thế giới. Chủ tịch nước mong muốn các bạn bè, những người đồng chí luôn "chân cứng đá mềm", vượt qua khó khăn, trái tim nhiệt huyết để tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội cũng như cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tiếp đại diện bạn bè Hoa Kỳ nhân dịp tưởng niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam do bà Merle Ratner, Điều phối viên của Tổ chức Vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hoa Kỳ làm trưởng đoàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự ủng hộ của bạn bè Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bom mìn sót lại sau chiến tranh Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định sau hơn 25 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, cùng có lợi, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau; trong đó đánh giá cao cam kết và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ về giải quyết hậu quả chiến tranh, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng lòng tin với nỗ lực không mệt mỏi từ hai phía. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn bạn bè Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin.
Bà Merle Ratner cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 25 năm qua. Bà khẳng định đã làm việc trong nhiều năm để Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng cách hỗ trợ các nạn nhân về mọi mặt, từ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, làm sạch chất độc da cam còn tồn dư ở Việt Nam. Thay mặt cho bạn bè Hoa Kỳ của Việt Nam, bà Merle Ratner cam kết tiếp tục làm tất cả để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bà Merle Evelyn Ratner là người Mỹ sinh ra tại New York. Bà từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam từ năm 13 tuổi và hiện là điều phối viên Tổ chức Vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chứng kiến lễ ký kết thoả thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho máy bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD giữa Hãng hàng không Bamboo Airways với GE Aviation (thuộc Tập đoàn General Electric) Hoa Kỳ; chứng kiến Hãng hàng không Vietjet và Công ty CFM International (liên danh GE & Safran) ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ tàu bay mới trị giá 260 triệu USD, nâng tổng giá trị hợp tác giữa hai bên lên 18,5 tỷ USD; chứng kiến lễ ký kết T&T Group và Tập đoàn UPC Renewables (Hoa Kỳ) ký kết MoU về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel  (20/09/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Nga  (16/09/2021)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản  (13/09/2021)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên