Bế mạc phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 18-8-2021, sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương và có sự linh hoạt điều chỉnh về nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình phiên họp thứ hai.
Tại nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ hai. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao đối với các vấn đề quyết định theo thẩm quyền cũng như các nội dung cho những ý kiến, những định hướng lớn để các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục chuẩn bị, bảo đảm nội dung chất lượng sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai.
Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi cần được tiến hành kỹ lưỡng và toàn diện để bảo đảm sau khi ban hành tạo ra bước chuyển biến tích cực và rõ rệt trong công tác thi đua, khen thưởng, nhất là khắc phục bệnh hình thức, bệnh thành tích trong tổ chức thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan trình và Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tổ chức tọa đàm, hội thảo để hoàn thiện dự án có chất lượng cao nhất để trình ra Quốc hội xem xét và quyết định. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án luật đầu tiên của Quốc hội khóa XV nên phải bảo đảm dự án luật này trở thành hình mẫu tiêu biểu để hiện thực hóa được tầm nhìn cũng như các định hướng, các chủ trương nâng cao chất lượng công tác lập pháp trong cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Về việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung về công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tình hình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, công tác kiểm tra, công tác thanh tra, thu, chi bảo hiểm xã hội, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, rà soát trách nhiệm về quản lý nhà nước của các quỹ trong quản lý, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các quỹ này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉ đạo cả về định mức, mức đóng của các đối tượng, rà soát lại phạm vi và mức chi sử dụng các quỹ này để bảo đảm cho việc sử dụng các quỹ đúng tính chất là các quỹ ngắn hạn, hằng năm chỉ giữ lại khoảng 10% để làm công tác dự phòng, không để có số dư quá lớn như hiện nay, tránh tiêu cực và trục lợi trong việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; đồng thời đề xuất các giải pháp để bảo đảm tính an toàn của quỹ trong giới hạn, sử dụng chi phí cho bộ máy bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo công tác nghiên cứu xây dựng, xem xét trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa các tinh thần, các quan điểm lớn của Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc, định mức chung về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải làm rõ thêm để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành.
Để bảo đảm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, đó là “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Trong đó, thành viên đoàn giám sát ngoài thường trực các cơ quan của Quốc hội còn bổ sung thêm và mời đại diện một số cơ quan của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đoàn giám sát phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng đề cương chi tiết về kế hoạch triển khai cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền trước khi tổ chức thực hiện giám sát.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc thành lập, giải thể các cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; thông qua quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; giao Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần cuối trước khi ký ban hành.
Về kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổng kết, đánh giá toàn diện, hiệu quả việc thực hiện vấn đề này để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất và đồng bộ để thực hiện các chính sách, pháp luật, thể chế trong giai đoạn tiếp theo.
Về báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Ban Dân nguyện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung về công tác rất quan trọng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ đưa vào hoạt động thường xuyên hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của công tác dân nguyện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến để hoàn thiện báo cáo cũng như chuẩn bị cho những báo cáo của các tháng tiếp theo bám sát vào các chức năng và nhiệm vụ được quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan của Chính phủ trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp Quốc hội làm tốt hơn nữa công tác dân nguyện trong thời gian tới.
Về tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với tinh thần quyết tâm cao nhất, các cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị các nội dung của các kỳ họp, trước mắt là Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp cơ quan tiếp tục bám sát diễn biến tình hình, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng công tác chuẩn bị và đề xuất các phương án, với các kịch bản linh hoạt và hiệu quả theo hướng thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Kỳ họp thứ hai của Quốc hội có thể diễn ra theo hướng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Trong trường hợp điều kiện thuận lợi hơn có thể tổ chức bình thường như trước đây. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, phức tạp thì có thể họp trực tuyến toàn phần. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dù tổ chức theo hình thức nào thì nhân dân, cử tri cả nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều mong muốn, yêu cầu Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm hoàn thành tốt đẹp, chất lượng cao nhất với thời gian ngắn nhất...
Đối với các nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực ủy ban có liên quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng triển khai các kết luận tại phiên họp và hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình ký ban hành...
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý không để diễn ra tình trạng chậm trễ các nội dung của các phiên họp, kỳ họp hoặc là rút nội dung ra do không kịp chuẩn bị hoặc xin bổ sung nội dung rất khẩn cấp nhưng lại không bảo đảm các thủ tục, kể cả thủ tục rút gọn và nhất là không bảo đảm chất lượng.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết ban hành quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; nghị quyết về việc thành lập, giải thể các cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Nước Đông Nam Á  (17/08/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt cán bộ y tế tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 cho các tỉnh, thành phố phía Nam  (05/08/2021)
Bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV  (29/07/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao nghị quyết về công tác cán bộ  (24/07/2021)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV  (20/07/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên