Ngày làm việc thứ hai Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Đẩy mạnh kết nối, hợp tác Mekong với Hàn Quốc, Nhật Bản
TCCS - Ngày 13-11-2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ hai với Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2 và Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 12. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đồng chủ trì các Hội nghị. Cùng tham dự có Lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Mekong - Hàn Quốc vì người dân, thịnh vượng và hòa bình
Tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Hàn Quốc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đồng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan, các nhà lãnh đạo đã tập trung rà soát tình hình triển khai Tuyên bố Mekong - sông Hàn được lãnh đạo các nước thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ 1 tại Busan, tháng 11-2019 và thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Về hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhận định khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, lãnh đạo các nước cũng bày tỏ quan ngại về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt tại khu vực Mekong; từ đó nhất trí tăng cường hợp tác trong quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm hoạ thiên tai.
Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ nhất đã thống nhất hợp tác sẽ dựa trên 3 trụ cột (người dân, thịnh vượng và hòa bình) và 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên (văn hóa và du lịch, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường, các thách thức an ninh phi truyền thống). Hội nghị này cũng đã tuyên bố thành lập Trung tâm nghiên cứu chung về nguồn nước (đặt tại Hàn Quốc), Trung tâm đa dạng sinh học Mekong - Hàn Quốc (đặt tại Myanmar) và Hội đồng kinh doanh Mekong - Hàn Quốc (với thành viên bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp của các nước Mekong).
Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức và phục hồi kinh tế. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã nhất trí nâng cấp hợp tác Mekong - Hàn Quốc lên Quan hệ Đối tác chiến lược vì người dân, thịnh vượng và hòa bình. Theo đó, các bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong 7 lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp 6 nước. Các nhà lãnh đạo cũng khuyến khích sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hợp tác Mekong - Hàn Quốc với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện chung trong “Năm Giao lưu Mekong - Hàn Quốc 2021” để kỷ niệm 10 năm thành lập cơ chế hợp tác.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ hai và nhất trí Campuchia, Hàn Quốc sẽ đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ ba trong năm 2021.
Tăng cường hơn nữa kết nối Mekong - Nhật Bản
Tại Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 12 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đồng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, các nhà lãnh đạo đã rà soát tiến trình hợp tác trong năm qua và thảo luận phương hướng nâng cao hiệu quả hợp tác trong giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác của Nhật Bản với các nước Mekong trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như kết quả hợp tác trong hơn một thập kỷ qua. Hội nghị ghi nhận những tiến triển trong triển khai Chiến lược Tokyo 2018, Tầm nhìn Phát triển công nghiệp Mekong 2.0, Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030, Sáng kiến KUSANONE Mekong về phát triển bền vững...
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước Mekong hoan nghênh những sáng kiến do Thủ tướng Suga Yoshihide đề xuất tại Hội nghị, bao gồm Sáng kiến Đối tác Đầu tư vì Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) Mekong, hợp tác tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, các chương trình nâng cao năng lực trong một số lĩnh vực chuyên ngành. Lãnh đạo các nước đánh giá kinh tế thế giới nói chung và khu vực Mekong nói riêng đang tiếp tục đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19, thiên tai và các bất ổn địa chính trị. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo tái khẳng định nỗ lực chung vừa phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh, vừa tái thiết nền kinh tế.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường, giảm thiểu hậu quả thiên tai, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong, chuyển đổi kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khu vực.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 12; nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 trong năm 2021 tại Nhật Bản.
Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 12 Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản. Tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 11 tổ chức tại Thái Lan, ngày 4-11-2019, các nhà lãnh đạo đã thông qua hai văn kiện: Tuyên bố chung và Tài liệu “Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030”. Các nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ đối tác chiến lược đã giúp hợp tác Mekong - Nhật Bản đóng góp hiệu quả phát triển khu vực Mekong - Đông Nam Á.
Các nước nhất trí đẩy mạnh triển khai Chiến lược Tokyo 2018 gắn kết với các mục tiêu SDGs của Liên hợp quốc và Kế hoạch tổng thể ACMECS; tăng cường kết nối hệ thống thông tin cả phần cứng và phần mềm, xây dựng thành phố thông minh; bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, các nước nêu thêm một số ưu tiên như hoàn tất cao tốc Vientiane - Hà Nội, tổ chức Diễn đàn Kết cấu hạ tầng và Kết nối chất lượng cao Mekong - Nhật Bản, triển khai Quỹ bảo hiểm thiên tai cho Myanmar và Lào...
Theo chương trình dự kiến, ngày 14-11-2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ ba với 5 Hội nghị Cấp cao gồm: Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 8; Hội nghị Cấp cao của các Nhà Lãnh đạo ASEAN - New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 2; Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23; Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15. Cùng ngày, dự kiến sẽ có cuộc gặp giữa lãnh đạo ASEAN+3 và đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á; Lễ khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN) với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc”./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37: Thúc đẩy định hướng phát triển giai đoạn mới cho ASEAN  (13/11/2020)
Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN: Quyết tâm duy trì sự đoàn kết, hợp tác, liên kết khu vực bền chặt  (13/11/2020)
Thúc đẩy mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước  (06/11/2020)
Chính trường Nhật Bản và người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe  (31/10/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam