TCCS - Ngày 13-7-2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội _ Ảnh: vietnamplus

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến tổng kết Kỳ họp thứ 9 và bước đầu cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; xem xét việc ban hành nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội và nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (từ nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các nội dung trình tại phiên họp lần này đã được các cơ quan chuẩn bị tích cực, trong đó có hai dự án luật đã được khẩn trương tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian ngắn sau kỳ họp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đã có trong chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã thông báo đến các cơ quan hữu quan ngay từ đầu năm nhưng tiến độ chuẩn bị chưa bảo đảm nên phải rút ra hoặc phải chuyển sang phiên họp của tháng sau. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, theo dõi, bám sát chương trình để thực hiện đúng kế hoạch đề ra; đồng thời nhấn mạnh, nếu có phát sinh vấn đề khó khăn thì các cơ quan sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời có phương án điều chỉnh chương trình, thời gian kỳ họp và giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền. 

Phiên họp thứ 46 làm việc trong hai ngày 13 và ngày 14-7-2020.

Tiếp theo phiên khai mạc, với sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp đồng tình với quan điểm chưa nên ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô như Chính phủ đề xuất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, việc ban hành chính sách tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô rất cần thiết đối với những người nghèo. Tuy nhiên, thời điểm này chưa nên ban hành vì thiếu căn cứ pháp lý, tính khả thi không cao...

Thùy Linh (tổng hợp)